Lạc bước - Vũ Tuyết Mây

07.04.2014

Tôi hướng mũi tàu đưa khách lên hang, lúc đi qua làng chài lô xô mái lán, cột buồm nối với khu nuôi cá lồng ràn rạt những sàn ván, ao thả cá mi ni bồng bềnh giữa trời xanh, nước xanh, núi xanh làm du khách sinh tình háo hức khám phá. Tôi lây cái ngẫu hứng của những tâm hồn yêu sống nên chớp mắt đã xong cái giao kèo: không la cà trong hang mà dành thời gian ra làng chài thưởng ngoạn cho bõ một chuyến đi biển của những con người văn minh nhà ống.

Lạc bước - Vũ Tuyết Mây

Tàu tăng tốc xé nước tung bọt trắng xóa chả mấy đã cặp cửa hang, khách ào lên lóc xóc chạy gằn, một thoáng đã líu tíu ngoắc khuỷu tay nhau lên tàu. Tôi thả khách giữa làng chài hẹn giờ rồi thong thả tản bộ trên mặt sàn ván dập dềnh, đến một cái bè nằm thìa lìa ra ngoài biển thì gặp hắn. Tôi nhận ra hắn khá dễ dàng, bởi năm tháng có làm vóc dáng hắn xù ra, nhưng đôi mắt và cặp môi thì có trộn với cả ngàn người cũng không thể nào lẫn được. Hắn có đôi mắt ươn ướt nhìn ai cũng chăm chắm, nhưng cặp môi mỏng, hơi mím, cười đấy mà lại mím đấy, vẻ thận trọng, làm khuôn mặt rõ ràng vuông vức cộng với làn da căng mỏng mà nhìn vẫn khô khô. Hắn là người tôi đau đáu kiếm tìm hơn hai mươi năm ròng không những để trả khối ân tình lúc vận hạn, mà còn muốn thoả cái chí tò mò: hắn, vợ và con hắn bây giờ ra sao?

Tôi và hắn bằng tuổi nhau, bị tống vào trại cải tạo cùng một lúc, lại cùng một buồng. Tôi làm nghề lái tàu đưa khách du lịch trên vịnh làm chết một lúc bốn mạng người, toàn khách Tây chỉ vì một tí sơ xuất: giữa buổi chiều cô em gái lấy chồng xa nhà hơn trăm cây số đường đột về thăm, mẹ gọi tôi về ăn với em bữa cơm đoàn viên, tôi đánh tàu về thả neo gần bờ để khách nghỉ đêm trên tàu hẹn sáng mai đi tiếp. Chẳng ngờ đêm ấy lốc xoáy, tàu lật, bốn cặp vợ chồng người Tây chỉ còn một người đàn ông với ba người đàn bà trên người không một mảnh vải. Tôi bán hết cả tàu lẫn nhà cửa mặt phố của bố mẹ để trang trải hậu sự cho khách mà vẫn còn lĩnh án tù hai mươi năm.

Hắn làm phóng viên đài huyện, mắc tội làm lộ thông tin cơ mật của địa phương. Năm ấy quê hắn bị vỡ đê bao, hắn làm một phóng sự mi ni giọng đầy xa xót, đại ý: “Chẳng ngờ một con đê bao cũng có thể vỡ! Hàng ngàn mẫu lúa đang ở thời kỳ vàng trứng cá, hàng trăm mẫu vườn ao toàn những cây lâu niên, cá tôm ngần ngẫn, đằng thì ngụp túp, đằng bị dinh cả ra sông Cái, cơ đồ này khi nước rút chỉ còn lại vách lở với tường xiêu, mấy chục ngàn con người sống nhờ vào đất giờ trơ khấc như thân cò!”. Hắn còn bình: người quê đời nào cũng khổ dưới cái tít: “Người nghèo vẫn khổ “ đại ý cháy nhà, giặc giã, bão lũ người nghèo vẫn là hạng người chịu thiệt thòi nhất”, đúng vào dịp tờ báo cấp trên mở cuộc thi, hắn ăn giải bởi vấn đề đang được quan tâm. Hắn hí hửng từ đây đố ai còn dám coi thường cái sâu, con kiến trong làng báo như hắn. Ai ngờ địa phương hắn có tới mấy chục nhà máy, công ty liên doanh với người nước ngoài, gặp phải cái thằng nước ngoài khốn kiếp nào đó vớ được mẩu tin ấy đem về gọt giũa, nâng cấp, bình bọt rồi đưa thẳng lên mạng, thế là hắn bị triệu lên tòa vì tội cung cấp thông tin, bêu xấu chính quyền địa phương, hắn bị lập án và cũng đi tù như tôi.

