Giấc mơ bay

30.06.2021
Nguyễn Một
Cơn mưa bất thường bất ngờ ập xuống. Mùa khô đã đến từ lâu nhưng năm nay thời tiết khác thường. “Có vẻ thiên nhiên không theo quy luật”, hôm qua cô phát thanh viên nói thế khi phát bản tin về những cơn mưa dữ dội gây nên lũ lụt của bốn tỉnh miền Trung Việt Nam. Nguyên nghĩ, thiên nhiên đã có quy luật mới nhưng con người chưa tìm ra. Thiên nhiên luôn bí ẩn và nhờ vậy con người còn tin vào Thượng Đế.

Giấc mơ bay

Minh họa của Phạm Hải Hà

Sau mưa, đất quện lại đặc sệt, bết dính chình chịch dưới chân, Nguyên nặng nhọc nhấc từng bước chân với dụng cụ đào đất nặng trĩu trên vai. Anh đi về phía chân núi Chứa Chan, ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, sách địa lý viết như thế, nhưng anh lại thấy ngọn núi cô đơn này chẳng chút dính líu nào đến dãy Trường Sơn. Nơi đây, ngày xưa cha anh đã ngã xuống. Mẹ anh kể, chiếc trực thăng do cha anh lái đã bị bắn rơi ở đây. Anh nhớ lại mỗi khi anh nói: “nơi cha mình ngã xuống”, lập tức bạn bè đều nghĩ cha anh hẳn là liệt sĩ, có cha là liệt sĩ thì quá hay cho sự nghiệp của anh, anh sẽ làm hiệu trưởng, sẽ… như không ít đồng nghiệp khác và tình yêu của anh cũng không trắc trở. Không, cha anh là tử sĩ thì đúng hơn vì ông là lính Việt Nam Cộng hòa, mà có một thời người ta gọi là lính “ngụy”. Ngày đó anh không biết vì sao người ta gọi là “ngụy”, lớn lên đọc Tam Quốc Chí, anh suy đoán có lẽ chữ “ngụy” xuất phát từ chuyện nước “Ngụy” của Tào Tháo - một người bị coi là gian hùng thời bấy giờ. Nhưng cha của anh không hề “ngụy” chút nào, ông là sinh viên yêu thơ, xếp bút nghiên lên đường như bao nhiêu trai tráng thời bấy giờ. Anh đọc nhật ký của cha, những bài thơ tình lãng mạn ướt át của sinh viên, đôi khi anh bật cười vì sự ngô nghê của những chàng trai ngày ấy.

Đất đỏ dính bết bát, nhưng cây cối xanh tươi mượt mà, những tàng cây dầu mát rượi, những cây bằng lăng sần sùi có tán lá xanh thẳm làm nổi bật những chùm hoa tím, lấp lánh hạt sương mai hững hờ trên cánh hoa mỏng manh. Dưới gốc đại thụ từng chùm hoa vàng vô danh li ti hồn nhiên rung rinh đón cơn gió nhè nhẹ luồn qua kẽ lá, lâu lâu chú sóc mun lao vun vút qua các nhành cây làm bầy bồ chao vụt lên ồn ào, không hận thù, không oán trách, chúng tồn tại thanh thản bình yên, với những phản ứng hòa bình. Anh chợt buồn khi nhớ đoạn độc thoại trong cuốn Nhật ký cuối cùng của Krishnamurti: “Từ lúc khai thiên lập địa đến giờ con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ còn chẳng muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa. Sự giết chóc có tổ chức chính là chiến tranh…”. Bỗng dưng anh thấy buồn và nhớ Hạ, cô ấy trong sáng và hồn nhiên, anh gặp Hạ vào một buổi chiều đầu hè, cuối niên học, nắng vàng rực trong sân trường dưới chân núi, nơi anh trải qua những tháng ngày yên ả với đám học trò hồn nhiên mà đôi khi chúng mang cả đôi chân trần lấm láp bùn đất để đến trường. Hôm qua, sau khi về thành phố thăm Hạ, Hạ đưa anh ra bờ sông. Trên cái bàn nhỏ với những cánh hoa sử quân tử mong manh hững hờ đậu lại sau cơn gió. Hạ ngồi mân mê trái bàng vuông của một sĩ quan thủy quân mang về cho nàng từ Trường Sa - đó là người đàn ông mẹ cô đã chọn. “Em yêu tổ quốc, yêu tình yêu anh ấy dành cho biển đảo, nhưng không yêu anh ấy” - Hạ phân trần trong lúc để trái bàng vuông trên bàn. Nguyên lơ đãng nhìn những mảng lục bình chậm rãi trôi trên sông, mùa mưa dòng sông không xanh mà đỏ như máu, bất giác anh nói say sưa về chiến tranh, về hận thù, về sự chết chóc. Ban đầu Hạ lắng nghe như một sự tò mò, nhưng dần dần cô sợ hãi và hốt hoảng - “Em nhìn thấy sự đau đớn trong mắt anh”. Tất nhiên lúc đó anh không nghe, anh nói về cái chết của cha anh, của những người dân quê anh, anh nói với dòng sông mà Hạ chỉ là chứng nhân vô tình. Anh thường bị những cơn lên đồng như vậy, những ám ảnh tuổi thơ qua lời kể đau đớn và những giọt nước mắt buồn tủi của mẹ anh, những hình ảnh qua lời kể của mẹ đã ám ảnh cả đời anh. Trước khi nhắm mắt, bà nắm tay anh trăn trối: “Hãy đi tìm cha”. Anh tự hứa nếu không tìm thấy cha anh sẽ không cưới vợ.  Cha - “Người đàn ông” ra đi lúc anh chưa chào đời, người đàn ông làm những bài thơ dịu dàng cho người vợ trẻ mà anh chỉ hình dung qua lời kể của mẹ hiện về hàng đêm trong những giấc mơ của anh với đôi mắt buồn thăm thẳm.

*

Đêm qua Hạ trằn trọc bởi một giấc mơ, giấc mơ không buồn, không vui, nó ám ảnh. Nàng thấy mình bay lên đỉnh núi, lâu rồi Hạ không thấy mình bay. Giấc mơ bay gần nhất mà nàng còn nhớ là năm mười hai tuổi. Lần đó Hạ thấy mình bay lên nóc nhà thờ nhỏ bên dòng sông. Ở trên đó Hạ thấy mình nhỏ như chú sẻ nâu, nàng vào tận tổ của chúng để trò chuyện cùng những con chim mẹ, chúng vừa mớm mồi cho những chú chim con mới nở. Chim mẹ kể cho nàng nghe về cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những dòng sông phủ đầy hoa lục bình tím ngắt và những cánh rừng là đà mây trắng mà chúng đã bay qua. Đó là giấc mơ êm đềm về quê hương tươi đẹp mà Hạ được học trong chương trình tiểu học. Nó khác hẳn giấc mơ đêm qua, một giấc mơ mà khiến cả đêm nay nàng không ngủ được. Nàng vào giường lúc hai mươi giờ, sau chương trình bão lũ cuồn cuộn bất thường trong những ngày giáp Tết trên dải đất miền Trung nghèo khổ. Nơi mà người đàn ông - người tình lớn tuổi của nàng đã sinh ra. Nguyên nói với nàng, anh vào miền Nam không phải vì quê anh khô cằn, ở đó bà con anh sống được thì anh sống được, anh đi vì di nguyện của mẹ, anh đi tìm cha. Tất nhiên giấc mơ không hề cho nàng thấy được cái quê hương mà qua mô tả của Nguyên - u buồn và độ lượng. Dù thấy mình bay lên tận đỉnh núi, nàng cũng không thấy những gì mà Nguyên kể với nàng vào buổi chiều bên bờ sông. Chiến tranh - đó là thứ mơ hồ nhất trong đầu Hạ, dù cha nàng là sĩ quan quân đội, mẹ nàng là sĩ quan công an. Cho đến giờ này trong đầu mẹ vẫn rạch ròi địch và ta, vì vậy tình yêu của nàng và Nguyên là hoàn toàn vô vọng. Hạ không trẻ nữa, ngoài ba mươi, trải qua vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu. Mẹ muốn Hạ theo nghề công an, cha nàng - sĩ quan quân đội về hưu muốn nàng học sư phạm, ông nói: “Đó là cái nghề mà thời nào cũng cần, chế độ nào cũng sống được”. Mẹ - Cha như mặt trời, mặt trăng, mẹ than phiền: “Cha mày suy thoái nặng rồi!”. Hạ theo nghề giáo không phải yêu nghề mà yêu cha và để vừa lòng mẹ, Hạ phấn đấu và trở thành Phó giám đốc Sở trẻ nhất, cái lý lịch trong sạch giúp cô thăng tiến vùn vụt, hai mẹ con đều là Phó giám đốc Sở. Hạ trở thành niềm tự hào của mẹ. Cha cười ruồi: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Hạ đi thanh tra một ngôi trường dưới chân núi và gặp Nguyên, lần đầu đôi mắt buồn truyền kiếp từ nguồn gốc người Chăm và gương mặt rắn rỏi của Nguyên hớp hồn Hạ. Cô hiệu trưởng ghé tai Hạ nói nhỏ: “Chàng ngoài bốn mươi mà vẫn ở một mình không biết có vấn đề gì về giới tính không”. Nguyên khẽ cười, nụ cười nửa miệng làm trái tim người đàn bà ngoài ba mươi loạn nhịp, chỉ trong thời gian ngắn họ lao vào nhau mà chưa có ai, chưa người tình nào trước đó có thể làm Hạ phải nổi gai ốc đến từng chân tóc như Nguyên, lúc chậm rãi, nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ bạo liệt, Nguyên làm cho “cây phong cầm” trong Hạ rung lên hết các cung bậc trầm bổng của nó. Hạ không bao giờ kể cho cha và mẹ nàng về tình yêu giữa nàng và Nguyên. Cha nàng, một người đàn ông từng trải, đã nhìn thấy niềm hạnh phúc long lanh trong mắt con gái mỗi khi ông thầy giáo ngoại ngữ đến nhà thăm cô Phó giám đốc Sở trong tư thế đường hoàng đĩnh đạc. Một lần, trong bữa ăn ông nói: “Khi nào tụi con cưới nhau, có vẻ đó là người đàn ông tử tế có giáo dục”. Mẹ gầm lên: “Ông điên à, ông muốn tiêu tan sự nghiệp của con mình sao?”. Thì ra mẹ cũng biết và bà đã ngấm ngầm điều tra lý lịch của Nguyên. Cha thở dài: “Chiến tranh đã ngoài bốn mươi năm rồi”. Mẹ chì chiết cha bằng những lý luận mà trước đây cha dạy cho mẹ. Hạ bỏ ra ngoài ban công, nhìn về phía dòng sông, cô lớn lên giữa thành phố có dòng sông chảy qua, vậy mà đêm qua cô mơ thấy núi. Trong giấc mơ bay lên đỉnh núi của nàng không có quê hương của Nguyên, chỉ có một người đàn ông từa tựa Nguyên, rắn rỏi cương nghị, tóc xòa trên trán và đôi mắt buồn truyền kiếp. Người đàn ông giống Nguyên trong giấc mơ của Hạ không áo trắng quần tây mà là bộ quần áo nàng chỉ thấy một lần, một lần duy nhất nàng thấy hai người đàn ông du ca mặc nó trên đường phố Sài Gòn. Họ khất thực bằng cây đàn ghi ta cũ kỹ với giọng hát khàn đục về chiến tranh, về mất mát, nàng khẽ khàng đặt vào chiếc mũ trước mặt của họ tờ mười ngàn đồng trước sự ra vẻ hững hờ của Nguyên. Nguyên hững hờ nhưng cô nhìn thấy sự đau đớn trong mắt anh. Người đàn ông trong giấc mơ bay là là trên những bụi cây thấp và mất hút vào bên dưới cây bằng lăng ba gốc. Trước khi biến mất người đàn ông nhìn Hạ, ánh nhìn từ đôi mắt buồn truyền kiếp. Hạ sẽ phải kể giấc mơ này cho Nguyên nghe, ngày mai nàng sẽ kể, nghĩ vậy Hạ thấy nhẹ nhàng và chìm vào giấc ngủ.

*

Nguyên đến được cây bằng lăng ba gốc khi cơn mưa vừa dứt được hơn một giờ đồng hồ, nắng chiều rực lên, phủ ngợp ngọn núi, tràn xuống cánh đồng trải dài từ chân núi đến rặng xanh phía xa tắp những vườn cây trên vùng bazan màu mỡ. Trong tiếng nhịp nhàng của nhát cuốc trên nền đất của núi, anh nhớ lại giấc mơ bay Hạ kể cho anh nghe bên bờ sông của buổi chiều hôm trước. Anh run lên khi chạm được tấm thẻ bài khắc tên người đàn ông mà mẹ anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong giấc mơ của bà. Anh hốt mớ đất đen quanh thẻ bài bỏ vào hũ sành trong ba lô, đợi thẻ nhang tàn anh xuống núi. Hạ chờ anh ở chân núi, nàng ngả đầu vào vai anh, họ dìu nhau đi qua cánh đồng về phía rặng xanh. Hạ liến thoắng về ngôi nhà màu tím với những cửa sổ màu trắng trong khu vườn tràn ngập mùi hương sử quân tử. Cô nói về những đứa con xinh xắn và thông minh không hề có khái niệm gì về chiến tranh, chúng sẽ có những giấc mơ bay như bầy chim câu trên bầu trời thanh bình và xanh thăm thẳm, chúng sẽ gặp các cô tiên và chúng sẽ làm cha của chúng quên đi dằn vặt của quá khứ. Cô nói rằng cô sẵn sàng rũ bỏ tất cả vì tình yêu của anh, chức vụ quyền lực… Trái tim của Nguyên cũng rộn ràng đón nhận gương mặt rạng rỡ của người yêu và lần đầu anh có cảm giác mình đang bay trên cánh đồng lúa ngút ngàn dưới chân.

(baovannghe.com.vn)