Xứ sở Phù Tang - Văn Khoa

02.10.2017

Xứ sở Phù Tang - Văn Khoa

7g30, chiếc Boeing của hãng hàng không VN Airline chao nhẹ, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Osaka. Nằm ở thành phố Itami, Osaka được xếp loại là sân bay hạng nhất của Nhật Bản. Thời tiết cuối tháng 8 đẹp, bầu trời trong xanh, hứa hẹn một chuyến đi thú vị tại đất nước mặt trời mọc.

Cố đô Kyoto

Tôi đến Kyoto một sáng mùa thu. Nhịp sống bình yên, thanh thản đến lạ thường. Dường như nơi đây rất khó để chúng ta tìm thấy một ngôi nhà chọc trời hoặc những công trình hiện đại. Khác với Tokyo đất hẹp người đông hay một Osaka nhộn nhịp không bao giờ ngủ, Kyoto là một thành phố xưa cũ với nhiều đền đài, dinh thự và những con phố dài bình yên và cổ kính.

Nằm trên đảo Honshu, hòn đảo lớn nhất Nhật Bản, Kyoto là trung tâm hành chính của tỉnh Kyoto có diện tích gần 228.000km2 với khoảng hơn 1,5 triệu người đang sinh sống. Từ năm 794 đến năm 1868, Kyoto là kinh đô của Nhật Bản. Đến thế kỷ XIX, dưới thời Minh Trị Duy Tân, kinh đô được chuyển về Edo, sau đổi tên thành Tokyo. Kyoto hấp dẫn bởi nền văn hóa cổ xưa được nuôi dưỡng qua nhiều triều đại. Do không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II nên Kyoto bảo tồn được nhiều giá trị truyền thống, chiếm hơn một nửa chùa chiền, đền đài và dinh thự cổ kính của cả nước, khoảng 2.000 ngôi công trình kiến trúc còn nguyên vẹn. Trong đó, có 14 di tích được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hơn 1.700 kho báu và những tài sản văn hóa quốc gia quan trọng đã được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn. Chính vì vậy, Kyoto được xem như là viện bảo tàng lịch sử lớn nhất của nước Nhật.

Nằm ở trung tâm Kyoto, hoàng cung Kyoto (Imperial Palace) nổi tiếng với lối kiến trúc Nhật Bản tối giản, một quần thể được giới hạn bởi tòa thành hình chữ nhật, dài 1.300m, rộng 700m và cao 2.5m, dọc theo hướng Bắc - Nam.  Bên trong hoàng cung có khoảng 48 công trình gồm cung điện, lầu tạ nguy nga, được kết nối với nhau nhờ hệ thống trường lang, ngự viên lớn nhỏ, vườn thượng uyển với nhiều ao hồ, đảo nhỏ và những chiếc cầu cong rất xinh xắn.

Về lịch sử hoàng cung, người hướng dẫn viên cho biết, năm 784, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo đối với nền chính trị đương thời, thiên hoàng Kammu quyết định dời đô từ Heijo-kyo (Nara ngày nay), kinh đô thống nhất đầu tiên của Nhật Bản, đến Nagaoka-kyo (ở gần Kyoto). Đến năm 794, Kammu lại tiếp tục dời đô từ Nagaoka-kyo đến Heian-kyo (nay là trung tâm cố đô Kyoto), chính thức mở ra thời kỳ Heian dài gần 400 năm trong lịch sử Nhật Bản cho đến khi thiên hoàng Meiji dời đô về Tokyo vào năm 1869.

Mặc dù thời gian trôi đi trên 1.000 năm nhưng nhờ vào ý thức giữ gìn di sản, hoàng cung Kyoto hầu như còn nguyên vẹn. Sau đợt trùng tu vào năm 1855, mãi đến năm 1994, UNESCO mới chính thức công nhận hoàng cung là di sản văn hóa, trở thành điểm tham quan ao ước của du khách khắp nơi trên thế giới.

Trước đây, hoàng cung mở cửa cho du khách tham quan mỗi năm 2 lần (kéo dài 5 ngày) vào mùa xuân và mùa thu. Mỗi lần như thế, chính quyền chỉ cho phép khoảng 100 du khách làm thủ tục trình visa. Khách phải đăng ký trước 1 tuần, thậm chí cả tháng dưới sự hướng dẫn, giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát văn hóa. Mục đích của việc hạn chế này nhằm bảo vệ sự yên tĩnh, trang nghiêm của di tích. Sau này, để thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến Nhật Bản, Chính phủ Nhật đã chính thức mở cửa thường xuyên hơn mười di tích trong đó có hoàng cung Kyoto, cung điện hoàng gia và ngân hàng nhà nước Nhật Bản tại Tokyo. Việc nới rộng các điểm tham quan, du lịch là một phần trong chiến lược phát triển đất nước được các quan chức cao cấp, bộ trưởng và chuyên gia trong ngành du lịch, đứng đầu là Thủ tướng Shinzo Abe hoạch định.

Chùa Vàng Kinkakuji

Rời hoàng cung Kyoto, tôi ghé thăm chùa Vàng (Golden Pavillion), còn được gọi là chùa Kinkakuji, chùa “Lộc Uyển”, chùa “Vườn Nai” hay chùa “Gác Vàng”, nằm phía Tây Bắc Kyoto. Chùa được xây dựng từ năm 1397, dùng làm nơi nghỉ ngơi của tướng quân Yoshimitsu Ashikaga (1358-1408). Sau khi ngài mất, nơi đây được chuyển thành chùa và thiền viện thờ Phật.

Chùa Vàng có 3 tầng, đẹp lộng lẫy, kiêu sa nhưng trầm mặc, kín đáo. Tầng đầu tiên được xây dựng theo phong cách Shinden với các cột gỗ tự nhiên, tường thạch cao trắng, nơi trưng bày tượng Phật Shaka và Yoshimitsu. Tầng thứ hai xây dựng theo phong cách Bukke, phía bên ngoài được bao phủ bằng vàng lá, bên trong trưng bày tượng bồ tát Kannon và bốn tượng vua trên thiên đình. Tầng thứ ba cũng được dát vàng, thiết kế theo phong cách đền Zen ở Trung Quốc. Đỉnh chùa là tượng chim phượng hoàng bằng vàng ròng.

Vào những ngày nắng đẹp hay những đêm trăng tròn, màu vàng óng ả chảy xuống hồ nước trong xanh tạo nên bức tranh thủy mặc hữu tình. Nét đặc trưng của chùa Vàng là bố cục chặt chẽ, ấn tượng, toàn bộ ngôi chùa nằm giữa những tán cây xanh trong ánh sáng lung linh phản chiếu từ hồ nước tĩnh lặng. Sự hài hòa của kiến trúc cùng với bóng nước hư thực, linh thiêng khiến cảnh vật nơi đây như chốn thiên đường giữa hạ giới. 

Chùa Vàng Kinkakuji được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đồng thời Bộ giáo dục Nhật Bản cũng đưa ngôi chùa vào sách giáo khoa để giảng dạy tại các trường học. Tuy nhiên, năm 1950, một tiểu tăng đã đốt cháy toàn bộ chùa Vàng cùng với 6 di sản văn hóa quan trọng khác trong chùa. Sau đó, nhà sư này tự tử nhưng bị chính quyền bắt được, tuyên án bảy năm tù và chết trong ngục. Mẹ nhà sư cũng bị tra khảo. Trên đường về bằng tàu lửa, bà gieo mình xuống sông tự vẫn. Câu chuyện ly kỳ về vụ đốt chùa được nhà văn Mishima Yukio phóng tác thành cuốn tuyểu thuyết Kinkaku –Ji. Sách này được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bản tiếng Việt do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch, xuất bản tại Sài Gòn vào cuối thập niên 60.

Năm 1955, chùa được xây dựng lại, dát vàng trong lần trùng tu vào năm 1987. Thế nhưng, kể từ ngày ấy, chùa Vàng Kinkakuji không được Chính phủ Nhật coi là quốc bảo nữa.

Huyền thoại samurai giữa Tokyo

Đến Tokyo, tôi thật sự bị cuốn hút bởi bức tượng Kusunoki Masashige oai phong, lẫm liệt bên trong công viên trước Hoàng cung Nhật hoàng (gần nhà ga Tokyo). Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Nhật Bản, một câu chuyện bi hùng về lòng trung thành của một vị tướng samuarai xưa kia. Tượng bằng đồng, vô cùng sống động. Gương mặt của vị tướng quân hướng thẳng về phía Hoàng cung, biểu hiện sự phục tùng hoàng gia.

