Cống hiến cho nghệ thuật Tuồng là hạnh phúc đời tôi - NSƯT Phan Văn Quang
G ần hai mươi năm diễn viên biểu diễn tại Nhà Hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố Đà Nẵng đối với tôi là một quãng thời gian thật đẹp. Tuy có lúc vui, lúc buồn, nhưng với lòng đam mê nghệ thuật thì buồn vui ấy đã trở thành những kỷ niệm tươi hồng trong tôi.
Ngày ấy, vào mùa hè năm 1987 khi tôi đến Trà My thăm gia đình người bà con họ hàng. Cũng có khi là cái duyên. Vào ngày hôm ấy thì Đoàn nghệ thuật tuồng QN-ĐN đến biểu diễn tại thị trấn Trà My. Đến tối tôi đi xem cùng với một vài người anh em trong họ. Ngay từ buổi xem hôm ấy tôi đã cảm nhận được phần nào đó về sự đa màu sắc, cảm nhận cái đẹp trong hóa trang của các nhân vật. Cũng từ vở Tuồng đầu tiên ấy, tôi thấy vở diễn lên án thói xấu xa, độc ác trong xã hội; tôn vinh việc thiện, việc nghĩa, hướng đến chân - thiện - mỹ. Cũng từ đó tôi luôn ao ước một lúc nào đó mình được lên sân khấu được làm vai nào đó mà mình yêu thích chứ cũng chưa hiểu hết thế nào là... hát bộ.
Cuối buổi biểu diễn, tôi nghe thông báo nhân dịp này Đoàn sẽ tuyển diễn viên để bổ sung cho lực lượng biểu diễn, vậy là sáng sớm hôm sau tôi tìm đến xin thi tuyển... Và rồi, rất buồn khi biết kết quả mình không đậu vì dáng vóc người quá bé nhỏ. Cũng chính từ đây có sự xáo trộn lớn trong cuộc sống của tôi, hết hè tôi tiếp tục trở về đi học. Tuy nhiên, việc học hành không còn hứng thú với tôi nữa, nỗi ám ảnh được trở thành diễn viên Tuồng dẫn đến việc học của tôi trở nên chểnh mảng. Kết quả học tập bị ảnh hưởng nhiều, gia đình và ba tôi cũng buồn lắm.
Một năm sau, năm 1988 tôi lại được tin đoàn Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với Trường Văn hóa Nghệ thuật tiếp tục tuyển sinh lớp diễn viên Tuồng... Chiều theo ý con, ba đã đồng ý cho tôi dự tuyển và niềm hạnh phúc cũng đã đến. Vui mừng khôn xiết là tôi được Hội đồng thi tuyển thống nhất lựa chọn và thông báo trúng tuyển... Nhưng lúc bấy giờ lớp học đã được khai giảng, các bạn đã vào học được một thời gian tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật QN -ĐN (Lớp sân khấu học tại đường Thanh Sơn, Phường Thanh Bình, Đà Nẵng), vậy là tôi phải học dự thính.
Tuy là học dự thính nhưng tôi vẫn được các thầy các cô như cố nghệ sĩ Lê Quang Nghạch, NSƯT Đạo Diễn Nguyễn Vĩnh Huế, thầy Hồ Hữu Có, NSND Trần Đình Sanh... hết lòng yêu quý tận tâm chỉ dạy. Sau một thời gian ngắn, tôi đã học được 4 vai diễn tiêu biểu là vai Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn. Các vai diễn này tôi được diễn báo cáo cho Hội đồng nghệ thuật và lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin tỉnh QN-ĐN. Từ thành công này tôi chính thức được vào học diễn viên tuồng khóa 1987-1990.
Mọi việc tưởng như đã thuận buồm xuôi mái nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình tôi lại phải nghỉ học giữa chừng và bôn ba đây đó để mưu sinh. Mặc dù cuộc sống bôn ba nhưng trong ký ức, trong tiềm thức của tôi không thể quên đi niềm đam mê nghệ thuật, tôi có cảm giác nó đã ngấm vào máu thịt mình... Tôi quyết định trở về lại quê hương.
Về quê, tôi tham gia phong trào văn nghệ tại địa phương, lúc này phong trào khôi phục nghệ thuật Tuồng tại quê tôi phát triển mạnh lắm. Tôi tham gia thi tuồng không chuyên và kết quả đạt giải xuất sắc. Cũng từ cuộc thi này đã giúp tôi có cơ hội để xin được quay trở lại với Nghệ thuật tuồng. Với lòng quyết tâm cao, tôi xin trở lại Đoàn tuồng và được Đoàn nhận vào học khóa Trung cấp diễn viên khóa 1994 - 1997. Lúc ấy các bạn đã học được gần 2 năm. Một lần nữa tôi lại vào sau và tôi lại phải hết sức cố gắng học tập và rèn luyện. Vậy là “Sự bất quá tam” như người xưa nói... May mắn cho chúng tôi, năm 2002 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh phối hợp với trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng mở lớp Cao đẳng diễn viên tuồng, chúng tôi được cử đi học tập để nâng cao chuyên môn. Với năng khiếu và sự nỗ lực của bản thân lại được các thầy, cô tận tình dạy bảo, truyền nghề, tôi đã có những thành công và đứng vững trên sân khấu với nhiều vai diễn chính.
Với mong muốn được trở thành một Đạo diễn Sân khấu, được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở, sự tạo điều kiện từ nhà hát, tôi đã thi tuyển vào học lớp Đạo diễn Sân khấu tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2011-2015. Tại đây được tiếp cận kiến thức từ các bậc tiền bối trong làng đạo diễn sân khấu như NSND Đình Quang, NSND Ngọc Phương, NSND Xuân Huyền... Qua các thầy, tôi được tìm hiểu sâu sắc hơn nghệ thuật sân khấu thế giới, về cấu trúc nghệ thuật tuồng cũng như nhiều kiến thức mang tính bác học của sân khấu nghệ thuật tuồng.
Qua thời gian tuồng ngày càng thấm đậm trong tôi. Được đứng vững trên sân khấu tuồng đến ngày hôm nay đối với tôi là niềm hạnh phúc.
Hiện nay, tuy khán giả trẻ chưa thực sự yêu thích, mặn mòi với nghệ thuật tuồng, nhưng tôi vẫn có lòng tin đến một lúc nào đó nghệ thuật tuồng sẽ cuốn hút được thế hệ khán giả trẻ, sẽ có nhiều người mến mộ. Tôi luôn mong ước tuồng sẽ lại thời hoàng kim của nó như trước đây từng rộn ràng trên quê hương tôi.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tôi xin tâm sự đôi lời về con đường đến với nghệ thuật bằng lòng đam mê và yêu nghề của mình. Tôi đã đi qua gần một nửa chặng đường, đồng hành từ khi còn Đoàn Tuồng QN-ĐN đến nay là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Năm 2015 tôi vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT do Chủ tịch Nước phong tặng. Đây là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn của bản thân và gia đình. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân, bên cạnh đó là nhờ sự chỉ bảo tận tình của các bậc đàn anh và sự hỗ trợ của anh chị em, bạn bè đồng nghiệp.
Trong 50 năm qua, nghệ thuật tuồng nói chung và nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói riêng đã có một số thành tựu lớn trong việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng. Và chặng đường phía trước còn lắm gian nan. Con đường nghệ thuật luôn phải nỗ lực không ngừng, tôi sẽ tiếp tục rèn giũa bằng khả năng và tâm huyết của mình. Cống hiến cho nghệ thuật tuồng là hạnh phúc đời tôi.
Đà Nẵng, ngày 9 tháng 9 năm 2017
P.V.Q