Cái giây phút bước chân vào phòng giam, tôi choáng váng sỉu ngay đằng sau cánh cửa. Tỉnh lại tôi thấy mặt hắn vẫn thản như không, hắn ngồi bó gối, mắt đăm đắm nhìn ra xa xăm cứ như hắn kiếm tìm vật gì đó ở tận chân trời, góc bể, cặp môi mim mím vẻ can trường. Tôi dựa luôn vào cặp mắt, đôi môi ấy mà lấy lại tinh thần. Tôi bò đến bên hắn, ôm chặt hai đầu gối vững như hai cái trụ của hắn mà lay, mà khóc xin hắn giúp đỡ, che chở, xin hắn nhận tôi làm em, cho dù lúc ấy tôi chẳng biết hắn hơn hay kém tuổi tôi. Hắn cứ ngồi nguyên, môi không động cựa, đôi mắt ươn ướt, cái nhìn xa xăm. Tôi khóc rống lên. Trận khóc vô duyên làm nát lòng những kẻ đến trước, làm sốt ruột buốt gan cái tinh thần chờ đợi cho qua cơn tai ách của kẻ trong lao, làm ngứa mắt các bậc “đàn anh”, khiến chỉ chút nữa thì tôi nhừ đòn, nếu không có ánh mắt của hắn quét qua, quét lại đám người kia.

 Buổi tối nằm bên tôi hắn nhìn trừng trừng lên trần nhà rì rầm: “Mày con gì?” Tôi ớ người rồi cũng hiểu ra vội lắp bắp “Em con gà” Hắn bảo “Cùng tuổi tao, không cần xưng em, chỉ có điều mày gà nhiếp, gan bằng hạt đậu”. Tôi nài nỉ: “Nhưng em vẫn muốn làm em của anh cơ, em xin anh che chở!” Hắn chặc lưỡi: “Thôi được, mày thích thì cứ việc, tính tao không thích nói nhiều, nhưng nhớ đã coi nhau là anh em vào lúc này thì phải đi hết cuộc đời với nhau, từ nay tao và mày phải gắng lên, phải phấn đấu mà nhanh chóng xóa cái nhãn thằng tù mà hy vọng ở phía trước!”. Tôi gật đánh cộc gáy xuống nền xi măng, Hắn chua thêm: Nói cho mày biết, con người từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay không ai không gặp phiền muộn một đôi lần, nhưng với tao thì nó đến sớm quá, bất ngờ quá, mà cũng vô lý quá? Hắn thở dài đánh sượt rồi đột ngột quay sang hỏi tôi: Còn mày thì sao? Sao lại phải chui vào đây? Tôi kể, tôi làm chết bốn mạng Tây chỉ vì ăn với em gái một bữa cơm. Hắn tặc lưỡi: Đắt quá! Đúng là con người ta có số thật. Tử tế mà số rách thì vẫn rách. Cái số của tao, mày và những thằng kia là cái số trời đã định. Giờ bất luận oan hay chính thì mỗi thằng đã là một hạt bụi của trần gian mất rồi! Thế nên càng phải can trường lên”. Lời của hắn như bàn tay vô hình xốc tôi dậy, tôi không còn thấy run sợ như buổi ban sáng nữa, từ đó tôi coi hắn là cha mẹ của tôi. Hàng ngày cán bộ của trại chỉ giáo điều gì tôi đều len lén đánh mắt sang phía hắn, dò xét nét mặt hắn, hắn vui tôi cũng vui, hắn không nói tôi lặng thinh, thậm chí hắn tức giận máu tôi cũng sôi lên. Tôi ốm không dám xin nghỉ ở nhà, tôi sợ nỗi cô đơn nếu chỉ có tôi với cái không gian trống hoác, tĩnh lặng mà nếu có thằng nào đó cũng ở lại phòng thì càng sợ hơn, bởi thi thoảng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt của mấy tay anh chị đưa đẩy sang phía tôi, tôi liên tưởng đó là sự chế nhạo những hành vi “giả công tử” của tôi, có vẻ như họ chỉ chờ thời cơ tôi và hắn tách nhau là chúng sẽ dạy dỗ tôi về luật lệ của” Ba mươi sáu cửa ải trần gian” và “ Chín tầng địa ngục”.

