Hãy để mặc bài thơ tự chọn lấy cấu trúc âm nhạc của nó - Lê Quốc Sinh
1. Xin bắt đầu bài viết bằng một câu thơ: Có người xuống núi úp ly rượu đời. (Trần Vạn Giã, Ngồi chân núi Thằn Lằn làm thơ tặng Đồng Đức Bốn). Tôi muốn nói đến những lớp áo ngữ nghĩa bọc quanh các hình tượng ẩn dụ “người xuống núi”, “ly rượu đời” và cách diễn đạt sáng tạo của câu thơ, nhằm nhắn gửi với một phận người thôi làm rêu bám, giã từ cuộc rượu, cuộc đời, theo về cát bụi.
Lục bát dễ làm, nhưng làm để thành đáng nhớ thì khó. Tôi nhớ câu thơ của Trần Vạn Giã vì tôi đọc được hình tượng thơ cho thấy sự tìm tòi thể hiện.
Thơ, cần sáng mới lên bằng những tín hiệu câu chữ như thế.
Có cách nói mới, làm hứng khởi lòng người. Nhưng thơ vẫn cứ là thơ, bằng dân dã, ngọt ngào, bằng truyền thống:
Người đi cách bốn khoảng rừng
Cách năm ngọn núi, buồn không
hỡi buồn
Em về Giồng Giếng qua truông
Nhớ cài nút áo, mưa luồn đường xa.
(Giang Nam, Tình ca)
Người Trung Quốc xưa nhận xét: Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh; chữ nghĩa là nhan sắc của thơ, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ. Theo tôi, tìm ở những bài lục bát trong kho tàng thơ ca Việt Nam, sẽ có bài nhan sắc và đức hạnh có thể gần coi là được vẹn toàn. Như đóa thơ dưới đây, rưng rức cảm động tự tấm lòng, mà vẫn rất phiêu bồng, nhờ nhịp điệu linh hoạt, sự sắp xếp câu chữ sáng tạo, liên tưởng ẩn dụ bất ngờ:
Con về tìm mẹ đêm sâu
Nhà xưa cây đứng cúi đầu lặng yên
Mẹ lên ru gió trăm miền
Cõi mây ngoài nội từ hiên cát hồng
Mẹ giờ giũ áo hư không
Thênh thang nước nhược non
bồng một phương
Con tay chắp lạy nghiêm đường
Nâng hoa hồng bạch ngùi hương
nhớ người
Con về tháng bảy mưa rơi
Trăng Vu Lan lạc giữa đời võng nôi
Lời ai chuông nguyện đổ hồi
Lời kinh khát mẹ hoài côi cút tìm …
Con niềm ảo ảnh thinh im
Chít khăn mây trắng lên nghìn
đêm đau..
(Đỗ Công Quý, Hoa hồng trắng)
2. Tôi rất quan tâm đến nhạc trong thơ. Mỗi bài thơ sẽ hát trong người đọc một bản nhạc ngôn ngữ.
Lục bát và vài kiểu thơ quen biết khác thật khó hát mới lên được cho thơ tiếng Việt. Âm nhạc thơ lục bát, về cơ bản, là kết quả của nhịp câu thơ nhịp chẵn, phối hợp với lối hiệp vần (vần chân và vần lưng) liên tiếp giữa câu sáu và câu tám, cộng với một số biến thể (đôi lúc) phá cách vần và nhịp đó. Bài thơ lục bát từ đầu đến cuối cứ nhịp nhàng nhịp nhàng như nhịp võng, như nhịp đưa nôi. Truyện Kiều và Truyện Lục Vân Tiên là vàng son của thời thơ văn giáo lý phong kiến, của văn chương phản ánh cuộc sống theo ước lệ, khuôn phép.
Thi pháp hiện đại không thể ước lệ. Tác phẩm văn học hiện đại phản ánh cuộc sống với đầy đủ hơi thở rất sống, rất thực muôn mặt cuộc đời. Chiếc áo lục bát khó còn phù hợp. Ngày nay, tìm về lục bát là tìm về những khúc tâm tình qua lại, tìm về hồn dân tộc, chất ca dao.
Một vài kiểu thơ quen biết khác tôi muốn nói đến, là các thể thơ năm chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ... (cơ bản hiệp vần trong từng khổ thơ bốn dòng) từ thời Thơ mới. Các nhà thơ tiền chiến vốn cũng đã để tâm nhiều đến nhạc tính trong thơ. Chế Lan Viên nói: Thơ đi giữa ý và nhạc. Xuân Diệu nói: Tôi muốn sát nhập thơ ca vào lĩnh vực của âm nhạc. Và âm nhạc thật tuyệt vời với các tác phẩm thơ như: Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Nguyệt cầm của Xuân Diệu... Và âm nhạc thật đặc biệt được chú trọng trong thơ của Hồ Dzếnh, Thâm Tâm, Bích Khê, Đinh Cường...
Cho đến hiện tại, nhiều người làm thơ vẫn chọn cấu trúc âm nhạc Thơ mới làm nền cho phát khởi cảm hứng thơ mình. Theo tôi, những bài thơ tên tuổi nhất của thơ Việt Nam sau 1945 như: Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan... đều có chung cấu trúc âm nhạc liên quan đến tính kể chuyện của bài thơ. Hiện thực cuộc sống đi vào thơ một cách tự nhiên qua những câu thơ tự do hơn (so với Thơ mới) về số chữ, những đoạn thơ, khổ thơ tự do hơn về số câu, tự do hơn về vần, nhịp. Cho nên những bài thơ này có một hình thức âm nhạc mới, một cấu trúc âm nhạc gần với tính kể chuyện, bằng những câu thơ chủ yếu là câu trần thuật và miêu tả.
Rồi một số bài thơ thành công thời chiến tranh, đã quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, mà có thể kể đến trong số này như: Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Quê hương của Giang Nam... cũng là những bài thơ tiếp nối thơ mang cấu trúc âm nhạc bài thơ kể chuyện.
Trong mạch nguồn thơ ca chung của dân tộc, từng mỗi giai đoạn, mỗi thời đại, thơ ngân vang lên và ở lại trong trí nhớ, trong trái tim, lòng người bằng một giai điệu thơ riêng.
Nhạc trong thơ có tính giai đoạn, tính thời đại.
3. Những người trẻ làm thơ như chúng tôi hôm nay, không thể tóm thâu trời đất bằng những bài ca cổ luật, cũng không thể viết những bài thơ tình buồn, hay hát lên những trường ca thơ tranh đấu. Chúng tôi sống thời đại hôm nay, đọc cha ông, viết và soi rọi thơ mình bằng những kinh nghiệm thẩm mỹ tự tìm tòi và chịu chi phối. Trong dòng chảy kế thừa, tiếp nối, sáng tạo, thơ của những người làm thơ hôm nay phải có khuôn mặt của thơ hôm nay.
Và trong đó, đương nhiên, phải có một thứ âm nhạc của thơ hôm nay.
Những bài thơ tôi trích dẫn ra sau đây, là muốn tìm đưa người đọc đến với cái bây giờ của giọng, của điệu:
Người đàn bà cello lòng hồ
Sương hà hơi mờ thành phố
Anh dốc em vào cơn dốc
Hàng triệu nốt nhạc hóa
chuỗi chuỗi ngọc
Choàng lên đêm lên em lên anh
Hồ dâng ngực sóng
Con gà đỉnh nhà thờ làm mình
khổng lồ bằng tiếng gáy
Ba chiều không gian giao hoan
cơn mưa
Mở bờ môi cuồng si
Ngón quyện ngón lên trời thẳm
Quên lạnh giá hoa đầy hoa nở
Hoa mùa thu em chu du độc sáng
Thoát ly thác mê từ tốn
Trườn lòng thung lũng say
Lũ thông già đòi bật gốc !...
(Vi Thùy Linh,
Mùa thông già bật gốc)
Những thi sĩ cùng thời
Luôn ngộ nhận mình là những
nhà hiền triết
Họ mặc những sắc màu sặc sỡ
như chim bói cá
Trong đầu ủ đầy những hạt giống cỏ
cho một vụ mùa truyền thống
Tự phong mình là kẻ trứ danh
Thêu dệt những giai thoại nhiều hơn
chăm chút vào tác phẩm
Xập xòe, trửng giỡn, vần vè
Dễ dàng thỏa hiệp
Họ lừa nhau và lừa cả chính
bản thân mình
Nội lực sáng tạo ngắn
Trơ nhẵn với vinh hãnh
Trục lợi trang viết và cai trị chúng
như những chủ nhà chứa
Tung hứng chiếc lưỡi
Thù ghét bẩn chật
Véo von một giọng
Khi trong đầm lầy ánh lên một
câu thơ độc sáng
Họ hốt hoảng quay lại ngỡ như
bị phản bội
Giữa đêm tối, nở nụ cười hiểm trở
Họ trở về và mân mê lau chùi kỹ lưỡng
những ngón tay điểm chỉ của mình..
(Nguyễn Hữu Hồng Minh, Thi sĩ cùng thời)
Đó là những bài thơ đọc lên có cái gì không giống trước. Âm nhạc không giống trước. Đó là những bài thơ tự cảm và những câu thơ đầy ắp hình ảnh sát sượt cuộc đời. Bài thơ tự cảm, câu thơ rất đời ấy vốn kết tinh từ đời sống, là tiếng nói trái tim qua lăng kính trải nghiệm cuộc đời. Cho nên, nó đầy ắp cuộc sống. Cuộc sống của hôm nay. Của thơ hôm nay.
Goethe nói: Nếu để tâm suy nghĩ
về nhịp điệu khi làm một bài thơ, sẽ bị
lạc lõng và không đi tới kết quả gì. Supervielle nói: Tôi để mặc bài thơ chọn lấy thể thơ. Hay nói cách khác, hình nhạc của bài thơ vốn có sẵn trong cảm xúc, rồi hiện ra trên bài thơ qua vần, nhịp, thanh điệu, hình thức điệp, bố cục dòng, đoạn... Âm nhạc đích thực trong thơ là sự ngân lên gần như vô tình của hồn thơ. Mà hồn thơ đích thực có nguồn rễ phải là từ đời sống.
Thế có nghĩa là, chính đời sống, chính thời đại, chọn lấy thể thơ, chọn lấy cấu trúc âm nhạc cho thơ.
Đời sống hôm nay, thời đại hôm nay chọn lấy thể thơ, chọn lấy cấu trúc âm nhạc cho thơ hôm nay.
L.Q.S