Vào thế kỷ 14, thời hoàng đế Go-Daigo, Kusunoki Masashige được nhân dân Nhật biết đến là một samurai can đảm, có lòng trung thành tuyệt đối, một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản. Lòng tận tụy và sự trung thành đối với hoàng đế khiến cho ông trở thành một nhân vật huyền thoại. Trên chiến trường, ông là một vị tướng dũng mãnh với những chiến thuật du kích khôn ngoan.

Lúc bấy giờ, Go-Daigo muốn đánh đuổi gia tộc Kamakura. Với tài năng của mình, Kusunoki Masashige đã giúp Go-Daigo chiến thắng, giành lại quyền cai trị đất nước. Tuy nhiên, một thời gian ngắn, Ashikaga Takauji, một cận thần của triều đình, đã phản bội Go-Daigo. Trước tình thế khẩn cấp, Masashige đề nghị hoàng đế tạm thời rút quân đội trú ẩn trên đỉnh núi Hiei, để Takauji chiếm Kyoto. Sau đó, lợi dụng sự sơ hở của địch, hoàng đế sẽ đưa quân trở lại tiêu diệt Ashikaga Takauji. Bỏ ngoài tai mưu kế của Masashige , hoàng đế không muốn trốn chạy khỏi thủ đô, chỉ huy một trận chiến trực diện nắm chắc phần thua. Trong khi những vị tướng lãnh khác coi hành động của Go-Daigo là điên rồ, Masashige lại ủng hộ, thể hiện lòng trung thành không chút dao động. Ông nhận lệnh của Go-Daigo chiến đấu. Đoàn quân của Masashige thua tan tác, lực lượng chỉ còn khoảng 73 người trong tổng số 700 quân. Trong trận chiến cuối cùng ở bờ sông Minato, gần thành phố Kobe, Kusunoki đã chiến đấu dũng cảm trong nhiều giờ, cuối cùng ông đã tự sát để khỏi bị bắt giữ.

Với sự hy sinh dũng cảm, lòng trung thành đó, Masashige được hậu thế ca ngợi, tạc tượng tại nhiều nơi ở Nhật Bản. Thế nhưng, sau này, nhiều người Nhật cho rằng, đó là một sự trung thành mù quáng, bởi quyết định của một vị tướng như ông đã kéo theo cái chết của hàng trăm người khác. Về sau, người con trai của Kusunoki Masashige cũng trở thành một samurai trung thành cho hoàng đế Murakami, tiếp tục tinh thần đáng quý của cha.

Làng cổ Oshino Hakkai

Một ngày nắng đẹp, tôi đến thăm Oshino Hakkai, ngôi làng cổ nằm yên bình dưới chân núi Phú Sĩ. Oshino Hakkai cách thủ đô Tokyo chưa đầy 100 km, đẹp ngỡ ngàng như một bức tranh. Những ngôi nhà rêu phủ, bức tường treo kín bắp khô, guồng gỗ quay nước róc rách khiến tôi như lạc trôi vào một miền cổ tích của xứ hoa anh đào cách đây hàng trăm năm.

Dạo bước trên con đường đất ngoằn ngoèo, giữa hàng thông xanh thẫm cùng những luống hoa đầy màu sắc, tôi thật sự bị mê hoặc bởi lối kiến trúc cổ xưa của ngôi làng Oshino Hakkai. Có thể nói, người Nhật đã thành công khi quy hoạch Oshino Hakkai trở thành một địa điểm du lịch tuyệt đẹp. Cảnh vật nơi đây tựa như một bức tranh thủy mặc với những ngôi nhà cổ mái rơm giữa vườn cây xanh mướt, lặng im soi bóng xuống hồ nước trong xanh màu ngọc bích.

Điểm nổi bật nhất của Oshino Hakkai là 8 hồ nước nhỏ (giống những ao làng của Việt Nam) với tên gọi Kagami, Shobu, Nigori, Waku, Choshi, Sokonuke, Deguchi và Okama, có cấu tạo chủ yếu từ nham thạch, ảnh hưởng của quá trình kiến tạo địa chất. Nước hồ trong vắt, du khách có thể thấy rõ từng nhánh rong rêu và đàn cá đầy màu sắc bơi lượn dưới lòng hồ. Người bản địa quan niệm, những hồ nước linh thiêng tại ngôi làng Oshino Hakkai là nơi có 8 vị vua rồng ẩn náu.

