Buồn ơi cho bắt tay cái coi

14.03.2023
Nguyễn Trí
Chưởng - khi gá nghĩa châu trần với Thanh thì cô đã qua bốn đời chồng. Tất cả đều đàng hoàng nghiêm túc chứ không hề xà bát xà bung đứng đường đứng sá. Lần thứ nhất cưới hỏi vô cùng hoành tráng. Ở với nhau được năm năm thì đường ai nấy đi. Lý do là anh chồng có con ngoài luồng.

Buồn ơi cho bắt tay cái coi

Minh họa: Tuấn Anh

Anh thứ hai thứ ba thứ tư cũng một khuôn. Và Chưởng chỉ biết tự trách mình sau đó trách trời chứ không thể trách được bốn anh chồng. Vì sao? Chả là Chưởng không con. Ông bà xưa có câu "Ba năm thì mít đóng đài, cây chanh có trái thì cây xoài phải ra hoa". Rõ ràng Chưởng không hoa không trái, bằng chứng là mấy anh chồng ra ngoài là nhơn tình của họ lớn bụng liền. Hết chia tay người này đến người khác riết rồi Chưởng cũng chừng như chai sạn. Cô không tin ba cái bịnh viện, họ nói cô không bị gì ráo. Hãy yên tâm mà đợi. Không tiên nữ thì tiên nam cũng giáng phàm. Chưởng cũng không tin ba ông thầy bà cô tàm xàm mách qué. Họ lắc chuông khua trống lảm nhảm như bị khùng rồi phán: "Hãy đợi đấy". Đợi đến mòn mỏi và qua bốn anh chồng khỏe như vâm mà ai cũng bó tay, không cho Chưởng lấy một mụn con mà hú hí.

Chia tay thì tài sản ngắt đôi. Chưởng gộp cả bốn lần dang dở được một mớ kha khá. Cô bán cái nhà trong hẻm rồi ra mặt đường tậu một căn. Chưởng mở một cửa hiệu chuyên bán bút chỉ văn phòng, báo chí kiêm cho thuê sách truyện. Sương phụ ba mươi xuân, mười hai năm làm vợ của bốn anh chồng nhưng không con nên vẫn xuân sắc lắm. Thanh đến mua báo và thuê sách. Thấy sương phụ thì động lòng vì dung nhan của cô thì ít, vì vàng trên tay trên cổ cô thì nhiều. Thanh cứ bám lấy bà chủ mà mở lời ong ve.

Thanh tương đối đẹp trai. Ba mươi mấy nhưng cũng không vợ con chi ráo. Chả là nhà Thanh nghèo. Đã nghèo lại làm biếng. Trong khi thiên hạ đổ lên rừng xuống biển kiếm cái ăn cho qua lận đận thì Thanh xin cha cho đi học nghề thợ bạc. Nghe vậy ông cha cả cười mà rằng:

- Thợ bạc mà tế ông tế bà mày hả? Cơm không có ăn mà bạc với vàng. Biến đi cho tao nhờ. Mày muốn làm chi đó thì làm. Thằng vô dụng.

Lười biếng vô dụng bèn ghé quán cho thuê truyện của em Chưởng mà tâm sự. Thanh đọc hơi nhiều ba cái ngôn tình nên nói chuyện văn huê lắm. Đôi khi anh ta phun ra cả thơ mới là ảo diệu. Đang cô độc Chưởng nghe cũng thú vị, với lại chuyện đàn ông với cô là quá xá thường. Chưởng gật đầu cái rẹt khi Thanh nói yêu. Cả hai nên một cặp và nghiễm nhiên Thanh trở thành ông chủ của quán bút chỉ văn phòng. Với Chưởng, cô khát khao lắm một đứa con. Vậy còn Thanh thì sao? Anh ta có trăng hoa ngoài đường như mấy anh kia không? Để đề phòng bất trắc có thể xảy ra, Chưởng không đăng ký kết hôn kết hiếc chi ráo. Vui ở buồn Thanh có quyền đi. Nhưng Thanh chả đi đâu hết. Thiên hạ bảo rằng thằng Thanh sa chĩnh nếp hương ngu gì đi. Nó còn đi học nghề thợ bạc nữa kìa. Con Chưởng nhiều tiền nhiều vàng lắm đa nghe. Nay mai hai đứa nó mở tiệm vàng cho coi.

