Truyện ngắn tác giả trẻ Trần Ngọc Đức

21.06.2021
NNK giới thiệu
 Trần Ngọc Đức (bút danh Trần Phan), sinh năm: 1986, hiện ở tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nghề nghiệp chính của Trần Ngọc Đức là phóng viên tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Càng bận rộn với công việc làm báo, Đức càng có cơ hội tiếp xúc với thực tế cuộc sống. Những cuộc đời, những câu chuyện đi dọc công việc làm báo đã hóa thành những truyện ngắn nhẹ nhàng, sâu sắc về những cuộc đời bình dị đâu đó quanh chúng ta. Đọc các truyện ngắn “Chờ gió về trong đêm”, “Miếu Bà”, “Một thưở Đàn bà”, “Cố quốc”… văn phong súc tích, có sức gợi; bố cục truyện ngắn có sức lôi cuốn bạn đọc. Với những truyện ngắn xuất hiện trong thời gian qua,tin tưởng cây bút trẻ Trần Ngọc Đức còn những bước đi xa trên con đường văn chương…                            

Truyện ngắn tác giả trẻ Trần Ngọc Đức

Một thuở Đàn Bà

 

Dì Út là con ruột của bà ngoại tôi. Tức nhiên dì cũng là em ruột của má tôi. Chuyện chẳng có gì lạ. Duy chỉ có việc dì Út lại bằng tuổi tôi. Không phải má tôi có chồng sớm rồi sinh con sớm. Mà là bà ngoại tôi sinh dì Út khi đã… năm mươi tuổi. Chuyện không thể tin ngay hiện tại chứ đừng nói vào cái hồi mà còn làm công ăn điểm. Khi mà năm mươi con người ta xếp vào hàng lão rồi. Và câu chuyện bà ngoại sinh dì Út thì liêu trai không kém.

Ông bà ngoại tôi lấy nhau bảy năm sinh liền bốn cô con gái. Ông bà vẫn khao khát sinh thêm để kiếm thằng con trai nối dõi. Nhưng mãi nhiều năm sau khi dì Năm tôi (là con thứ tư trong nhà) ra đời, bà ngoại vẫn chẳng đậu thai thêm lần nào nữa. Ông bà ngoại tôi chạy vạy cầu khấn khắp nơi để có thể sinh thêm con. Bởi ông ngoại tôi là con đinh đã ba đời, lại là trưởng tộc. Không có con trai nối dõi thì nói ai nghe. Mà có khi việc giỗ hội tổ tiên cũng bị truất vai chánh lễ. Vậy là cứ rằm, mồng một, ông lại bỏ hết việc rong xe Nam Bắc. Cầu từ ông Thần Định Hài ở núi Ngũ Hành vô đến tận Bà Chúa Thiên Thai ở núi Bà Đen. Còn bà thì ngược xuôi từ chùa Cầu Tự ở trên núi cho đến Phủ Định Tôn tận miền biển. Thế nhưng mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Đến khi cả bốn cô con gái đầu đã yên bề gia thất. Ông bà đều nghĩ là do số rồi nên cũng không màng. Ông nhường lại vai chánh lễ cho một ông ở chi thứ hai, phái nhứt trong tộc – người này có con trai nỗi dõi. Còn bà thì lòng buồn thiu theo những lần thở dài của ông trong mỗi đêm hai người cùng đi giăng lưới.

Rồi một đêm hè năm ấy. Bỗng dưng nước đâu từ thượng nguồn đổ về đục ngầu. Những bụi lục bình to trôi theo dòng nước, lổn nhổn như bầy trâu đầm mình sau một ngày no cỏ. Ông bà ngoại tôi đang giăng lưới. Tay lưới bị một tảng lục bình kéo phăng theo dòng nước. Tiếc của, ông tôi cố ghì dầm chèo đuổi theo. Bà ngồi trên mũi ghe chòng chành theo từng cơn nước xoáy nhấp nhô mà không khỏi lo sợ. Đánh đu với dòng nước hơn mười phút mới vớt được tay lưới lên ghe. Tay lưới vớt lên nặng trịch. Lẫn lộn giữa mớ lục bình có một con lươn rất to, vàng óng, nhìn kĩ thấy như có vài nét chữ tàu trên sống lưng. Cả ông và bà ngoại tôi từ nhỏ đã là dân sông nước nhưng chưa hề thấy con lươn nào to lớn và có hình dạng kì quái như vậy. Ông bàn với bà rằng loài này cổ quái không nên ăn. Nên thả nó ra thì hơn.

Hôm sau ông tôi đem câu chuyện kể lại cho ông Đồ Khanh nghe. Ông Đồ Khanh giỏi chữ, giỏi tích, và thông thạo linh vật nổi tiếng khắp vùng. Nghe xong ông Đồ Khanh nói đó là con Lẫy, là chúa của các loài thuộc họ lươn. Mỗi năm nó sẽ bơi từ khe suối ở vùng núi cao xuống vùng nước lợ ở đồng bằng để đẻ trứng. Trứng sau khi nở thành con sẽ bơi ngược lên lại khe trên núi để sống. Theo như ông tôi tả thì ông Đồ Khanh cho rằng con Lẫy khi đêm có khi sống đến cả trăm năm rồi. Nó rất linh.

Nhiều ngày sau, bà ngoại tôi thường ngủ mơ lấy thấy con “Lẫy” hôm bữa cứ quấn quanh chân bà. Nó tạ ơn ông bà vì đã cứu nó. Để trả ơn nó hứa sẽ giúp ông bà được toại nguyện. Bà đem chuyện kể cho ông nghe. Ông đem chuyện kể cho ông Đồ Khanh. Ông Đồ Khanh vút chòm râu cười nói: Vậy hai vợ chồng cứ nghĩ nhiều về nguyện vọng của mình đi.

Một thời gian sau bà ngoại tôi thấy khó ở trong người. Và cái gì đến cũng đã đến. Bà ngoại tôi có thai trong sự ngỡ ngàng của mọi người, bà vừa vui nhưng cũng khá ngượng. Còn ông ngoại thôi thì khỏi nói. Vui ra mặt.

***

Lại nói về dì Út tôi. Sinh ra đã giống con trai. Cái trán nhô cao bướng bỉnh. Dái tai dài. Lông mày rậm. Ai đời con con gái mà lại cằm chẻ. Út lớn nhanh. Sáng dạ từ nhỏ. Hai tuổi đã nói được câu ngắn không bị lắp,  không bị ngọng. Năm tuổi đã rành rọt mặt chữ ông tôi bày. Càng lớn tính khi càng giống con trai. Út tôi chỉ thích mặc ghi lê sọc đen trắng khi đến trường. Chứ không muốn điệu đà, sum sê váy xòe như lũ con gái chúng tôi. Tôi nhớ như in ngày tựu trường đầu tiên của hai dì cháu khi vào lớp một. Bà ngoại dắt Út qua nhà tôi nói má tôi dẫn luôn Út đến trường cùng tôi. Nhưng khi qua nhà tôi, Út lại dõng dạc như người lớn.

- Hai để cháu đó Út dẫn đi! Hai lo đi làm… kiếm cơm cho nó đi.

Má tôi há hốc nhìn Út. Bà ngoại thì tôi cười phì. Bởi bao năm qua bà đã há hốc nhiều lần như thế rồi.

Nói là làm, Út nắm tay tôi kéo đi khi má tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vậy là từ đó, ngày nào  Út cũng nắm chặt tay tôi từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà. Út cao hơn tôi cả cái đầu. Và dĩ nhiên cũng thuộc loại cao nhất lớp. Tôi tự tin lắm. Bởi có Út thì không đứa nào dám băt nạt tôi. Út lại học giỏi. Cô giáo bảo Út làm lớp trưởng. Út gật đầu. Cả lớp rần rần vỗ tay. Chả đứa nào dám phản đối.

***

Lên cấp hai, chúng tôi vẫn học chung lớp. Út vẫn làm lớp trưởng. Út vẫn cao lớn hơn so với chúng tôi. Tôi để tóc dài, mẹ bện tít cho tôi hàng ngày trước khi đến lớp. Còn bà ngoại vẫn luôn than thở rằng con Út chỉ thích “Đờ Mi”. Út qua nhà thấy tôi đứng trước gương săm se đuôi tóc.  Út cười lớn.

- Mày xinh đấy! Ra dáng con gái rồi nhỉ.

- Út cũng để tóc dài đi. Út còn đẹp hơn con.

- Thôi! Tao để vầy cho mát.

Rồi Út quay sang má tôi nói dõng dạc:

- Má mua vải may váy năm học mới. Tôi không thích mặc váy. Tôi đem qua đây Hai may cho con bé này.

Tới giờ má tôi vẫn còn ngợp trước những lời nói của Út. Má xoay đầu Út thì thầm.

- Để Hai mua sơ mi trắng cho Út. Nhớ không dẫn con bé phơi nắng nhiều nghe chưa.

Út nhìn tôi, trả lời đáo để:

- Nó là cháu tôi. Tôi giữ nó hơn vàng à. Hai yên tâm.

Má tôi nhìn Út lắc đầu. Thiệt! Chả bao giờ nói lại Út.

Út theo ông ngoại chênh vênh trên ghe giăng lưới suốt ngày. Ngụp lặn trên những dòng sông. Út thích phiêu lưu. Ông ngoại tôi vui lắm. Bởi từ khi biết bơi. Út đã thay bà ngoại làm tay chèo chính trên ghe để ông thong thả giăng lưới. Khúc sông nào nông sâu. Cá dưới bùn hay trong lau sậy. Út nhìn thoáng đã biết. Ông ngoại già rồi. Nhiều lúc lưới mắc vào gai hòm tre hay bụi lục bình. Có Út. Út nhảy ùm xuống. Quẩy mạnh. Mất dạng vài ba phút. Rồi trồi lên cùng với tay lưới. Thế nào cũng bắt luôn cho được con cá to đã kéo lưới vào gai. Ông ngoại vui lắm. Như có thằng con trai bên cạnh. Duy chỉ có việc giỗ chạp là ông vẫn hay tránh né. Dù gì Út cũng là con gái.

