Buổi học cuối cùng

30.05.2022
Nguyễn Bá Hòa
Buổi học cuối cùng của lớp 8/2 vui quá là vui! Nói buổi họp mặt của lớp thì đúng hơn, họp mặt để chia tay, ngày mốt là lễ bế giảng năm học rồi! Lớp của Lượm gần như đứa nào cũng có phần thưởng, không là học sinh xuất sắc cũng là giỏi hoặc khá, chỉ năm bảy đứa chẳng được gì, trong đó có Lượm. Thực ra không phải Lượm dốt hay lười học, cứ mỗi lần nhớ đến ba mẹ là Lượm không tập trung được.

Buổi học cuối cùng

Minh họa Hiển Trí

Bạn bè trong lớp kháo nhau rằng năm nay hết dịch bệnh lễ bế giảng được tổ chức hoành tráng, phần thưởng nhiều gấp ba gấp bốn lần để bù cho năm học qua “mắc dịch”. Trước đây nghe nói “mắc dịch” ai cũng cười, chừ thì quen rồi.

Thằng Sinh còn hể hả tính đường dài, chỉ vài ngày sau lễ bế giảng là 1/6 - ngày Quốc tế thiếu nhi, các chú các bác ở địa phương có quà cho những ai có giấy khen học sinh giỏi nữa.

Sinh còn khoe với cả lớp là Hội Khuyến học nơi Sinh ở còn tặng quà cho học sinh nghèo dù không có danh hiệu gì. Cả lớp nhao nhao chuyện nhận thưởng nhận quà, tiếng nói tiếng cười át cả tiếng ve kêu rân ngoài sân trường.

Lượm ngồi yên lặng lắng nghe, hình như chẳng có ai chú ý đến nó. Chẳng bù khi nó mới chuyển trường và gia nhập lớp 8/2 này, cái tên Lượm của nó đã gây cười cho cả lớp, là chủ đề bàn luận suốt cả mấy ngày sau đó.

Lượm còn nhớ như in, khi cô giáo giới thiệu Lượm với cả lớp, con bé tóc dài mang đôi kính cận ngồi dãy bàn thứ ba la toáng lên “cái tên chi xấu hoắc”. Dĩ nhiên khi ấy Lượm rất không thích nó, nhưng trời xui đất khiến làm sao, khi giới thiệu xong cô giáo sắp xếp Lượm ngồi cạnh con bé khó ưa đó.

Lượm định trong bụng, sau giờ ra chơi sẽ trốn về nhà, nói với ông bà Lượm không thèm học ở đây, nhất là cái lớp trời ơi đất hỡi này. Ông bà muốn Lượm đi học phải xin vào trường khác hay ít ra cũng là qua lớp khác. Giờ ra chơi, gom sách vở vào cặp, chờ tụi bạn ra khỏi lớp là chuồn ngay. Ai ngờ, thằng Sơn, khi ấy Lượm chưa biết tên, chỉ biết hắn là tổ trưởng gì đó, đến bên gợi chuyện.

- Bạn từ nơi nào chuyển về, nghe giọng miền Nam hay quá?

Không đợi Lượm trả lời, hắn nói tiếp.

- Lớp mình vui lắm, khi nãy bạn My, con bé tóc dài mang kính cận đấy, có nói mấy câu khó nghe, mong bạn xí xóa nhé! My hồ đồ thế chớ tốt bụng lắm!

Lượm ậm ừ cho qua chuyện. Vết thương đang rỉ máu thì thằng Sơn đã cho nó miếng keo dán đúng vào chỗ đó, hình như vết thương đã bớt đau nên Lượm cũng quên chuyện trốn học về nhà.

Chuyện mới đó mà đã một năm học rồi!

Buổi họp mặt cuối cùng, cô giáo về văn phòng để họp, cả lớp tha hồ nói chuyện, miễn sao không la không hét thái quá là được. Thằng Lân cao khều ngồi cuối lớp lên tiếng.

- Xin chúc mừng các bạn sẽ được nhận thưởng, chừ chuyển qua đề tài khác cho cả lớp cùng vui.

Thằng Sơn, chẳng biết thật lòng hay giả dối nói hùa theo ngay.

- Bạn Lân nói đúng, ai được phần thưởng cứ vui nhưng nói hoài sẽ làm tổn thương các bạn không có phần thưởng. Nhưng... chừ phải nói chuyện gì?

Ai đó nói lớn.

- Hè này đi chơi những đâu? Làm những việc gì?

Con My tham gia ngay.

- Mình sẽ xin phép ba mẹ về Hội An quê ngoại một tuần, thành phố du lịch chẳng thiếu gì nơi để chơi, các bạn thì sao?

Lân cắt ngay đề tài mới được con My hưởng ứng.

- Dẹp cái chuyện đi du lịch lại ngay, đâu phải ai cũng có điều kiện để đi chơi. Có chuyện này lớp mình có biết không? Năm học này trước cổng trưởng mình xuất hiện ông già tóc bạc ngồi nặn tò he để bán đó!

Cả lớp lại nhao nhao.

- Đúng rồi. Nhưng mình chưa mua nên không biết mua nó để làm gì?

Đề tài tò he không kém phần sôi nổi vì hình như ở vùng này lần đầu tiên các bạn nhìn thấy nó. Cái tên tò he làm bằng bột gạo, màu mè đủ thứ, vừa lạ vừa quen, để ăn hay để chơi, ai cũng tham gia ý kiến nhưng chẳng ai biết cụ thể để nói cho cả lớp hiểu. Tự nhiên con My nhìn Lượm đăm đăm, phải rồi, Lượm là người biết rõ điều này nhất, vì có lần Lượm đã kể cho My nghe một câu chuyện liên quan đến bọn tò he này.

Chiều hôm ấy khi tan học, Lượm vừa ra khỏi cổng trường đã gặp một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm một chiếc quạt thần. Ông nhìn Lượm trìu mến.

- Cháu có phải là Lượm không?

- Dạ, cháu là Lượm, sao ông biết cháu?

- Ta là người đã nặn ra muôn loài muôn thú, sao lại không biết được một học trò nhỏ như cháu chứ! Nếu cháu thích ta sẽ đưa cháu đi thăm muôn thú thế giới ấy.

Lượm đưa tay dụi mắt rồi lại đưa tay vỗ vào hai tai, không thể tin nổi giữa ban ngày thế này làm gì có ông Tiên, ông Bụt!

- Cháu cứ theo ta sẽ biết!

Không cưỡng lại được những lời trìu mến và ánh mắt đầy yêu thương của ông già, Lượm cứ bước theo ông. Không biết đã đi được bao lâu, đi được bao xa, trước mắt Lượm là một khu rừng xanh ngắt, tiếng chim hót véo von trên vòm lá, tiếng suối chảy róc rách đâu đó. Ô kìa! Rất nhiều con thú quen thuộc như gà, mèo, voi, chuột, lợn, dê... đủ sắc màu, chúng đang đùa giỡn với nhau thật ngộ nghĩnh.

Sợ bọn thú thấy người lạ sẽ bỏ chạy nên Lượm nấp vào sau gốc cây cổ thụ, lắng nghe chúng trò chuyện. Gió nhẹ mang hơi nước từ con suối xa thổi vào rừng. Lượm nghe người mát rượi, mắt lim dim, tiếng ai đó cứ thầm thì bên tai.

Chú Gà trống đỏ/ Khen chị Mèo vàng/ Cái dáng dịu dàng/ Đẹp ơi là đẹp!/ Rồi chị Mèo vàng/ Lại khen Chuột nhắt/ Mõm xanh nhọn hoắt/ Râu tím xinh xinh/ Chuột nhắt nhà mình/ Ngạc nhiên hỏi Cóc/ Da sần mụn mọc/ Sao có màu hồng/ Cóc thấy ông Rồng/ Thân hình vạm vỡ/ Nhiều màu rực rỡ/ Cái miệng bôi son/ Rồng hỏi Voi con/ Ngà đâu không thấy/ Đôi tai động đậy/ Màu xanh da trời/ Voi chọc Khỉ cười/ Khỉ trêu chú Tễu/ Tễu ghẹo Lợn béo/ Lợn mà kéo xe.../ Một nhà Tò he/ Thân bằng bột gạo/ Phẩm màu vẽ áo/ Ai thích mua về!/ Nhớ phiên chợ quê/ Nhớ Già tóc trắng/ Chẳng quản mưa nắng/ Ngồi nặn Tò he...

My ngắt lời của Lượm.

- Bạn kể chuyện cổ tích hay chuyện thật?

- Chỉ là giấc mơ thôi. Khi mới tỉnh lại, mình thấy ông Bụt nằm bên cạnh, nhưng khi nhìn kỹ lại thì ra không có ông Bụt nào cả mà là ông nội của mình, ông đang hát ru cho mình ngủ.

Thằng Sơn cắt ngang suy nghĩ của My.

- Bạn My làm gì mà nhìn bạn Lượm say đắm thế?

Cả lớp cười ồ vì câu nói khôi hài đầy ngụ ý của Sơn. Nghe Sơn nói Lượm quay lại nhìn, đúng là con My nhìn trộm mình là có thật, Lượm xấu hổ đưa tay gãi vào đầu. My giật thót người khi nghe Sơn gọi tên mình định đứng lên nói điều gì đó nhưng rồi My vẫn ngồi yên, chấp gì những lời ghen tỵ con nít đó.

Cả năm học cùng nhau Lượm biết tỏng cái tính ba phải của Sơn. Trước mắt hắn ngọt ngào rào đón lấy lòng lấy ruột, sau lưng hắn nói toàn chuyện chẳng ai muốn nghe. Nào, ông bà thằng Lượm nhặt nó về nuôi nên mới đặt tên là Lượm, nó không cha không mẹ không ông không bà chẳng ai dạy dỗ nên học hành yếu kém vân vân và vi vi.

Nhớ lại đầu năm học nó đã dán keo vào vết thương của Lượm nhưng rồi miếng keo dán ấy đầy chất độc cứ mỗi ngày thấm dần vào thân thể Lượm đau đớn hơn nhiều.

Còn con My, người đâm cho Lượm một nhát bằng lời chua ngoa ngày đầu tiên lại là người tốt bụng, mà điều này thì thằng Sơn nói đúng, con My tốt thật, biết sẻ chia hỗ trợ giúp đỡ Lượm trong học tập trong sinh hoạt. Cũng có thể thằng Sơn chỉ xấu với Lượm còn đối với con My thì lại khác. Ai biết được lòng người chứ?

Chuyện tò he và ông già tóc trắng xuất hiện trước cổng trường còn đang rôm rả thì cô giáo chủ nhiệm đã xuất hiện trước cửa lớp. Cả lớp yên lặng và chờ đợi. Cô thông báo ngày họp phụ huynh, ngày giờ tổ chức lễ tổng kết năm học. Cả lớp vui vẻ, tiếng cười nói lại vang lên.

- Hôm nay là buổi họp mặt cuối cùng của lớp các em có điều gì muốn nói với lớp, với cô, cứ tự nhiên.

Cả lớp yên lặng. Có lẽ cái từ cuối cùng của cô giọng hơi buồn khiến bọn trẻ chạnh lòng. Ừ! Sao chúng không nghĩ đến điều đó chứ! Một năm học trôi qua bao vất vả nhọc nhằn, cả buồn vui lẫn lộn, giờ chia tay rồi, nhiều chuyện để nói lắm chứ, nghĩ vậy nhưng cả lớp vẫn cứ yên lặng.

Cô giáo lại gợi ý.

- Nếu không nói thì hát hò, ai có chuyện vui thì kể cho cả lớp nghe.

Một vài phút trôi qua My đưa tay phát biểu.

- Thưa cô! Lớp mình năm học này có bạn Lượm là bạn mới. Em ngồi cạnh nên có biết chút ít về bạn. Bạn ấy có năng khiếu kể chuyện, em đã nghe bạn ấy kể chuyện về những con tò he rất hay hôm nay em đề nghị bạn ấy kể cho cả lớp cùng nghe.

Lượm giật mình khi nghe lời giới thiệu của My, không xấu hổ, không ngượng ngùng nhưng vẫn không dám đứng lên. Cả lớp giương to mắt nhìn My rồi nhìn Lượm. Cái gì đây trời! Thằng Sơn hết há mồm ngạc nhiên, lại trề cái môi dài khó chịu.

Những đứa khác vô tư vỗ tay yêu cầu. Lượm vẫn ngồi yên đôi mắt bắt đầu ươn ướt, hình như muốn khóc. Con My quay lại nhìn thấy mắt Lượm đỏ hoe đâm ra lúng túng và sợ. Sau tiếng vỗ tay là không khí nặng nề, chẳng biết vì sao?

Cô giáo sau nhiều phút lặng thinh cũng đã lên tiếng, giọng cô thật buồn.

- Các em có biết không? Lượm vừa được nhà trường xét trao tặng món quà đặc biệt trong lễ bế giảng dù bạn ấy không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cần nói để các em rõ, năm học này Lượm không đạt học sinh giỏi chẳng có chi là lạ vì hoàn cảnh của bạn ấy. Rồi Lượm sẽ là học sinh giỏi, rất giỏi khi bạn ấy đã ổn định mọi thứ.

Cả lớp ngạc nhiên vì nhận xét của cô giáo có phần ưu ái cho Lượm. Thằng Sơn lại trề cái môi dài ra nên gương mặt trông dì dị làm sao!

Cô giáo lại nói tiếp.

- Lượm không phải là con không cha không mẹ như các bạn đã nghĩ. Cha mẹ Lượm qua đời do Covid-19 trong mùa dịch vừa qua ở TP.Hồ Chí Minh. Lượm quá nhỏ nên tro cốt cha mẹ được gởi vào chùa để thờ phượng. Lượm chuyển về sống với ông bà nội ở quê mình. Ông nội Lượm đã nặn tò he bán trước cổng trường để nuôi Lượm ăn học...

Giọng cô giáo nhòe nước mắt nên nhỏ dần và khó nghe. Cả lớp nín thinh. Có đứa đã khóc. Con My đã khóc...

(baoquangnam.vn)