Bỗng nhiên dân tình chỗ Thanh đang yên ổn ùn ùn kéo nhau lên non cao kiếm vàng. Nghe đâu ở đó ở kia bể bãi lớn lắm. Rất nhiều người mới tháng trước còn đầu đường xó chợ nay mua được nhà rồi. Quán sách báo ế thiu ế chảy liền một khi. Thanh bèn rủ vợ:

- Hay mình đi bãi vàng làm ăn thử em há?

Người phụ nữ đang buồn với số phận đắc-co cái rụp. Không như bao kẻ khác khó khăn trong việc lên bãi. Hai vợ chồng sở hữu một chiếc 81 kim vàng giọt lệ mới keng xà beng nổ máy lên đường.

***

Bãi vàng là nơi chốn cho giang hồ dạng vai thịt bắp mồ hôi dầu.

Trói gà không chặt như Thanh thì ngay cái việc quay mâm đãi vàng còn không xong, nói chi chuyện lớn như đào hầm hoặc chui ta-luy? Và không gian loạn cuồng của bãi vàng không dành cho kẻ bình thường. Sự loạn cuồng ấy là kết tinh của đói nghèo, tham lam đến vô độ của những người rất nhiều tháng ngày bị bóng tối cuộc đời vây hãm. Loạn cuồng cũng hút người ta như nam châm vậy. Rất tự nhiên họ kết bè kết đảng để tạo cho mình một chỗ đứng trong bãi. Nói tới bè lũ thì xin đừng quên điều kiện ắt có và đủ là chuyện đánh hoặc phang cây vào nhau. Ở cái nơi mạnh được yếu thua luật rừng ngự trị.

Những điều ấy thì Thanh không có một điểm nào cả.

Nhưng ông trời luôn có đức hiếu sinh. Ai không sống được bằng tay chân thì bằng bộ não. Dân gian có câu "Nhỏ nhờ cha mẹ, lớn nhờ vợ, già nhờ con" dành cho những kẻ sống đời tầm gửi. Không phải vô cớ mà Chưởng đồng ý theo Thanh lên lam sơn chướng khí. Nghe giang hồ đồn rằng trong bốn tiêu chuẩn mà ca dao… cạo nói rằng "Không giàu thì phải đẹp trai. Không thông kinh sử thì phải dài cái long-den", Thanh được hai điểm sau.

Sau hai ngày tạm gọi là tham quan bãi, Thanh nói với tình nương:

- Ở đây mình có thể nên ông nên bà được em ơi.

- Về với ông bà sớm thì có. Em với anh mà xuống hầm thì khỏi về luôn.

- Xuống hầm không dành cho mình. Để anh nói em nghe…

Em biết không, anh đã xem kỹ chuyện làm ăn của tụi thu mua vàng dã chiến ở đây rồi. Bọn phu bãi bị tụi mua vàng ăn cắp mà không hề hay biết một tí ti ông cụ nào. Vàng ở bãi nầy là vàng cám và vàng nước. Muốn gom cục lại buộc phải sử dụng thủy ngân để rút. Sau đó dùng cóc và khò để cô lại. Lúc khò hơi gió và ngọn lửa đã làm bay một phần không nhỏ xuống đất. Lý do là vàng cám và vàng nước rất nhẹ, nó chỉ được thủy ngân làm đóng cục lại nên rất mỏng.

- Bay xuống đất thì sao? - Chưởng hỏi.

- Thì tụi mua vàng gom vô mâm để đãi lại. Hiểu không? Một ngày tụi nó mua chừng năm cây vàng sa khoáng thì kiếm cũng được một hai chỉ do ăn cắp của phu bãi chứ không ít.

Chưởng bắt đầu lắng tai nghe:

- Nhiều vậy sao?

- Chưa hết đâu. Sau khi đốt cháy hết thủy ngân, bước thứ hai là cô vàng thành cục, lại tiếp tục màn ăn cắp thứ hai.

Vàng sa khoáng sẽ được bỏ chung với hàn the để cô cho mau thành cục. Tác dụng của hàn the là làm tăng nhanh cường độ nóng. Khi vàng tan chảy họ sẽ giấu vàng của phu bên dưới đáy nồi rồi phủ hàn the lên trên. Phu bãi tuyệt đối không hề biết đến những thủ thuật ăn cắp này. Màn ăn cắp thứ ba là đổi vàng cô cục để lấy khâu cho phu bãi chia nhau.

