Nhân kỷ niệm 140 năm mất Tổng đốc Hoàng Diệu: HOÀNG DIỆU - NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI XỨ QUẢNG

06.04.2022
Bùi Văn Tiếng*
Cách đây đúng 140 năm, vào ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ - nhằm ngày 25 tháng 4 năm 1882, thành Hà Nội thất thủ lại trước hỏa lực áp đảo của quân xâm lược Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu đã dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử để không rơi vào tay đối phương.

Nhân kỷ niệm 140 năm mất Tổng đốc Hoàng Diệu: HOÀNG DIỆU - NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI XỨ QUẢNG

Tổng đốc Hoàng Diệu

 Theo tác giả Hà thành Chính khí ca gồm 140 câu lục bát sáng tác ngay sau sự kiện này, lúc ấy là khoảng sau 7 giờ sáng: Vừa năm Nhâm Ngọ tháng ba/ Sáng mai mồng tám bước qua giờ thìn, song nhiều tài liệu cho rằng Hoàng Diệu ra đi buổi trưa, đúng vào giờ Ngọ. Trước khi quyết định tuẫn tiết, người giữ thành Hà Nội năm Nhâm Ngọ 1882 đã cắn ngón tay mình lấy máu viết di biểu gửi vua Tự Đức, trong đó có đoạn nhắc tới Nguyễn Tri Phương - người giữ thành Đà Nẵng năm Mậu Ngọ 1858 và cũng là người giữ thành Hà Nội năm Quý Dậu 1873: “Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thể bắt buộc. Ðất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc hà; lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất” (Hoàng Xuân Hãn dịch)[1].

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 31 có chép lời dụ của vua Tự Đức: “Vừa rồi Hà thành có việc, Hoàng Diệu thề quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng, các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước, thế mà hết lòng trung chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Trẫm rất thương tiếc, sai quan tỉnh Quảng Nam ban tế một tuần để yên ủi hồn trung một chút và cấp tiền 1.000 quan để nuôi mẹ viên ấy và chi việc đám ma”[2]. Xin nói thêm trong bài thơ Lịch sử nước ta sáng tác đầu năm 1942, Hồ Chí Minh từng đánh giá cao Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương: Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương/ Cùng thành còn mất làm gương để đời. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có ba người Quảng được hậu thế vinh danh qua việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp tỉnh: Thái Phiên ở thành phố Đà Nẵng, Trần Cao Vân ở tỉnh Quảng Nam và Hoàng Diệu ở thành phố Hà Nội.

Đương giữ chức Tham tri Bộ Lại ở kinh thành Huế, vào đầu năm Canh Thìn 1880, Hoàng Diệu được giao trọng trách Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình[3]). Đây là lần thứ hai Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ làm người đứng đầu hai tỉnh, lần thứ nhất là vào năm Mậu Dần 1878, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Khâm sai đại thần ở quê nhà Quảng Nam, Hoàng Diệu được thăng chức Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), nhưng do Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Chính xin được tiếp tục lưu nhiệm nên Hoàng Diệu phải chờ đến lần này. Trước khi lên đường ra Hà Nội nhận sứ mệnh mới, Hoàng Diệu trở vào Quảng Nam từ biệt gia đình và cũng có thể nói đây là lần cuối cùng người Quảng xa quê Hoàng Diệu về thăm quê hương bản quán. Trong những ngày ở làng quê Xuân Đài, Hoàng Diệu đã dành một buổi sáng để đi bộ sang làng Đông Bàn ngồi luận bàn thế sự với cựu Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương và Quảng Yên) Phạm Phú Thứ đang hưu trí tại quê nhà. Giữa Phạm Phú Thứ và Hoàng Diệu vốn có mối thâm tình - ngoài quan hệ đồng liêu, hai người còn có quan hệ đồng hương Gò Nổi và nhất là quan hệ thông gia, bởi Phạm Phú Thứ đã gả con gái là Phạm Thị Xuân Nga làm vợ Hoàng Tuấn - con trai đầu của Hoàng Diệu. Khi Phạm Phú Thứ tiễn Hoàng Diệu ra đầu ngõ, hai người chắp tay bái biệt nhau và chắc không ai nghĩ đấy lại là chào vĩnh biệt!

