Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh giai cấp công nông trong thời kỳ đổi mới

29.10.2015

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh giai cấp công nông trong thời kỳ đổi mới

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa C.Mác - Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi xây dựng liên minh công nông là nguyên tắc cao nhất của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; là tiền đề quan trọng để hình thành liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh công nông

C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã khẳng định vai trò của liên minh công nông trong sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột - lực lượng cơ bản trong cuộc cách mạng XHCN. Giai cấp công nhân là con đẻ của nền đại công nghiệp, trực tiếp sản xuất trong dây chuyền đại công nghiệp, và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, họ có tri thức, hiểu được quy luật tiến hóa của tự nhiên và của xã hội. Giai cấp nông dân chiếm số đông trong xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có nhiệt tình cách mạng và đặc biệt có cùng chung lợi ích, lý tưởng với giai cấp công nhân. Hai giai cấp này liên minh với nhau sẽ tạo thành sức mạnh vô địch, không gì có thể ngăn cản nổi, đúng như C.Mác đã khẳng định: Một khi liên minh được thực hiện thì “cách mạng vô sản mới thực hiện được bài đồng ca mà nếu không có được bài đồng ca này thì, trong tất cả các quốc gia nông dân, bài đơn ca của cách mạng vô sản sẽ trở thành một bài ai điếu”(1).

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã thực hiện triệt để liên minh giai cấp công nông trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nông dân là “quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân”(2). Cho nên, “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự đảm bảo chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”(3).

Trong Lời kêu gọi tại Hội Nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã kêu gọi giai cấp công nhân, nông dân, bính lính, thanh niên, học sinh cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:

“1 - Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến Việt Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng.

2 - Làm cho nước Việt Nam được độc lập.

3 - Thành lập Chính phủ công nông binh”(4).

Theo Người, liên minh càng bền chặt hơn, trở thành sức mạnh không gì có thể ngăn cản được khi có sự lãnh đạo của một chính Đảng cách mạng được trang bị chủ nghĩa Mác - Lênin. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp Đảng ta thấy rõ rằng trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, và chính quyền nhân dân thực chất là chính quyền của công nông”(5). Đây là cách nhìn nhận hoàn toàn mới so với các nhà yêu nước Việt Nam đương thời về vai trò của giai cấp công nhân và nông dân, trở thành cơ sở cho việc xây dựng một khối liên minh vững chắc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề: “Ai là những người cách mệnh?” và theo Người: “Công nông là người chủ cách mệnh”(6). Lý giải về vấn đề này, Người đã đưa ra ba lý do căn bản:

“1) Là vì công nông bị áp ức nặng hơn.

2) Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết.

3) Là vì công nông là tay không chân rỗi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, nên công nông là gốc cách mệnh”(7).

Năm 1952, Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II), Hồ Chí Minh đã biểu thị rõ về sức mạnh của sự gắn kết liên minh giai cấp công nông, Người nói: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”(8).

Theo Hồ Chí Minh, liên minh công nông được thắt chặt không chỉ thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà còn là đường lối xuyên suốt để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng XHCN. Chính vì thế, trong giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, Người đã chỉ đạo Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1959 phải thể hiện được tinh thần căn bản nhất của chiến lược này: “Chúng ta đang tiến lên một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đi đôi với những thắng lợi ấy, quan hệ giai cấp trong xã hội miền Bắc đã thay đổi. Giai cấp địa chủ phong kiến đã bị đánh đổ. Giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và tăng cường lãnh đạo đối với Nhà nước. Giai cấp nông dân đang đi vào con đường hợp tác hóa. Liên minh công nông càng được thắt chặt”(9). Quan điểm này của Người đã được thể hiện rõ trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1959: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”(10).

Trong cách mạng XHCN, giai cấp công nhân và giai cấp nông dân vẫn là lực lượng cơ bản quyết định thắng lợi. Người nói nông dân “là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội”(11). Liên minh công nông phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự… Muốn xây dựng CNXH thành công thì phải thực hiện liên minh công nông vững chắc, phải đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế XHCN, làm cho nông nghiệp thật sự trở thành cơ sở để phát triển công nghiệp, và công nghiệp phát triển để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, phục vụ đắc lực cho nông nghiệp. Người chỉ rõ: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế”(12), khi “có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh”(13); ngược lại: “Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển”(14). Cho nên, “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh, và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân”(15).

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh công nông trong thời kỳ đổi mới

Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vai trò của liên minh công nông. Tại Đại hội VI (1986), khi khởi xướng đường lối đổi mới đất nước, để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước XHCN, Đảng ta chủ trương: “Xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, củng cố liên minh công nông”(16), xem đó là nhân tố quan trọng để thực hiện sự nghiệp đổi mới.

Đến Đại hội VII (1991), khi khẳng định việc tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới theo con đường XHCN, Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(17).

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Đại hội IX (2001) khẳng định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(18). Đồng thời, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng xác định: việc xây dựng “khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn luôn được củng cố và phát triển sâu rộng trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(19). Trong lãnh đạo xây dựng khối liên minh công nhân và nông dân, Đảng ta đã nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của từng giai cấp, xem “giai cấp công nhân là một lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới”(20). Đối với nông dân cần phát huy vai trò “là nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn”(21).

Đại hội X (2006) khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(22). Đặc biệt, Đại hội XI (2011) khi nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng ta đã chú trọng thực hiện liên minh giai cấp trong thực thi quyền lực nhà nước: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(23). Việc xây dựng “khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”(24) là vô cùng quan trọng. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013:“Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(25).

Chú Thích

(1), (6), (7) C.Mác - Ph.Ăngghen:Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, t.2, tr.410, 288, 288

(2), (5), (9), (11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.416, 416, 368, 416, 413

(3)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.391

(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.22

(8)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.392

(10) Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiếp pháp 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr. 27

(12), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 375, 376, 376

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 225

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 113

(18), (19), (20), (21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86, 124, 124, 125

(22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2006, tr.40-41

(23), (24) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85, 158

(25) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2013, tr.8-9

TS Nguyễn Thế Phúc
( lyluanchinhtri.vn)