Sáng thứ bảy hôm ấy, quản giáo xuống thông báo vợ hắn đến thăm, hắn được ra gặp vợ. Nghe hắn kể vợ hắn đương chức chủ tịch Công đoàn một trường tiểu học ở quê. Quê hắn cách trại cải tạo gần hai trăm cây số, thế mà vợ hắn vẫn ẵm con lên tận trại thăm hắn. Hắn xúc động. Tôi từng chứng kiến cả năm trời đội đá, vá đường, cầm cờ tàu chuối đuổi vịt, rồi nghe trại tuyên bố tòa xử lại vụ của hắn rút xuống những năm năm tù, chưa bao giờ hắn cười, chả mấy khi thấy hắn mấp máy môi trò chuyện, hắn lầm lì làm việc, hắn làm hùng hục như thể hoặc sống hoặc chết, vậy mà khi biết tin vợ hắn đến thăm, thoạt đầu hắn đứng khựng, sau hai chân lại ríu vào nhau rồi hắn ngồi bệt xuống và cười, cười không nhếch mép chỉ mim mím cặp môi, da đỏ tía lên tận chân tóc làm cả bọn Bụi trần nhộn nhạo hẳn, mấy thằng tuổi hai mươi, hai hai cứ nhảy xôm xôm làm trò, gian phòng vốn lạnh lùng, vô cảm ấm hẳn lên, mấy chiếc lá ngoài cửa sổ cũng chao nhoay nhoáy. Tôi chưa vợ, nhìn thấy hành vi lạ lẫm của hắn, đầu tôi cứ luẩn quẩn câu hỏi: “Sao vợ con đối với thằng đàn ông lại quan trọng đến thế?”. Đã vậy, ông quản giáo còn vỗ vào vai hắn đánh bộp cười cười: “ Vui lên, Giám thị cho cậu được ở với vợ con hết hai ngày một đêm thứ bảy và chủ nhật vì thành tích cải tạo tốt đấy! Biết điều với vợ con vào nhé!” Hắn gãi đầu cười khục một cái rồi thôi ngay mà mặt cứ đỏ dựng lên, hình như trong đầu hắn vừa nảy ra một ý nghĩ thú vị cực đỉnh nào đó chỉ mình hắn biết và chỉ mình hắn sướng nên hắn mới có cái cử chỉ quái đản thế.

