Nỗi niềm đường tranh bích họa

10.04.2023
Tiểu Yến
Màu sắc rực rỡ, hình tượng phong phú của dòng tranh bích họa kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả hai đường tranh bích họa tại Đà Nẵng đều trong tình trạng vắng khách.

Nỗi niềm đường tranh bích họa

Giới trẻ check-in hẻm bích họa 75 Nguyễn Văn Linh thời điểm năm 2018. Ảnh: TIỂU YẾN

Thưa vắng khách

Sáng thứ Bảy, đường tranh bích họa phường Mân Thái (quận Sơn Trà) thưa vắng  khách. Những mảng màu nằm ở chân tường đã bắt đầu vỡ ra, bạc thếch. Dưới ánh nắng ngày hè, chị Đỗ Thị Ánh Tuyết (K4/4 Võ Nguyên Giáp) chốc chốc lại kéo chiếc bàn đặt mấy thẩu mắm lùi vào bóng mát cây bàng ngay ở lối vào. Chị nói, hồi mới khai trương đường tranh bích họa, chị bàn với chồng đặt bàn bán mắm cho du khách đến check-in. Vài ngày đầu, mỗi ngày bán được vài chục thẩu, lời gần 300.000 đồng, hai vợ chồng khấp khởi bàn nhau về lâu dài sẽ sắm thêm cái tủ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho bài bản. Nhưng chỉ được vài hôm, khách vắng dần. Đường tranh lại im lìm, như chưa từng có người khách nào ghé đến. Chị Tuyết từ chỗ ngày nào cũng kê bàn ra bán, nay chỉ bán thứ Bảy, Chủ nhật nhưng không mấy khách ghé mua. Giấc mơ dựa vào đường bích họa để kinh doanh, buôn bán dần khép lại.

Đường tranh bích họa phường Mân Thái có chiều dài gần 400m, mang chủ đề “Câu chuyện làng chài” nằm trong đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái” của UBND thành phố. Dựa trên những điều kiện sẵn có, thành phố định hướng quy hoạch phát triển khu vực phía tây tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp thuộc 2 phường Thọ Quang, Mân Thái thành khu phố bích họa, khu lưu trú homestay, du lịch tín ngưỡng dân gian, bán đặc sản làng nghề truyền thống…

Theo đề án này, những bức tranh bích họa sinh động, màu sắc, mô phỏng nét sinh hoạt đời thường của người dân làng chài được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch cho người dân địa phương. Thế nhưng, sau 8 tháng khai thác, một số tranh có biểu hiện bong tróc, bạc màu, chưa kể lượng khách đến tham quan, chụp hình rất thưa thớt.

Đường bích họa vắng khách khiến việc mở quán cà phê sân thượng phục vụ khách check-in của gia đình ông Lê Văn Trước (K4/16 Võ Nguyên Giáp) phá sản, mất đứt 170 triệu đồng đầu tư. Ông Trước kể, hồi địa phương mới khai thác đường bích họa, người dân sinh sống tại kiệt 4, kiệt 5 Võ Nguyên Giáp họp nhau bàn phương án khai thác hiệu quả. Ông xung phong mở quán cà phê, người hàng xóm đăng ký bán quà lưu niệm, hộ có nghề làm mắm xin phép địa phương đặt bàn bán mắm, nhưng được mấy hôm thì ai cũng dẹp vì sức mua không có. “Từ hồi khai thác đường bích họa, tôi chỉ thấy người địa phương ghé lại chụp ảnh, chứ không thấy khách đoàn, khách du lịch nào ghé qua”, ông Trước buồn bã nói.

Quán cà phê đóng cửa, nhưng chiều chiều ông Trước vẫn xách ghế ra ngồi trước cửa nhà ngắm tranh. Những bức bích họa đặc tả nhóm người kéo lưới rùng, chèo thuyền thúng, gỡ lưới, vượt sóng ra khơi, trẻ em vui đùa trên bãi biển hay đàn cá nục, cá chuồn bay... gợi trong ông nỗi nhớ một thời làng Mân Thái trên bến, dưới thuyền, bán buôn tấp nập. Đứng bên bức vẽ người đàn ông vác xâu lưới từ bến trở về, ông Trước kể hôm mấy họa sĩ đến vẽ tranh, biết ông là ngư dân cả đời bám biển, họ nhờ ông vác xâu lưới lấy bối cảnh và vẽ nên bức này. Nay, bức tranh ông Trước vác xâu lưới vẫn đầy cảm xúc, song vài chỗ đã bong tróc lớp sơn.

Đường bích họa Mân Thái khai thác kém hiệu quả không phải câu chuyện mới. Bởi lẽ, thực trạng này cũng diễn ra tại đường bích họa Yên Khê 1 (quận Thanh Khê) hay con hẻm bích họa dài hơn 1.500m tại H75 Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) vốn được đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng nói, mỗi khi ngang qua hẻm 75 Nguyễn Văn Linh, anh đều nén tiếng thở dài. Theo anh, đây từng là dự án mỹ thuật cộng đồng tầm cỡ, có kế hoạch khai thác rõ ràng, được người dân đón nhận, chính quyền quan tâm, bản thân cũng dành rất nhiều tâm huyết cho dự án. Thế nhưng, khi đưa vào khai thác mới thấy rõ những điều bất cập, như tuyến hẻm ngoằn ngoèo, chật chội, dễ gây cảnh giác bức bí, người dân không thể kết hợp kinh doanh, buôn bán để thoát nghèo bền vững - như mục tiêu ban đầu dự án này hướng tới. Có chăng, hiệu quả rõ nhất là những tuyến kiệt, hẻm đẹp hơn, người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, không xả rác, không để vật dụng sinh hoạt lấn chiếm.

