Vọng phu - từ truyền thuyết đến truyện ngắn và điện ảnh

07.11.2020
Nguyễn Văn Hùng
Vọng phu là ý niệm tiêu biểu của tâm thức văn hóa người Việt, gắn với hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, thiên tai liên miên mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng từ hàng ngàn năm qua. Từ truyền thuyết đến truyện ngắn và phim chuyển thể từ truyện ngắn, các tác giả đã kế thừa và sáng tạo motif này trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Vọng phu - từ truyền thuyết đến truyện ngắn và điện ảnh

Trong truyện ngắn Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), sau những năm tháng chiến đấu trở về, vùng núi Đợi gắn với kí ức hai vợ chồng đi khai hoang chỉ còn lại trong Lực hình ảnh về ngọn núi mang hình hài người đàn bà cô đơn. Thật ra, câu chuyện về vùng núi Vọng phu khi còn nhỏ Lực đã được nghe mẹ kể. Lúc trở về này, chính Thai nhắc lại và nhấn mạnh thêm đúng như dự cảm mơ hồ của anh trước ngày lên đường ra trận. Khi nghe Thai kể về câu chuyện ấy, anh mới bắt đầu quan sát, tưởng tượng và cảm thấy “lạ lùng”. Có thể trước đây anh không hiểu hết cái sự chờ đợi đến hóa thạch của những người đàn bà ấy. Đến khi tự mình trải nghiệm nỗi đau chia cắt vợ chồng, đặc biệt là lúc trở về biết người vợ do tưởng mình đã chết nên đi tái giá cùng người đàn ông khác (Quảng), Lực mới thấu hiểu hết ý nghĩa trong câu chuyện vọng phu. Về phía Thai, cô luôn mang mặc cảm vì đã không thể hóa đá đợi chồng đến trọn đời như trong truyền thuyết. Chính sự lưỡng lự, day dứt ấy khiến Thai luôn sống trong một ảo ảnh quá khứ - thực tại, người sống - người chết. Quảng - người chồng mới của Thai - cảm nhận sâu sắc nhất nỗi đau này. Dù sống với Quảng, có những đứa con chung, nhưng dường như tâm hồn Thai đã hóa đá từ khi tưởng Lực chết. Thậm chí, Thai sống trong thế giới ảo giác của riêng mình khi tưởng tượng Thơm (con của cô và Quảng) chính là con của mình và Lực.

Đan xen giữa câu chuyện của Lực - Thai - Quảng là câu chuyện của Huệ - cô gái có người yêu (Phi) hi sinh nhưng chưa tìm thấy xác. Trớ trêu thay, Lực lại là nguyên nhân đẩy Phi vào cái chết. Mặc cảm tội lỗi này khiến Lực có thể thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh và sự lựa chọn của Thai.

Như vậy, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không còn là sự mô phỏng một chiều cho truyền thuyết về người đàn bà chờ chồng đến hóa đá. Chính cái nhìn của Lực đã thoát khỏi thứ nhãn quan đạo đức do nam giới thống trị, áp đặt cho người phụ nữ như trong truyền thuyết. Nếu người chồng trong truyền thuyết không hề biết sự hóa đá của người vợ thì Lực cảm nghiệm sâu sắc sự chịu đựng của Thai dù cô không hóa đá. Trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra, nhiều khi con người không thể kháng cự trước quy luật nghiệt ngã của nó. Tư tưởng này đã khiến truyện ngắn nghiêng sang tính chất bi cảm khi khắc họa số phận của người đàn bà trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.

Chiều sâu nhân bản trong cái nhìn mới mẻ nói trên của Cỏ lau đã gợi hứng để nhà làm phim Vương Đức quyết định chuyển thể truyện ngắn này. Hầu như những tiết đoạn liên quan đến núi Vọng phu hay câu chuyện giữa hai người đàn ông và Thai trong truyện ngắn đã được đạo diễn tiếp thu và tái hồi có sáng tạo trong phim của mình. Thay vì định danh “núi Vọng phu”, “núi Đợi”, đạo diễn lại gọi là “núi Gia đình”, “núi Vợ chồng”. Máy quay hướng về dãy núi, Thai kể cho Lực nghe: “Núi Vợ chồng kia kìa. Người chồng cao hơn còn người vợ thấp hơn, họ nép vào nhau. Còn kia là núi con, con của vợ chồng đó. Vì thế mà người ta gọi là vùng núi Gia đình đấy”. Hình ảnh núi Vợ chồng còn xuất hiện thêm nhiều lần trong phim, khi Huệ cùng đoàn công binh đi tìm hài cốt Phi, đặc biệt là đoạn gần cuối phim khi Lực gặp lại Thai sau nhiều năm xa cách. Câu chuyện phim không nhắc đến hai chữ “vọng phu” nhưng vẫn khiến người xem liên tưởng đến truyền thuyết về người đàn bà (ôm con) chờ chồng.