Người hướng dẫn viên nói với tôi rằng, dòng nước nơi đây được nuôi dưỡng từ sự tan chảy của băng tuyết trên đỉnh núi Phú Sĩ, thẩm thấu vào lòng đất, len lỏi qua nhiều lớp dung nham có độ tuổi hơn 80.000 năm. Sự tinh lọc huyền diệu ấy khiến những hồ nước của làng Oshino trở thành một trong những nguồn nước thiên nhiên tinh khiết nhất tại Nhật Bản. Người dân trong làng xem đây là báu vật của tạo hóa, họ tôn kính, giữ gìn cẩn thận những gì của thiên nhiên ban tặng bằng lối sống giản dị và thuần khiết.

Để vào làng cổ Oshino Hakkai, chúng tôi phải thực hiện một tục lệ khá đặc biệt và thú vị. Thủ tục này thường thấy ở các chùa chiền, đền thờ tại Nhật. Mọi người dừng chân trước một bể nước tinh khiết, thiết kế theo hình núi Phú Sĩ với dòng chữ “Mời du khách thử nhúng hai tay vào bể nước trong 1 phút”. Nhiệt độ ngoài trời khi ấy khoảng 28 độ nhưng nước trong bể rất lạnh, giống như mới tan từ băng tuyết. Sau phút “thử thách” lạnh cóng này, tôi dùng gáo tre hứng dòng nước chảy qua khe để rửa sạch hai bàn tay rồi xoa lên mặt, múc ít nước khác để uống trước khi tiếp tục đi.

Đền Fuji Sengen Jinja

Nhìn từ xa, Phú Sĩ ẩn mình trong các đám mây, sương mù bao phủ, một vẻ đẹp huyền bí của xứ sở Phù Tang. Là ngọn núi lửa nhưng kỳ lạ thay, khu vực phía Bắc dưới chân núi Phú Sĩ có một khu rừng nguyên sinh rộng gần 10 ha với những cây tuyết tùng hơn 1.000 năm tuổi, thân to hơn 3 người ôm. Theo tín ngưỡng Thần Đạo (Shinto), các vị thần thường cư ngụ trên ngọn núi cao và những khu rừng rậm rạp. Nhờ sự độ trì, che chở đó, khu rừng già dưới đỉnh Phú Sĩ vẫn còn nguyên vẹn sau các đợt phun trào dữ dội. Từ đức tin đó, người dân nơi đây đã lập một ngôi đền, thờ một vị thần linh thiêng của núi Phú Sĩ, đó là nữ thần Konohanan Sakuya Hime. Từ “sengen” xuất phát từ tập tục thờ núi lửa Shinto. Do đó, đền được xem là tượng trưng cho hỏa diệm và sơn tổ linh thiêng. Đền Fuji Sengen Jinja là ngôi đền lớn nhất ở phía nam núi Phú Sĩ, viên ngọc quý của rừng tuyết tùng cổ xưa.

Tôi đến Fuji Sengen Jinja khi tiết trời lập thu, cảnh vật nơi đây yên bình và thanh tịnh. Một vài du khách đang khấn cầu trước khi chinh phục đỉnh Phú Sĩ. Phần tiền sảnh của ngôi đền nổi bật hai chiếc mặt nạ khổng lồ, độc đáo, hình người mỏ chim và mũi dài.  Đây chính là sắc diện của Thiên Cẩu (tengu), một vị thần bảo hộ, đem lại may mắn và bình an. Đền Fuji Sengen Jinja có độ tuổi khoảng 1.200 năm. Thời Edo, sau khi thanh tẩy tâm hồn và thể xác bằng nguồn nước tinh khiết ở làng Oshino Hakkai, các chiến binh Samurai đến đây để cầu nguyện cho hành trình leo núi. Tục lệ này gọi là Fuji-ko, được người Nhật lưu giữ mãi đến giờ.

Bên hông sảnh chính của đền là lối ra đường mòn lên đỉnh Phú Sĩ. Ngày xưa, khi nguyện cầu xong, những người hành hương sẽ theo con đường này chinh phục đỉnh núi. Sau này, người leo núi chỉ đến cầu nguyện, đi tàu điện Fuji Subaru đến trạm số 5 (1.980m) nằm lưng chừng núi Phú Sĩ rồi mới bắt đầu theo đường mòn lên đỉnh núi. Lộ trình này rút ngắn thời gian leo núi hơn 5 tiếng đồng hồ so với việc khởi hành từ đền Fuji Sengen Jinja.

