Kết nối dòng chảy văn hóa truyền thống với hiện tại

13.12.2022
Đoàn Hạo Lương
Hán Nôm có tầm quan trọng nhất định trong xã hội ngày nay, bởi đây là ngành giúp chúng ta giải đọc các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại, giúp thế hệ hôm nay và tương lai hiểu thêm về lịch sử và văn hóa nước nhà. Cũng nhờ Hán Nôm mà trong thời gian qua, các chuyên gia đã đưa ma nhai Ngũ Hành Sơn đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Kết nối dòng chảy văn hóa truyền thống với hiện tại

Bia ma nhai ở động Huyền Không, danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Đ.H.L

Bén duyên với dịch thuật ma nhai

Khi còn là sinh viên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Huế, trong một lần đi thực tế tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, chị Đinh Thị Toan (công tác tại Nhà trưng bày Hoàng Sa) bị hấp dẫn bởi những văn bia khắc chữ trực tiếp trên đá núi (hay còn gọi là ma nhai). Từ đó, chị tiếp cận với ma nhai để tìm hiểu sâu hơn văn hóa Phật giáo. Sau khi có kiến thức nhất định, chị bắt đầu phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng tham gia vào quá trình dịch thuật làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chị Đinh Thị Toan chia sẻ: “Công việc in rập thác bản và dịch một số văn bia đòi hỏi sự khéo léo và hiểu biết các quy trình thực hiện. Chẳng hạn như: nếu để giấy gió quá ướt thì sẽ mất nhiều thời gian chờ cho giấy khô trong khi các văn bia ma nhai tại Ngũ Hành Sơn đều nằm trong môi trường ẩm ướt lâu dài, bề mặt không nhẵn nhụi, nét chữ không thẳng, thậm chí bị mờ và mất nhiều chữ nên rất khó để in rập. Vì vậy, muốn làm tốt công việc này đòi hỏi người in rập phải cẩn thận nếu không sẽ bị mất nét chữ. Đặc biệt, đối với chữ Hán Nôm, chỉ cần mất một nét thôi thì nghĩa chữ cũng đã khác đi rồi”.

Dù chuyên thông là vậy nhưng trước đó, chị Toan phải trải qua quá trình mày mò nghiên cứu, dịch thuật các văn bia, hoành phi, liễn đối, các di vật của Phật Giáo, chuông đồng… ở các chùa Tam Thai, Linh Ứng, Tứ Tâm sau nhiều lần đi đi về về lên danh thắng Ngũ Hành Sơn. Qua đó, chị phát hiện ra nhiều văn bia về Phật giáo như bia Phổ Đà Sơn, Linh Trung Phật... có nhiều điều rất bổ ích và thú vị. Chị Toan cho biết, đa số bia ma nhai ở đây là của các tao nhân mặc khách để lại khi vãn cảnh từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Do đó, đối với người trẻ, ít khi dịch các dạng thơ như thế này sẽ khó cảm nhận vì ở hai thời đại khác nhau; bên cạnh đó, người dịch đòi hỏi phải có trình độ hiểu cổ ngữ nhất định. Cụ thể như văn bia "Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc" là bia cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn và được xem là bia Phật giáo sớm nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có hơn phân nửa thuật ngữ là của Phật giáo, nên khi dịch phải tham khảo thêm các bản dịch của những người đi trước.

Trong quá trình tiến hành thẩm định hồ sơ không thể không nhắc đến Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng). Ông từng sưu tầm văn bia ma nhai phục vụ cho việc nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ và đã công bố một số bài viết, hình ảnh về ma nhai tại Ngũ Hành Sơn từ năm 2010.

“Bia ma nhai có các mảng nội dung chính. Về Phật giáo, nó có ý nghĩa, giá trị tư liệu đánh dấu quá trình phát triển Phật giáo ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung; về chủ đề văn học, thơ đề bình Ngũ Hành Sơn cũng rất độc đáo, nhất là những bia ma nhai đề biển, tên do chính vua Minh Mạng đặt, trong đó nhiều biển là thủ bút. Các tác phẩm ở đây có 3 loại chữ gồm chữ Hán, chữ Nôm và chữ Hán Nôm mô tả danh thắng Ngũ Hành Sơn, tư tưởng thiền môn Phật giáo và những tư tưởng mang hơi hướng nho gia trung quân ái quốc. “Chữ khắc trên bia ma nhai không rõ nét do khắc không sâu và trải qua thời gian dài bị phong hóa, bào mòn. Thậm chí, nhiều văn bản không đề cụ thể niên đại nên việc xác định chính xác năm ra đời là rất khó. Chẳng hạn như bia Ngũ Uẩn Sơn lâu nay bị nhầm lẫn giữa năm Tân Vị và Tân Tỵ cho đến năm 2012, tôi là người đầu tiên xác định lại niên đại tấm bia này là vào năm 1631”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân giải thích.

Cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai

Hiện nay, các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa đào tạo ngành Hán Nôm. Tuy nhiên, trong khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có bộ môn Hán Nôm giảng dạy cho các sinh viên các ngành Ngữ văn, Văn học, Văn hóa học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, sinh viên các ngành này được học 75 - 90 tiết nên kiến thức chỉ dừng lại ở khái niệm cơ bản về chữ Hán, chữ Nôm. Thông qua kiến thức cơ bản này cùng với công cụ tìm kiếm thì các em mới có thể đọc và nghiên cứu các văn bản Hán Nôm như ma nhai”.

Chia sẻ về điều này, Nguyễn Thanh Nhật, sinh viên năm 2 ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm cho biết, trong môn Ngữ văn có học phần Hán văn nên sinh viên được tiếp cận chữ Hán khá bài bản. Thời gian đến, mong rằng nhà trường tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận những văn bản Hán Nôm thực tế như hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Qua đó, sinh viên không chỉ tiếp cận những văn bản giúp tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử mà còn nhận thức được giá trị của văn bản cổ và nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc.

Là một người yêu thích học Hán Nôm từ nhỏ, anh Trần Đức Sơn (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết: “Việc hiểu nghĩa từ chữ Hán giúp tôi học giỏi môn Văn. Chữ Hán, hay từ Hán Việt là bộ phận cấu thành quan trọng trong tiếng Việt. Người Việt muốn nói tiếng Việt đúng, chính xác thì cần biết rõ nghĩa từ mình nói, đa phần từ tiếng Việt được giải nghĩa qua chữ Hán. Do tiếng Việt đồng âm dị nghĩa nhiều, bởi đã pha trộn với chữ nghĩa từ Hán văn mấy ngàn năm qua nên cần phải nắm rõ chữ Hán Nôm để hiểu đúng từ tiếng Việt hơn”.

Để tiếp nối quá khứ và hiện tại, ngoài việc học Hán Nôm ở trường, các cơ sở giáo dục đào tạo cần khuyến khích hoặc đứng ra tổ chức cho sinh viên đi thực địa nhiều hơn để có cơ hội tiếp cận những loại hình bia và các tác phẩm thơ ít được đề cập đến trong sách vở. Đây cũng là cách giúp sinh viên làm quen với thực tế thay vì chỉ tiếp cận những tài liệu hàn lâm chuẩn chỉnh trong giáo trình, sách vở. “Hiện nay, một số ngành như Văn hóa học, Việt Nam học, Địa lý du lịch ở Trường Đại học Sư phạm đều bắt buộc sinh viên đi thực địa ở danh thắng Ngũ Hành Sơn để các em cảm nhận trực quan về một loại văn bản đặc biệt tồn tại nhiều năm trên đá và vách núi; đồng thời cho các em cảm nhận sự trường tồn của văn bản và hình thức văn bản đó, chẳng hạn như thư pháp, trang trí”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân nhấn mạnh.

"Văn hóa của dân tộc mình là một dòng chảy. Muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam cận đại thì phải biết tiếng Hán bởi tiếng Việt có tới 70-80% từ Hán Việt. Việc đọc và hiểu Hán Nôm sẽ giúp sử dụng tiếng Việt chuẩn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta còn đọc được tất cả các tài liệu cổ, đi đến đâu cũng biết được lịch sử của nó thông qua các văn bản Hán Nôm ở chùa chiền, miếu mạo. Hơn nữa, việc nghiên cứu trực tiếp văn bản thực địa cũng tốt hơn văn bản giấy nhờ tiếp thu tinh thần của văn hóa và hiểu chính xác văn bản. Tuy nhiên, muốn học Hán Nôm cần phải có thời gian nên mong những người lớn tuổi sau khi nghỉ hưu dành thì giờ rảnh để học, từ đó truyền thụ kinh nghiệm hiểu biết của mình cho lớp trẻ”.

Ông Huỳnh Phương Bá, Chủ tịch danh dự Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng

(baodanang.vn)