Tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow - Đinh Thị Trang
1. Đôi nét về John Barrow (1764 - 1848)
John Barrow sinh ngày 19/4/1764 ở Ulverston thuộc tỉnh Lancashire, vùng biển phía Tây nước Anh. Thời trẻ, ông là một chàng trai rất hiếu động, làm nhiều công việc khác nhau như gia sư, nhân viên trợ lý kiểm tra nhà đất, trưởng thủ thư của một nhà đúc ở Liverpool. Sau này, ông trở thành một chính khách, nhà du hành và tác giả của khá nhiều du ký.
Thời trẻ ông làm giáo viên dạy toán ở một trường tư, trong lớp có một cậu học trò là con trai của nhà quý tộc G. Staunton nên ông được mời về nhà làm gia sư cho con trai của Staunton. G. Staunton lại là thuộc hạ của bá tước Macartney. Năm 1972, Macartney được cử làm đại sứ đầu tiên của nước Anh tại Trung Quốc. Trong phái bộ, G. Staunton là thư ký riêng của Macartney và ông mang theo con trai của mình là học trò của Barrow. Được sự giới thiệu của Staunton, do nhanh nhẹn và thông minh nên Barrow học tiếng Trung Quốc chỉ trong một thời gian rất ngắn (lúc đó 28 tuổi) và ông được cử đi tháp tùng phái bộ với tư cách là quản gia của ngài đại sứ Macartney. Trong chuyến du hành, phái bộ ghé lại một số nơi, trong đó có Đà Nẵng (Tourane) của xứ Nam Hà (Đàng Trong).
Năm 1794, J. Barrow trở về Anh quốc. Từ 1797, ông bắt đầu viết tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) (A Voyage to Cochin-china in the years 1792 and 1793) dựa trên những trải nghiệm trực tiếp trong chuyến du hành của ông trong hai năm (1792 - 1793) và các nguồn tham khảo khác bao gồm nhiều nguồn địa phương, của các sĩ quan và thương gia phương Tây. Tác phẩm hơn 500 trang này sau đó được xuất bản năm 1806 tại London.
Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) là một tác phẩm cực kỳ thú vị đối với những người đam mê lịch sử, văn hóa vì trong sách có một số chương đã cho người đọc thấy được bức tranh khá chi tiết về vùng đất và con người Đà Nẵng trong những năm cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân nơi đây.
Ngoài ra, ông còn viết khá nhiều cuốn du ký, ký sự kể về những cuộc phiêu lưu và những chuyến du hành của mình đến các vùng, miền trên thế giới. Năm 1835, ông được phong tòng Nam tước. Từ 1845, ông lui về sống ẩn dật, chuyên tâm viết hồi ký về những cuộc thám hiểm của mình đến vùng Bắc cực và viết tự truyện. Ông mất ngày 23/11/1848.
2. Tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow
Cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) được J. Barrow khởi thảo trong chuyến đi của mình tới Trung Hoa, có ghé lại vùng biển Đà Nẵng của xứ Nam Hà. Cuốn sách được viết dựa vào những ghi chép của ông cũng như của phái bộ. Đó là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa tính chất du ký và tính chất du khảo (nghiên cứu và biên soạn tư liệu). Cũng như nó đã kết hợp thành công giữa ba mặt lịch sử chính trị - quân sự, khảo sát dân tộc học, xã hội học và nghiên cứu kinh tế đối ngoại.