Rừng “tự sát”

Trước khi đến núi Phú Sĩ, chúng tôi phải đi xuyên khu rừng nguyên sinh Aokigahara Jukai rậm rạp, cây cối dày đặc. Những tấm biển khuyến cáo bằng dòng chữ:“ Hãy suy nghĩ lại. Xin hãy tham khảo ý kiến các nhà tư vấn trước khi bạn có quyết định tìm đến cái chết” được đặt ngay cửa rừng và treo trên thân cây khắp nơi.

Ở độ cao 1.000 m, trên sườn Đông Bắc núi Phú Sĩ, Aokigahara Jukai được mệnh danh là “rừng tự sát” (dân địa phương gọi là Jukai - Biển Cây). Với thảm thực vật dày đặc, che chắn hết ánh nắng mặt trời, càng vào sâu, khu rừng càng âm u, lạnh lẽo. Điều đáng chú ý, nơi đây có số lượng người tìm đến cái chết cao hàng đầu thế giới, chỉ sau chiếc cầu Golden Gate (San Francisco - Mỹ). Thế nhưng, con đường xuyên qua khu rừng này rất đẹp với những hốc đá băng tuyết và các hang động đầy dơi. Du khách đến đây thường được nghe những câu chuyện rùng rợn về những linh hồn lang thang đầy ám ảnh, các thi thể mục rã dưới tán cây. Mặc dầu chương trình tham quan có đề cập nhưng phần đông các du khách đều e ngại, không muốn bước vào khu rừng chết chóc này.

Có nhiều truyền thuyết về khu rừng “tự sát” này.

Vào thế kỷ 19, khi nạn đói xảy ra, kinh tế khó khăn, người Nhật thường đưa những người thân cao tuổi, ốm yếu hoặc bệnh nặng vào rừng, bỏ mặc họ kiệt sức rồi chết. Người Nhật gọi hành động (hủ tục)  này là “ubasute”, có nghĩa là “bỏ rơi một bà cụ già”, sau này đổi thành “oyasute” (bỏ rơi phụ mẫu). Kể từ đó, rừng Aokigahara trở thành địa điểm của “ubasute” của người Nhật. Một truyền thuyết khác cho rằng, rừng Aokigahara có liên quan đến một loài quỷ dữ. Đây là vùng đất chuộc tội của “yurei”, hồn ma của những người chết yểu hoặc đột tử. Để trấn an người dân, các nhà khoa học giải thích, dưới khu rừng có những mỏ thép ngầm (hoặc trầm tích sắt trong đất núi lửa) khiến la bàn trở nên vô dụng, ngay cả thiết bị định vị toàn cầu GPS cũng không thể hoạt động. Do vậy, khi đi sâu vào rừng, những người thợ săn, phượt thủ giàu kinh nghiệm hoặc khách du lịch sẽ lạc đường, mất định hướng và không thể nào thoát ra được.

Một vấn đề đặt ra, tại sao những người tự tử lại thích đến khu rừng này ?

Ngoài những lý do về tâm linh, huyền bí, người Nhật đã “đổ trách nhiệm” cho nhà văn Seicho Matsumoto, tác giả cuốn tiểu thuyết có đoạn kết viết về đôi tình nhân tìm đến cái chết ở cánh rừng này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, người ta tìm đến khu rừng này tự tử trước thời điểm cuốn tiểu thuyết được in (thập kỷ 60). Các ý kiến khác lại nói, số lượng người tự sát cao do cuốn sách “Cẩm nang đầy đủ về tự sát” của Wataru Tsurumuim ấn hành năm 1993. Cả hai cuốn sách thường được tìm thấy bên cạnh những thi thể trong khu rừng Aokigahara.

Đa số người tự sát ở rừng Aokigahara thường chọn cách treo cổ (khoảng 100 vụ/năm), uống rượu thật nhiều để bị ngộ độc hoặc dùng các loại thuốc. Khi có những cái chết do bạo lực, chính quyền luôn thiên về khả năng nạn nhân bị giết vì rừng Aokigahara là điểm lý tưởng để giấu xác. Trong các trường hợp này, người giữ rừng hoặc du khách chỉ phát hiện ra các bộ xương. Tuy nhiên, các căn lều, giày, quần áo, ví tiền, giấy tờ và hình ảnh đã cho biết họ là ai? Chuyện gì đã xảy ra? Dân địa phương thường gặp những người thân tuyệt vọng sục sạo cánh rừng để tìm nạn nhân hoặc đồ vật mà họ có thể để lại.