Nhưng niềm vui của tôi, của cả bọn Bụi trần cùng rơi tõm xuống vực thẳm khi chỉ độ nửa giờ đã thấy hắn lê bước về phòng. Hắn về, đi lùi lũi, đầu chúc xuống, cặp mắt thất thần, cặp môi đã mím chặt mà vẫn cứ rật rật, khác một trời một vực cái lúc hắn đi. Hắn đổ vật xuống manh chiếu “tiêu chuẩn” của hắn, trong tư thế co quắp, cả người cứ rung lên từng chặp, lũ Bụi trần đứa đứng, đứa ngồi trơ khấc, đánh những cái nhìn sang nhau vẻ ngơ ngác, không ai hé miệng nói một câu, mãi đến khi thằng “Mặt sẹo” lên tiếng: “Đồ ngu. Cơ hội đắt ngàn vàng thế mà không biết tranh thủ! Chẳng trách cơm dẻo canh ngọt không ăn, chui vào đây mà nhá sắn khô! Ngu như tao cũng còn biết có giận nhau đến mấy thì cũng để mãn hạn tù về nhà rồi hãy giận, còn bây giờ thì phải tranh thủ, tranh thủ từng phút, từng giây bên nhau”. Hắn vẫn không mở miệng. Tôi đến bên lắc hắn như lắc bao gạo, nhồi bao trấu hỏi hắn vì sao? Vì sao?...? Hắn vẫn chẳng thèm nhúc nhích, chỉ đến khi Mặt sẹo ỡm ờ: Hay hôm nay phải ngày thấy tháng của đàn bà mà mày uất đến thế” thì hắn vùng dậy túm ngực áo Mặt sẹo đấm túi bụi vào cổ, vào ngực tay kia, răng hắn nghiến ken két, môi mím chặt, tím tái. Mà lạ, một đằng to béo như vâm, xăm xia vằn vện lại cứ đứng ngay như trời trồng, hai cánh tay buông thõng thẻo để cho hắn, người chỉ đứng đến tai hắn mà đấm, mà tát, chả khác kiểu đấm vào bị bông, mà cũng chả ai thèm can. Đấm chán hắn đứng thở hồng hộc rồi lại đổ vật xuống chiếu, còn Mặt sẹo cười hinh hích vẻ thỏa mãn về sự sòng phẳng. Từ đó không ai hỏi và hắn cũng không bao giờ nhắc đến chuyện vợ con, cho đến một ngày hắn được minh oan vô tội thì hắn đi đến xiết vai mỗi người trong phòng một cái đến nghẹt thở rồi lẳng lặng vắt cái túi lép kẹp lên vai ra đi, để lại trong lòng đám Bụi trần sự trống trải và ngỡ ngàng. Ra đến cổng bỗng hắn thở dài đánh thượt than thở: “Bây giờ đối với tao việc ra tù chưa chắc đã khá hơn là ở trong tù! Mày thì khác, gắng mà ra ngoài làm lại cuộc đời”. Tôi sửng sốt bảo hắn sao kỳ quặc thế. Hắn lại cười khục một tiếng rồi đi thẳng. 

Hết hạn cải tạo tôi lại quay về với nghề chở khách du lịch trên vịnh, bởi tôi nghĩ chả ai chết hai lần cùng một cách chết, còn tôi nếu có gặp trận lốc xoáy lần  nữa trong đời coi như số tôi ông trời đã định, có tránh cũng không được, vậy thì tôi còn phải nhọc lòng mà che với chắn làm gì! Vả lại tôi được sinh ra ở miền biển, không bám vào biển mà sống thì bám vào đâu, vì thế vừa ra tù bố mẹ, anh chị em bên trước bên sau đã gom góp, vay mượn tiền bạc mua cho tôi một con tàu hệt chiếc tàu năm xưa và tôi lại rong ruổi với khách.

