Câu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn Vĩnh

25.03.2020

Truy kích được vài cây số, thì có điện khẩn từ Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà yêu cầu Tiểu đoàn quay lại, thực hiện nhiệm vụ quân quản thành phố Hội An. Lúc 08 giờ sáng ngày 28/3, chúng tôi trải quân dọc theo sân bay Hội An, mượn nhà dân trú tạm, nghỉ ngơi và chờ đợi.
Đường phố vắng lặng. Các nhà đều khép cửa im ỉm. Toàn bộ hệ thống chính quyền của địch hoảng loạn tháo chạy, co cụm về Đà Nẵng trong đêm. Khẩu đội tôi vào hàng hiên ngôi nhà tôn nhỏ bên đường. 

Câu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn Vĩnh

Người trong nhà lặng lẽ, thập thò nhìn ra quan sát. Tôi ngồi tựa vào vách phên ván, cố để không tỏ ra mệt mỏi trong mắt người dân phố. Thực sự sau 3 ngày 3 đêm đi liên tục không nghỉ, hai chân tôi như bị liệt. Tôi nhắm mắt, định tranh thủ ngủ chút trong tư thế ngồi, thì nghe tiếng cô gái:
- Mời chú bộ đội uống nước ạ.

Cô gái lễ phép trao ly nước đến tận tay, miệng nhoẻn cười. Tôi đón ly nước nhấp một ngụm, mắt vẫn không rời cô gái:

- Cháu tên chi hè?

- Dạ, cháu là Nhàn.

- Có đi học không?

- Cháu đang học đệ tam, trường nữ - Ngừng lại nhìn tôi thoáng do dự, rồi bằng giọng tò mò, thích thú Nhàn đặt câu hỏi:

- Chú là người miền Nam hả? Nãy chừ cháu cứ tưởng người Bắc cơ.

- Ừ, chú người Nam, tôi cười cười trả lời.

Ngày đầu tiên xuống phố, được nói chuyện với cô gái xinh xinh thật vui. Thái độ e ngại ban đầu dần chuyển sang thân thiện. Nhàn hỏi thật nhiều, chuyện cô quan tâm nhất là: Có sự trả thù hay không của chính quyền mới? Cô được đi học lại? Chương trình học sẽ có các thay đổi nào? Những câu hỏi thăm dò của Nhàn vào thời điểm ấy, không còn là thắc mắc cá nhân nữa. Nhìn thấy sự hiện diện của chúng tôi, mọi người trong phố hiểu rằng: Tất cả đã hoàn toàn thay đổi. Các câu Nhàn hỏi, thật khó đối với người lính chỉ biết đánh trận, không khỏi làm tôi lưỡng lự khi trả lời:

- Trả thù thì không. Khi hết đánh nhau các trường sẽ mở cửa trở lại. Chương trình học sẽ không có thay đổi nhiều, có chăng chỉ trên lĩnh vực văn học...

Nhàn chăm chú nghe, còn tôi thì ra sức biện luận... Lúc tôi đơn cử về thay đổi của truyện Kiều trong giáo dục Trung học, rằng sẽ tập trung vào các trích đoạn có tính giai cấp nhiều hơn... thì Nhàn cứ tròn xoe mắt lạ lùng. Trước mặt cô, tôi chỉ là chú lính rừng lạ lẫm, lấm láp bụi đất, đầy người toàn vũ khí. Trong lòng cô, có thể nhiều năm qua, ai đó đã vẽ chúng tôi như những gã bặm trợn, hung hãn và hiếu sát... Nhàn dường như bất ngờ, tôi đọc thấy trong mắt cô, sự ngạc nhiên xen lẫn với niềm kính phục, đầy bỡ ngỡ.

Đơn vị chuyển quân. Tôi chào gia đình và Nhàn để lên đường. Đại đội tôi được bố trí đồn trú tại ngôi nhà có tấm biển đề “Tòa án Quảng Nam”, bên cạnh chùa Cầu. Các chị nuôi loay hoay gầy bếp, khổ nỗi là không có củi chụm nấu cơm. Cánh lính chúng tôi tỏa ra, tìm củi ven đường ngơ ngác, nhiều hộ dân biết chuyện mang củi ra cho. Bữa cơm trưa vừa xong thì bên An Hội có tiếng súng đì đoàng nổ. Lệnh báo động đánh địch. Khẩu đội tôi ra chiếm lĩnh bên này đầu cầu An Hội. Tôi ngồi sau khẩu súng máy, nghiêng mình nép vào trụ điện, dây đạn vàng chóe đã lên nòng, mắt đăm đăm nhìn qua bên sông. Một tàn quân chạy vào chùa, chống cự, nhưng đã bị bắt. Đó là tất cả thông tin sau hơn nửa giờ chờ đợi.

Đêm chia nhau đi tuần tra. Đội tuần tra của chúng tôi hơn 10 pháo thủ, được trang bị nhẹ, luân phiên đi dọc Bạch Đằng, vòng ra đường Lê Lợi, tới ngả tư Phan Đình Phùng, nơi hội quân của 4 toán tuần tra. Gặp nhau xong chúng tôi lại theo đường mới quay về. Phố thời ấy có điện nhưng thưa thớt, ánh sáng vàng vọt, đèn đường chỗ có chỗ không. Nhiều đôi mắt trong đêm len lét, ngờ vực dõi theo bước chúng tôi im lặng. Nhiều ngôi nhà cửa đóng im lìm, như lòng người chưa muốn mở ra.

Kết thúc tuần tra đã khuya lắm. Cả đại đội như sắp quỵ ngã vì đói ngủ.  Chúng tôi khổ sở ôm võng bạt luẩn quẩn, tìm chỗ mắc ngủ qua đêm. Đêm của phố bức bối, phẳng lì trong 4 bờ tường vôi vàng úa. Vạn khẩu trưởng làu bàu, nói thay tâm trạng mọi người:

- Xuống phố đã vất vả, nhưng tìm được chỗ treo võng ngủ, khéo lại còn vất vả hơn hỉ.

- Nửa tháng ở chốt nằm đất miết có răng đâu. Tải cười hềnh hệch, dễ dãi trả lời. Thằng lính màn trời chiếu đất, quen rồi có gì mà kêu rếu hử.

Tìm mãi không ra nơi mắc võng, chúng tôi đành trải ny lon trong góc phòng để ngã lưng. Thèm ngủ đến đau đớn. Toàn thân tôi mệt rệu rã, chống tay vào đùi mới bước lên tam cấp được. Ngày đêm bôn hành đã vắt kiệt hết sức lực. Chưa kịp liu thiu thì đàn muỗi phố như ong tới viếng. Lúc đầu tôi còn xua, nhưng sau đó thì không thể xua được nữa. Mang tất chân, lấy áo trùm kín mặt, tôi phải ngủ. Ngủ lúc này, cũng nghiêm trang như mệnh lệnh.

Đầu giờ chiều ngày hôm sau, có tin Đà Nẵng đã giải phóng. Chúng tôi bay bổng cùng niềm vui chiến thắng, quên hết nhọc mệt.

Bước qua đầu tháng tư, từ radio liên tục đưa tin quân ta tiến như chẻ tre. Lúc này chúng tôi vừa tuần tra, vừa làm nhiệm vụ canh gác ngày đêm, hỗ trợ các phường nội thị ổn định hệ thống chính quyền. Một số các trục lộ của phố, rải rác khẩu hiệu mới đã được căng lên. Một buổi sáng, tôi ôm súng đứng gác bên kia cầu An Hội, trong cái chòi gác Dân vệ đoàn cũ. Giữa dòng người qua lại đông đúc và trật tự ấy, chợt một thanh niên tới trước mặt tôi, tươi tỉnh chào:

- Chào chú bộ đội. Chú có thể trả lời cháu vài câu được không?

Chàng thanh niên dáng cao gầy, tóc bù xù rối. Có lẽ anh ta không nhỏ hơn tôi, nhưng chẳng biết sao, từ ngày xuống phố, các bạn trẻ khi gặp chúng tôi lớn nhỏ đều xưng hô chú, cháu... Tôi cảnh giác đặt tay lên báng phụ, tay kia nắm chặt ốp che của súng. Nhìn vào mắt anh, tôi nhẹ nhàng:

- Anh muốn tìm hiểu điều chi hè?

- Cháu thấy câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Anh hé môi mỉm mỉm như cười khẩy. Không gì quý hơn, nghĩa là có cái quý bằng chứ, thưa chú?

- Câu anh hỏi rất hay. Tôi chậm rãi vừa trả lời vừa nghĩ ngợi. Quý bằng... thì nhiều lắm anh ạ. Ví dụ như mạng sống của chúng ta đây này, rất quý. Nhưng chúng ta sống lệ thuộc vào kẻ khác. Sống mà như con chim trong lồng, suốt đời không biết đến bầu trời cao rộng. Cuộc sống ấy có nghĩa lý gì chứ?

Người thanh niên nhìn tôi rất lâu. Ánh mắt pha chút cợt giễu trước đó dần tan. Anh gật gật đầu như hiểu ra điều gì:

- Cảm ơn chú. Những chú lính... à không, chú bộ đội bình dị, nhưng lại có câu trả lời thông minh, sắc sảo đến kinh ngạc. Không giống những ông kiêu binh của đoàn quân chiến thắng.

Buổi chiều đổi phiên trực, nhàn rỗi tôi lại ra đứng trên Chùa Cầu nhìn mông lung. Dòng nước dưới chân cầu đen xỉn, đặc sền sệt. Các con khỉ ngồi sau nồi hương, mắt dõi vào hư vô bất động, như đang nguyện cầu điều gì trong cõi vô ngôn tĩnh lặng. Chung kiệt nơi tôi trú quân, các cô nữ sinh Trung học xinh xắn như Xuân Ngọc, Tuyết Hương... lúc đi chơi gặp tôi, các cô nhìn nhau chúm chím, rồi buông ra một câu tiếng Pháp: “Très beau...” Các cô nghĩ rằng, một gã lính rừng chân trần dép lốp, mãi mãi chẳng tài nào biết được lời khen “đẹp trai quá...”, mà các cô đã dành cho.

Mười ngày sau, Đại đội của tôi lùi ra Ngọc Thành để trú quân. Ngọc Thành nằm ven sông Hoài, trong phố nhưng lại quê. Chúng tôi tận dụng gốc liễu, hàng rào để mắc võng. Mọi người thở phào, sung sướng. Ít nhất đã kết thúc những đêm người lính không võng, mệt nhoài với bọn muỗi rừng, muỗi phố lì lợm, dày như trấu vãi kinh hoàng.

Sau khi ngồi lên võng, đung đưa hai chân, tôi là người hớn hở kêu lên đầu tiên, giọng đầy thỏa mãn:

- Như tìm thấy thiên đường các cậu ạ, haha.

Hòa DK tếu táo, đế thêm vào:

- Tau nhớ mày quá bạn võng ơi, hu hu... sẵn trớn, Hòa vừa ngâm vừa đọc mấy câu thơ: “Đi đâu võng cũng theo tao / Khi ra trận địa lúc vào bản xa...” ôi võng ơi. (Vạn, Tải, Hòa... đều quê đất lúa Thái Bình)

Tiếng cười trẻ trung, hồn nhiên vang khắp góc vườn. Người lính chúng tôi dầm sương trải mật, sống chết không sờn, gian lao không quản. Suốt một thời tuổi trẻ quai balo siết mòn vai áo. Để choàng tay ôm phố, cùng hít thở, ngủ với phố yên bình, không biết bao nhiêu người lính đánh đổi hết cuộc đời mình. Vậy mà khi tới phố rồi, lại luống cuống vụng về, vào ra ngơ ngẩn, vì không tìm được góc riêng nhỏ nhoi, đủ chỗ cho một chiếc võng bạt căng lên, ru mình giấc ngủ dịu dàng.

Trong đoàn quân ấy, xuất thân quê mùa, có người chưa từng thấy quạt điện hay ti vi, chưa được ngồi trong toilette sáng bóng, tráng men mát nhột mông. Có người chưa làm thông phép toán cộng trừ, nhưng tính phần tử bắn trên pháo nhanh như chớp. Có người không viết nổi bức thư tình, vậy mà các cô gái vẫn hiểu lời của trái tim mộc mạc. Những người lính đến cùng nhau từ mọi miền, chung nhau sống và chết, chung nhau duy nhất một Tổ quốc. Mỗi người, chẳng có gì cá biệt. Họ đẹp, nhờ bộ quân phục dãi dầu đi qua trận mạc. Màu quân phục làm nên khúc sử thi bi tráng, của một dân tộc anh hùng.

Khẩu trưởng Vạn mắc võng sau cùng bên tôi. Khi đã êm lưng trên chiếc võng thân thuộc, Vạn mới mở lời:

- Gần 1 tháng nằm giường đất rồi hè. Đau ê hết lưng. Quay qua tôi, Vạn lo lắng nói tiếp. Mặt và hai tay muỗi đốt nát cả, khéo lại sốt thì nguy.

- Người lính không có võng, là lúc anh ta nhọc nhằn nhất ấy nhỉ? Vạn trầm ngâm nói thêm. Lúc ấy, con muỗi bé tí cũng hành hạ được anh ta và trở thành kẻ thù nguy hiểm đáng sợ.

Hai anh em im lặng, nhìn vạt nắng tháng 4 trải trên sông Hoài vàng rực. Cây mận sum suê góc vườn trái đã tròn mọng nước. Trong đầu tôi, chợt hiện lên những điều mà Vạn đã tránh không nhắc tới. Thực ra với người lính thời ấy, chiếc võng làm được nhiều hơn như thế: Võng vỗ về, nhẹ nhàng ôm ru anh ngủ. Võng êm ái, dỗ dành đưa anh tới bệnh viện dã chiến gần nhất, khi sốt hay bị thương. Võng âu yếm, thủy chung gói anh cùng về với lòng đất Mẹ... Từ đó, chiếc võng bạt giản dị có thêm linh hồn!?

Chúng tôi đồn trú ở Ngọc Thành 2 tuần. Ngày đầu tuần thứ 2, tôi trố mắt nhìn Thanh Nguyễn (cô gái nhà tôi đang trọ), trong bộ áo dài học trò trắng tinh, đạp xe tới trường. Tôi chợt nhớ lại Nhàn và câu chuyện tình cờ hôm trước. Giờ này chắc Nhàn cũng đang háo hức tới trường, trong bộ đồng phục nữ sinh tươi tắn. Tôi còn nhớ cồn cào một người khác nữa, ngày nào lang thang cùng tôi nhặt hoa phượng trên sân trường. Ngày ấy hình như, tôi vừa bắt đầu một tình yêu...

N.V
(Tạp chí Non Nước số 253)