- Ăn cắp sao nữa?

- Không có một cái khâu nào chín tuổi rưỡi khi đổi em ơi. Chín ba là ngon lành lắm rồi. Đại khái ăn cắp đã làm những thằng thu mua vàng giàu sụ. Em thấy ngon không?

- Ngon lành gì? Em thấy vậy thất đức lắm.

- Nghề chi mà không có lươn lẹo hả nàng? Em không nghe câu "thợ may ăn vải thợ hồ ăn xi măng" sao?

Bụng đàn bà dạ con nít là một. Hai là lòng tham của con người ta lớn hơn cái đức độ nhiều lắm. Thanh nói một hơi Chưởng nghe theo liền. Chỉ cần một năm là cái cửa hiệu sách báo cho thuê truyện của cô hóa tiệm vàng chắc nụi. Cha… chủ tiệm vàng? Chưa bao giờ Chưởng nghĩ đến nếu không có gã thợ bạc chưa ra nghề nầy.

- Bây giờ em về gặp thằng Phải con ông Ba Dỡ nói nó lên đây làm thợ cho mình. Trả nó một tháng năm chỉ vàng. Hiện nay nó đang làm cho Kim Sơn một tháng ba chỉ. Em nói nó mua cho mình một bộ đồ nghề từ khò cho đến bàn cán vàng ra khâu… em đừng lo. Tin anh một lần này đi.

- Sao anh không về?

- Anh phải làm quen với mấy thằng chúa bãi. Chỉ có tụi nó mới bảo kê cho mình tồn tại ở đây. Bọn nầy chỉ vài ba lít rượu dăm ba gói thuốc một ngày thì không ăn thua gì đâu em.

Con người khi đánh hơi ra lợi lộc thì tinh vi không thua chi sói. Ở bãi không mua lòng đàn anh bãi là bất trí. Với vẻ ngoài bệ vệ nhờ cái bụng, quen cái thói ăn rồi nói dóc và vung tay chung ăn nhậu, Thanh đã khiến một vài tay anh chị chuyên cướp cạn về với mình. Lúc cất cái chòi lợp bạt ni lông để làm chỗ thu mua vàng, nhìn bọn anh chị ra công giúp sức, phu bãi nể Thanh lắm lắm.

Ăn cắp mà vô hình vô ảnh, người bị cắp còn không hay thì kẻ cắp rất yên tâm. Chỉ ba ngày sau khi tiến hành vụ mua vàng, cô Chưởng phục anh chồng khôn ngoan không thể nào hơn được. Cái phòng kín bưng, nơi khò vàng sa khoáng đã làm cô sáng cả hai con mắt. Thanh dùng cuốc cào một lớp đất mỏng trên nền cho vào mâm rồi đãi trong một cái thau nhựa lớn. Tay lơ mơ mà cũng gom được cả chỉ. Sáng mắt sáng lòng Chưởng và mặt Thanh cũng ngời ngợi sức sống.

Tệ nạn của bãi đã làm nhức nhối công quyền. Họ vào và dẹp. Trước tiên yêu cầu tất cả ra khỏi bãi. Ai ngoan cố thì đừng trách. Vợ chồng Thanh Chưởng ra trước tiên. Họ đã đủ sau hai năm trên bãi.

Đủ để cửa hiệu sách báo cho thuê truyện hóa thành tiệm vàng Kim Chưởng.

***

Chuyện ăn cắp vàng chỉ dân trong nghề mới biết. Và, thậm chí phải mua bán trên bãi mới tinh thông chứ dưới phố thì đừng hòng. Dân tình nơi Kim Chưởng cư ngụ rất nhiều anh trai bán mạng trên bãi, nhưng chả ai biết vụ ăn cắp nầy. Chuyện vỡ từ thằng thợ tên Phải mà ra cả. Công thợ mỗi tháng năm chỉ vàng, mười hai tháng sáu chục chỉ nhân cho hai năm là Phải có quá trời vàng. Vậy mà một đợt sốt vàng da đã khiến lá gan của Phải tổn thương trầm trọng. Nó cướp sạch bách của cải làm ra. Phải na tấm thân ốm nhách và xanh như tàu lá đến nhờ Kim Chưởng niệm tình cứu khổ cứu nạn. Ừ thì niệm tình. Thanh móc hầu bao cho năm chỉ. Sau đó là thôi. Thôi chứ không lẽ nữa à? Mày với tao đã tiền trao cháo múc xong rồi, xin hoài sao tao chịu thấu?

Trước khi chết, Phải ngồi trong quán cà phê nói với ba quân rằng lý ra chuyện ăn cắp vàng qua cái khò, Thanh phải chia cho Phải mới đúng. Vậy là tè le hột me vụ ăn cắp. Phải chết đi để lại một vợ hai con nheo nhóc và hai ông bà già lụm cụm. Mấy thằng coi trời bằng vung loạn bình rằng:

- Thằng Phải chỉ tham gia ăn cắp mà còn bị trời phạt thì thằng Thanh con Chưởng ông ấy không tha đâu.

- Trời nào phạt cho hết bọn giàu có bất lương. Như thằng Thanh và con Chưởng đầy rẫy trên thế gian, ở đó mà nhãn tiền với quả báo hay thánh thần tiên phật. Họ đâu có rảnh để truy cứu tội tham lam. Tiền quyết định mọi sự.

- Mày đừng có mà tiền trên hết. Trời cao có mắt đa con.

Đùng một phát, ba quân phát hiện ra Chưởng có bầu. Trời đất ơi! Sau mười lăm năm gắn bó với năm ông chồng, giờ Chưởng lớn bụng. Mà thiên hạ cũng kỳ thiệt chứ. Người ta có chồng người ta có quyền lớn bụng sao cứ chăm bẵm vô chuyện người vậy kìa? Đúng là miệng thế gian không bịt được. Chưởng hạ sinh một hoàng nữ. Con chủ tiệm vàng thì hoàng nữ là đúng rồi. Con bé đẹp như tiên với làn da trắng như ngọc và môi đỏ như tương ớt. Được hai tuổi nó có em. Em trai.

- Giàu có và trai gái có đủ. Phải phúc phần lắm mới được vậy - Thiên hạ lại tiếp tục loạn bình.

Gã báng bổ cười khằng khặc:

- Mới ngày nào quý vị nói trời cao sẽ phạt nó mà sao nay lại phúc phần? Nó có tiền. Chưởng có con là thụ tinh nhân tạo đó mấy ba mấy má.

Và rồi mọi sự qua đi bởi thời gian vụt chạy.

***

Bảo rằng mỗi gia đình chỉ có hai con để nuôi dạy cho tốt thì không đúng một ly lai nào với chủ tiệm vàng Kim Chưởng. Hai đứa con của họ thể hiện đúng tinh thần con cầu con tự. Kim Hằng - con gái lớn Kim Chưởng - mới lớp mười đã bị đuổi học vì có tác phong đàn chị kiểu chợ búa. Nó và đồng bọn đánh bạn gây thương tích ngay trong lớp. Vợ chồng Thanh Chưởng lạy thiếu điều sói trán gia đình của nạn nhân vì anh của con nhỏ bị đòn mới tù về. Thằng tù lạnh như tiền hăm he rằng:

-Tự nhiên nhớ nhà giam lại rồi.

Bồi hoàn cơm thuốc và danh dự hết một mớ kha khá, gã tù mới chịu cho qua. Nhưng tiền bạc với Kim Chưởng là vặt, quan trọng là con Kim Hằng mười sáu tuổi rồi, phổng phao rồi. Nó học dốt nhưng thông minh không ai sánh được khoản ăn chơi. Đúng là bù trừ. Không nở bề ngang thì ắt tràn bề dọc. Thằng Tuấn em con Kim Hằng được mẹ canh giữ chặt khừ. Nó vào lớp thì Chưởng chạy xe chung quanh khuôn viên trường canh ông con trốn học. Đang học ông con xin giáo viên đi vệ sinh, sau đó trèo tường phi ra ngoài đi chơi. Mới lớp tám Tuấn sành điệu như dân chơi thứ thiệt. Chưởng nghe nói con trai quý hít cả đá đấm chứ thuốc lá là chuyện đã rồi.

Trời ơi! Sao vậy kìa? Ở tiểu học hai đứa nhỏ ngoan lắm mà? Thiên hạ lại tiếp tục bu vô cà phê cóc bàn chuyện nhà Kim Chưởng. Một người nhẩn nha tục ngữ:

- Của làm ra là của trong nhà. Của ông bà của ngoài sân. Của phù vân nó có chân nó chạy. Hậu quả ăn cắp vàng của phu bãi đã đến lúc phải trả rồi đó. Đã nói quả báo nhãn tiền ngay trong đời nầy kiếp nầy chứ đâu có lâu la chi.