Tránh lãng phí tiềm năng du lịch

Có thể nói, tranh bích họa là công trình nghệ thuật được khắc họa một cách cô đọng, thông qua đường nét, màu sắc, bố cục, mảng khối và ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra, nó giống một bảo tàng văn hóa, mỹ thuật ngoài trời, chứa đựng giá trị thẩm mỹ, giáo dục truyền thống, lịch sử khi mô phỏng lại lối sống văn hóa của cộng đồng dân cư... Chính vì vậy, việc tạo ra điểm nhấn đô thị bằng những công trình nghệ thuật công cộng, có quy mô phù hợp sẽ góp phần tạo nên một Đà Nẵng khác biệt so với những đô thị khác.

Chúng tôi cảm nhận sự tiếc nuối của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha khi anh đề cập đến vấn đề làm thế nào khai thác hiệu quả đường tranh bích họa. Theo họa sĩ, tranh bích họa không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà phần nào phản ánh văn hóa, đời sống, lịch sử vùng miền. Do đó, Đà Nẵng cần có những kế hoạch dài hơi, như hoạch định chính sách hỗ trợ, khuyến khích chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ cùng tham gia. Chưa kể, để đường bích họa thu hút hơn, ngoài vẽ tranh tường, cần có bàn tay kiến trúc sư thiết kế lại khu phố nhằm tạo nên sự hài hòa về màu sắc, bố cục, kiến trúc đô thị. Cũng như, cần thay đổi tư duy làm du lịch cộng đồng, tạo cú huých cho loại hình mỹ thuật đường phố, trong đó có dòng tranh bích họa tồn tại và phát triển.

Trên thực tế, các dự án đường tranh bích họa tại Đà Nẵng đều diễn ra ở không gian nhỏ hẹp, ít người nhìn thấy. Nhược điểm này được các công ty lữ hành, du lịch Đà Nẵng chỉ ra trong quá trình khai thác tour đưa khách đến hẻm bích họa 75 Nguyễn Văn Linh. Trong thời gian thực hiện dự án đường tranh bích họa phường Mân Thái, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cũng chỉ ra những hạn chế của tuyến kiệt này, như lối tiếp cận khu vực bị khuất tầm nhìn, hạ tầng lộn xộn, xuống cấp, cộng thêm một số nơi vệ sinh môi trường chưa tốt. Chưa kể, nguyên tắc của loại hình mỹ thuật cộng đồng là phải duy tu, làm mới thường xuyên nhưng cả hai đường bích họa ở Đà Nẵng mới tập trung kinh phí đầu tư ban đầu, chưa có người “cầm chịch” duy trì, phát triển và khai thác hiệu quả, gây lãng phí tiềm năng du lịch địa phương.

Ngoài những yếu tố khách quan, làm thế nào khai thác hiệu quả đường tranh bích họa cũng khiến lãnh đạo địa phương và những người làm công tác văn hóa, du lịch trăn trở. Nhằm tránh tình trạng đường tranh “chết yểu”, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu, xây dựng nội dung đăng ký đường tranh bích họa phường Mân Thái thành điểm đến du lịch trên địa bàn, đồng thời yêu cầu đơn vị nghiên cứu tập gấp giới thiệu đường tranh gửi ở sân bay, khách sạn trên địa bàn. Cùng với đó, lãnh đạo quận yêu cầu phường Mân Thái tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và xác định đường tranh bích họa là điểm đến du lịch tại địa phương để có cách ứng xử phù hợp với du khách ghé lại.

Ở khía cạnh khác, để đường tranh bích họa mang lại giá trị kinh tế, du lịch cho địa phương, vai trò của người dân sinh sống tại đường tranh rất quan trọng, tuy nhiên, họ không đủ kiến thức và tiềm lực tài chính duy trì đường tranh sau khi dự án kết thúc. Nhất là ở những nơi có diện tích nhỏ, dịch vụ trải nghiệm chưa có.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố khẳng định, không gian văn hóa công cộng trước hết là một không gian mở, một không gian ngoài trời mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng và miễn phí. Người làm du lịch phải dựa vào những yếu tố này khi xây dựng các dự án du lịch cộng đồng. Bởi xưa nay, không gian văn hóa công cộng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tạo nên khả năng tương tác giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Khi đã tạo ra nhiều không gian văn hóa công cộng, gắn với lợi ích cá nhân, doanh nghiệp với cộng đồng, thì không gian đó sẽ trở thành tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương.

Hầu hết các dự án du lịch cộng đồng khi hoàn thiện đều giao lại cho chính quyền địa phương và người dân quản lý. Điều này vô hình trung tạo thế khó cho địa phương lẫn người dân bởi họ không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng hay tổ chức tập huấn, nâng cao khả năng khai thác hiệu quả. Đó cũng là lý do khiến những đường tranh bích họa bị thả nổi chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, vận hành.

(baodanang.vn)