***

Chúng tôi lên cấp ba. Vẫn học chúng lớp. Út vẫn cao hơn chúng tôi một cái đầu. Vẫn làm lớp trưởng. Không còn đi bộ. Hàng ngày Út chở tôi đi học bằng xe đạp. Út bảo:

- Mày lớn rồi. Không xấu hổ à! Sau cứ ôm eo tao mãi vậy.

Tôi vòng tay ôm thật chặc. Rồi ngã đầu vào lưng Út

- Không! Con nhỏ xíu à! Chỉ có Út là lớn thôi. Út là “vệ sĩ” của con à!

Nói vậy thôi chứ Út vẫn để tôi ôm thoải mái. Tôi cũng đã lớn và nặng hơn nhiều. Mỗi trưa về thấy Út gồng chân đạp xe thấy thương lắm. Tôi nói:

-  Đổi tài.

Út cười lớn:

- Mày chả bảo tao là vệ sĩ của mày là gì. Có ông chủ nào lại làm tài cho vệ sĩ riêng không. Thôi! Ngồi im! Tao dư sức qua cầu.

Rồi Út đạp mạnh hơn nữa. Chiếc xe bon bon qua bao ngày tháng.

Ông bà ngoại đã già. Mọi việc trong nhà Út đều lo hết. Các chị có chồng lâu lâu về thăm. Thấy nhà cửa vẫn tươm tất, chu toàn. Yên tâm lắm. “Ngũ long công chúa”. Nhà có phúc là thật. Nhưng với ông bà ngoại tôi thì chưa bao giờ thật sự yên tâm về Út.

Một dạo. Ngoại qua nhà nói với má tôi.

- Con Hai mày xem. Trường gửi giấy mời tao lên họp vì con Út là nữ sinh mà không chịu mặc áo dài. Ai đời thuở. Con gái gì lạ vậy. Tao bắt nó mặc áo dài đi học. Nó bảo khó chịu. Nó giận. Ra ghe ở đậu hai ngày rồi chưa về.

Má tôi lạ gì tánh Út từ nhỏ. Ngoại truyền đạt má. Má truyền đạt lại tôi.

- Mày ra ghe xem dì mày làm gì ở ngoải! Hai dì cháu mày thân nhau. Tự bảo lấy. Tao chịu nó. Ý nó là ý trời.

Tôi mang cặp lồng có con khô, chai tương ớt và mấy quả cóc non ra bờ sông tìm Út. Mùa này nước lớn. Phía bên kia bờ. Bắp xanh nghít, đứng thẳng hàng như đội quân ra trận với cờ xí cao vút. Vài chiếc cano phành phạch nặng trĩu lúa xẻ dọc dòng sông tìm bến. Út ngồi trên ghe. Một chân thả thỏng xuống nước. Một chân co lại để khủy tay chống xuống đỡ đầu. Tay còn lại cầm dầm gõ gõ như đang suy nghĩ một điều gì đó. Thiệt! Cái dáng buồn cũng chẳng thùy mị nổi. Bảo sao mặc áo dài đi học. Tôi lên ghe. Chiếc ghe chòng chành. Út giật mình ngó lại.

- Bà ngoại nói mày ra đây đúng không. Ra chi giờ này. Tao biết tỏng rồi. Mày đừng nói. Tao sắp bỏ học để đi giăng lưới luôn rồi.

Tôi cười trong trẻo.

- Đâu ai biểu. Con tự ra đây thôi. Thế con cũng phải sắp nghỉ học đi giăng lưới à?

Út trợn mắt nhìn tôi.

- Cắc cớ gì mày nghỉ học. Tao cấm à!

Tôi lí lẽ.

- Cắc cớ gì Út nghỉ!

- Tao không thích học. Không thích mặc áo dài. Tao chỉ thích lênh đênh khúc sông này với cá tôm thôi.

-  Thế con cũng lênh đênh theo Út. Từ nhỏ Út dẫn con đi học. Giờ Út nghỉ. Con đâu biết đường đi. Mà lũ bạn ăn hiếp thì biết gọi ai.

- Mày xạo vừa thôi. Lớn tồng ngỗng thế kia. Đường nào mày chả lội tới. Đứa nào dám ăn hiếp mày chớ.

Út gõ đầu tôi như người lớn bảo ban trẻ nhỏ. Ai bắt Út phải lớn hơn cái tuổi của mình đâu chớ. Tôi lại gần, choàng lấy cổ Út thật chặt.

 - Thôi Út ơi! Con có “mồi” đây. Hay mình “nhậu” một trận tơi bời trên khúc sông này. Xí xóa mọi chuyện. Rồi mình lại đến trường nha!

Chiều hôm đó chiếc ghe lại chòng chành theo từng con nước và tiếng cười giòn tan của hai đứa con gái trên sông. Bửa đó đúng “tơi bời”. Chả biết ở đâu Út đem ra chai xị đế. Còn bật mí bí mật khủng khiếp. Rằng tối nào trước khi đi giăng lưới cùng ông ngoại Út cũng làm một ngụm cho ấm bụng. Có bửa buồn cũng ra ghe làm hết xị. Ngủ luôn trên ghe đến lúc tỉnh mới về.

                                                          ***

Sáng hôm sau, chưa tỉnh giấc tôi đã nghe tiếng chó sủa. Từ đầu ngõ đã thấy bóng ai bước vào. Rồi nghe tiếng giục.

 - Dây, dậy đi học mày! Sao ngủ dữ rứa con!

Tôi dụi dụi mắt. Không tin vào những gì trước mặt mình. Út tôi đang mặc áo dài. Đẹp quá. Cả cái trường của mình và cả cái xóm này. Tôi thấy chưa ai mặc áo dài đẹp như Út.

Tôi lật đật theo Út ra ngõ. Út đòi:

- Đổi tài

Tôi nhăn mặt cau có.

- Không! Út vẫn làm vệ sĩ. Con muốn ôm Út kia. Cái eo Út thiệt đẹp à.

 Suốt đoạn đường tới trường hôm đó ai cũng nhìn hai chúng tôi. Thật ra là nhìn Út. Nhưng tôi ngồi liền sau đó. Chẳng lẽ họ lại không thấy. Cầu mong đó ai ngang qua nói là tui giống Út đi. Hai dì cháu tôi giống đi. Tôi thề sẽ đội ơn người đó suốt đời.

Cuộc thi nữ sinh thanh lịch năm đó của trường Út dễ dàng đạt danh hiệu Hoa Khôi. Út đại diện trường thi cấp thành phố. Út vẫn là Hoa Khôi. Bởi Út đẹp và thông minh. Những cuộc thi cứ nối tiếp. Út vẫn cứ đạt giải cao. Ông bà ngoại tôi thấy buồn năm nào vì sinh Út là con gái. Giờ lại vô cùng tự hào. Ông ngoại tôi không trốn những dịp giỗ hội tổ tiên nữa. Không giành lại vai chủ tế. Nhưng ông đường hoàng ngồi mâm trên với mọi người. Đi đâu ông cũng mang theo chiếc smatphone Út tặng. Hễ ai đề cập đến điều gì chướng mắt là ông lại vờ mở những chương có cuộc thi mà Út tôi đạt giải cao rồi cười hả hê.

                                                          ***

Tôi học Sư Phạm rồi về quê dạy học. Út tốt nghiệp ngành ngoại thương rồi ở lại thành phố. Những năm tháng sau này tôi không biết Út làm gì trên thành phố. Sống với ai và sống thế nào. Út không về nhà. Thỉnh thoảng Út có điện về. Nói cả nhà yên tâm. Út cũng hay gửi tiền và quần áo đẹp về cho tôi. Chỉ vậy thôi. Út không về.

Có người nói Út giờ đã bí mật lấy chồng và sinh con cho một đại gia. Nhưng ông đó lại chưa li dị vợ nên chưa thể công khai được. Có người lại quả quyết rằng đã gặp Út tại sân bay ở cổng quốc tế. Rằng giờ Út đã sang nước ngoài sinh sống. Thi thoảng mới về Việt Nam. Tất cả như một trò cút bắt của lũ trẻ, chẳng thể tin ai được nếu không thấy Út bằng xương bằng thịt.

Dạo này ông ngoại buồn xo bởi nhiều người hỏi ông sao không thấy con Út thi thố gì nữa. Những chương trình cũ có con Út thi, ông khoe đến nỗi họ đã thuộc làu làu rồi. Vậy là ông ra ghe ngồi. Chân thả xuống nước. Chân còn lại co ngang cổ để cùi tay tỳ vào đỡ cái đầu. Rồi ông lôi ra chai rượu đế uống suông cả ngày. Say thì nằm luôn trong ghe ngủ. Bà ngoại buồn lắm. Cứ ra sông nhìn ông ngoại. Rồi lại đi vào thở dài. Ai đời cơ chứ, làm người dẫu có qua trăm nghìn dâu bể thì cũng nên về quê lấy một lần để nhìn cha nhìn mẹ lúc xế chiều. Mà con Út từ nhỏ có thế đâu chứ. Hay hào quang tới sớm quá làm nó mù mắt nhỉ? Bà tự hỏi rồi tự an ủi mình rằng chỉ ngày mai thôi. À không! Có khi đêm nay thôi. Con Út sẽ về.

Vậy mà năm năm sau Út mới về. Về thiệt. Lúc ông ngoại đã nằm một chỗ vì bệnh. Lúc bà ngoại mắt đã mờ đi vì ngóng con. Và lúc mà tôi đã có được một thằng con trai kháu khỉnh ba tuổi. Út về. Nhưng Út lạ lắm. Tóc cắt đinh sát đầu. Giọng nói ồn ồn. Chân tay có vài hình xăm. Da ngăm lại. Chẳng ai nhận ra Út. Kể cả tôi. Cho đến khi Út đến bên ông bà ngoại quỳ xuống khóc nức nở. Và cho đến khi Út xoa xoa đầu thằng cu con của tôi nói ghẹo:

- Ông cậu sẽ làm “vệ sĩ” cho con như đã từng là “vệ sĩ” cho mẹ con nhé!