Việc thay đổi cách định danh nói trên của Vương Đức chính là cách làm mới truyền thuyết cũng như sáng tạo thêm từ truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Đạo diễn muốn nhấn mạnh tới tình nghĩa vợ chồng, hạnh phúc gia đình, chứ không đơn thuần bê nguyên truyền thuyết về người đàn bà mòn mỏi đợi chồng. Chiến tranh đã khiến nhiều gia đình mất đi người thân, vợ chồng con cái chia cắt. Để rồi khi trở về, núi Vợ chồng vẫn còn nguyên như mang khát vọng của sự sum vầy, đoàn tụ, nhưng trớ trêu thay, cuộc đời của họ đã đổi khác. Dù có thể hiện đậm hay nhạt, hiển lộ hay ẩn ý, cả truyện lẫn phim đều hướng tới cải biên câu chuyện vọng phu trong truyền thuyết bằng cảm thức mới. Nó không đơn thuần là hiện thân của sự hi sinh thầm lặng được người đời ngợi ca, ngưỡng vọng, mà còn là chứng nhân của nỗi đau, mất mát và hành trình xoa dịu, chữa lành vết thương sau cuộc chiến.

Người đàn bà chờ chồng trong truyền thuyết cũng được tái hiện qua hình ảnh bà Thoa trong truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương và phim chuyển thể Đời cát của Nguyễn Thanh Vân. Bà Thoa đã mòn mỏi chờ đợi chồng suốt hơn hai mươi năm, từ khi còn là một cô gái thanh xuân đến lúc trở thành người đàn bà héo úa. Bà đã giữ sự thủy chung với chồng khi nhiều lần khước từ tấm chân tình của ông Huy. Bà cũng đã thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ chăm lo cho bố mẹ chồng lúc họ còn sống, và hương khói mồ mả dòng họ nhà chồng khi tất cả đã mất. Bà không hóa đá về tâm hồn, nhưng về thể xác, mọi ham muốn đàn bà đã nguội lạnh khi chồng trở về.

Nghĩa là một phần nào đó, cơ thể bà đã bị “đá hóa”. Những tưởng khi vợ chồng đoàn tụ, bà sẽ vỡ òa hạnh phúc, nhưng đau đớn thay, nơi bà lại đầy lên một mặc cảm khác: không thể đáp ứng nhu cầu đàn ông của chồng và không thể có con. Không những vậy, đã có lúc ông Cảnh còn nghi ngờ tấm lòng thủy chung của người vợ. Bởi ông không tin, rằng người phụ nữ lại có sức chịu đựng khủng khiếp như vậy, rằng hơn hai mươi năm mà không một lần lầm lạc, sa ngã. Cả truyện ngắn và phim đều là một sự ám dụ sâu sắc về sức bào mòn nghiệt ngã của chiến tranh đến cơ thể, danh dự và lòng tin của con người.

Hình ảnh người đàn bà chờ đợi và nỗi đau danh dự còn được thể hiện đậm nét trong truyện ngắn Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh và phim chuyển thể cùng tên của Đặng Thái Huyền. Sao cưới Lãng, niềm hạnh phúc vợ chồng chỉ vỏn vẹn có được trong một ngày. Lãng trở lại đơn vị để lại người vợ mới cưới và tháng ngày dằng dặc đợi mong: “Người vợ xa chồng có trăm ngàn cơ cực, chẳng nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Có những đêm dài ghê gớm, tôi lục sục không ngủ. Nằm một mình ôm gối, nhớ chồng, trằn trọc chờ sáng. Tôi lôi cái áo cũ bạc màu của chồng ra ấp vào mặt, nỗi nhớ càng nôn nao, da diết hơn”.