Ông đã miêu tả rất chi tiết những điều tai nghe mắt thấy về đời sống tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng. Họ là cư dân nông nghiệp phải sống dựa vào tự nhiên nên trong mắt họ, thiên nhiên luôn kỳ vĩ, lớn lao như một vị thần vạn năng. Mỗi loài cây trồng đều có một vị thần, bất cứ vật phẩm gì sản xuất hay nuôi trồng đều có một vị thần án ngự. Vị thần này có thể phù hộ cho cây trái, hoa màu hay sản xuất phát triển. Đó là một loại tín ngưỡng sùng bái tự nhiên sơ khai. Ông cho rằng, “qua ít nhiều những gì chúng tôi được biết trong một dịp chứng kiến lòng sùng tín của họ thì tôn giáo của họ tỏ ra đơn giản hơn và ít bị che phủ bởi những điều thần bí, bác ái, người Nam Hà cũng giống như người Do Thái thời xưa, biểu lộ lòng thành kính của mình bằng cách dâng cúng lên ảnh tượng của vị thần linh bảo trợ những lứa đầu của gia súc, gia cầm còn sống hoặc những hoa quả đầu mùa. Những bông lúa chín đầu tiên, quả cau chín đầu tiên, chén đường đầu tiên, hoặc bất cứ vật phẩm gì sản xuất ra, sẽ mang đến điện thờ có những ảnh tượng thiêng liêng, đặt ở đó với lòng sùng kính như một vật tạ ơn nhỏ mọn đối với lòng tốt của thánh thần”.1
Người dân cho rằng việc thờ phụng thần thánh luôn xuất phát từ tâm. Không cần phải chùa to, đình lớn mà quan trọng là tấm lòng thành kính của họ dâng lên các vị thần, Phật. Barrow đã mô tả rất kỹ về cách mà người dân Đà Nẵng thờ Phật: “Vào một buổi tối biển lặng, khi rời tàu lên bộ ở một vụng biển nhỏ phía bờ Bắc vịnh Turon, tôi quan sát thấy một người mặc áo thụng màu vàng, dài chạm đất, đầu cạo trọc để trần, bước đi khoan thai tới một cây to cành lá xum xuê, theo sau là một vài người nông dân. Khi tới gốc cây, tất cả mọi người đều dừng lại. Ngay ở thân cây chính (vì đó là một loại cây thuộc loại Ficus Indica, người Nam Hà gọi là Dea (cây đa), cành rũ xuống bám rễ vào đất trở thành thân), tôi quan sát thấy một cái lồng lớn đan kiểu mắt cáo, có hai cánh cửa gấp, buộc chặt giữa hai chạc cành cây, một phần bị lá che lấp. Bên trong có một bức tượng Buddha (bụt) hay Fo (Phật) bằng gỗ, thân hình mập mạp đang ở tư thế ngồi thường thấy tương tự như trong các đền chùa Trung Hoa”.2
Điều này chúng ta thấy, hầu như các dân tộc trên thế giới thờ cúng các vị thần tự nhiên đều có tín ngưỡng thờ cúng cây cối. Tùy theo mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi vùng lãnh thổ mà ý nghĩa của việc thờ cúng cây cối có những nội dung khác nhau và những loại cây mà người ta tôn sùng cũng khác nhau. Barrow đã so sánh tín ngưỡng tôn sùng cây trái của cư dân Nam Hà với những tín ngưỡng sơ khai ở các nền văn minh trên thế giới: “Ở mọi thời đại và trong mọi quốc gia, quyền sử dụng những hoa trái đầu mùa hình như đã được giao cho các thầy tu. Trong huyền sử rõ ràng có một phần nói về thứ quyền được ban phát của người Do Thái. Bên rìa một lùm cây nhỏ gần vịnh Turon, người ta đã treo hoặc đặt cố định vào giữa các cành những hộp nhỏ bằng gỗ hoặc những giỏ đan bằng dây liễu gai, một số chứa những ảnh tượng làm bằng các vật liệu khác nhau, một số khác mang những tờ giấy vẽ hoặc thiếp vàng cắt ra thành những hình thù khác nhau, những tấm gỗ nhỏ trên viết những chữ Hán, và nhiều chỉ dẫn khác ghi về các thần linh được cúng tế. Thực vậy, cây cối đã là một loại đền miếu đầu tiên được dành cho các thần linh. Đối với con người khi mới thoát khỏi trạng thái tự nhiên nguyên sơ, những đối tượng to lớn nhất hiện ra trước mắt họ tỏ ra là những vật được chú ý đến nhất đáng để thờ phụng”.3
Nếu như ở các quốc gia văn minh thời cổ đại, người ta thờ các vị thần trong những đền miếu nguy nga và việc thờ cúng đó đã được chấp nhận một cách phổ biến bởi các giáo đồ thời bấy giờ, thì ở Đà Nẵng, mãi cho đến thế kỷ XVIII, cư dân có những quan niệm khác, họ lấy làm mãn nguyện khi được thờ phụng các vị thần ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh:
“...Vị thần nào ưa chuộng
Một trái tim trong sáng
Và thẳng ngay hơn mọi miếu thờ”.