Tôi ôm Út khóc sướt mướt. Bờ vai Út vạm vỡ nhiều. Cái eo cũng săn chắc hơn xưa. Nhưng mùi mồ hôi thì không thể lẫn vào đâu được. Út nói, rằng chuyện Út ưng đại gia là có thật. Chuyện Út đi nước ngoài cũng là có thật. Nhưng Út bảo, Út lại muốn sống với chính bản thân mình. Út có con với một đại gia. Sau khi sinh trai xong. Út gom tiền. Lặng lẽ ôm con sang đất khách quê người để tìm lại chính bản thân mình. Bởi con người ta chỉ sống có một lần. Nếu không sống thật, sống tốt thì cũng là có lỗi với cha mẹ. Con trai Út cũng bằng tuổi con tôi. Bây giờ, Út sẽ về quê sống luôn. Út sẽ đem con về đây sống với ông bà cho trọn đạo làm con.

Chẳng phải nói. Ông ngoại tôi là người vui nhất. Ông bật dậy nói cười sau đó chỉ một ngày. Cuộc đời ông. Phút cuối cũng có được thằng con trai nối dõi. Vai chánh lễ ông không màng nữa. Cái gì của ai thì tự khắc nó sẽ về với chủ. Với ông, ông chỉ cần có một tay chèo vững chải để ông yên tâm giăng lưới. Hoặc chí ít cũng là có người để lai rai lúc buồn lúc vui. Bà ngoại dầu không thể thấy rõ hình dáng Út nữa. Nhưng sờ sờ được khuôn mặt con bà đã thấy vui rồi.

Chiều cuối xuân. Lục bình nở hoa khắp dòng sông. Bờ bên kia, những vạt hoa cải tròn nghiêng say giấc đang đợi con nước về để khỏa vàng bờ sông. Tôi mang cặp lồng có vài con khô, một chai tương ớt và mấy quả cóc non. Út chờ sẵn trên ghe. Chai rượu đế ở trên tay. Tôi cười xuề xòa:

- Xóm này ai cũng nói con giống Út. Đẹp dữ thần hông!

- Xạo mày! Mày giống tao mày thành hoa khôi à!

- Con chưa thi thôi.

- Đàn bà rồi thì sao thi nữa được con. Nhưng tao thì vẫn có thể thành Nam Vương được nhé.

Tiếng Út cười mạnh mẽ, vang, giòn tan cả một khúc sông:

- Tao sẽ là Nam Vương nhưng sẽ mãi là “vệ sĩ” của mày!

 

Cố quốc

 

1. Có những đêm gã đau đáu nghĩ về mọi chuyện đã qua, gã biết nhiều năm nữa, tâm trí gã cũng sẽ chẳng bao giờ quên những chuyện này. Gã cảm thấy hụt hẫng, hụt hẫng cho những gì gã mơ tưởng bấy lâu, về một cuộc sống với tình cảm thăng hoa và những khoảng thời gian vui vẻ mà mường tượng cũng thấy hạnh phúc đong đầy. Dòng suy nghĩ miên man cứ cuốn gã đi, đi theo những dấu chân băng qua cánh đồng, thoáng những cơn gió bên tai rít lên như lúc cười xòa lại có lúc nhưng oán trách. Căn nhà nhỏ ngột ngạt, trơ tấm phên không che lấy nhưng cơn chướng đang vào chính vụ trong năm. Nghe đâu còn những năm, sáu trận áp thấp hay bão gì đó sẽ đổ bộ, lòng gã lại nôn nao, chẳng biết căn nhà này, hay chính lòng gã có đứng vững trước thử thách của thiên nhiên hay không. Gã nằm trên phản, đối mắt nhắm nghiền, chỉ mong trời không bao giờ sáng nữa.

Tiếng mụ vợ xì xoạc “hụi hụi” xua bầy gà vào chuồng làm ngắt dòng suy nghĩ của gã. Gã ghét cay tiếng “hụi hụi” của mụ đến vô cùng, nó làm cho gã cảm thấy như mụ đang xua chính gã, rồi xua cả dòng suy nghĩ của gã ra cồn cát xa kia, nơi những con sóng đã bắt đục khoắt những triền cát màu vàng nhợt của bờ biển thênh thênh.

2. Hai mươi tuổi, gã đến đảo này làm thuê cho nhà Bá Định, sức vóc hơn người, lại thạo nghề đi từ nhỏ, chẳng những gã được Bá Định chọn làm người đứng đầu phường cào ốc trứ danh của nhà họ Bá, mà nhiều lần Bá Định còn oang oang lên với cả phường rằng sẽ chọn gã làm con rể, xe duyên cho cô Hai Màu con lão.

Mùa trăng năm ấy lại tới, Bá Định cho họp phường cào sớm trước hai hôm, lão thong thả nhấp ngụm nước chè đặc, nói vọng ra phía trước chừng ba mươi trai tráng:

- Tổ tiên ta nhiều đời nay, lấy đảo này, bờ biển này làm chỗ trú ngụ; sống, chết cùng loài ốc Anh Vũ, nếu cào đủ số lộc trời trong năm vào đêm trăng sau đây hai ngày, thì mười năm sau không lo đói rét. Ba mươi người các ngươi đến đây học việc đều đã hơn ba năm trải qua nhiều khổ nhọc, thanh xuân cũng hao đi nhiều. Nghề chỉ có một, người giỏi nhất cũng sẽ là người sau này thay ta tiếp quản phường và nên duyên cùng Hai Mầu…

Có tiếng lào xào ở phía dưới, ai đó xôn xao lên:

- Hình như cô Hai đến! cô Hai đến!!!

Hai Màu là con gái duy nhất của Bá Định, nghe nói cô được xem là cô gái đẹp nhất xứ này, tuổi mười tám, thay cho nước da bánh mật của con gái miền biển, Hai Màu lại khá trắng trẻo; nghe đâu cô còn từng ra học tại trường Nam Châu danh tiếng, nơi có cả thầy Tây dạy tiếng Pháp…

Hai Màu uyển chuyển tự rẽ cho mình lối đi giữa ba mươi chàng trai, đôi mắt lúng liếng, rồi tiến nhanh về phía cha xin tiếp lời:

- Tục nhà phải theo, nếu hai hôm nữa, ai trong số các ngươi ở đây là người quay được bầy ốc Anh Vũ về bến đầu tiên, thì người đó sẽ là chồng của ta và được cai quản đảo này. Hai mươi người còn lại sẽ được cấp mỗi người một thanh gỗ Xà Điêu tự tìm đường về đất liền ngay trong đêm trăng…

Cuộc trở về mà Hai Màu nhắc đến, nghe nói 100 năm qua, chưa ai trọn vẹn….!!!

Ba mươi trai tráng phía dưới, kẻ háo hức nhưng cũng lắm người đã bắt đầu cảm thấy lo sợ. Cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua, nhưng đánh đổi sinh mạng thì phần thưởng là gì cũng đám phải ngẫm suy! Không ai nói với ai lời nào, họ rã ra thành từng nhóm nhỏ lang thang về phía biển, thủy triều đã rút theo trăng non, trong đem tối tĩnh lặng, chỉ còn những lời thì thầm như trao gửi của ngày kia!

3.Trăng lên đỉnh đầu, mặt biển lăn tăn những gợn vàng phả vào bờ thứ ánh sáng huyền bí, chân phương, Bá Định bước tới trước bàn thờ, mắt hướng về phương Bắc, hai tay chắp lạy, tiếng vọng ra biển:

Kính lạy chư thần, hải thần Phương Bắc, tổ tiên ta từ phương Bắc xa xôi, vì lánh nạn mà trôi dạt đến nơi này, hơn 100 năm qua, sống bằng nghề quay loài Anh Vũ chuyển về cố hương sao thuốc. Nay mùa trăng lại tới, kính chư thần, tổ tiên chứng giám cho lòng thành mà độ cho được mùa Anh Vũ, nguyện dân lễ đúng lời truyền dạy!

Sau lời khấn, Bá Định đổ ra biển một chum rượu màu đỏ thẫm, tiếp sau đó khoảng hai mươi chín chum rượu màu đỏ thẫm khác được người nhà Bá Định chèo thuyền ra cách bờ chừng hơn trăm thước đổ dốc xuống biển. Mặt biển màu sánh màu vàng óng của trăng nhanh chóng đổi màu sang đỏ thẫm như vạc dầu quá lửa, theo từng con sóng dập dìu trôi ra xa.

Trăng dần lướt qua bên kia đường chân trời, gió bắt đầu trở mạnh, phía dòng nước đỏ thẫm đang trôi ra xa kia, một chòm nhỏ khoảng hơn mươi thước những ánh sáng li ti vô định bắt đầu nổi lên mặt biển, rồi lặn xuống, rồi lại nổi lên, rồi lại lặn xuống. Phía trên bờ, Bá Định khẽ hất hàm, một hồi trống dồn dập nổi lên, ba mươi vay lưới được giao tận tay ba mươi trai tráng theo sóng phóng ra nơi những hạt sáng li ti đó để quay loài ốc Anh Vũ. Những kẻ dũng mãnh qua ba năm ăn sóng nằm gió nhanh chóng lên gân cố sức dùng đôi tay cơ bắp bơi ra xa. Đây cũng là lúc một cuộc chạy đua tàn khốc tiếp cận những đóm nhỏ li ti bắt đầu, bởi chẳng ai muốn phải nhận thanh gỗ Xà Điêu trong đêm nay.

Vây lưới nặng trịch bám chặt qua vai, gã lựa những con sóng, vươn đôi tay chắc khỏe nhắm thẳng đám ánh sáng li ti đó để vươn ra, nước biển đỏ ngầu, pha mùi rượu lẫn mùi máu tanh xộc thẳng vào mũi gã, ruột gã bắt đầu co lại rồi nhanh chóng giãn ra, thứ dịch vị bắt đầu trào ngược lên cuống họng như muốn tuôn ra ngoài. Nhưng không, gã vẫn quyết bám lấy những người bơi đằng trước, gã không thể đánh cược với số phận mình trên những thanh gỗ Xà Điêu, và gã muốn tận mắt thấy loài ốc Anh Vũ đó ra sao. Bất chợt, gã nghe một tiền kêu thất thanh, quay đầu lại, một trong ba mươi người ngửa đầu lên mặt nước rồi dần chìm xuống biển, ngay chỗ đó, máu bắt đầu tuôn ra lênh láng mặt biển. Cả đám người dừng lại chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ kịp nghe đâu đó tiếng nói vọng ra từ bờ biển:

- Đừng dừng lại, tiếp tục bơi ra nhanh lên!