Nỗi niềm của Sao được mẹ chồng thấu hiểu và sẻ chia, bởi chính bà đã từng trong tình thế đợi chờ như vậy. Không chỉ mang bi kịch của người đàn bà chờ chồng, Sao còn phải đối diện với những dị nghị, vu vạ của thiên hạ. Tình ngay lí gian, cô không thể bào chữa, ngay cả mẹ chồng cũng nghi ngờ con dâu. Những tháng ngày sau đó, Sao sống trong nỗi tủi nhục, câm lặng, ê chề. Danh dự, phẩm tiết của người đàn bà bị vẩn đục bởi sự ấu trĩ, hẹp hòi của người đời. Nếu không có sự trở về của chồng, không được minh oan thì có lẽ cả đời này Sao vừa mất chồng vừa gánh thêm tội lỗi phản bội.

Nỗi đau của người đàn bà trong truyện ngắn Mười ba bến nước đã được Đặng Thái Huyền, dưới cái nhìn nữ giới, thể hiện sâu sắc, ám ảnh trên phim cùng tên. Câu chuyện này khiến người đọc truyện và người xem phim liên hệ đến bi kịch của Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Phụ nữ thời nào cũng khổ, cũng là nạn nhân yếu thế, nhất là thời chiến tranh loạn lạc. Không phải ai cũng may mắn được chồng minh oan như Sao hay được thần tiên cứu giúp như người thiếu phụ Nam Xương. Còn đó biết bao nhiêu người phụ nữ đã và đang phải giấu kín nỗi đau danh dự bị tổn thương, ngàn đời chịu tiếng oan, không thể gột rửa.

Người đàn bà trong phim Tướng về hưu của Nguyễn Khắc Lợi và Người trở về của Đặng Thái Huyền không hóa đá mà hóa điên bởi sự chờ đợi. Thời điểm họ xuất hiện lần đầu đều trong những bữa tiệc vui (tiệc mừng tướng Thuấn về hưu, tiệc cưới của San) như càng khắc sâu tấn bi kịch của người đàn bà. Đặt vinh quang của tướng Thuấn bên cạnh người vợ nửa điên nửa tỉnh, hay hạnh phúc của San bên cạnh người phụ nữ điên vì chồng ra trận ngay trong ngày cưới như là một sự cật vấn, phản tỉnh. Phải chăng đằng sau vinh quang hay hạnh phúc luôn hiện hữu những nỗi đau tột cùng của con người?

Trong truyện ngắn Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp nhắc đến chi tiết về sự chờ đợi và tình trạng lẫn của bà Thuấn khi chồng đi chiến đấu biền biệt. Khi đưa lên phim, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã thay đổi chút ít về chi tiết này. Bà Thuấn xuất hiện lần đầu trong phim với dáng đi lảo đảo, mô phỏng người cầm súng, miệng kêu “đùng đoàng… đùng đoàng” giữa bữa tiệc mừng tướng Thuấn về hưu. Bà không chỉ bị lẫn (như trong truyện) mà còn có dấu hiệu bị điên. Đặc biệt, tình trạng này có nguyên nhân gián tiếp từ ông Thuấn. Qua lời bà con hàng xóm nhỏ to trong bữa tiệc thì “Hồi ấy nghe tin ông ấy hi sinh, bà ấy ở nhà suy nghĩ…”, “Mấy chục năm nay, bà ấy vất vả lắm. Ông ấy thì đi xa có mấy khi về…”.

Chiến tranh và sự chờ đợi suốt một thời gian dài, nhất là từ sau khi nghe tin chồng hi sinh, cùng nỗi vất vả trăm bề một mình nuôi con đã làm bà phát bệnh. Chính câu chuyện này khiến tướng Thuấn luôn sống trong tâm trạng day dứt, ăn năn. Người đàn ông kiếm tìm những vinh quang bên ngoài để lại người đàn bà ở nhà mòn mỏi đợi chờ. Vinh quang ấy phải trả bằng cái giá quá đắt. Tình trạng điên - tỉnh và cái chết trong đau đớn của bà Thuấn phần nào đã “giải thiêng” vinh quang của một vị tướng. Điều này cũng giải thích tại sao khi vợ qua đời tướng Thuấn lại khóc đau đớn, tê dại đến như vậy.

Nếu như trong các phim Tướng về hưu của Nguyễn Khắc Lợi, Cỏ lau của Vương Đức, Đời cát của Nguyễn Thanh Vân, Mười ba bến nước của Đặng Thái Huyền, câu chuyện về người đàn bà chờ đợi được kế thừa và làm mới từ các truyện ngắn, thì trong các phim Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh, Người trở về của Đặng Thái Huyền, câu chuyện này lại là sự thêm vào so với nguyên tác truyện ngắn. Dĩ nhiên, các tác giả truyện ngắn và điện ảnh đều chuyển hóa từ motif vọng phu trong truyền thuyết.

Trong phim Thương nhớ đồng quê, Đặng Nhật Minh đã chăm chút, tập trung thể hiện sâu sắc câu chuyện chờ chồng. Nếu ở truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, câu chuyện này hiển thị mờ nhạt, thì khi chuyển thể, đạo diễn phim đã bổ sung, tô đậm nhằm khắc họa thân phận người đàn bà hậu chiến. Hình ảnh chị Ngữ mòn mỏi đợi chồng trong vô vọng hay hình ảnh chị Thoa lặng lẽ như một cái bóng kể từ ngày chồng hi sinh ngoài mặt trận được đạo diễn lồng vào tạo thành những mảnh ghép trong những câu chuyện về làng quê Bắc Bộ. Không phải ngẫu nhiên, những khuôn hình về chị Ngữ hay chị Thoa luôn là khuôn hình tĩnh, bắt lấy khoảnh khắc họ ngồi một mình với gương mặt khắc khoải, đôi mắt u buồn hướng về phía xa xăm, như đang chờ đợi một phép màu nào đó.

Trong phân cảnh chị Ngữ và Nhâm đi chặt mía, nhìn thấy tổ chim non bị rớt xuống, chị Ngữ vồ lấy, suýt trúng phải nhát dao của Nhâm, và sau đó câu chuyện về nàng Tô Thị (một biến thể của truyền thuyết về nàng vọng phu) được chị nhắc đến. Trên nền giai điệu Hoa thơm bướm lượn được chị Ngữ nhẹ nhàng cất lên, Nhâm bộc lộ những ý nghĩ thầm kín của anh: “Tôi chẳng hiểu sao chị Ngữ lại nhắc đến sự tích nàng Tô Thị. Đấy là chuyện hai anh em mồ côi bố mẹ. Một hôm đi chặt mía, vô ý người anh lia dao vào đầu em gái. Sợ quá, người anh bỏ làng đi biệt tăm. Sau này lấy vợ, mới biết rằng đó chính là em ruột của mình vì nhận ra vết sẹo trên đầu (Nhâm dừng chặt mía, liếc nhìn về chị Ngữ đang mớm nước miếng cho những con chim non). Người chồng lại bỏ đi, người vợ chờ mãi hóa thành đá. Nàng có tên là Tô Thị. Ở làng tôi có biết bao nhiêu phụ nữ chờ chồng. Nhưng tôi chưa thấy ai hóa đá. Chị Ngữ cũng vậy”. Trong quan sát và cảm nhận của chàng trai trẻ thì mẹ, dì Lưu, chị Ngữ hay chị Thoa là những người đàn bà chờ đợi chồng đi làm ăn xa xứ, hoặc ra chiến trận không trở về. Sự chờ đợi đến héo úa, mỏi mòn khiến tuổi thanh xuân của họ dần bị trôi vào lãng quên.

Thoa có chồng hi sinh ngoài mặt trận, chị sống cùng mẹ chồng (dì Lưu) như một cái bóng. Gương mặt khắc khổ, ánh nhìn u buồn, dáng đi lầm lũi khiến người xem không khỏi xót xa. Đặng Nhật Minh đã xây dựng một phân cảnh vô cùng ám ảnh miêu tả “cái bóng” của chị Thoa giữa màn đêm. Chị trở dậy chuẩn bị đồ đoàn cho phiên chợ sáng, cái bóng của chị xuyên qua màn (nơi Quyên đang ngủ) in hằn trên tường khiến Quyên hoảng hốt, giật mình. Lúc này máy quay đặt từ đằng sau chị Thoa khiến cái bóng gần như phủ lên toàn bộ mảng tường trước mặt. Máy quay tiếp tục di chuyển vào bên trong, từ cái nhìn ra của Quyên, sau lớp màn in rõ hình hài một người đàn bà đứng như tượng đá.