Nhận ra hắn, tôi mừng rỡ, hắn chẳng nói chẳng rằng xiết vai tôi đến nghẹt thở như hôm hắn ra tù, rồi ấn tôi ngồi xuống sàn, còn hắn thì hấp tấp đi đâu thoáng một cái đã quay lại, tay xách theo một con cá bằng cái quạt mo, vảy cứng và to bằng đồng xu, đen bóng, rồi hắn hì hụi quạt than nướng. Vừa nướng cá hắn vừa bảo: “Hôm nay tao với mày phải say, bao nhiêu tiền phạt của khách tao chịu, ở đây tiền cũng chả biết làm gì!”. Tôi chưa nói được câu nào hắn đã dọn mâm. Vừa ăn tôi vừa kể cho hắn nghe về cái kết cục của từng thành viên trong đám Bụi trần từ sau khi hắn ra ngoài, chuyện tôi được rút ngắn thời gian do phấn đấu ra sao, rồi chuyện tôi lấy vợ, sinh con và có nhà cửa ngay trên bờ biển thế nào. Tôi kể nhiệt tình, hào hứng, còn hắn lắng nghe một cách trầm ngâm, cặp môi chả mấy khi hé mở, khi nào đến chỗ đắc ý hắn lại đưa tay lên gãi đầu đánh roạt. Khi chuyện của tôi đã hết, tôi quay sang hỏi hắn từ ngày về vợ chồng hắn làm những gì, con cái đã trưởng thành chưa, mà sao không quay lại cái nghề làm phóng viên mà lại ra tận cái góc biển heo hút này mà nuôi cá? Hắn thủng thẳng: “Đã về đến nhà đếch đâu!” Tôi sững sờ: “Thế là thế nào? Sao anh rắc rối thế? Nếm mật nằm gai với nhau mấy năm trời, rồi lại xa nhau đến giờ đã đến hai chục năm bỗng nhiên em chẳng hiểu gì về anh cả?” Nghe xong câu nói của tôi hắn lại mím chặt đôi môi, mặt đỏ tía lên rồi chợt tái đi. Hắn nhìn trân trân ra tận luồng nước xanh. Đột ngột hai dòng nước mắt hắn lăn dài xuống má làm nước mắt tôi cũng ứa ra. Tôi đường đột ôm hắn và hắn cũng ôm tôi, nhưng lần này hắn không xiết tôi chặt như cái hôm hắn xiết tất cả đám Bụi trần trong nhà giam để biến vào sương khói. Sau cái ôm vừa đủ cho cả hai cảm nhận về nhau, hắn thả tôi ra rồi dốc ngược cốc rượu trong như nước mưa vào tận cổ, tiếp đến hắn gắp một miếng cá bằng quả dừa non bỏ vào bát tôi và lại uống một hơi gọn một cốc, uống xong hắn lại tự rót.... Tôi giằng lấy cốc rượu cũng dốc thẳng vào cổ mình và đe hắn: “Em nói để anh biết, nếu anh còn uống kiểu này và trốn tránh chuyện đời thì em thề hôm nay em sẽ đấu với anh một trận, rồi em sẽ lại để khách ngủ đêm trên tàu, rồi em sẽ lại vào ở tù mặc kệ vợ con cho anh xem!” Dứt lời, tôi rót cốc rượu nữa dốc vào cổ, rồi lại rót đầy ắp cốc khác giơ ra trước mặt hắn đòi chạm cốc. Hắn giật cái cốc đặt phịch xuống sàn, mắt hắn long lên, rượu bắn tung toé làm tôi tối mắt. Hắn bảo: Nếu chuyện gì nói ra xung quanh cũng hiểu được thì đời đâu đến nỗi dâu bể! Tôi tấn công: Vậy anh nói đi, người đời không hiểu nhưng em hiểu, được chưa, vợ anh tay bồng tay bế con lặn lội lên tận trại thăm anh, động viên anh, người ta đã minh oan cho anh, người ta đã xin lỗi anh, đã đền bù thiệt hại cho anh, vậy thì gần hai mươi năm qua anh không về nhà thì đi những đâu, đày ải mình thế nào? Anh bỏ mặc bố mẹ, vợ con anh nghĩa là sao? Hôm nay anh không nói thì em không về! Hắn ngồi trầm ngâm cho đến khi hai con mắt mọng ra, hai gò má chảy sệ xuống, trán ướt rịn mồ hôi hắn mới chịu mở miệng:

- Hơn hai mươi năm qua tao làm đủ mọi việc, và bây giờ thì mày biết rồi.

- Trời ơi, sao anh cứ dùng dằng mãi thế, hãy kể cho rõ hơn xem nào?

- Nhưng nghe rồi bất cứ hoàn cảnh nào mày cũng không được học tao nghe không?

- Em hứa!