Bên những gốc cây cổ thụ hoặc trên cành cây, người ta có thể dùng một cái tráp bằng gỗ nhỏ hoặc những giỏ đan bằng dây liễu gai, bên trong thờ cúng một vị thần nào đó. John Barrow nhận xét rằng, lòng mộ đạo đơn độc của cư dân Đà Nẵng không đòi hỏi một không gian cần thiết cho việc thờ cúng như việc thờ cúng của một giáo đoàn. Ở đây, một vị thần linh mà họ thờ phụng nhằm phù hộ, che chở cho họ có thể được họ đặt ở bất kỳ góc nào của ngôi nhà hoặc đem theo trong túi.4
Những hình ảnh mà John Barrow đã nhìn thấy và ghi lại phần nào giống như E.B Tylor khi ông nói đến hình thức thờ cúng cây cối cũng như những mối liên hệ của nó ở một số tộc người trên thế giới: “Xét về mục đích tôn giáo thì không có một sự khác nhau thật sự nào giữa một cây thiêng và một cánh rừng thiêng cả. Cây có thể để dùng làm một cái bệ hay một cái bàn thờ, vừa thuận tiện, vừa lịch sự để bày những lễ vật lên cúng cho một thực thể ma. Thực thể này có thể là ma cây hay một vị thần địa phương nào đó sống trong đó và cũng giống như người, nó có chỗ ở và một mảnh đất quanh chỗ ở. Bóng râm của một cây đơn độc... là những nơi mà như chính tự nhiên dành để thờ... Cuối cùng, cây chỉ có thể là một vật thiêng được thần thánh che chở hoặc gắn với thần thánh, hoặc đó cũng là một hình ảnh tượng trưng của thần thánh”.5
Ở Đà Nẵng có một số ngôi miếu thờ Ông Mốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây cũng là một hình thức thờ cây. Ông Mốc thực tế là cột mốc được làm bằng gỗ dùng để phân chia địa giới hành chính giữa hai làng với nhau. Theo thời gian, người ta thêm thắt vào đó những câu chuyện huyễn hoặc về sự linh ứng của cây cột mốc và tôn xưng nó bằng danh từ tôn kính Ông Mốc. Người ta đã biến cây cột mốc trở thành một chốn linh thiêng, là nơi đến để cúng vái của nhiều người dân trong làng. Và tại những nơi này, người ta đã dựng lên ngôi miếu để thờ ông.
Người dân trong làng thường đến thắp hương vào các ngày rằm, mồng một, nhằm cầu xin cho con cháu trong gia đình ăn no, ngủ kỹ, mau lớn, dễ nuôi. Trước đây, có trường hợp trẻ con đau ốm thường xuyên khó nuôi, người dân mang tên con“bán” cho Ông Mốc để Ông nuôi giúp, sau một giáp (12 năm) lại sắm lễ vật bằng hương hoa, trà nước xin được chuộc về. Điều này cũng được J. Barrow nhận xét: “Người Nam Hà cực kỳ mê tín và cũng như người Trung Quốc, việc thờ cúng của họ được thực hiện rất thường xuyên với quan niệm là để ngăn ngừa tội lỗi trong tâm tưởng hơn là hy vọng đạt được một điều tốt lành trong thực tế. Nói cách khác người ta sợ ma quỷ ác độc hơn là những thánh thần tôn kính. Ở nhiều nơi trong nước, họ dựng lên những cọc tiêu hay cột gỗ, không chỉ nhằm mục đích đánh dấu nơi xảy ra một tai họa lớn của đông người hay của cá nhân như một cuộc thất trận, một vụ giết người hay những sự cố bất hạnh khác, mà còn được coi như để làm dịu đi cơn giận dữ của những hung thần được coi là có ảnh hưởng đến việc xảy ra tai họa. Vì vậy, một khi trẻ sơ sinh chết đi, cha mẹ của nó cho là đã làm phật ý