Ở phân cảnh tiếp theo, máy quay đặt từ điểm nhìn của Nhâm lúc trời tranh tối tranh sáng. Hướng theo ánh mắt của anh, hình ảnh người đàn bà không rõ mặt, cái bóng màu đen quảy đôi gánh trên đê in hằn giữa nền trời rạng sáng. Khi cái bóng tiến đến gần, Nhâm mới nhận ra đó là chị Thoa đang cầm trên tay chiếc đồng hồ mới được Quyên cho. Chiếc đồng hồ là một niềm hi vọng mới của chị, bởi nếu đem bán đi thì sẽ có thêm chút kinh phí để chị đến Tây Ninh thăm mộ chồng.

Trong phim Người trở về, Liễu là nhân vật được đạo diễn bổ sung so với truyện ngắn Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh. Liễu xuất hiện lần đầu trong cảnh đám cưới San với bộ dạng điên loạn, nhìn ai cũng ra chồng mình. Chồng Liễu ra trận ngay trong đêm tân hôn, cô chưa kịp làm đàn bà đã trở thành góa bụa. Nỗi đau cùng cực đến mê muội khiến cô sống trong hoang tưởng. Trong căn nhà tranh đơn sơ của mình, Liễu làm những hình nộm mô phỏng các tư thế của chồng và khoác lên những bộ đồ mà chồng để lại. Hằng đêm cô ôm hình nộm ngủ. Cô giặt đồ, phơi phóng như chính chồng đang có mặt trong căn nhà. Cô sống và tự lừa dối mình trong thế giới ấy. Giống như bà Thoa hay Sao, Liễu cũng bị nghi ngờ về phẩm tiết của mình. Đến khi mọi chuyện vỡ lẽ, danh dự của cô được bảo toàn, thế giới bí ẩn trong ngôi nhà ma quái bị lộ thiên, không còn cách nào khác, Liễu tự tay phóng hỏa ngôi nhà và bỏ đi đâu không ai biết. Sự nghiệt ngã của số phận người đàn bà trong chiến tranh được Đặng Thái Huyền cảm nghiệm, thể hiện ám ảnh qua Liễu, một nhân vật phụ trong phim.

Điều đặc biệt là hầu hết hình ảnh về người phụ nữ chờ đợi được quan sát, cảm nhận qua cái nhìn của nam giới (Lực với Thai, Huệ; tướng Thuấn với vợ mình; Nhâm với chị Ngữ, chị Thoa). Chính sự trải nghiệm của mỗi nhân vật nam này đã tháo bỏ cảm quan nam quyền, tháo bỏ lớp huyền thoại với cái nhìn ngưỡng vọng, ngợi ca, thay vào đó là sự đồng cảm, xót thương, thậm chí là nỗi niềm ân hận, sám hối bởi chính người nam trực tiếp (Lực) hay gián tiếp (tướng Thuấn, Nhâm) gây ra bi kịch của người nữ. So với các truyền thuyết, sự tích, từ những truyện ngắn đến những bộ phim chuyển thể đã kiến tạo nên cái nhìn mới mẻ, giàu tính nhân văn về số phận những người đàn bà đợi chờ.

Rõ ràng, những nhân vật nữ có tên như Thai, Huệ trong truyện và phim Cỏ lau, chị Ngữ, chị Thoa, dì Lưu trong truyện và phim Thương nhớ đồng quê, bà Thuấn trong truyện và phim Tướng về hưu, Liễu trong phim Người trở về hay không có tên như những người đàn bà góa, những người phụ nữ làng Nhâm trong truyện và phim Thương nhớ đồng quê là hình ảnh gợi nhắc truyền thuyết về nàng vọng phu trong văn học dân gian Việt Nam. Những người đàn ông, người chồng, người yêu của họ vì lí do này hay lí do khác cứ biền biệt xa cách, thậm chí không bao giờ trở lại. Motif vọng phu xưa được các nhà văn và nhà làm phim nay triệu hồi, trưng dụng, dù có những biến thể khác nhau nhưng đều mang chung một nét nghĩa: không chỉ ngợi ca phẩm chất cao quý của người đàn bà trong thời loạn mà còn thể hiện niềm đồng cảm, xót thương cho số phận, tình thế làm đàn bà trong một đất nước có quá nhiều biến loạn bởi thiên tai, địch họa.

(vannghequandoi.com.vn)