Hai chín con người còn lại tiếp tục lấy hết sức bình sinh bơi về phía trước, bỗng phía sau tiếp tục một tiếng kêu thất thanh, người thứ hai chìm xuống, máu lại sục lên thành tia trên mặt biển, lênh loáng. Gã tiếp tục bơi rướn lên về phía trước, cái đóm nhỏ li ti sáng đang ở rất gần. Nhưng tiếp tục phía sau lại có nhiều tiếng kêu thất thanh, rồi một người, hai người, ba người… tiếp tục chìm xuống, máu loang lênh láng khắp nơi. Mặt biển máu đỏ rực như cánh cửa địa ngục sắp mở ra, những con người bơi giỏi nhất của nước Nam ở đây đang chới với, trong cơn hoản loạn, họ bơi theo bản năng, đạp vào nhau theo từng con sóng lên xuống và tiếp tục có người chìm xuống. Khi tốp cuối cùng tiếp cận được những đám nhỏ sáng li ti ấy, bỗng từ đâu đó, một đợt sóng nhô cao lên rồi hạ thấp xuống, một con thuyền uy nguy bằng gỗ xà điêu, phía trước mũi thuyền là đầu rắn bằng gỗ rất to, thè chiếc lưỡi như chực liếm tất cả những thứ trước mặt. Phía sau con thuyền là một vây lưới rất lớn, vững chãi, sẽ không có gì lọt ra khỏi đó ngoài nước biển.

Trên boong thuyền, Bá Định mặc chiếc áo có thêu hình bát quái, tay cầm kiếm chỉ lên trời, giọng cười ha hả. Đứng bên cạnh là Hai Màu, cô ta mặc chiếc áo lông ngỗng trắng, đầu đội mũ có lông chim điêu, chăm chút nhìn về những con người đang vùng vẫy dưới lòng biển đỏ, miệng hơi nhếch. Bá định sau một hồi huơ kiếm lên trời, rồi bỗng nhiên nói lớn:

- Tạ ơn Thánh thần phương Bắc, gia đình con trôi dạt từ cố quốc phương Bắc đến đây đã ba đời, nhưng chưa bao giờ quên tổ tiên, gốc gác. Bổn phận của chúng con là phải lấy những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của phương Nam về cố quốc. Tạ ơn Thánh thần, đêm nay, chúng con lại có được vô số những vi cá mập lừng danh của phương Nam để dâng lên thánh thần tổ tiên, phương Bắc….

Nói xong, hắn quắc mắt nhìn xuống dưới biển cười ha hả, rồi lại nói:

- Các ngươi tuy giỏi, những cũng chỉ là con dân của một xứ sở nhược tiểu, các ngươi có giỏi đến đâu, thì cũng sẽ không thoát được những hàm cá mập khát máu dưới kia. Máu và sự quẫy đạp của các ngươi, chính là thứ mà những con cá mập khát máu kia muốn, lũ cá đó là tinh túy của biển cả, nó là bài thuốc nhiều năm qua giúp cho dân tộc phương Bắc của ta trường tồn với thiên địa. Nhờ có các ngươi mà đêm nay người phương Bắc chúng ta lại có được những tinh túy của đất trời. Còn loài ốc Anh Vũ của nước Nam các ngươi ư! Đó chỉ là truyền thuyết, ta và tổ tiên ta chưa ai thấy cái loài ốc được mệnh danh là thần dược trời Nam đó, mà có lẽ nó cũng chỉ là sự tưởng tượng của một dân tộc nhược tiểu mà thôi.

Lão vừa dứt lời, những thanh gỗ xà điêu có những con đẻn biển dài như trăng núi quấn quanh thân được thả xuống biển. Bá Định lại nói to:

- Những con đẻn này sẽ đưa tiễn các ngươi về với tổ tiên, xác của các ngươi sẽ được chúng quấn vào thanh gỗ xã điêu và đem về đảo trong đêm nay, sau đó ta sẽ cho vào những hũ rượu, hạ thổ chờ mùa trăng tiếp theo tạ ơn thánh thần phương Bắc! Lũ nhược tiểu nghe rõ chưa…!!!

Những thanh gỗ xà điêu mang đẻn biển theo hơi máu tiến về những con người đã đuối vì sự quần thảo của cá mập, những cái lưỡi thò ra, thụt vô không ngớt, những hàm răng nanh khát máu bắt đầu cắn loạn xạ trong sự vùng vẫy của những con người đã kiệt sức. Tiếng kêu thất thanh lại vang lên, những thân hình mềm nhũn, tím ngắt, mắt trợn dộc, máu phun ra từ ngũ quan, rồi những cái xác bị những con đẻn sọc đen xám quấn chặt vào những thanh gỗ xà điêu trôi lềnh bềnh trên mặt nước.

Một con đẻn biển thè lưỡi nhắm về phía gã lao đến, gã cố bơi ngược ra xa đóm nhỏ li ti, dẫn dụ con đẻn ra khỏi vùng có máu tanh. Từ nhỏ, gã đã nghe ông nội gã dạy rằng, thường những động vật ăn thịt ở biển sẽ mất phương hướng nếu ra khỏi vùng nước không có máu của con mồi. Gã cố hết sức bơi thật nhanh đến vùng nước lạnh, con đẻn biển vẫn quyết lao theo. Khi cảm nhận được dưới chân nước đang lạnh dần, gã dừng lại, vờ thả thân người nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Con đẻn biển ra đến vùng nước lạnh cũng không còn hung hẳn, nó tưởng gã đã đuối nước, nên bơi vòng tròn thăm dò. Nó thè lưỡi liếm lên mặt, rồi hốc mũi gã xem có còn thở hay không, rồi nó quay đầu về phía chân gã, uốn cong người định siết chặt đưa xác gã về thuyền. Nhưng khi nó vừa quay đầu, thì bất ngờ gã dùng tấm lưới vây ốc trùm lấy đầu nó rồi siết chặt. Con thủy quái bị tấn công bất ngờ càng siết chặt thân gã, nhưng con dao gắm phòng thân trên tay gã đã nhanh chóng cắt vào cổ nó một đường sắc lẹm, một dòng máu tanh màu đen tuôn ra, con thủy quái chết tươi. Gã bám lấy một thanh gỗ xà điêu rồi cố tình trôi về phía thuyền của Bá Định, vờ như con đẻn biển đã giết được gã và nó đang mang chiến lợi phẩm về thuyền. Trên thuyền Bá Định hối thúc người nhà vớt lấy những cái xác mà đẻn biển mang về, rồi nhanh chóng cho thuyền chạy về phương Bắc khi lũ cá mập đã mắc đầy lưới nặng trĩu.

Gã được người nhà Bá Định vớt lên boong, một lúc sau khi hai tên người nhà khiên xác gã định cho vào thùng rượu, thì bất ngờ gã dùng ngón võ cổ truyền mà ông nội gã – một võ sư danh tiếng nước Nam truyền thụ bẻ nhanh khớp tay của chúng, khiến cho chúng không kịp phản ứng, rồi bốn cánh tay bất động như những kẻ phế nhân. Bá Định lúc này mới nhìn thấy gã, hắn hơi hoảng nhưng rồi cười khểnh. Sau cái nhếch miệng của Bá Định, một tên người nhà khác của lão từ phía sau xông siết chặt cổ gã, bị tấn công bất ngờ, gã cố sức vùng vẫy nhưng không thể thoát. Bá Định nhanh chóng vác một thanh gỗ xã điêu nhằm thẳng đầu gã đánh, nhưng khi gã tưởng mình không thể thoát đòn chí mạng này thì một bóng áo trắng bay đến ôm chầm lấy đầu gã. Một hét xé trời giữa không trung, Hai Mầu ngã xuống, đầu bê bết máu, những cọng lông ngỗng bay lả chả khắp nơi, Bá Định thất thần đứng như tượng giữa trời đêm. Còn gã, gã nhanh chóng lợi dụng tính thế, bẻ quặt đôi tay tên người nhà Bá Định rồi hất văng hắn xuống biển.

Hai Màu quằn quại trong đau đớn, còn Bá Định ôm con khóc thảm, từ lâu hắn đã biết Hai Màu có tình cảm với gã trai người nước Nam kia, nhưng không nghĩ Hai Màu lại dám hi sinh cả tính mạng mình như thế. Máu Hai Màu bắt đầu chảy lênh láng boong thuyền, làm thức tỉnh bầy đẻn biển trong khoang, chúng bắt đầu thè những chiếc lưỡi dài rồi trườn ra boong. Bá Định nhìn con gái rồi nhìn gã khẩn khoảng:

- Người hãy lên chiếc thuyền con phía trước mũi xuống, đem theo con gái ta rồi đi theo chỉ dẫn của con Điêu, nó sẽ đưa các ngươi quay lại vờ, hãy cứu lấy con gái ta và yêu thương nó suốt đời.

