Tạo bước phát triển đột phá cho mỹ thuật Đà Nẵng

05.01.2025
Gia Huy
Làm gì để mỹ thuật Đà Nẵng phát triển và nâng cao vị thế của mình là trăn trở của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong xu thế nở rộ nhiều khuynh hướng nghệ thuật hiện nay.

Tạo bước phát triển đột phá cho mỹ thuật Đà Nẵng

Hội Mỹ thuật thành phố kết nạp các hội viên mới. Ảnh: GIA HUY

Tìm con đường riêng cho mình

Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng có 85 hội viên, trong đó có 37 hội viên Trung ương. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về chất lượng tác phẩm, trước đây mỹ thuật Đà Nẵng từng đoạt nhiều giải cao ở triển lãm mỹ thuật toàn quốc, thậm chí đoạt huy chương Vàng. Tuy nhiên, những năm gần đây, mỹ thuật Đà Nẵng gần như chững lại.

“Qua các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc mà tôi tham gia Hội đồng nghệ thuật, có thể thấy rằng các giải thưởng cao (A, B, C) phần lớn đều thuộc về các tác giả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vị thế lĩnh vực mỹ thuật của Đà Nẵng đang chịu sự lấn át của hai thành phố lớn này. Để cải thiện vị thế của mình trong tương quan chung với mỹ thuật cả nước, cần suy ngẫm để tìm ra hướng đột phá cho Mỹ thuật Đà Nẵng trong thời gian tới”, ông Đinh Gia Thắng nhấn mạnh.

Trong xu thế đổi mới nghệ thuật hiện nay, mỹ thuật đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Mảng mỹ thuật ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang nghiêng về xu hướng hiện đại xuất hiện trên thế giới từ năm 1860 - ngày nay được gọi là hậu hiện đại. Cùng với đó là  xu thế đương đại xuất hiện trên thế giới từ năm 1960 đến nay và mới xuất hiện ở Việt Nam từ vài năm cuối thế kỷ XX đến nay.

Trong khi đó, mảng mỹ thuật ở phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sự khác biệt. Bên cạnh xu hướng hiện đại, có nhiều tác phẩm vẫn theo phong cách hiện thực, cực thực và siêu thực nhưng vẫn tạo được những hiệu ứng đẹp và chuyển tải được các thông điệp tích cực đối với công chúng. Tuy nhiên ở mảng mỹ thuật của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi hiện tượng một số tác phẩm mang bóng dáng của những nghệ sĩ nổi tiếng như Henry Moore, Jackson Pollock... Và từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đến nay, các hình thức nghệ thuật hậu hiện đại khác như Nghệ thuật Trình diễn hay Nghệ thuật Thân thể, Video Art, Nghệ thuật Sắp đặt cũng đã xuất hiện ở một số cuộc triển lãm ở trong nước.

Trước xu thế nở rộ của nhiều khuynh hướng nghệ thuật đã tác động không nhỏ đến định hướng sáng tác của các họa sĩ và điêu khắc ở Đà Nẵng. Do đó, bên cạnh việc hiểu biết bản chất và sức ảnh hưởng đối với công chúng của các xu hướng nghệ thuật, mỗi tác giả cần tìm cho mình ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp với tư duy và cảm xúc của mình.

Theo họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, ngoài đổi mới về hình thức nghệ thuật thì hàm lượng nội dung, tư tưởng của tác phẩm là yếu tố quan trọng để tác phẩm có thể ghi dấu ấn của tác giả và trường tồn với thời gian. Việc kết hợp giữa ngôn ngữ hiện đại và ngôn ngữ truyền thống cần có sự chắt lọc và khớp nối một cách tinh tế như một dòng chảy tự nhiên, không bị lắp ghép và khiên cưỡng. Về kỹ năng xử lý chất liệu trong tác phẩm, mỗi tác giả cần tìm tòi và nâng cấp thêm qua việc thử sức mình ở các sân chơi khu vực và toàn quốc.

Tạo sân chơi để trao đổi kinh nghiệm

Ở loại hình tranh in khắc gỗ, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, tranh in khắc gỗ Đà Nẵng đã góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của mỹ thuật Đà Nẵng. Trong triển lãm toàn quốc và khu vực đều có sự tham gia của tranh khắc gỗ của các họa sĩ Đà Nẵng và được đánh giá cao như: Nguyễn Tường Vinh, Phan Thanh Hải, Trương Nguyễn Nguyên Kha, Đỗ Thanh, Nguyễn Tiến Việt...

Nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao như: “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đoạt giải A Triển lãm mỹ thuật khu vực V tại Quảng Ngãi do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức; “Tuổi thơ” của họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha đoạt giải C năm 2018; “Biển sớm” của họa sĩ Trần Thị Cúc đoạt giải Khuyến khích năm 2022; “Bình minh trên sông Hàn” của họa sĩ Đỗ Thanh đoạt giải Khuyến khích năm 2023 tại các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực V do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức...

Tuy nhiên, hiện nay tranh in khắc gỗ của Đà Nẵng vẫn chưa có một cuộc triển lãm nhóm hoặc cá nhân về chuyên đề riêng. Tác phẩm tranh in khắc gỗ chưa được các nhà sưu tập quan tâm để ý đến. Để tranh in khắc gỗ của Đà Nẵng phát triển mạnh, sánh kịp tranh in của các nước khu vực và thế giới, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha cho rằng: Hội Mỹ thuật thành phố cần phát động, tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề về tranh in khắc gỗ, chẳng hạn như: in khắc gỗ màu, đen trắng, in phá bản, kết hợp với những chất liệu khác…

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các họa sĩ đồ họa nói chung và các họa sĩ làm tranh in khắc gỗ nói riêng có những trại sáng tác trao đổi kinh nghiệm về các kỹ thuật chế bản, chất liệu, in ấn với các họa sĩ hai đầu đất nước.

(baodanang.vn)