Ngày nay trên tường thành cửa ô Quan Chưởng ở đầu phố Hàng Chiếu thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm Hà Nội vẫn còn một tấm bia khắc toàn văn Thân cấm khử tệ [4]/ Cấm tệ sách nhiễu dân gồm 720 chữ Hán do Tổng đốc Hoàng Diệu đích thân biên soạn và cùng với Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng ban bố ngày 16 tháng 5 năm 1881 - nhằm ngày 12 tháng 4 năm Tân Tỵ. Trong mắt người Hà Nội, Hoàng Diệu không chỉ là biểu tượng của lòng tận trung với nước tận hiếu với dân mà còn là tấm gương ngời sáng của một vị quan đầu tỉnh từng kiên quyết nói “không” với tệ nạn sách nhiễu nhân dân kiểu xã hội đen. Thân cấm khử tệ nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cấp sở tại trong việc tổ chức thực hiện lệnh cấm này, đặc biệt không được dung túng để xảy ra tình trạng bảo kê của thuộc cấp đối với tệ nạn sách nhiễu gây bất an trong nhân dân: “Từ nay về sau tất cả cứ chiếu theo như thế mà làm, không được sách nhiễu như đã có lệnh nghiêm cấm. Nếu ở nơi nào vẫn còn tình cảnh tệ hại như vậy, phát giác ra thì phải trừ bỏ kẻ phạm tội ấy cũng như trị nặng người trong làng, tổng. Ngoài ra, nếu như huyện, nha cũng khó nói cái tệ hại liên quan tới việc vì dân bỏ điều xấu, cẩn thận chớ cản trở viết giấy hay sơ xuất gác lại. Như thế có thể lại truyền sức cho chức cai quản và thân sĩ biết, giải quyết hết sức cho nghiêm theo lời sức”[5]. Hoàng Diệu cũng hết sức coi trọng việc tuyên truyền quảng bá Thân cấm khử tệ khi yêu cầu Tri huyện Thọ Xương và Tri huyện Vĩnh Thuận phải phổ biến rộng rãi lệnh cấm này bằng cách khắc Thân cấm khử tệ trên một tấm bia đá dựng trước nha môn[6] cho toàn dân biết để thi hành, đồng thời sao lục thành nhiều văn bản giao cho thân hào nhân sĩ để góp phần giám sát ở từng địa phương.

Ba năm sau ngày hy sinh vì đại cuộc, Hoàng Diệu đã được gia đình cải táng, đưa về yên nghỉ ở cánh đồng làng Xuân Đài. Cho đến tận những năm bảy mươi của thế kỷ trước, mộ Hoàng Diệu vẫn còn rất đơn sơ như ghi nhận của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút ký Đứa con của phù sa viết năm 1984: “Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng Xuân Đài. Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trên triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư nên trong chiến tranh thoát khỏi bị xe Mỹ càn ủi. Người sinh ra ở Gò Nổi để chết dưới chân thành Hà Nội, xương thịt trở về với đất làng mà chính khí vang động sử sách, trời cao bể rộng đất dày - núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”. Bây giờ mộ Hoàng Diệu đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia và Nhà Tưởng niệm Hoàng Diệu cũng được xây dựng vào năm 2013, ở đó có bức tượng Hoàng Diệu bằng đồng được thiết kế giống bức tượng Hoàng Diệu thờ ở cửa Bắc thành Hà Nội và chuyển về Xuân Đài giữa tháng 4 năm 2014…

Tự hào về Hoàng Diệu, nhiều năm nay người Quảng đã vinh danh người giữ thành Hà Nội bằng nhiều cách. Trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tổ chức tại Quảng Nam, vở diễn Hoàng Diệu của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã giành được Huy chương Bạc, Đạo diễn Đặng Bá Tài được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất, người thủ vai Hoàng Diệu là Nghệ sĩ Phan Văn Quang được trao Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 3 (2010-2014). Về phim tài liệu truyền hình, phim Người giữ thành Hà Nội của Đạo diễn Huỳnh Hùng công chiếu năm 2009 khắc họa sinh động phẩm chất liêm chính của Hoàng Diệu cũng đã giành được nhiều giải thưởng lớn, chẳng hạn như Giải A Giải Báo chí toàn quốc (2009-2010) về 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 (2005-2009), Giải Đặc biệt giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ 4 (2009-2010). Trong lĩnh vực âm nhạc, ca khúc Hoàng Diệu ngời sáng quê hương của Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải từng đoạt Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ 3 (2014-2018)…

Nhiều trường học ở đất Quảng cũng được mang tên Hoàng Diệu tiêu biểu như Trường Trung học cơ sở Hoàng Diệu ở phường Tam Thuận quận Thanh Khê thành phố Đà Nẵng (tiền thân là Trường Cấp 1-2 Hoàng Diệu năm 1976); hay như Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu ở xã Điện Thọ thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam (tiền thân là Trường Phổ thông trung học Vừa học vừa làm Hoàng Diệu năm 1983, Trường Phổ thông trung học Hoàng Diệu năm 1987, Trường Phổ thông Cấp 2-3 Hoàng Diệu năm 1989)… Nhiều đường phố ở đất Quảng cũng được đặt tên Hoàng Diệu tiêu biểu như đường Hoàng Diệu ở thành phố Tam Kỳ, đường Hoàng Diệu ở thành phố Hội An, đường Hoàng Diệu ở thị xã Điện Bàn… nhưng có lẽ sớm nhất là đường Hoàng Diệu ở thành phố Đà Nẵng được đặt từ năm 1955. Về quân sự, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào tháng 8 năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cũng mở chiến dịch Thu Đông lấy tên là Chiến dịch Hoàng Diệu do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Nguyễn Quyết làm Chính ủy Chiến dịch, với vai trò nòng cốt của Trung đoàn chủ lực 108 - và điều đáng nói là trận đánh mở màn Chiến dịch vào ngày mồng 5 tháng 8 năm 1950 đã giành thắng lợi ngay tại làng Xuân Đài quê Hoàng Diệu. 

*

Ngày mồng 5 tháng 4 năm 2022, thị xã Điện Bàn long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu (1882-2022) tại làng Xuân Đài xã Điện Quang. Bài viết này như một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ Hoàng Diệu - người Quảng Nam xa quê đã hy sinh đầy bi tráng trong cuộc quyết tử giữ thành Hà Nội vào năm Nhâm Ngọ 1882 và đã trở thành niềm tự hào của mọi người dân xứ Quảng./.

B.V.T

[*] Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

[1] Hoàng Xuân Hãn, Hà thành thất thủ, Nxb. Sông Nhị, Hà Nội, 1950, dẫn lại theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, quyển I, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1984, tr. 264-266.

[2] Dẫn theo Thơm Quang, Tổng đốc Hoàng Diệu qua Mộc bản triều Nguyễn, Báo Quảng Nam điện tủ, ngày 11 tháng 9 năm 2019.

[3] Về địa danh ghép này, Nguyễn Văn Tố chú thich là Hà Nội và Ninh Bình, còn Hoàng Xuân Hãn lại chú thích là Hà Nội và Bắc Ninh, cũng có tài liệu chú thích là Hà Nội và Ninh Hải - tức Hải Phòng. Người viết bài này thiên về cách chú thích của Nguyễn Văn Tố để khẳng định Hà Ninh là tỉnh Hà Nội và tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Hà Nội đương thời bao gồm cả phủ Lý Nhân giáp giới với tỉnh Ninh Bình (phủ Lý Nhân trước thuộc trấn Sơn Nam, được sáp nhập khi lập tỉnh Hà Nội năm 1831, đến năm 1890 trở thành tỉnh Hà Nam). 

[4] Báo Hà Nội Mới điện tử ngày 20 tháng 5 năm 2010 in nhầm là Thân cấm khu tệ (khử là trừ bỏ, khu không có nghĩa này).

[5] Dẫn theo Đức Vịnh, Bia Cấm tệ sách nhiễu dân (Thân cấm khử tệ), Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngày 11 tháng 7 năm 2013.

[6] Trong đó có một tấm bia đang được lưu giữ trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.