một quỷ thần ác độc nào đó và họ đã gắng sức làm cho vị thần kia nguôi giận bằng những đồ cúng lễ như cơm gạo, dầu ăn, trà uống, tiền bạc hoặc bất cứ thứ gì mà họ nghĩ ra cho là thích hợp nhất đối với vị thần nóng giận... Bên cạnh đồ cúng lễ mà các cá nhân thấy cần thiết phải dâng trong những dịp khác nhau, hình như có một khoản đóng góp hằng năm do chính quyền thu, để trả cho việc hỗ trợ một số tu viện mà ở đó các nhà sư đã cầu khấn các vị thần linh phù hộ, ban phúc lành cho công chúng. Khoản đóng góp đó có thể là hiện vật như thóc gạo, hoa quả, đường, cau và những loại sản phẩm khác. Ở các đô thị, thay vào đó người ta thay tiền bạc, kim loại, quần áo và những thứ tương tự. Cũng như ở Trung Quốc, các nhà sư ở đây được coi là những thầy thuốc giỏi nhất, nhưng các kỹ xảo nghề nghiệp của họ thường là những bùa chú, thôi miên hơn là việc dùng thuốc men một cách đúng đắn để chữa lành bệnh”.6
Tín ngưỡng tôn thờ tự nhiên có lẽ cũng tùy thuộc vào địa hình sinh sống của người dân. Ngoài thờ cúng cây cối ở đồng bằng thì còn có tục thờ đá ở vùng núi, đây cũng là một tín ngưỡng cổ xưa nhất. Ông cho biết cư dân Đà Nẵng ở những vùng núi cũng có tục thờ đá, họ coi đó là một vị thần linh thiêng phù hộ độ trì cho họ. Nếu như dưới đồng bằng có những cây cổ thụ đáng được tôn thờ, thì trên núi là những tảng đá rắn chắc trên đỉnh cao.7
Đà Nẵng xưa là vùng đất mới đối với người Việt. Họ là những lưu dân từ nơi khác tới. Họ cho rằng vùng đất mới này chắc chắn có những oan hồn chiến tranh, cô hồn lai vãng, những vị thần bản địa. Việc thờ tự, cầu cúng đối với họ không chỉ là việc cầu mong hay hy vọng những điều tốt đẹp trong tương lai mà còn là cách để làm yên lòng những ma quỷ độc ác, tránh được sự quấy nhiễu của những loại ác thần đó.
Cư dân Đà Nẵng cũng như người Việt ở trên mọi miền đất nước có một đặc tính là dung hợp tất cả mọi tôn giáo. Họ có thể đưa tất cả những vị thần khác nhau vào thờ chung trong một cơ sở thờ tự. Ta không ngạc nhiên khi thấy trong một ngôi miếu vừa thờ Thần, vừa thờ Phật vừa phối thờ Quan Công,... Họ luôn có cách bản địa hóa tôn giáo hay tín ngưỡng ngoại nhập.
Thay lời kết
Như vậy, thông qua tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), những lễ thức về tôn giáo, tín ngưỡng cũng như những sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc của người dân Đà Nẵng trong thế kỷ XVIII được Barrow miêu tả, phân tích rất sinh động và chi tiết. Nó đã tạo nên một chiều sâu về văn hóa độc đáo so với những vùng đất khác. Tác phẩm này không chỉ cho ta thấy được đời sống tinh thần của các bậc tiền nhân sinh tụ trên mảnh đất Đà Nẵng ở thế kỷ XVIII mà còn là nguồn tư liệu khá phong phú và vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc học,... trong thời đại ngày nay.
1, 2, 3, 4, 6, 7 J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), (Hà Nội: Thế giới, 2008), 101, 102, 103, 104, 104-105, 103-104.
5 E.B. Tylor, Văn hóa nguyên thủy, (Hà Nội: Văn hóa Nghệ thuật, 2000), 794.
Đ.T.T