Hắn kể: Cái ngày cô ta (vợ hắn) vào trại thăm tao, ban đầu cô ta ôm lấy tao, vít cổ tao vào ngực cô ta mà khóc thảm thiết, làm tim tao tái tê, tao ân hận lúc trước ăn ở với nhau tao còn nhiều thiếu sót với cô ta, ai ngờ nước mắt chưa ráo cô ta đã chìa ra một tờ giấy viết sẵn bảo tao ký. Mày biết cái gì không? Đơn ly hôn. Đọc xong tao thấy trời đất sụp dưới chân. Mày bảo một thằng đàn ông chưa đầy ba mươi tuổi đầu trời đã giáng cho một đòn, vào tù còn chân ướt chân ráo, trần gian lại bồi tiếp đòn thứ hai, cả hai đều hiểm ác như nhau: một thằng phạm tội và một thằng bị vợ con chối bỏ, liệu tao có còn sống được nữa không?

- Cô ta thành thật, cô ta không chịu nổi áp lực từ những cái nhìn thương hại của đồng nghiệp, những ánh mắt thị phi của xóm giềng. Cô ta không muốn mất những giọt mồ hôi đã tích góp gần nửa  người. Cô ta không muốn con cái cô ta phải mang cái lý lịch có bố đi tù. Cuối cùng cô ta ra lệnh cho tao phải chọn cuộc sống của tao hay là tương lai của đứa con. Chuyện là thế đấy!

Tôi đá vèo cái bát ở trước mặt lăn lông lốc trên mặt sàn ván và hét lên:

- Đời sao tàn nhẫn thế? Nhưng mà chỉ vì hận tình mà anh tự nặn ra cuộc đời anh thế này sao? Anh không thể coi cô ta như chưa từng có mà xây cho mình cuộc sống mới được sao?

- Hừ, coi được thì mấy ai phải khổ.

- Thế khi anh được được minh oan, cô ta có biết không?

- Biết.

- Biết thì sao?

- Biết tao được trả về cơ quan cũ, cô ta dắt con đi gặp tao. Lần nào cô ta cũng khóc, khóc thảm thiết như cái lần cô ta khóc ở trại giam.

 - Thế thì sao anh không cho cô ta một cơ hội để hai người đỡ khổ!

- Tao đã thử đến cả chục lần mà lần nào cũng bị thằng người thứ hai trong tao nó chặn lại. Cô ta càng níu kéo tao càng kinh hãi.

Hắn lập luận với tôi rằng: con người ta có ba điều cần phải dứt khoát, đó là: vợ chồng không có niềm tin ở nhau, hai là trong hai người có một người cố tình ra đi, ba là trong đời sống vợ chồng thiếu lòng vị tha, cô ta đã dành cho tao cả ba điều, thế thì mày bảo tao còn quay đầu về bến cũ được không?

Hắn nói, mắt hắn nhìn vào mắt tôi chăm chắm! Rồi hắn khóc, khóc rống lên như mấy mươi năm qua hắn chưa có ai để mà khóc!

- Những năm qua anh làm những gì và ở những đâu? Tôi hạ giọng:

- Ban đầu tao quay trở lại nơi cũ, tay trưởng phòng bảo tao tạm thay chân bảo vệ một thời gian vì cái chỗ của tao đã có người khác thế vào rồi. Tao gác cổng đến hai năm, đề đạt nguyện vọng hai lần họ đều bảo tao chờ, chờ mãi không có hy vọng, tao quyết định xin lên miền núi làm nghề dạy học, ai ngờ cái nhãn thằng tù theo tao lên tận đỉnh núi. Mỗi năm hết hè, tao lại nhận quyết định chuyển trường, thì ra cha mẹ học sinh sợ mình làm hỏng con cái họ, họ ngấm ngầm đưa đơn đòi ngành giáo dục không được cho tao dạy con họ. Hiểu ra, đêm tao bỏ trường ra đi mang theo một lời thề, quyết không làm cái nghề dính líu đến con người, và rồi cuối cùng tao đỗ chân xuống miền biển này.

- Anh định sống cả cuộc đời thế này sao?

- Có lẽ thế! Số phận đã an bài, tao phải ở chốn này và chỉ có ở đây tao mới được yên hàn, mới tránh được kiếp nạn cho những người xung quanh, vậy thì tao còn mất công đi đâu nữa? Đời mà, cứ sống đi rồi sẽ quen!

