Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm: “Tôi ngồi đợi chữ gọi thơ…”
Hôm vừa rồi, vào Quảng Nam anh điện thoại hẹn gặp tôi để trực tiếp tặng tập thơ “Bên cửa sổ” mới nhất của mình vừa ra mắt bạn đọc. Trân quý tâm tình của một người anh đã có duyên cách đây chừng hơn 20 năm đã công tác chung trong một đơn vị, khi tỉnh Quảng Nam vừa chia tách.
Khi đó nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm thì đã công tác ở cơ quan ấy rồi, còn tôi thì lang thang trên chuyến xe hành phương Nam, chưa biết điểm dừng chân ở đâu, khi ba lô trên vai vỏn vẹn bộ quần áo, tấm ảnh cá nhân phóng to từ một hiệu ảnh ở thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn (lúc đó không có giấy tờ cá nhân nào tùy thân). Rồi xe hỏng, phải tạm dừng chân. Tôi đã gặp anh và về làm công việc truyền thông, làm bản tin Vì trẻ em Đất Quảng hơn 3 năm cho đến khi đầu quân một cơ quan mới.
Lúc ấy có lẽ nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm chưa biết tôi nhiều nhưng tôi đã biết anh từ “Khói tỏa về trời“, từ một người thơ ở Bồng Lai, Điện Bàn, từ dòng họ Nguyễn Nho có những bậc kỳ tài về thơ và bạc mệnh.
Những câu thơ anh viết về cha (bài Cha tôi, in ở tập “Khói tỏa về trời” từ năm 1994 vẫn như chưa ráo mực, vẫn cứ làm tôi đau đáu, trăn trở khi nghĩ về đấng sinh thành. “Màu da cha đen, chén cơm thì trắng/Con nghẹn ngào nhớ nắng, nhớ mưa/Tám mươi tuổi chưa có thời gian giỡn đùa với cháu/Tóc le que không dám bạc sợi nào…”. Hay: “Cha tôi thường ít nói/ Chỉ thích làm ra lúa khoai/ Cha tôi thường dạy bảo/ Làm trước nói sau mới đạo làm người…” (Bài cha tôi).
Đọc thơ Nguyễn Nho Khiêm tôi cảm nhận đó là một giọng thơ của sự hồn hậu, chân chất như gốc rạ, bờ tre hay một ngọn khói đốt đồng làm ta cay mắt. Đó là nỗi buồn khởi phát bởi một kiếp nhân sinh, giữa thực tại vẫn nghe đâu đây tiềm tiềm thức réo gọi ta về. Thực đấy mà nhiều khi cũng vô chừng hư thực. “Tôi buồn và tôi lại làm thơ!”, đó là một trong những câu trong “đôi lời…” đề từ do chính nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm viết khi xuất bản tập thơ riêng đầu tiên cho mình.
Cũng chừng mười năm, từ “Khói tỏa về trời” (NXB Đà Nẵng 1994) đến “Bên ngoài cánh đồng” (NXB Đà Nẵng 2003), rồi “Nắng trên đồi” (NXB Đà Nẵng 2011), và bây giờ là “Bên cửa sổ”, (NXB Hội Nhà văn Việt Nam 2021), thơ anh vẫn giữ cốt cách, phong thái riêng có của mình, dù cảm xúc dồn nén hơn, bung bật hơn, tinh tế hơn trong sử dụng ngôn từ, cảm xúc và chiêm nghiệm.
Phải chăng đó cũng chính là “những chuyển động lặng lẽ” của thơ Nguyễn Nho Khiêm như nhận xét của nhà thơ Thanh Quế – nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam- Đà Nẵng. “Đời cộng cho ta ngày mưa nắng/Thời gian trừ tất tật, trở về không/Thân thành mục đốt thành tro khói/Thơ còn chăng?- Gió thoảng phiêu bồng” (Bài Cộng-Tặng thi sĩ Nguyễn Kim Huy); Hay từ “Quán cà-phê Lê Lợi”: “Gần 50 năm quán cà phê Lê Lợi/Mỗi sáng chúng tôi ngồi như điều tất nhiên/Ngồi từ trẻ đến bây giờ tóc bạc/Nói chuyện tầm phào nói chuyện thiêng liêng…”…
Tôi chợt nhớ, đúng là quán cà phê đó rồi. Tôi đã có một lần duy nhất ngồi cùng anh khi ra Đà Nẵng, lúc ấy anh rời Quảng Nam về công tác ở Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng. Mỗi ngày mới lên và quán cà phê cũ lại nhưng ở đó anh đã nhận ra những nghiệm số cuộc đời cho anh và cho nhiều người khác nữa, đó là: “Tôi thấy ai đến đây không phải để uống/Mà đang nhấm điều gì nhoi nhói phía ngoài kia”.