Nói xong Bá Định dùng kiếm chặt đứt dây hạ chiếc thuyền con xuống rồi nhanh chóng giục gã đưa con gái của hắn lên thuyền. Còn lại trên boong, Bá Định tự cắt tay chân mình để dụ dỗ những con đẻn biển ở lại thuyền, con thuyền mất lái đi mãi vào màn đêm tối tăm…

4. Mụ vợ của gã bây giờ chính là Hai Mầu, sau vết thương ở đầu mụ trở nên ngớ ngẫn, hàng ngày chỉ biết loanh xì xoạc “hụi hụi” những con gà, nhưng bao giờ gặp gã mụ cũng cười tươi, nói rỗng “loài ốc Anh Vũ là loài chúng thủy nhất đấy nhé”. Còn gã, quay về bờ trong cái đêm trăng năm xưa, gã đốt sạch những tàn tích của nhà Bá Định. Gã đem theo Hai Mầu đi đến một bờ biển khác, dựng một chiếc chòi và ngày ngày vẫn tìm tung tích của loài ốc Anh Vũ, bởi như ông nội gã từng nói: “Nước Nam mình có rất nhiều những báu vật biển, trong đó có loài ốc Anh Vũ, đây là loài ốc cực kì chung thủy. Ai biết chung thủy, yêu thương con người thì sẽ sớm tìm được loài ốc tinh hoa ấy thôi”

 

 

Đâu chỉ thấy nhớ là thương

 

1.Mỗi lần về quê, ông gặng hỏi, Thảo thường hay nói:

- Chuyện chồng con khó nói lắm ba ơi! Ví như ba đấy thôi! Cũng yêu thương, cũng chờ đợi. Mà rốt cuộc có đặng đường duyên đâu.

Mỗi lần nói thế Thảo đều biết mình lỡ miệng làm ba buồn. Nhưng thực ra, Thảo nói thế cũng là thương ba nhiều. Thương cho cái cốt cách của con nhà nòi cách mạng. Và thương cho cả tính cách của một chàng trai hạ miền sông Thu 1 chung thủy. Mà người phụ tình ba chẳng ai khác chính mà má ruột Thảo. Người đã dứt áo ra đi, để lại hai chị em Thảo cùng với ba côi cút trong căn nhà bên sông mười lăm năm qua.

 Nghe con nói vậy, lần nào ông cũng quay mặt ra sông. Nhìn sang phía thượng nguồn rồi tỉ tê cùng con.

- Ai cũng có nỗi niềm riêng con ạ! Sông còn có lúc đổi hướng, đổi dòng, huống hồ gì con người ta. Nếu có trách, thì lỗi cũng là do ba thôi à.

Dứt lời, ông lại cố dấu khóe mắt chớm đỏ, quay mặt về phía Thảo xởi lởi.

- Ba thấy cái anh chi làm ở trạm điện lực cũng được đấy chứ. Hôm bửa nó đưa mày về, có chào tao dăm câu. Cũng lễ phép, sáng người đấy con. Hay mày ưng nó đi, dù gì cũng nghề nghiệp hẳn hoi,

Nghe ông nói Thảo lại phân bua:

- Anh ấy chỉ là bạn bình thường thôi ba ơi. Tiện đường thì con quá giang về một đoạn. Tình cảm gì đâu ba.

- Thế cái thằng gì cao ốm, đeo kính cận học lớp với mày ngày xưa thường hay qua đây chơi. Tao thấy nó rõ thích mày. Hổm bửa có ghé, nó nói giờ nó là giảng viên đại học rồi đấy. Hay mày xem…

- Xem gì vậy ba! Ba cứ làm như con ế đến nơi rồi hay sao vậy. Nó với con bằng tuổi. Lấy nó mai mốt nó gọi con bằng bà à. Thôi ba ơi! Con còn nhiều việc phải lo lắm, nhất là phải lo cho em An học hành đến nơi đến chốn đã này.

Ông lại cố theo con:

- Việc đó đã có tao lo. Con Phương bạn cùng lớp với mày giờ đã có hai con rồi đấy. Hổm bửa nó ghé thăm tao, hai vợ chồng cho hẳn một kí bê thui Cầu Mống 2. Nó nói với tao rằng con gái có thì, con Thảo mà không lo, sau này già đi, ma nó lấy à.

Thảo nhíu mày lại, căng giọng với ông:

- Sao bạn con đứa nào cũng tự dưng ghé thăm ba hết rứa. Ba nói thiệt hay nói dỡn. Dỡn với con là hơm có được đâu à. Con nói rồi. Con hởm có lấy chồng bây chừ đâu. Con còn muốn lo cho em An và muốn xây cho ba cái nhà mới kia.

Nói xong Thảo ngúng ngẩy đứng dậy ra vườn hái rau nấu cơm. Ông nhìn theo dáng con mà thấy nghẹn quá. Cái dáng nó giống mẹ y khuôn. Mỗi lúc dỗi là lại đứng dậy ra vườn cắt rau. Phải tội con nhỏ hằn sâu kí ức của mẹ nó quá. Không khéo nó quyết ở vậy mất. Đặng nghĩ thế thôi mà ông cảm thấy xót vô cùng ruột gan.

2. Năm ấy, ông từ chiến trường Campuchia trở về với một bên chân đã tháo khớp từ gối xuống, cộng thêm vài vết thương trên người. Những vết thương chỉ làm cho ông thêm tự hào rằng mình là con nhà nòi cách mạng, ông coi đó như là tiếp nối truyền thống gia đình. Không lấy làm đau khổ hay bi lụy. Nhưng với chàng trai sông Thu căng tràn sức sống ngày nào, giờ chỉ có mong muốn duy nhất là được sống gần cha mẹ, ở căn nhà nhỏ nơi bến nước bao đời, chứ không màng đến chuyện tình duyên. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua yên ả ở khúc sông này, thì một lần có một đồng đội của cha ông đến thăm nhà. Họ hàn huyên cả buổi, trả nghĩa trả tình gì đó từ trong chiến trường. Rồi một tuần sau, người đồng đội của cha ông dẫn theo một cô gái xuống nhà. Sau tuần trà vui vẻ, thấm đượm tình thân. Ông và cô gái ấy được gọi lên kết nghĩa trăm năm. Ông bất ngờ, nhưng không phản đối. Lúc đó ông chỉ nghĩ, bản thân ông đã lớn tuổi, cảnh nhà lại như này chắc gì cô ấy đã chịu sống ở đây. Nếu để qua một chuyến đò thì sẽ tội cho người con gái. Vậy là ngay buổi tối hôm đó, ông gọi cô gái xuống bến nói chuyện, phân bua về bản thân thương tật của mình, về hoàn cảnh cha già mẹ yếu, về tuổi tác và mọi thứ như cô đã thấy. Ông khuyên cô nên trở về quê, hoặc nếu ngại, ông có thể giúp cô tìm việc ở thị trấn mà sống, rồi tìm người hợp ý mà nên duyên. Đôi bông tai làm lễ khi sáng cô có thể mang theo. Cô gái không nói gì, lặng lẽ lên bờ vào nhà. Đêm hôm đó ông ngủ dưới ghe, thấy đèn trong nhà sáng rồi vụt tắt. Ông nghĩ cô gái đã đi rồi. Lòng nghe nằng nặng, nguôi nguôi, ông thở dài nhắm mắt ngủ.

Sáng hôm sau, nghe tiếng lạo rạo trên bờ, ông giật mình dậy nhìn lên bờ, thấy cô gái đang hái rau, lũ gà chạy xung chờ những con sâu  được vứt ra từ đôi tay thoăn thắt của cô gái. Ba mẹ ông cũng dậy từ tờ mờ. Họ như khỏe hơn mọi ngày. Nụ cười mãn nguyện đã ở trên môi họ tự khi nào.

3. Mười năm chung sống với nhau, có hai mặt con đủ nếp đủ tẻ là Thảo và thằng An. Nhưng ông chưa lần nào thấy vợ của mình nói đến chuyện về thăm quê bao giờ. Đầu nguồn, cuối nguồn dẫu có xa, đi ba ngày không đến thì có thể đi một tuần, một tháng. Nhưng mỗi lần ông gặng ý hỏi, bà đều lắc đầu nói cha mẹ ở quê đã có anh chị em trong nhà lo rồi. Bà chỉ muốn ở đây phụng dưỡng cha mẹ ông, như thế cũng là phải đạo làm con với ba mẹ mình. Thấy bà nhiều lần có ý khó chịu khi nhắc đến quê hương nên ông cũng không muốn nói đến nữa. Nhưng nhiều lúc hái rau, bà luôn hướng mắt về quê mà ngân ngấn không nên lời. Nuốt nước mắt vào trong, bà ở đây, chu toàn mọi việc trong nhà cho đến khi cha mẹ ông mồ yên mã đẹp.

4. Vào một chiều cuối đông, khi Thảo vừa tròn mười một tuổi. Đi học về, nó thấy mẹ nó cùng một người đàn ông sang trọng từ trong nhà bước ra. Dáng bà vội vội vàng vàng. Thằng An vẫn đang nằm say giấc trên võng. Bà hôn nhẹ lên trán nó, ôm nó thật chặt, rồi dặn.

- Con trông em An ngủ nhé! Nhớ thương em, nghe lời ba. Con ngoan, má đi rồi về.

Liền sau đó, bà theo người đàn ông xuống bến lên chiếc thuyền gỗ lớn, rẽ nước ngược về nguồn trong tiết trời u ám giăng mây. Ông lúc đó vẫn đang đi vớt củi chưa về. Con Thảo nghe tiếng thằng An giật mình khóc trong nhà, chạy vội vào ru em, ra lại thì chiếc thuyền đã là một chấm nhỏ trên sông mùa nước đầy.

Vậy là từ ngày đó, ba cha con ông côi cút sống với nhau. Ông vẫn tin, vẫn chờ bà. Nhưng ông không kiếm. Bởi nếu tính những năm tháng bên nhau thì ông cũng đã làm gì được cho bà sung sướng ngày nào đâu. Nếu ra đi là tốt hơn, thì ông cũng mừng cho bà. Nhưng con Thảo thì không. Bởi nhiều lần nó nghe những bà dạng ghe 3 nói rằng mẹ nó ham phú phụ bần bỏ cha con nó để đi hưởng giàu sang một mình. Cái ngữ đàn bà da trắng, môi mỏng ấy làm sao chịu được cực khổ.

Thảo thương cha, thương em, nó quyết chí học hành. Xong đại học, nó thi đậu vào một công ty nước ngoài ở thành phố cách nhà gần ba mươi cây số. Vậy mà ngày hai bửa, nó chạy xe máy đi đi về về lo cho cha cho em từng miếng ăn. Phải tội nó giống mẹ quá. Cũng da trắng môi son. Cũng tính trầm trầm nhưng chu đáo. Cũng lắm người xin đưa đón. Chừng đấy thôi cũng đủ làm ông lo lắng. Ông mong nó sớm yên bề gia thất và quên đi những đàm tiếu của người ngoài về chuyện của má nó.