- Mày hở tí là nhân với quả. Thời buổi nầy đâu riêng con nhà Kim Chưởng hư hao. Bọn trẻ tụ tập đá đấm xì ke xì cọc thiếu chi… Kẻ có tiền muôn đời là ông là cha, con Kim Chưởng có đệ tử vì chúng nhiều tiền. Trời đất nào rảnh rỗi mà nhúng mũi vô cái sự vụ đồi trụy của thế gian?

- Mày đừng có báng bổ… chống mắt mà xem…

Và rồi sự kiện diễn biến theo một hướng cực bất ngờ. Chả ai hiểu là do quả báo hay do thời quỷ lộng thần kinh. Nghe nói thằng Tuấn bị hình sự huyện bắt, thiên hạ ngỡ nó buôn bán chất gây nghiện. Mới lớp tám mà buôn bán chi? Với lại vụ nầy phải do ông bài trừ tệ nạn chủ trì mắc chi đến hình sự? Thiên hạ tiếp tục bu vào quán cóc để bàn. Chớ chuyện chi vậy kìa? May quá, sáng hôm đó có Ba Xéo - một cán bộ tư pháp thị trấn đã về hưu - ông ta cả cười:

- Con cái Kim Chưởng mưu mô thiệt.

- Mưu sao kể nghe chú Ba.

Con Kim Hằng cùng thằng bồ nằm trong khách sạn. Thằng khốn kiếp ngu đần bởi phê thuốc nghe lời bồ yêu gọi điện về cho Chưởng. Rằng thì là con bà đang trong tay bọn tôi. Muốn yên ổn thì - a lê hấp - phải chung chừng đó chừng kia vàng. Kỳ hạn cho bà trong vòng hai mươi bốn tiếng… nếu không tuân thì chớ có trách. Bà mà báo với công an thì hậu quả sao chắc bà biết.

Chưởng giấu chồng đích thân lái mẹc-xê-đì đến nơi hẹn. Bỏ của cải để chuộc người vào cái nơi bọn bắt cóc mong muốn rồi tới chỗ đó chỗ kia nhận người. Bọn bắt cóc trói Kim Hằng tuốt luốt trong lô cao su. Con nhỏ mặt mày xanh xao vàng vọt trông thương quá là thương. Bà mẹ đưa con về vừa khóc vừa tút lại nhan sắc để tiếp tục ngạo với nhân gian một nụ cười. Trong khi đó thằng Tuấn chạy đến lấy vàng thì bị hình sự huyện thộp ngay tại chỗ. Đồ con nít ranh chỉ biết tiền. Điều tra xét hỏi mới vỗ bàn một phát ông con đã khai tuốt luốt. Thằng bồ con Kim Hằng bị thộp ngay trong ngày. Nó khai do Kim Hằng xúi mà ra cả.

Người nghe chuyện hỏi:

- Con Chưởng báo công an hả chú Ba Xéo?

- Thằng Thanh báo.

- Nó cũng gan ghê. Lỡ bắt cóc thiệt là con Kim Hằng tiêu tùng.

- Đây là lần thứ hai tụi nó diễn vở kịch này mày ơi. Thằng Thanh đánh hơi ra mùi vị con cái hư hỏng, lừa cha mẹ như trong ba cái phim Hồng Kông Đài Loan chi đó. Thấy con vợ lái xe đi nó nghi có chuyện nên nhờ bạn bè bên công an theo dõi. Thiệt là hết thuốc chữa cho bầy trẻ. Nghèo hư chả nói giàu cũng quá xá hư hao luôn.

- Chớ vì sao vậy chú Ba?

- Mày hỏi tao tao biết hỏi ai.

Có gì đâu mà hỏi cho nhọc trí - gã báng bổ đất trời xen chuyện - con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Ông bà đã dạy thì chớ có sai. Khi đồng tiền thay mặt con người để làm công việc dạy dỗ thì sự hư hỏng tất yếu phát sinh. Tôi nói vậy mấy ông nghe được không?

Cả quán cà phê cóc gật gù. Thằng nầy nói nghe có lý. 

(TNO)