Cảm xúc và sự chiêm nghiệm ngày một hiện hữu nhiều hơn trong thơ Nguyễn Nho Khiêm dù những đề tài thơ vẫn quanh quất nơi anh đang sống, nơi anh vừa mới đặt chân đến, hay từ một con người, từ một phòng tranh… “…Con chim xanh bay ra từ giấc mộng/Ươm tiếng rừng xa về đậu vai người/Chim vỗ cánh sắc màu huyền thoại/Bay lặng thầm mật báo tin vui…” (Bài xem tranh Nguyễn Quang Thiều).
Những câu thơ có sức gợi đa chiều. Mỗi người đọc có quyền liên tưởng và những cảm nhận của riêng mình để rồi cũng như tác giả hốt nhiên, bất chợt nhận ra những điều mới mẻ từ những mật ngữ vô ngôn. “Mưa trưa, tạt Phá Tam Giang/ Khói sương ghi vội mấy hàng thơ chơi” (Trở lại Phá Tam Giang).
Với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sực nhớ đó là khi anh tiễn biệt người con trai yêu quý của mình đang tuổi mộng sân trường vụt tắt. Những tia nắng mai hy vọng ở tương lai cũng chợt khụy xuống, lặng câm trước ô cửa căn nhà số phận. Còn chăng là tiếng thơ vọng ra quặn thắt. “Người đàn ông hai tay ôm mặt/ nấc lên/biển không còn sóng/ bầu trời thẫm đen/gió xuân chìm trong lá…”.
Có lẽ đây là cảm xúc thơ gây ấn tượng mạnh nhất khi tôi đọc thơ Nguyễn Nho Khiêm và liên tưởng đến một nhà thơ xứ Quảng là Nguyễn Ngọc Hạnh với bài thơ “Nhớ con” đã được nhạc sỹ Huỳnh Văn Tấn phổ nhạc thành “Khúc ru trầm”, có những câu: “Có điều gì ẩn sâu trong ngực/ chiều cứ đi qua/chiều xuống chậm dần/tôi cùng với hoàng hôn// tím ngắt/ai rót vào đêm giọt lệ ly tan/ai rót vào tôi chén rượu tràn/uống thế nào đây/vơi nhớ thương/ai dán tiếng cười con tôi rong rêu bia đá…”.
Quay lại những câu thơ “bật khóc” của Nguyễn Nho Khiêm tôi lại nhớ cách đây cũng khá lâu, anh từng viết bài thơ “Cho con” khi con thôi nôi. “Ngày thôi nôi con/ Con chưa biết đi, chưa biết nói/ Chưa biết cuộc đời sướng khổ thế nào đây?…Ba nhìn mẹ, mẹ nhìn ba yên lặng/ Biết giúp con được gì…”. Và rồi góc bể con đi, chân trời con đến, vết thương lòng đã thành nhói buốt những câu thơ…
“Bên cửa số”, những nghiệm số cuộc đời vẫn chất “tĩnh, lắng, vọng, vang” anh vẫn thủy chung dành tặng cho quê hương xứ sở, ngợi ca vẻ đẹp tạo tác, vẻ đẹp của những tâm hồn biết cảm thông, chia sẻ. Hơn thế, thơ anh còn lắng lại, nhen nhóm những tia hy vọng đáng quý giữa đời hư thực nhưng nhiều khi cũng giông gió, trả vay. “…Có những buổi chiều không biết về đâu/Chiếc đồng hồ không vặn lui được nữa/Cơ hồ bước chân lối nào cũng lạc/Tin còn em đứng đợi cuối đường” (Bài những buổi chiều)…
Chất đằm, lắng, chiêm nghiệm trong thơ Nguyễn Nho Khiêm còn có khả năng kết đọng những ý nghĩ phiêu bồng, tự vấn… thái độ sống và quan niệm nhân sinh của thi nhân. Điều ấy còn giúp thơ anh dẫn dụ độc giả đi tìm cái nõn xanh của một ngày nắng đẹp, hiện đại, tự tại, không bị trói buộc bởi vần luật để: “Bên cửa sổ ly cà-phê mỗi sáng/một tôi ngồi đợi chữ gọi thơ/ và em nữa bên dòng sông tưởng tượng/ mái trời yêu rất thật giữa ngày mơ” (Bài bên cửa sổ).
(vanvn.vn)