5. Trời đã bắt đầu chuyển sang đông. Con nước lớn dần theo từng đợt mưa từ thượng nguồn sông Thu. Mấy hôm nay củi trên nguồn trôi về nhiều. Chiều nay tính chèo ghe đi vớt củi, nhưng tự nhiên lòng ông lại nóng như lửa đốt. Con Thảo vừa về đến nhà thấy cha nằm trên võng, mồ hôi bổ bã. Ông nói tự nhiên ông thấy mệt, ruột gan cứ cồn cào cả ngày hôm nay. Thảo định dắt xe ra lại đi mua thuốc cho ông thì dưới bến, một chiếc thuyền gỗ sang trọng, hệt chiếc năm xưa mà má nó bước lên đi về thượng nguồn, cập ngay bến nước nhà nó. Một người đàn ông sang trọng bước lên bờ nhìn Thảo khá lâu rồi xin được phép vào nhà thưa chuyện với cha cô.

            Ông ta giới thiệu, ông chỉ là người cùng làng với chị Tư Hậu ở thượng nguồn. Tư Hậu chính là tên của má Thảo. Ông cũng chính là người đàn ông năm xưa cập bến đưa chị Tư Hậu về quê hương. Ông muốn báo là chị Tư Hậu bị bạo bệnh mất được một tuần rồi. Chị ấy xin lỗi vì đã bỏ cha con nhiều năm qua mà đi không một lời từ biệt. Nhưng xin ông và các cháu hãy hiểu cho chị ấy. Bởi không ai trên đời này có thể khổ hơn người con phụ nữ đó.

Câu chuyện về má Thảo được người đàn ông thuật lại trong gió chiều đã bắt đầu se lạnh và sông không ngừng lớn khi nước từ đầu nguồn liên tục đổ về. Ngày ấy, vì nhà quá nghèo nên chị Tư Hậu đã phải lấy một đầu nậu làm vàng tại thượng nguồn để có tiền lo cho cha mẹ đau ốm. Vừa sinh được một đứa con trai thì chồng chị lại đổ ra nghiện ngập. Mất sữa sau nhưng trận đòn của kẻ nghiện, khiến cho đứa con luôn còi cọc, đau ốm liên miên. Từ lúc chồng nghiện, mọi thứ trong nhà đều đội nón ra đi, đó là chưa kể đến những đêm hai mẹ con phải chạy vào rừng trốn, vì hắn thiếu tiền để chơi ma túy. Một thời gian sau, hắn chết đi, để lại trên đầu chị một món nợ không nhỏ. Để có tiền chữa bệnh cho con và trả nợ, chị đã đồng ý nhận làm con nuôi của người đàn ông nọ và theo ý ông ta về xuôi lấy chồng. Với giao ước, khi nào cha mẹ chồng ở dưới xuôi mất thì chị có thể về lại quê hương. Mười lăm năm trước, khi trận lũ quét ập ngang qua nhà, ba mẹ chị bị cuốn mất tích, đứa con trai bị gỗ đè nên tật nguyền từ đó… Nghĩa tử là nghĩa tận, chị phải về tìm hài cốt cha mẹ mình, rồi, sao có thể bỏ đứa con tật nguyền mà đi hưởng hạnh phúc nơi miền xuôi được chứ… giọng người đàn ông nhỏ dần rồi nghẹn hẳn. Thảo và cha, rồi cả căn nhà lặng thinh. Chỉ còn tiếng gió rít phía ngoài đẩy con thuyền dưới bến chao chao.

                                                                            

 

Hạnh phúc

Bà khệ nệ bưng mâm cơm ra ngoài sân. Mớ chén đũa lạo rạo trên mâm theo từng bước chân cao thấp của bà làm ông quay lại.

- Bà đi từ từ thôi nhé. Tuổi này rồi. Ăn chả cần nhiều, cốt có cái bỏ bụng qua ngày là được bà ạ.

- Ôi dào! Tôi nào có vội chi đâu. Cái mâm nhôm con Út mới mua nó lạo rạo với đám chén đũa thôi. Chớ trước tôi bưng mâm bằng sàn tre. Ông có bốn cái tai cũng không nghe thấy à.

Ông cười khà khà:

- Là tôi nói thế. Vì tôi biết cái chân bà đang đau nhiều. Thế mớ rượu rắn hạ thổ những năm năm chưa có tác dụng hả bà?

Bà đặt mâm xuống lên chỏng tre. Cái chõng kêu “cọt kẹt”. Gần bốn mươi năm qua, đã không biết bao mâm cơm được dọn lên đây rồi. Từ ngày thằng Hai ra đời, rồi thằng Ba, con Út, cho đến đám con cháu sau này nữa. Ông bà vẫn cứ giữ nếp dọn cơm tối ở ngoài sân, trên cái chõng tre này. Thành thử, giờ “xương cốt” các chõng nó cũng “giòn” lắm rồi. Bà ngồi xuống, bới cơm vào chén đưa ông.

- Ôi dào! Tuổi tôi còn nhiều hơn tuổi con rắn đó. Hạ thổ năm năm. Chớ có nhiều hơn thì cũng đâu “liền xương” nhanh rứa hả ông. Nhưng có nó xoa xoa bóp bóp, mùi rượu nồng xông lên mũi cũng thấy dễ chịu ông ạ.

Ông quờ quạng cầm lấy chén cơm từ tay bà.

- Chỉ tại tôi mà bà khổ cả đời. Thiệt! Chồng người ta đánh Đông dẹp Bắc. Tôi ra trận chưa đầy ba ngày đã làm bà khổ một đời.

- Ôi dào! Ba ngày thì cũng là cống hiến cho đất nước. Mà tôi thấy tôi hạnh phúc đó chứ. Có ông mới có sắp nhỏ. Có sắp nhỏ thì tôi mới sống đến bây giờ. Ông nghĩ đi. Ngày đó mà tôi bỏ đi. Giờ này chắc gì đã có miếng cơm mà ăn.

Ông trầm ngâm. Giương cặp mắt trống hoắc nhìn lên bầu trời nhớ lại.

***

Đó là ngày đầu tiên ông nhập ngũ. Quãng năm sáu tám thì phải. Hồi ấy ác liệt lắm. Vừa Mỹ, vừa Hàn. Quân Rồng Xanh, Rồng đỏ suốt ngày thổi lửa thiêu cháy làng mạc. Trên trời máy bay gầm rú suốt ngày. Dưới đất bao cảnh bắn giết, cướp hiếp. Có ngôi làng hôm qua còn đầy tiếng cười. Sáng hôm sau đã là một hố chôn tập thể. Đứa trẻ đang bú mẹ bị bọn giặc cầm hai chân giơ lên xé làm đôi. Người mẹ ngất lịm, sữa còn ứa bầu vú đã bị hãm hiếp. Bộ đội ta liên tục mở nhiều trận đánh. Nhưng bị chỉ điểm. Hi sinh nhiều.

Ông đang học bậc thành chung. Lớp học ban đêm ở vùng tranh chấp. Thầy giáo đang say sửa giảng bài bỗng có tiếng xin vào nói chuyện của một sĩ quan quân cách mạng. Trong đèn đuốc lập lòe. Người sĩ quan ấy choàng lá cờ tổ quốc qua vai kể về chuyện “Con lạc cháu hồng”, kể về những ngày đầu lập nước, kể về những thắng lợi vẻ vang qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Ông ta say sưa, dồn dập, làm cho những trái tim vốn đã thấm nhuần văn học cách mạng Xô Viết không ngừng thổn thức, cháy bùng trong lồng ngực. Cuối câu chuyện ông ta kêu gọi đám con trai trong lớp học hãy dũng cảm lên đường chiến đấu vì tổ quốc. Đêm hôm đó, tròn sáu mươi thanh niên tình nguyện ra tiền tuyến ngay trong đêm. Trong đó có ông. Chỉ kịp viết vài dòng ngắn ngủi lại cho gia đình. Khai báo nhân thân. Rồi ông leo lên xe vào thẳng chiến trường.

Chiếc xe len lỏi trong đêm, xuyên rừng ra khỏi vùng tranh chấp. Đón “đoàn binh học sinh ấy” là những pháo sáng chớp lòe cũng tiếng nổ đinh tai. Người chỉ huy bảo họ ngồi im. Ai nhảy xuống là làm mồi cho giặc ngay. Những trái tim non nớt đã nguội lạnh lời diễn thuyết hào hùng đêm qua bắt đầu lo sợ, tím tái. Họ suy nghĩ lại. Vài người bật khóc thành tiếng. Người chỉ huy lớn tiếng: “thế thì đâu phải con cháu Lạc Hồng”. Đây chỉ mới là đưa các cậu đi đến nơi huấn luyện. Chiến trường còn xa và ác liệt lắm. Họ im bặt. Hai tay bịt chặt tai. Mắt nhắm. Chắc họ lại đang mơ đến vòng tay mẹ. Mơ đến cô bạn ngồi bàn bên bỗng dưng một ngày lớn phổng phao sau mùa gặt. Chút riêng tư bấy lâu chưa vội ngỏ. Riêng ông thì không. Chẳng có gì phải sợ. Nếu có chết. Thì chỉ mong là giết được vài tên giặc. Nghĩ là thế. Nhưng chiến tranh thì lại không như vậy. Chỉ ba ngày sau. Sáu mươi con người dũng cảm của lớp học đêm nào chỉ còn đúng năm người còn sống. Khu huấn luyện bị trúng bom tọa độ. Sự hoảng loạn đã đẩy nhiều người chạy đúng vào họng súng phục kích sẵn của địch. Ông may mắn sống sót nhưng đôi mắt thì không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Nó chỉ còn là hai cái hốc vô giác sau khi được đưa về hậu phương.

***

Hôm ấy nhà ông tấp nập người vào ra. Đám cưới cậu em ruột của ông thì phải. Ông ngồi lặng trong phòng. Mừng cho em. Ông nghĩ. Sau khi em dâu về. Ông sẽ xin mẹ ra ở riêng. Nhà có đàn ông mù lòa. Đến tắm rửa cũng cần có người giúp đỡ. Em dâu về sẽ khó lắm. Có tiếng mẹ ông tằng hắng bước vào phòng. Dòng suy nghĩ của ông bị cắt đứt. Mẹ bảo ông đứng lên thay áo mới. Ông thầm nghĩ. Đám cưới em, mình là anh cả cũng nên ra chào cho phải lễ. Mẹ dắt tay ông ra phía gian nhà chính. Trước bàn thờ. Rồi đặt tay ông vào một bàn tay con gái non mơn, ấm ấm. Ông giật mình, rụt tay lại. Bước lùi về phía sau. Nhưng hình như em trai ông đã giữ ông lại. Mẹ lại nắm tay ông đặt lại bàn tay con gái ấy. Ông chờ. Bàn tay ấy không phản ứng. Bất giác lại nắm chặt lấy tay ông. Tiếng bà mối chia hương rồi hô to bái gia tiên. Lúc này ông mới biết là đám cưới mình. Có tiếng xì xào của hai họ. Và như có tiếng thút thít của ai đó. Hay là mẹ cô dâu?.

Mẹ dắt cô dâu vào tận phòng ông. Họ nói gì đó rất lâu. Ông đứng ngoài bậu cửa chờ. Rồi mẹ ra và đẩy nhẹ vai ông vào bên trong. Cửa đóng sầm lại. Chỉ còn ánh đèn dầu le loét cháy. Đêm hè. Trời rất oi. Không khí trong phòng phập phồng. Ngột ngạt. Bên ngoài có tiếng lá dừa rào rạc qua mái tranh. Bên trong, có tiếng thút thít. Ai oán. Lòng ông rối bời. Có lẽ mẹ chính là người đã gỡ khăn voan cô dâu thay ông. Tại sao ông lại rơi vào cảnh này chứ? Ông hại người ta mất rồi. Ông mò mẫm theo vách quen thuộc về phía giường. Ông dừng lại khi biết hai bước chân nữa là sẽ đến ngay đầu giường. Nơi cô dâu đang ngồi. Ông nghĩ. Chuyện đến nước này rồi. Mình đàn ông, nên mở lời trước.

- Cô gái. Tôi… tôi chỉ là kẻ tật nguyền. Họ đã không nói điều đó với cô đúng không? Và tôi cũng không biết. Hay! Đêm nay cô hãy đem hết lễ vật rồi về nhà. Tôi sẽ có cách nói với người nhà. Cô yên tâm.

 Không có tiếng trả lời. Tiếng thút thít vẫn chưa nguôi.

- Cô gái. Tôi biết họ đã dối cô. Họ đã tráo em tôi bằng tôi. Và cô cũng không biết điều đó cho đến khi khăn voan được gỡ ra. Nhưng xin cô. Tôi cũng rất đau lòng. Hãy nghe tôi. Hãy đi ngay trong đêm nay. Tôi có lỗi với cô rồi.

 Tiếng thút thít im bặt. Hòa trong tiếng nấc là tiếng của cô dâu mới.

 - Không! Ông không có lỗi gì hết. Có trách thì đó chỉ là số phận. Tôi đã làm lễ gia tiên với ông. Sống là vợ ông. Chết thì xin bia mộ được khắc tên ông là chồng.

***

Trăng đã lên ngang buồng dừa non. Gió thổi mát rượi vào khoảng sân lát gạch Bát Tràng màu đỏ ngói. Bửa cơm vẫn còn thấm đượm mùi kí ức. Ông xoay đôi hốc mắt về phía bà.

- Ngẫm nhanh bà nhỉ! Vậy mà ngót ngét năm mươi năm rồi. Ngày đó tôi ba mươi. Bà chỉ mới mười tám. Sồn sồn năm năm ba mặt con. Căn nhà này có bà mà thêm vững chải qua bao mùa mưa bão.

- Ôi dào! Thế chả phải nhờ lấy ông mà tôi mới biết cái chữ. Biết ủ những hủ mắm ngon để chạy gạo cho cả nhà ta. Ông thế mà đến tài thật. Tài nhất làng ngày ấy.

….

Những câu chuyện cứ nối tiếp theo từng bước trăng lên. Mâm cơm không vơi đi nhiều, nhưng tiếng cười thì cứ mỗi lúc một giòn tan, đánh trôi thêm một lần nữa kí ức của những ngày gian khó. Ngọn đèn dầu hắt bóng hai thân già xuống nền sân sạch bong. Mùi cơm lúa mới theo hương bay thoang thoảng khắp khoảng sân. Những đứa con đã rời xa vòng tay họ. Ngoài kia là biết bao bộn bề của cuộc sống. Nếu có mệt mỏi. Ông bà chỉ mong chúng về khoảng sân này. Ăn bửa cơm xum vầy quanh ngọn đèn dầu với nụ cười giòn tan.

                                                                            

 

Miếu Bà

 

1.Má tôi là người sống duy tâm sâu, bà không bao giờ làm bất cứ việc gì mà không “đệ” trong đầu một ông thần, bà mẫu nào đó. Đối với bà đó không chỉ là việc trọng tín ngưỡng, mà còn là cách tự bảo vệ gia đình mình. Con gái lớn trong nhà, dăm ba bửa má lại kéo gần thì thầm:

- Bây coi, đàn ông sức dài vai rộng, vào Nam ra Bắc, một tay chống sườn biên cương, một tay khuấy nước biển Đông giữ thâm giữ viễn. Mình phận đàn bà, ra sức không được vài hột, nên tốt nhất việc gì cũng trọng ông, thờ bà. Có kiên có cữ, thì có dữ mới có lành. Tao sống ngần này, giữ cho tụi bây yên ấm tới giờ cũng là nhờ đức ân trên. Chứ như ba tụi bây, quanh năm trong rừng, phơi sương nằm gió chốn thâm cùng cốc thẳm mà lúc nào cũng chỉ có con dao gắm với mớ thuốc lá lận lưng. Mỗi bận ổng đi rừng, không nhờ tao ngày đêm cúng kiến, lễ bái liên tục thì lấy đâu an toàn đến giờ. Bao giờ nói xong, má cũng chắp tai nhắm mắt lại niệm đủ “adidaphat” ba lần rồi mới mở mắt ra làm chuyện khác.

2. Ngày trước, ba từ ngoài Bắc vô xứ này lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Nghe đâu ông nội dẫn cả gia đình đi kinh tế mới trước thời mở cửa ở Tây Nguyên, nhưng ở trển nắng quá, mùa nắng thì thiếu nước tưới, mùa mưa không bước ra được khỏi cửa, bởi đất đỏ bết tới lưng quần. Lập nghiệp hơn năm năm nhưng cây cà phê chỉ tổ bằng cây ổi xía, lá bé tẹo, gốc cội lên những sần xù xơ xác vì thiếu nước. Hơn bốn trăm trụ tiêu cũng tươi tốt được ba năm đầu, sang năm thứ tư rầy ở đâu bay vô phủ trắng cả gốc, ngày đó lấy đâu ra thuốc mà diệt, vậy là mỗi sáng dậy cả nhà phải ra hạ gốc đem đốt. Mớ lúa rẫy cũng năm được năm mất. Thức ăn trong nhà quanh năm chỉ có cây mì và rau dại trên đất cằn. Bí quá, ông nội một lần nữa đưa cả gia đình vô nam xuống tận miền Tây sông nước. Nghe nói ở đây quanh năm tôm cá, nước ngập ruộng đồng, rừng ngập mặn muôn thú sinh sôi, làm giàu chưa chắc, chớ đói ăn thì không bao giờ xảy ra. Bí quá cũng có cây súng, cây điển điển với mớ cá linh qua ngày.

Thế nhưng tới vùng đất mới chưa được bao lâu thì trong một lần đi rừng ông nội đột ngột qua đời. Nghe nói hôm ấy ông nội đi lấy săn trong rừng có ngang qua miếu Bà, thường thì những ai đi đến khu vực này đều phải hạ lễ, ít thì nắm cơm, con cá, nhiều thì thêm mớ áo giấy, đồng xu cắc lễ Bà. Ông nội ngày đó mãi mê theo dấu con mãng xà to bằng cả con trăng gấm từ bìa rừng, đuổi ngang qua miếu Bà rồi vào tận rừng sâu lúc nào không biết. Quần nhau hơn nữa ngày trời với con mãng xà trong từng bụi đước, gốc tràm ông nội mới bắt được nó. Ông quấn nó quanh người rồi vác về nhà. Một ngày sau thì có một người đàn ông cao lớn, râu tóc xum xuê, nước da ngăm đen, giọng nới lớ lớ từ bên kia biên giới sang trả năm cây vàng để mua con mãng xà. Vậy là ông nội có tiền để dựng nhà, có tiền để cưới vợ cho ba tui, là má tụi tui bây chừ. Má về làm dâu chưa đầy một tuần thì ông nội lăn ra đau ốm. Ông sốt cao, suốt ngày chỉ nói sảng trong mê man, không đứng dậy nổi. Những lúc sốt cao ông lại trườn trườn quanh giường rồi phì phì thở trong gấp gáp. Ba tôi cuống cuồng đi khắp xứ tìm thầy, nhưng thầy nào đến cũng lắc đầu. Sang đến ngày thứ mười lăm, khi ông nội tôi chỉ nằm một chỗ thoi thóp, thì tự dưng có một ông thầy từ xứ Bảy Núi ghé tới nhà. Ông ta chỉ thầm thì với ba tôi vài câu rồi bỏ đi. Đại thể rằng ông nội đã đi săn trong khu vực cai quản của Bà, nhưng ông đã không tạ ơn Bà. Nên Bà quở trách bắt ông đi sớm.