Câu chuyện còn dở dang thì hắn đã dựa hẳn lưng vào cây cột cái của mái lán, đầu nghẹo sang một bên, trước khi cất tiếng ngáy, hắn phảy tay bảo tôi về đi, về đi nếu còn muốn gặp lại hắn. Tôi choáng váng, không thể ngờ một con người chỉ  lạc một bước mà lưu lạc cả cuộc đời. Tôi lắc người một cái thoát ra khỏi mớ hỗn độn những đau, buồn, tiếc, thương cùng những suy đoán trước sau của đời người rồi vùng dậy bước ra khỏi mái lán. Ngoài kia đám khách của tôi ai cũng hởn hở với những khăn áo, túi tắm, bị bọc bùng nhùng những tôm, cá và cua mà cánh dân chài đem từ tít tận ngoài khơi xa về, chứng tỏ họ cũng đã xong một bữa thoả thê về đặc sản biển.

Cách ngày tôi gặp hắn đúng một tháng, đài báo sắp có giông bão, tàu thuyền không nên ra biển, tôi ngồi thu lu ở nhà mở trang mạng Cư Dân để giết thời gian. Hàng chữ vừa hiện lên tôi bị hút ngay vào bức thư của người phụ nữ nào đó gương mặt đầy đặn mà cặp mắt u sầu như sắp rơi lệ, nhìn thời gian đăng  thư đã khá xa nhưng nội dung lại như vừa mới hôm qua. Thư đề: Gửi vào nhân gian:

“Tôi sinh ra từ vùng quê một năm chưa ra khỏi mùa đông tê tái, xác xơ bởi những trận  gió bắc và sương muối, con trâu phải ghì mõm lôi gốc cỏ lên nhai, con gà bới chán không tìm thấy cái ăn đứng ủ dột dưới gốc cây, đã nơm nớp nỗi lo chống chọi với bão giông ập tới. Qua mỗi cái bão, mỗi trận lụt người quê tôi lại đắp thêm lên mình một lần sắt xỉn. Tôi đã đi lên từ làng quê ấy mà thấy những gì tôi có được trong tay như là kỳ vĩ, như là chiêm bao...Đến một ngày gặp điều trắc trở, tôi tự bảo với chính mình phải giữ nó bằng mọi giá và tôi đã làm cái điều như tôi nghĩ... Rồi một ngày tôi tự nhận ra những cái tôi coi là báu vật lại không phải là cái cốt lõi của cuộc đời. Tôi đã làm thú giải, tôi đã sám hối, tôi thề với trời tôi sẽ hóa đá ngay sau cái giây phút tạo hóa cho tôi chuộc lại lỗi lầm. Nhưng tôi đã chờ đợi quá nửa đời người, ngày lại ngày tôi bám vào hy vọng, dựa vào vận may mong đến một ngày tôi và người tôi bội bạc có thể gặp lại nhau cho dù ở phía cuối cuộc đời! Thế cũng đủ cho tôi thỏa mãn niềm khát khao: Tôi được làm người đàn bà của ngày xưa cũ!”.

Thư của vợ hắn, thư của người đàn bà tôi chưa biết mặt. Không hiểu bám vào cái gì mà thâm tâm tôi cứ một mực mách bảo trực giác của tôi, đó là thư của vợ hắn, cho dù câu chữ, ý và lời có biển lận vào đất, nước, gió và mưa thì tôi cũng vẫn nhận ra đó là vợ hắn. Tôi bỏ máy hộc tốc xuống tàu phi hết tốc lực. Tôi phải quay lại bè cá của hắn. Tôi phải đi tìm hắn bằng được, ngay lúc này dù hắn có biến vào chân trời góc bể nào thì tôi cũng phải moi ra bằng được và bảo vào mặt hắn rằng, nếu hắn không tha cho vợ hắn, nếu hắn không quay về với vợ con hắn thì nhất định tôi sẽ lại uống rượu, sẽ lại thả neo cho tàu đậu ở ngoài biển khơi và mặc cho khách ngủ đêm trên tàu...!

 

VTM

Nguồn: vanvn.net