Nhà địa chất Azusa Hayano cho biết, riêng cá nhân ông đã tìm thấy hơn 100 xác chết trong 20 năm qua. Những lần như thế, ông tìm thấy nhiều thông tin từ các xác chết, rằng họ cảm thấy cô đơn trong một xã hội chạy theo đồng tiền nên phải tìm giã từ thế gian này. Và rừng Aokigahara là địa điểm lý tưởng nhất để họ chạy trốn qua thế giới bên kia.

Kể từ năm 1970, các vụ tự sát tại khu rừng ngày càng tăng mạnh với mức trung bình 20 vụ/năm, sau đó lên 57 vụ trong năm 1994 và đạt con số kỷ lục 108 vụ vào năm 2004. Lo sợ hiệu ứng tiêu cực, chính quyền địa phương đã ngưng công bố số vụ tự tử trong cánh rừng nhằm ngăn chặn những người khác tự sát. Năm 2009, chính quyền quận Yamanashi phải thuê người thường xuyên kiểm tra rừng, tìm dấu vết và nói chuyện với những người lạ xuất hiện trong rừng. Họ cũng huấn luyện cho người dân địa phương biết cách khuyên giải những người toan tự tử. Nhiều tấm biển được cắm trong rừng, nhằm nhắc nhở những người có ý định tự tử như “Cuộc sống là quà tặng quý giá của cha mẹ bạn”, “Hãy suy nghĩ lại” và “Đừng giữ lấy buồn phiền, hãy nói chuyện với chúng tôi” và để lại số điện thoại liên lạc. Bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn và tiếp cận những người gặp hoàn cảnh khốn cùng, Chính phủ Nhật đã ra chỉ tiêu phải giảm số vụ tự sát còn 20% so với năm 2016. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nạn tự sát sẽ chỉ kết thúc khi nào điều kiện kinh tế được cải thiện và người dân tìm được việc làm ổn định.

Đỉnh thiêng Phú Sĩ

Nằm trên đảo Honshu, núi Phú Sĩ (Fuji) là ngọn núi cao nhất tại Nhật Bản (3.776 m), được xem là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Hình ảnh Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ từ lâu đi vào thi ca, hội họa của không ít những tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên của người dân Nhật. Mặc dù rất nổi tiếng nhưng Phú Sĩ mới được UNESCO công nhận vào năm 2013 do những điều kiện nghiêm ngặt về môi trường.

Để có một dáng vẻ hùng vĩ như ngày nay, Phú Sĩ trải qua bao lần thức giấc, bùng nổ và thay đổi hình dạng. Trước kia, tần suất phun trào của núi lửa khoảng 30 năm/1 lần, thế nhưng hơn 300 năm trở lại đây, ngọn núi này bỗng dưng “im lặng” đến lạ thường. Lần phun lửa cuối cùng vào năm 1707, diễn ra trong 2 tuần lễ. Tro bụi của trận phun trào này đã phủ lên toàn bộ khu vực, lan rộng đến cả Tokyo với lớp nham thạch dày đến 15 cm. Cách đây không lâu, Viện nghiên cứu khoa học trái đất và phòng chống thiên tai cho rằng, áp suất trong lòng núi đang tăng dần khiến ngọn núi lửa có nguy cơ hoạt động trở lại. Các nhà khoa học tính rằng, với chu vi 3.000 m, sâu 237 m, nếu núi lửa Phú Sĩ thức giấc một lần nữa, thiệt hại về người và của sẽ vô cùng lớn.

Fuji Subaru Line là con đường thơ mộng dài hơn 30 km, uốn lượn theo những hàng thông, lá phong xanh mướt, thẳng tận núi Phú Sĩ. Phí lưu thông trên con đường này khoảng 1 yên Nhật (hơn 200.000 đồng). Từ chân núi lên đỉnh có 10 trạm (gome), riêng trạm thứ 5 có tầm nhìn đẹp và lý tưởng nhất để lưu tấm hình kỷ niệm cùng Phú Sĩ. Tại đây có khá nhiều cửa hàng lưu niệm truyền thống của Nhật. Chúng tôi ngắm nghía mãi các bộ sưu tầm đá núi lửa đủ màu sắc, đặc biệt các hộp đựng oxy với giá khoảng 180.000 đồng/hộp, hóa ra thứ oxy đóng gói này được khá nhiều người mua về làm quà cho người thân.

