46 năm ngày Bác Hồ đi xa: Với bất kể là ai, Người luôn ứng xử tinh tế
03.09.2015
Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của cố Đại sứ Phan Văn Kim, với 28 năm công tác ở nhiều cương vị, có đầy ắp những kỷ niệm khó quên đối với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Cố Đại sứ Phan Văn Kim có hàng chục năm công tác trong ngành ngoại giao, từ cấp phòng, Phó vụ trưởng Vụ Liên Xô và Đông Âu rồi sau này làm Phó và Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao cũng như làm Đại sứ Việt Nam ở Cộng hòa Dân chủ Đức cho đến năm ông nghỉ hưu (1984). Tôi được bác sĩ Phan Minh Thu, con gái của ông cho xem những ghi chép của cha mình có liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cha bà chứng kiến. Khi được nghe những gì ông ghi âm lại, quả mới thấm thía: Bác đúng là một con người vĩ đại. Trong xử thế, Người đã cho thấy một phong cách ứng xử rất tinh tế, dù họ là ai - mà có lẽ các nhà ngoại giao cũng nên tham khảo để học tập ít nhiều.
Ông Phan Văn Kim kể, về các bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ai đó liên quan tới đối ngoại, các vụ chức năng của Bộ Ngoại giao thường là nơi được giao soạn thảo, trình lãnh đạo Bộ duyệt trước khi chuyển tới xin chữ ký của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.
Vì đây là vấn đề ngoại giao cho nên nhiều lúc chính đơn vị được phân công soạn thảo điện, thư từ, văn bản cũng cảm thấy có gì đó hơi cứng và hình thức, rất khó để có được một dấu ấn nhất định trong văn bản nếu việc thực hiện của mình chưa am tường, kiến thức chưa sâu, rộng...
Chẳng hạn khi hay tin ông Antonín Zápotocký, Chủ tịch nước Tiệp Khắc ốm, Bộ Ngoại giao ta có trình cho Bác một lá thư xin Bác ký, gửi điện hỏi thăm. Bác xem xong nhưng không ký mà sửa lại hoàn toàn nội dung, đại ý bức thư đó được mở đầu rất thân tình: "Đồng chí Antonín Zápotocký thân mến!/Đồng chí có nhớ hồi chúng ta hoạt động ở Đệ tam Quốc tế Cộng sản không?/...Tôi là...".
Thực ra, những chuyện như vậy, làm sao cán bộ ngoại giao mình biết được? Ông Kim thừa nhận, đọc lại những dòng Bác dập, xóa, yêu cầu Bộ Ngoại giao sửa lại, thấy bức điện thăm hỏi nó xúc cảm và thân tình hẳn lên. Những người của ngành được giao chấp bút điện thư như ông, làm sao biết được Bác của chúng ta có mối quan hệ đó với người nhận thư thế nào?
Hoặc trong lá thư hỏi thăm bệnh tình của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức, ông Wilhelm Pieck cũng vậy. Bác yêu cầu viết thẳng tên, bỏ họ và không gọi đồng chí: "Anh Wilhelm thân mến!/". Và cuối thư thì "Tôi chúc anh mau chóng bình phục! Thân ái!/Hồ Chí Minh".
Với những nguyên thủ quốc gia thân thiết, Người không muốn và cũng không thích lối xã giao dù thủ tục của ngoại giao vốn nó phải vậy nhưng trong những trường hợp cụ thể, có thể có gì đó hơi cứng. Và việc Người "linh động" như trên cũng không ít.
Với trẻ em, Người cũng rất mực yêu quý và trân trọng, không xem thường bao giờ. Trong một lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi hội đàm với đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức do Thủ tướng Otto Grotewohl dẫn đầu sang thăm nước ta vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Vì Bác cũng ở gần chỗ hội đàm nên Bác biết thời gian quá giờ so với dự kiến đã lâu. Và thực tế đã có thể kết thúc, Bác rẽ vào sảnh phòng họp gọi Thủ tướng ra ngoài phòng thì thầm vào tai ông Phạm Văn Đồng: "Thôi, chỉ 5 phút nữa kết thúc nhé! Ngoài kia các cháu thiếu nhi phải chờ ở sân Bách Thảo lâu rồi! Để các cháu còn chào mừng Đoàn nữa chứ!".
Vậy là từ chuyện ứng xử với nguyên thủ nước bạn cho tới các cháu thiếu nhi, Người đều rất tinh tế, thậm chí tưởng nhỏ mà ngẫm cho kỹ, lại không hề nhỏ.
Ông Kim còn kể: Tôi nhớ có lần anh Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) đến gặp Bác. Khi đó, Bác sắp ăn cơm. Thấy vậy, Bác bảo anh Kỳ vào đây ngồi ăn luôn với Bác và nói vui bảo anh Kỳ là "khách không mời mà đến". Bữa đó, anh Vũ Kỳ tâm tình: Từ ngày cháu làm việc với Bác, sao cháu không thấy Bác cáu gắt? Thế mà mấy anh em cháu thỉnh thoảng cứ lục đục với nhau hoài. Bác nói: Bác không cáu gắt với chú là vì Bác tôn trọng chú, chú không cáu gắt với Bác là vì chú tôn trọng Bác.
Đó thật là những chuyện thú vị và Người quả là bậc thầy của ngành ngoại giao Việt Nam trong lối ứng xử vô cùng tinh tế, dù đối tượng là ai.
Quốc Phong
(thanhnien.com.vn)
Có thể bạn quan tâm
Bác Hồ và phụ nữĐấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị trong ĐảngCây vú sữa trong vườn Bác – Thơ Quốc TấnTư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệTư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng trí thức và những gợi mở cho hôm nayHồ Chí Minh và dự cảm hậu hiện đạiHọc tư tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là phải sống và làm việc tốt hơnHọc tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, kính trọng, lễ phép với nhân dânNơi Bác ở là một ngôi nhà sàn - Thơ Bùi Công MinhVận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay