Binh bộ Thượng thư Nguyễn Văn Điển - Vũ Hoài An

01.06.2019

Binh bộ Thượng thư Nguyễn Văn Điển, người ấp Trà Quế, làng Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông sinh năm Tân Hợi (1791), tự là Tam Lễ tiên sinh, thụy Trang Lượng đại nhân. Cha là Nguyễn Văn Yến, tự Thanh Trai, là Thư ký Bắc hành, Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ dưới triều Gia Long (1802 - 1820), sau được phong là Triều liệt đại phu và được ban tên Thụy Đoàn Lạng. Mẹ là Văn Thị Tần, tước Tứ phẩm Cung nhân, quê ở làng Hà My (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Binh bộ Thượng thư Nguyễn Văn Điển - Vũ Hoài An

Theo bi ký và gia phả còn lưu lại cho biết, vào năm Canh Tý (1660) triều Lê Thần Tông (1619 - 1643), khi chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) cử binh đánh Trịnh, cháu năm đời của Nguyễn Uông là Nguyễn Văn Tài, người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã theo chúa Nguyễn vào Nam và định cư tại làng Thanh Hà (Hội An). Nhiều thế kỷ trôi qua, tộc Nguyễn Văn là một trong những tộc họ khá nổi tiếng về truyền thống Nho học, đã có nhiều người thi cử đỗ đạt và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn như: Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Điển, Nguyễn Văn Tuyển,…

Thời thơ ấu, Nguyễn Văn Điển sống tại làng Thanh Hà, sau những biến cố lịch sử, mẹ ông đã đưa ông và người em là Nguyễn Văn Huy về định cư tại thôn Trà Quế. Ông nổi tiếng là đứa trẻ hiền lành, đĩnh ngộ, thông minh, hiếu học và có chí lớn. Khi lớn lên, ông thường đàm đạo cùng các nhân sĩ trong địa phương. Ông cùng với em là Nguyễn Văn Huy siêng năng học tập hòng mong thi cử đỗ đạt. Khoa thi năm Kỷ Mão (1819) dưới triều Gia Long, ông đỗ cử nhân và ra làm quan.

Vào năm đầu triều Minh Mạng (1820), ông được phái làm Hành tẩu bộ Công, rồi sau đó được thăng Tư vụ và được phái làm sơ khảo trường thi Sơn Nam. Năm 1825, ông được bổ làm Tri huyện Từ Liêm rồi Tri huyện Quốc Oai. Năm 1826, ông làm Tri phủ Thiệu Hóa. Đến năm 1827 thì được bổ làm Viên ngoại lang thư Lang trung bộ Binh. Năm 1829, ông phụng mệnh tu chỉnh lại tôn phổ nhà vua và được bổ giữ chức Lang trung. Năm 1830, ông được bổ làm Hiệp lý Binh tào sự vụ ở thành Gia Định. Năm 1831, ông được làm quyền nhiếp Hiệp trấn Phan Rang. Năm 1832, được thụ bổ Chánh sứ Khánh Hòa. Năm 1833, được cử làm Bố chánh. Năm 1834, ông làm Khâm sai trường thi Phú Yên. Năm 1835, ông bị giáng chức làm Thừa biện bộ Công hàm tứ phẩm, rồi lại làm Lang trung. Năm 1839, làm Biện lý ở bộ Hộ. Năm 1840, ông tiếp tục làm Biện lý bộ Hộ, sau đó thì chuyển qua giữ chức Biện lý bộ Công.

Sau khi vua Minh Mạng thăng hà, vua Thiệu Trị lên kế vị vào năm 1841, ông được bổ làm Thự tả Thị lang bộ Công và làm Đổng lý phụ trách việc xây dựng lăng Hiếu Đông, là lăng của Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa, chính cung của vua Minh Mạng, thân mẫu vua Thiệu Trị (1841 - 1847), hai năm sau thì được thiệt thọ. Năm đó, nhà vua đại giá tuần du ra Bắc, ông phụng mệnh đến giới đạo Bắc Ninh để đón tiếp sứ thần nhà Thanh. Đến năm 1844, ông được bổ làm Thự hữu Tham tri. Năm 1846, được thiệt thọ rồi làm Khâm sai đại thần đi thanh tra tỉnh Quảng Bình, rồi làm Hiệp lý Thủy sư sự vụ ở kinh đô. Đến năm 1847, ông được bổ làm Đổng lý, tham gia xây dựng Xương Lăng, là lăng của vua Thiệu Trị, ở kinh đô Phú Xuân.

Năm 1848, dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883), ông được sung làm Đổng lý thanh tra bộ Hộ và bộ Hình. Đến năm 1849, khi sứ thần nhà Thanh sang, ông phụng mệnh nhà vua đến Bắc Ninh để đón tiếp, rồi được bổ làm Quyền sự vụ bộ Hình. Năm 1850, ông được bổ làm Hộ lý Tuần phủ coi việc quan phòng, rồi giữ chức Tổng đốc An Tĩnh trước khi được sung làm Khâm sai đại thần đi thanh tra tỉnh Hải Dương. Năm 1851, ông Bộ thự tỉnh ấy. Giờ Ngọ ngày 21.12.1852, ông đột ngột qua đời. Thi hài ông được đưa về mai táng tại làng Thanh Hà vào ngày 13.7.1853. Đến ngày 13.7.1861, ngôi mộ của ông được cải táng đến thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An hiện nay). Tưởng xét những đóng góp to lớn của ông dưới ba triều vua đầu đời Nguyễn nên sau ông khi mất, vua Tự Đức đã truy thăng cho ông chức Thượng thư bộ Binh.

Sinh thời, Nguyễn Văn Điển là người đức độ, là vị quan có nhân phẩm tốt, rất được lòng dân và bạn đồng liêu. Phẩm hạnh, đạo đức của ông được tiến sĩ Phạm Văn Nghị, lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Nam Định ca tụng trong bài văn khắc tại bia mộ: “... Ngài chế đài Nguyễn Tướng Công, ôn hòa độ lượng, mát mẻ như gió thoảng xa nên khoa thứ 3 quốc triều ta, đấng hiền tài sớm đạt, trải hoạn đồ hơn 30 năm. Trời cho dài nối, năm Canh Tuất đầu mùa thu theo ngọn cờ súy vào Nam, làm việc chánh không nhiễu phiền, ơn xuống đến kẻ thôn ở, người đều hưởng nhờ hòa khí, tình thâm đến kẻ hào thân. Xử sự tròn mà thông suốt nên việc không ứ đọng, thận kính mà giản đơn nên người người đều thân mến. Chỉ vì bẩm sinh ngài đôn hậu mà thành dưỡng thì thuần phác, nên cư xử với người thì đều thuận và từng trải. Trời cho đức tốt mà tuổi thọ cũng vẹn tròn nên con cái nối dòng khoa bảng. Lòng vua cũng dựa vào một người tuổi cao ở nhiều địa hạt mà điều tá một vị chăn dân quan mục tốt,…

... Ân cần mà nghiêm lệ, tiếp vật khoan hằng bình dị gần dân, kẻ trí không hoảng hốt, người ngu thì được dạy răn, phân biệt rõ hình tích, không xa lìa thế tục, mà trì thủ định đoạt yên ổn 4 phủ và 18 huyện của tỉnh Nam Định...

… Kiện thưa thì lấy tình mà thỏa xử, kiềm chế mà có pháp luật, không vì cớ gì mà để người dân phải bị nghiêm khắc. Có tật dịch thì phái người cho thuốc trị. Năm bị úng hạn thì tự mình cầu đảo và tâu xin phát chẩn, dân có thể hồi sinh sau cơn khát đói và tâu xin hoãn thuế khóa. Kẻ hương lý không ai lo tay không. Việc công thong thả không quên Nho thuật, lấy văn chương mà làm thân với học giả, họ đều vui cười được vị Nho sư đầm ấm cái phong khí đại nhã. Quan cai trị mà đến với dân để cổ lệ sĩ phu như nắng mùa đông và bóng mát mùa hạ. Khá mến, khá mộ vậy, duy lấy lòng thành mà đãi vật thì vật cũng trả lòng thành, không ác với người thì người không ác lại. Nếu không phải có đức độ chân thật thì làm sao được tốt như vậy... [Nguyễn Bội Liên dịch].

Có thể nói, Nguyễn Văn Điển là một đại thần của triều Nguyễn. Ông đã làm quan trải qua ba đời vua đầu triều Nguyễn, từ Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức và đã có nhiều đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực về chính trị và quân sự. Đồng thời ông còn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, cương trực, là tấm gương tiêu biểu về nhân cách đạo đức và tư tưởng thân dân. Ông đã góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước dưới thời Nguyễn.

V.H.A