Trước đây, Phú Sĩ là một địa điểm hành hương, không phải một khu giải trí nên việc leo núi có nhiều quy định nghiêm ngặt. Người leo núi phải mặc đồ trắng, tẩy rửa thân thể sạch sẽ tại 5 hồ lớn dưới chân núi, nghỉ một đêm trong lều (trạm thứ 8) trước khi lên đỉnh vào sáng hôm sau. Sau khi ngắm bình minh (tiếng Nhật gọi là goraiko), người hành hương đi một vòng quanh miệng núi lửa rồi xuống núi theo một con đường khác. Ngày nay, khi leo núi Phú Sĩ, thỉnh thoảng, chúng ta gặp những người mặc đồ trắng. Họ chính là các tín đồ của Fujikyo, một tổ chức tín ngưỡng vừa mang những yếu tố của Thần đạo, vừa mang những yếu tố của đạo Phật, tôn sùng ngọn núi như một nơi linh thiêng nhất của nước Nhật.

Tương truyền, người đầu tiên lên đến đỉnh ngọn núi này là một nhà sư. Trước kia, phụ nữ không được phép lên bởi Phú Sĩ là ngọn núi linh thiêng. Mãi đến năm 1912, tục lệ khắt khe này mới được gỡ bỏ. Thời gian thích hợp để chinh phục núi Phú Sĩ kéo dài từ 1/7 tới 31/8 hằng năm với nhiệt độ trung bình ổn định từ 5 độ đến 8 độ. Ngoài thời điểm nêu trên, du khách bị cấm leo núi vì thời tiết vô cùng khắc nghiệt và nguy hiểm. Mặc dù thời gian mở cửa không nhiều nhưng Phú Sĩ vẫn thu hút khoảng 25 triệu người đến tham quan, du lịch mỗi năm. Trong đó, có 30% người nước ngoài, còn lại là người Nhật. Điều này cho thấy, Phú Sĩ vẫn là một ngọn núi linh thiêng và quan trọng trong đời sống văn hóa của đất nước mặt trời mọc. "Nhật Bản không có núi Phú Sĩ tựa như nước Mỹ không có nữ thần tự do", người Nhật thường tự hào nói về biểu tượng linh thiêng của đất nước họ như vậy.

Trời đầy mù sương. Giã từ Phú Sĩ huyền ảo, tôi đến Tokyo. Con đường thật dài, hoang vắng, xuyên qua những đồi thông bạt ngàn. Rừng đã sang thu, vàng ươm trong nắng chiều sắp tắt. Vài chiếc xe ngược chiều, vội vã trong se sắt, lạnh lẽo của núi rừng. Vài ngày nữa, tôi phải rời đất nước này để trở về Việt Nam, gửi lại nơi đây những kỷ niệm vui buồn của một xứ sở văn minh đầy lòng hiếu khách.

V.K

Bài viết khác cùng số

Diểu Nương - Trương Vân NgọcXứ sở Phù Tang - Văn KhoaMùa cỏ hồng trên phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoSự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (*) - Nhóm tác giảCác rạn san hô ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Xuân HòaHồi kết câu chuyện thời sự Sơn Trà: Bài toán khó có lời giải trọn vẹn - Trần NgọcCâu chuyện Sơn Trà - Trương Điện ThắngĐôi điều suy nghĩ về bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà - Dân Hùng APEC 2017 và “Nụ cười Đà Nẵng” - Trần Trung SángĐánh giá nguồn thức ăn của Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) tại bán đảo Sơn Trà - Vũ Ngọc Thành, Lois K Lippold và Trần Đình NghĩaÁnh mắt - Nguyễn Hải LýQuê - Nguyễn Thị Minh ThùyĐêm của vầng trăng khuyết - Thu ThủyMỗi buổi mai - Khánh HồngKhói rạ đồng chiều - Nguyễn Hoàng SaCây ốc đảo quán Văn - Đinh Thị Như ThúyVỡ hoa - Bùi Mỹ HồngKhúc sang mùa - Trương Thị Bách MỵGọi mẹ - Vạn LộcMàu xanh em - Nguyễn Nho Thùy DươngNgày mùa - Thy LanBúi tóc mẹ - Nguyễn KhánhChặng đường 50 năm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng - N.H.TTín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị TrangHãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc SinhCo kéo với mùa xuân co kéo với thời gian - Nguyễn Đông NhậtCống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang