Ngày bé bốn anh em đi thì thôi, về là đu đeo ngoài vườn, cây gì cũng muốn trồng, sau cùng chỉ có mấy cây ổi với cây táo sống được.
Anh là trai lớn, sau là em gái, tiếp nữa là em trai và cuối cùng là cô út. Hồi ba má còn sống, em tư ở cùng ba má, ai cũng nói anh lấy hết phần em tư khi anh sáng dạ nhanh nhẹn thì tư cục mịch chậm chạp. Anh gây sự đánh nhau, đám trẻ con bắt không được anh thì lấy tư trút giận, có ngày em tư về nhà với cái mặt bầm tím bên má, bên mắt, tay chân xước xát. Tư nói con té. Bé ba thương em nói tư do anh hai mà bị đánh, ba má không tin, nói anh hai bây ngoan hiền có đi gây với ai. Bé ba mím môi, em tư không nói gì còn bé út ngậm tay nhìn mấy anh chị bằng đôi mắt đen tròn.
Anh học xong, lấy vợ, ba má mua cho mảnh đất nhỏ gần nhà để sinh sống, khoảng cách vừa đủ để mẹ chồng nàng dâu không va chạm, đủ xa để vợ chồng trẻ có cuộc sống riêng.
Bé hai, bé út cũng đã lấy chồng làng trên, ba má cho ít tiền làm vốn và một cái xe máy, em tư lấy vợ muộn nhất, khi ấy ba má già không có nhiều tiền, vợ chồng tư lại về ở luôn trong nhà nên ông bà chỉ cho em dâu mấy chỉ vàng, cũng may hai cô đi lấy chồng bỏ lại hai xe máy cũ nên vợ chồng em tư cũng có xe đi. Khi ấy anh tính đưa mẹ hai chỉ, thêm vào phần của mẹ cho kẻo em dâu tủi thân nhưng vợ nói anh em còn lâu dài, mai kia vợ chồng tư cần mình cho sau cũng được, cho liền một lúc không khéo lại vung tay mua này sắm kia. Cho đến bây giờ hai chỉ vàng vẫn nằm trong ngăn kéo.
Vợ nghĩ cũng đúng, em tư vẫn chậm chạp như ngày bé, học hết phổ thông em đi làm công nhân ở nhà máy, em dâu cũng là công nhân. Anh sốt ruột thì ba má nói không sao, vợ chồng tư tự làm tự lo được, anh cũng thôi. Anh tính cho tư đi học lái xe rồi về làm cho anh, anh là anh trai chẳng lẽ không cho em mình được công việc sạch sẽ, ba má không đồng ý, vợ cũng nói tài xế cần nhanh nhẹn, cục mịch như em tư liệu có làm được không.
Mấy năm nay làm ăn khó khăn, vợ chồng anh có mảnh đất mua để dành cũng phải cắn răng bán lỗ để quay vòng nhưng không ăn thua. Cứ đà này khéo phải đóng cửa công ty.
Vợ làu nhàu nói thấy những nơi khác người ta làm đường ào ào, cao tốc phóng vút qua làng mà ở đây cứ im ỉm. Giờ chỉ cần có con đường chạy qua làng là cái nhà của ba má sẽ tăng giá chóng mặt. Vợ nói ngôi nhà ba gian một buồng của ba má, thêm mảnh vườn kia giờ bán đi cũng tỷ hơn, tỷ kém. Hai cô em đã đi lấy chồng cho nhiêu thì biết nhiêu, hai anh em trai chia nhau ít cũng có mấy trăm triệu trong tay.
Ban đầu nghe vợ tính toán, anh có chút áy náy với em tư, mảnh đất ba má cho, sau đó anh bán đi ra phố mua mảnh khác, hồi anh xây nhà, ba má cũng cho thêm hai trăm triệu đồng, nói anh có nhà, có cửa khang trang thế này là tốt rồi, nhà của ba má cũng cũ, vợ chồng tư công nhân nên chỉ dặm này vá kia. Ngôi nhà đó mai mốt giữ lại làm nơi thờ cúng, không biết khi nào nhà tư mới có tiền xây lại. Ba má nói thế, ý là ngôi nhà sẽ là của em tư. Vợ trề môi: “Là ai cũng hiểu thế nhưng pháp luật cứ phải giấy trắng mực đen, nói có sách mách có chứng, nay ba má mất rồi, có di chúc giấy tờ gì đâu”.
Anh gọi cho em tư và hẹn hai em gái cùng về. Nghe anh có ý định bán nhà em tư mặt nghệt “rồi ba má thờ đâu anh hai?”, vợ anh cười: “Thì ở nhà chú chứ đâu, chú ngại thì để anh chị”. Em tư cúi đầu ngồi im không nhúc nhích, hai em nói phận gái lấy chồng nên không dám nhận.
“Vậy thì căn nhà sẽ chia đôi. Chú thím tính mua lại căn nhà hay nhận tiền mua nhà khác?”.
Em tư ngồi im, thím rụt rè: “Hiện tại hai vợ chồng không còn đồng nào. Ngày trước tích cóp được gần hai trăm triệu tính sửa lại nhà thì ba ốm má đau rồi tang ma nên hết sạch. Căn nhà này ông bà, ba má ở đã lâu, giờ bán đi không đành, tụi em sẽ ở lại nhà này và ráng vay mượn để gửi lại phần anh chị”.
Vợ hài lòng, “thím tính vậy là đúng đó, chuyển đi chuyển lại cũng mệt mỏi lắm, cái mang theo thì không dùng được, về nhà mới lại phải mua sắm lại tốn kém lắm, như cái tủ kia kìa, sang nhà mới anh chị không hợp, vậy mà chú thím xài năm bảy năm nay chưa hư”.
Cuộc họp chia tài sản không ngờ lại diễn ra nhẹ nhàng nhanh gọn thế. Vợ đã đi khảo giá, căn nhà và mảnh vườn giờ bán vội cũng được tỷ rưỡi. Hai cô phận gái lấy chồng mỗi cô hai trăm, anh lấy tròn năm trăm, vợ chồng em tư được nhiều hơn một tí cũng là hợp lẽ.
*
Chưa được hai tuần mà em tư đã gọi điện mời vợ chồng anh về, có cả vợ chồng hai em gái. Thím tư thịt hẳn hai con gà, thịt gà ngọt lừ, da vàng ươm ăn không biết no. Ăn cơm xong, cô út ra cổng đón một người khách vào nhà, cô út giới thiệu anh Tuấn luật sư. Làm sao lại có luật sư ở đây, ai tính kiện cáo gì sao?
Cô út xin phép được nói.
“Mọi người ngồi đây đều biết ba má không để lại di chúc nên ngôi nhà là của chung bốn anh em. Vợ chồng anh tư ở chung với ba má mười mấy năm nay, con cái anh được ba má trông coi, chi phí hàng ngày coi như tiền vợ chồng anh trả tiền trọ”.
“Nhưng còn đây. - Cô út đưa ra hai bìa nút: - Đây là phiếu thu, hóa đơn viện phí của ba má cùng các chi phí ma chay có đủ chữ ký của bên nhận tiền. Em đã trừ các khoản mấy anh chị đóng góp khi ba má bệnh và tiền phúng điếu, giờ đám của ba còn thiếu hai trăm hai mươi tám triệu, của má thiếu một trăm bốn mươi bảy triệu. Anh tư phải nghỉ làm hai tháng mười tám ngày, chị tư phải nghỉ làm tổng cộng bảy tháng mười hai ngày, quy ra chẵn là chín chục triệu. Sắp tới còn sang cát, đưa ba má lên chùa, nghe nói tốn khoảng hai trăm nữa. Chưa tính tiền phúng điếu, mai kia vợ chồng anh chị tư đi lại nhà người ta”.
“Cái nhà này, chị hai nói người ta trả một tỷ rưỡi, trừ đi các chi phí em vừa liệt kê ra, trừ thuế má này kia là còn... Số tiền này chia bốn. Mỗi người còn nhận...”.
Anh phản đối, “rõ ràng hôm trước hai cô nói hai cô không nhận, sao giờ lại…”.
“Nay tụi em đổi ý!” - Cô ba xen vào, dứt khoát.
Vợ anh cười: “Cô út kê ra những chi phí đó, ai chứng?”.
“Mọi chứng từ đều có dấu đỏ bệnh viện. Tôi bảo đảm. Bất cứ ai cũng có thể đi xác minh”. Anh luật sư nãy giờ mới lên tiếng.
“Sao hôm trước hai cô từ chối nay lại trở mặt?”. Anh bực bội, vừa bực vừa quê.
“Hôm trước tụi em từ chối, cũng không có giấy tờ nào ghi lại, nay tụi em đổi ý cũng là bình thường mà. - Út nhỏ nhẹ, tay em run run, em rể nhích người lại nắm tay vợ. - Anh hai, tiền hết kiếm lại mấy hồi, tình nghĩa hết thì kiếm không lại đâu. Hôm nay tại đây, có mặt chồng em và luật sư, em xin nhường phần mình cho anh tư”.
Em ba kéo khóa cái túi du lịch nãy giờ vẫn để dưới chân, lấy ra từng cọc tiền xếp lên bàn: “Phần em cũng nhường lại em tư, mọi người thỏa thuận xong thì đây là phần anh hai. Anh chị đếm đủ tiền rồi ký vào biên bản. Chiều nay mình ra phường ký giấy tờ sang tên cho vợ chồng em tư”.
Út còn nhoẻn cười: “Vậy là xong hết ha anh hai, gọn hơ!”.
Nhìn út cười mà nước mắt lăn xuống, anh nghe mặn chát. Hồi nhỏ anh cưng út nhất, con nhỏ hiền queo dễ thương và giống má nhất nhà. Mới hôm nào còn lẽo đẽo theo anh, tới hồi mệt quá đòi anh tư nó cõng về, em ba ngày nhỏ đong đỏng quát đám em, nay cũng là mẹ hai con.
Hồi ba mất, ba nói ba tin anh sẽ biết bảo ban các em. “Ba thương thằng tư vì nó hiền quá, con nhớ lại những lần nó chịu đòn giùm mà thương nó. Con ba con út lấy chồng, con thi thoảng ghé qua xem hai em sống sao, nhà chồng có đối xử tốt không, nếu người ta không thương, con đưa em về”.
Hẳn ba má tin anh được dạy dỗ, học hành đàng hoàng sẽ yêu thương đám em nên không nghĩ đến chuyện để lại di chúc, hẳn không bao giờ ba má nghĩ thằng con trai giỏi giang nhanh nhẹn, niềm tự hào của ba má, chỗ dựa cho ba đứa em lại đốn mạt, cạn tàu ráo máng như hôm nay.
Từ khi nào anh trở nên tham lam, mờ mắt trước đồng tiền? Từ khi nào anh quên mất mình là anh hai và những người ngồi kia có một khoảng thời gian rất dài ở bên anh? Mai mốt giỗ ba má, anh làm sao dám về.
Anh ngồi thẳng người, hít một hơi dài và đẩy những cọc tiền ra xa.
“Anh xin lỗi mấy đứa, vì tham mà anh đã quên lời ba má dạy. Phần này của anh, anh cũng nhường lại cho em tư. Còn chi phí kia, là trai lớn, anh sẽ chịu một nửa”.
Vợ nhéo nhéo anh, hẳn vợ đang tiếc tiền, xôi hỏng bỏng không còn mất thêm một khoản. Anh nắm tay vợ vỗ vỗ, đời mình còn dài lắm vợ ạ, mình còn rất nhiều thời gian để kiếm tiền, nhưng đụng tới những đồng tiền kia, thời gian sống của mình sẽ ít ỏi đến đáng thương. Bởi sống cô độc, sống trong giày vò thì đâu gọi là sống.
(nhandan.vn)