Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa

29.11.2021
Xuân Dũng
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa thời kỳ mới. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến của nhà quản lý, người làm công tác văn hóa trên địa bàn thành phố về mục tiêu này.

Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa

* Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đoàn Ngọc Hùng Anh: Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những người làm văn hóa.


Phát huy kết quả của hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ tập trung tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng và ngang hàng với tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, muốn phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn, có khả năng quy tụ, vận động nhân dân.

Tại Đà Nẵng, công tác cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nói riêng luôn được thành phố quan tâm. Thành phố có kế hoạch rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở các cấp để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp tình hình của từng địa phương, đơn vị. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm hỗ trợ đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.

Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố được quan tâm thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác thực hiện Quy định số 284-QĐ/TW ngày 5-10-2010 của Ban Bí thư về “tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật”. Từ đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về phẩm chất chính trị, cơ cấu độ tuổi, tiêu chuẩn về chuyên môn, năng lực công tác theo vị trí việc làm.

Để phát triển văn hóa thời gian tới, cần coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội chuyên ngành trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.  Hoàn thiện và triển khai các đề án, kế hoạch về phát triển văn hóa của thành phố trong từng giai đoạn cụ thể tiếp theo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế của thành phố, thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm thu hút đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tập trung xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa.

* Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Nguyễn Nho Khiêm: Sẽ có chuyển biển tích cực về văn hóa, văn học nghệ thuật

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ có vai trò then chốt trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung. Đây là lời động viên rất lớn đối với lực lượng văn nghệ sĩ. Tôi cho rằng, trí thức văn nghệ sĩ là đội ngũ tiên phong trên lĩnh vực văn hóa. Nếu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ chính là người tìm tòi, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Trong văn hóa có văn học, nghệ thuật, đây là lĩnh vực sáng tạo những tác phẩm dựa trên thực tiễn đời sống vật chất và tinh thần của con người. Tác phẩm văn học và nghệ thuật như những lớp phù sa bồi đắp cho văn hóa tốt tươi.

Để cho mỗi người dân Việt Nam được đi trong ánh sáng văn hóa soi đường thì nhất thiết xã hội cần quan tâm đội ngũ những người làm công tác văn hóa nói chung và đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng. Hiện nay, những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp thiếu hụt trầm trọng. Chúng ta chưa thật sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác quản lý văn hóa.

Tại Đà Nẵng, lực lượng văn nghệ sĩ khá đông nhưng sức sáng tạo chưa cao vì tác phẩm sáng tạo ra khó nuôi sống bản thân và gia đình. Do vậy, năng lực, tâm huyết sáng tạo văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Vừa qua, thành phố có một số chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tạo như chính sách đặt hàng cho văn nghệ sĩ sáng tác, trao giải thưởng cho các tác phẩm có giá trị cao, hỗ trợ in ấn, giới thiệu tác phẩm... bước đầu giúp cho văn nghệ sĩ tập trung sáng tạo nhiều tác phẩm hay, được công chúng đón nhận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Đây cũng là trăn trở của Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, làm sao văn nghệ sĩ có tác phẩm lớn, mang giá trị nghệ thuật cao hơn, tác phẩm được phổ biến rộng hơn và quan trọng nhất là được công chúng đón nhận. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến nuôi dưỡng lực lượng văn nghệ sĩ trẻ. Đáng mừng là lực lượng văn nghệ sĩ trẻ tại Đà Nẵng hiện nay phát triển khá vững vàng, nhiều tác phẩm có chất lượng và ý tưởng sáng tạo độc đáo. Tôi tin tưởng thành phố trong những năm đến sẽ có nhiều chuyển biển tích cực về văn hóa, văn học nghệ thuật...

* Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng Nguyễn Thành: Đọc sách góp phần làm nên sự phong phú về tâm hồn


Phát biểu tại hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. “Sự phong phú về tâm hồn” chính là một trong những biểu hiện sâu sắc của một con người có văn hóa; đồng thời, tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng nền văn hóa của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Có nhiều cách để nuôi dưỡng và làm phong phú tâm hồn của một con người, từ tự thân đến tác động của môi trường xã hội. Trong đó, đọc sách là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Đọc sách với sự chọn lọc và tích lũy tri thức nhân loại, không những làm đầy thêm kiến thức mà còn giàu thêm về tình cảm; làm cho con người suy nghĩ và hành động tích cực theo hướng chân - thiện - mỹ; từ đó góp phần xây dựng nên những giá trị cốt lõi, bền vững của văn hóa.

Trên tinh thần đó, góp sức thực hiện chủ trương chấn hưng văn hóa, với trách nhiệm của một đơn vị hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, Nhà xuất bản Đà Nẵng tiếp tục đầu tư về nhân lực, vật lực,; sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm… để có những cuốn sách bảo đảm chất lượng, có giá trị về tri thức và tình cảm để cung cấp đến người đọc. Cùng với đó, Nhà xuất bản Đà Nẵng đóng góp tích cực trong các hoạt động quảng bá, nâng cao chất lượng hoạt động đọc sách trong cộng đồng, trước tiên là từ trong nhà trường.

Những chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như pháp quy để thực hiện. Tôi mong sau hội nghị này, theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”, các chủ trương, chính sách đó phải đi vào hiện thực; có sự đầu tư lâu dài, bài bản và hiệu quả cho văn hóa… để người dân thực sự hạnh phúc khi được sống trong môi trường văn hóa.

* Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng Đinh Thị Hựu: Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ

Tại hội nghị Văn hóa lần thứ nhất (24-11-1946), Bác Hồ nêu rõ chân lý: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Sau 75 năm xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội”. Sự đánh giá này thật làm nức lòng nhân dân, nhất là những người làm công tác văn hóa.

Tại hội nghị Văn hóa vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc quý báu, kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Đây là nhận thức đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển thời đại mới. Tôi rất phấn khởi vì hội nghị đề cao những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tin rằng sau hội nghị này, văn hoá nói chung và văn nghệ dân gian nói riêng sẽ khởi sắc nhờ những chính sách đãi ngộ và đầu tư thích đáng. Bởi khi có những chính sách, cơ chế phù hợp lòng người, chúng ta sẽ khơi dậy triệt để nhất động lực văn hóa của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, theo tôi, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là hỗ trợ thêm về đời sống cho văn nghệ sĩ nói chung và nghệ nhân dân gian nói riêng. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy họ cống hiến nhiều hơn trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép, đưa thêm các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian vào học đường để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống quý báu mà cha ông để lại.

Với vai trò của mình, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian địa phương. Đặc biệt, chú trọng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc ít người ở miền núi Đà Nẵng - Quảng Nam. Bên cạnh đó, hội sẽ quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu văn hóa và phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến bạn bè trong nước và thế giới.

(baodanang.vn)