Hôm sau ông nội tắt thở. Từ đó, má tôi bắt đầu sống tâm linh trong tất cả mọi việc hằng ngày. Bởi với bà, cái chết của ông nội đúng là do ông đã không đúng lễ với Bà. Còn ba tôi lại khác, sau đận đó, ông trở nên ít nói, ông đi rừng nhiều hơn, nhưng ông không bao giờ vào khu vực miếu. Thay vì săn bắt như ông nội, ba tôi chủ yếu hái rau và tìm thuốc. Và cũng từ lúc đó, má tôi bắt đầu lệ khệ mua sắm áo giấy, lập nhiều hơn  mà những bàn thờ trong nhà. Mỗi thứ đều có những quy tắc nhất định mà nếu không rành thì cũng không mấy ai biết. Trước là Như Lai phật tổ, sau là đến Thành hoàng bổn sứ, tiếp là thần sông, núi, kênh, rạch; rồi đến thổ địa, thần cửa, ông táo, ông chuồng (thần cai quản việc chăn nuôi trong gia đình), sau cùng là tổ tiên, ông bà…. Mọi việc trong nhà nhất nhất phải từ trên xuống dưới theo thứ tự các thần mà đốt nén hương cầu khẩn. Chị em tôi không biết bao nhiêu, nhưng mỗi lần đốt hương má đốt đủ hai mươi mốt cây. Vậy có thể đoán là có tầm hai mốt vị thần. Má nhất định phải thắp đủ số hương như vậy mới yên tâm làm mọi việc. Thế mới có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra hàng ngày. Như việc chị Hai tôi năm đó đi thi tốt nghiệp trung học. Năm giờ sáng má đã dậy sắm lễ ra trước sân nhà cầu khấn, thắp đủ hai mươi mốt cây hương trong nhà. Sau đó má dẫn chị Hai đi đến trường. Khi đi má cầm theo cả bó hương, mỗi lần qua một con kênh má lại thắp một cây hương khấn vái. Xuống ghe qua bến má cũng thắp trên thành ghe khấn vãi. Đến cổng trường má lại thắp một nén hương khấn vái. Thành thử xong mọi thủ tục thì chị Hai vô phòng thi bị trễ mất nữa tiếng. Vậy là năm đó chị Hai không được thi, phải ở lại lớp mất một năm. Chị Hai khóc cả tháng trời. Ba tôi giận đến mức đập luôn ba cái bàn thờ trước sân rồi vô chòi trong rừng ở cả tuần không về. Nhưng má tôi thì khác, má nói nếu không có thần linh giúp đỡ, chắc gì đi đường, qua sông ngày hôm ấy không gặp nạn. Nói xong má lại chắp tay niệm “adidaphat”. Rồi như hồi chị Ba sanh cháu. Năm giờ sáng chị Ba chuyển dạ. Ba tôi và chồng chị chống xuồng đưa xuống trạm xá sanh. Ba dặn má sang mượn ghe nhà ông Hai Tri hàng xóm để đem quần áo xuống gấp. Thế nhưng trời qua trưa mới thấy má đến nơi. Hỏi ra mới biết ngoài hai mươi mốt cây nhan thắp trong nhà, má còn cúng thêm thần ghe nhà ông Hai Tri, thần canh giữ trạm xá và mười hai bà mụ lúc sanh nở. Ba ngồi thất thần ở trạm xá cả buổi chiều hôm đó, kiểu như không biết đêm nay trạm xá sẽ có bao nhiêu góc được thắp hương, cúng vái. May mắn, năm đó chị Ba sanh mau, mẹ tròn con vuông. Má luôn nói đó là nhờ mình phải lễ đầy đủ với các thần. Và má tự hào về điều đó lắm. Má còn dặn chừng tôi rằng đến khi mày sanh con tao nhất định còn phải cúng thêm thần giường, thần nôi, thần tã …nữa!

3. Vạn vật hữu vi, ba tôi vẫn biết điều đó, ông vẫn kiêng nể và tôn trọng quy luật sanh tồn của tự nhiên. Đi rừng ông vẫn né tránh những nơi có động vật đang sống. Hái thuốc xong ông đều đổ một ít rượu trắng xuống đất để tạ ơn trời đất. Nhưng ông không cuồng tín như má. Biết sẽ khó thay đổi được vợ mình, nếu không chứng minh được câu chuyện ông nội tôi mất là có lí do nhất định. Ông lặng lẽ lên rừng hái thuốc, lặng lẽ từng nhà những người bệnh để cứu người, giúp đời. Còn má tôi vẫn vậy, bất cứ nơi nào có điện thờ, am tu, thần thánh báo điềm bà đều lặn lội đến khấn vái, cầu an.

4. Một ngày cuối hè năm ấy, má tôi đang nằm trên chỏng tre ru con Hến con của chị Ba ngủ. Tự dưng má bật dậy, mồ hôi đầm đìa, lật đật chạy đi đốt đủ hai mươi mốt cây hương rồi khấn vái mọi ngóc ngách, rồi lại lên chỏng tre nằm phờ phệch. Mấy chị em chúng tôi nháo nhào từ mọi nơi đổ về. Người xoa dầu gió, kẻ bóp chân tay, ba và mấy anh chuẩn bị xuồng đưa đi cấp cứu. Nhưng lúc ấy, đang giữa trưa ơi bức, trời lại xuống dông. Cơn mưa lớn ập tới. Ngập cả vùng trong chốc lát. Nhắm không thể đưa má đi trạm ngay lúc này. Ba tôi nhanh chóng lấy ít sâm dây pha với mật ong rừng, bỏ thêm một cái mật rắn vào rồi cậy miệng má đổ dô. Kì diệu thật, vài tích tắc đã thấy người má rút mồ hôi. Da hồng hào trở lại. Mặt tỉnh bơ như chưa có gì xảy ra. Má đứng dậy phủi đít quần rồi lại thắp hương khấn vái. Má nói rằng lúc nãy ngủ mơ, thấy ba tụi bây đi qua miếu Bà hái thuốc nhưng không vào tạ lễ. Bà bắt ba tụi giam ở trong miếu. Bà còn trách tao làm vợ mà không khuyên răn được chồng. Đặng để chồng thất lễ bề trên nhiều lần. Tao đang ru con Hến bằng sáu câu ở chỏng. Tự dưng thấy trời chuyển dông. Một cái bóng áo Mẫu lớn bao trùm cả khu nhà. Rồi từ từ hạ xuống thấp phủ lấy toàn thân tao. Cơ thể tao như bị bóp chặt rồi cuốn theo chiếc áo ấy về phía cánh rừng nơi có miếu Bà. Lúc cái áo thả tao ra. Tao thấy ba tụi bây bị nhốt nhiều ngày đói trơ xương. Duy chỉ có đôi mắt trơ tráo nhìn tao nhưng không nói gì cả. Một người phụ nữ cao lớn bỗng từ đâu xuất hiện cười khẩy. Bà ta bảo rằng sẽ đưa cả tao và ba tụi bây đoàn tụ ông nội ngay tức khắc. Bởi việc thất lễ đến hai đời là không thể chấp nhận. Sau một tràng cười lớn của bà ta. Tao và ba tụi bây bị rớt xuống một cái hố sâu, nhìn xuống phía dưới là một biển lửa mênh mông. Tao ré lên trong vô vọng, còn ba tụi bây thì mắt cứ trân tráo nhìn tao. Hơi nóng ngày càng gần. Người tao túa mồ hôi đầm đìa. Khi cơ thể sắp chạm vào biển lửa thì tự dưng một ông lão hiền từ xuất hiện, huơ gậy rồi hất ngược tao lên lại còn ba tụi bây thì rớt hẳn xuống biển lửa rồi mất dặm. Lúc nãy thắp hương, tao nhìn ông nội tụi bây rất giống ông lão ấy. Mà hình như là ông nội tụi bây thiệt. Chỉ có ổng mới cứu con cái mình thôi. Tao không chết. Ba tụi bây sờ sờ ra đó. Phép thuật ổng cao siêu như thế…. Vậy, vậy chắc ông nội tụi bây thành tiên, thành phật thật rồi. Mà thành tiên thành phật thì chắc là ổng đâu có phạm lễ với Bà nhỉ? Má tôi tự nói một mình rồi nhìn quanh ngơ ngác mấy đứa con. Chị Ba tức cười quá, nói trớ là ra sau nhà nấu thêm miếng nước nóng, chứ thật ra là ra sau để cười cho đặng.

Trời đang mưa tự nhiên dứt, nắng lại hảnh lên. Ba tôi nói mấy chị em coi nấu bửa cơm gia đình tươm tất ăn cho vui. Rồi ba dắt má ra ngoài sân thủ thỉ.

- Bà nhìn coi. Vùng này đất đai bằng phẳng, cây cối xanh tốt quanh năm. Chăm chỉ làm ăn thì có ăn khó đâu. Trời phật, thánh thần hay tổ tiên ông bà ai cũng muốn con cháu mình an vui mà sống. Người ta lập ra miếu Bà cũng chỉ để Bà che chở cho cư dân trong vùng. Có cái chỗ để tránh thú dữ, để mưa rừng hay nắng quái thì vô nghỉ ngơi. Bà có bao giờ hiển linh đòi lễ vật gì đâu. Đợt ba tôi ốm chết là do ông bị rắn mãng xà cắn trúng chân mà không biết. Lúc đấy thuốc thang còn hạn chế nên ông qua đời. Chứ nếu chiếu theo lệ mà bà nghĩ, thì đâu chỉ có mình ba tôi bị quở trách mà chết. Bao năm qua, mọi thứ đều phát triển lên. Bà có thấy vùng này ai bị chết mà không rõ nguyên nhân không. Có kiêng có cữ thì có dữ sẽ hóa lành. Tôi nghĩ bà đúng. Nhưng hành lễ thì phải từ tâm chứ không phải từ vật nhiều hay ít bà ạ!

 Ba dứt lời, mặt má tôi cũng giãn ra nhiều. Tự dưng bà nhìn lên gương mặt ba tôi rồi buột miệng.

- Sao giờ nhìn kĩ tui thấy ông giống ông lão trong giấc mơ dễ sợ!

Nói xong má cười hiền lành, lòng nhẹ bỡn cùng ba vào ăn cơm tối với bầy con cháu đang đợi.

 

Trần Ngọc Đức