Lan man cùng Tết Quảng

07.02.2022
Lê Minh Quốc
Đôi khi nhìn những tấm hình đã chụp ngày xửa ngày xưa, lạ ghê, ta lại có cảm giác như dòng thời gian đó đang hiện hữu cùng năm tháng đang sống. Hình ảnh ấy, ta đã gặp, đã thấy và đã là “nhân chứng”, thế nhưng, nó lại đã thuộc về quá khứ.

Lan man cùng Tết Quảng

Hình 2: Lễ hội tháng Giêng tại đình Túy Loan (huyện Hòa Vang)

Cảm nhận này cho ta thấy rằng, với những gì đã diễn ra trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, trải qua thăng trầm năm tháng, hầu như không thay đổi. Kỳ lạ chưa? Trong khi đó, ta thừa biết rằng, dưới gầm trời này, không có gì bất biến, phải thay đổi. Vậy mà, phong tục Tết xưa lại đứng ngoài “quy luật” đó. Nếu có, chỉ rất ít, không đáng kể; nếu có, chỉ là “bình cũ rượu mới” đặng phù hợp với nhịp phát triển thời đại.

Kìa, cứ nhìn hình ảnh ông đồ già cực kỳ ấn tượng và nổi tiếng trong nghệ thuật nhiếp ảnh của cụ Võ An Ninh, nay bước chân ra phố vào đầu thế kỷ XXI, ta lại bắt gặp trên đường phố ồn ào, ngược xuôi xe cộ. Vậy, có gì khác? Có thể khác từ đổi thay đô thị nhưng điều cốt lõi nhất là vẫn là ông đồ của ngày tháng vời vợi yêu dấu:

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ (Đoàn Văn Cừ)

Hình ảnh này, có gì đáng nói? Bình thường thôi mà. Không đơn giản thế đâu! Tôi nghĩ, đây là một trong những biểu hiện của sự thống nhất mà đa dạng trong văn hóa người Việt. Bắc - Trung - Nam cũng đều có ông đồ của ngày Tết, có thể hiện nay, họ trẻ hơn và… đẹp trai hơn, bảnh bao hơn trước nhưng dứt khoát phải là áo dài khăn đóng. Nói đâu xa, một hai năm trước đây, ngày Tết, tôi đã gặp hình ảnh đáng yêu này ngay trước Nhà triển lãm Đà Nẵng, ở khu Nhà hát Trưng Vương, dọc đường Hùng Vương… Xa hơn nữa, tranh vẽ bút màu của học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định nửa đầu thế kỷ XIX cũng đã ghi nhận hình ảnh ông đồ trong Nam.

Sở dĩ, vào phần “mở đầu”, tôi phải dài dòng “vòng vo tam quốc” vì muốn nói rằng, phong tục Tết của người Việt nói chung có sức sống mãnh liệt, tồn tại và tốn tài mãi mãi, bất chấp dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, kể cả sự “va chạm” văn hóa diễn ra theo xu hướng nào. Nó không mất đi. Nó còn mãi đó. Có thể đã cải tiến, đã thay đổi nhưng không đáng kể, không bao giờ khiến người ta cảm thấy xa lạ phải thốt lên: “Ủa, thời buổi gì kỳ cục, Tết mà thế à?”. Đã nói đến Tết, từ xưa đến nay, con người ta cũng sống trong tâm trạng hồi hộp, chờ đợi “Năm hết, Tết đến” với biết bao rạo rực, nhẫm tính từng ngày, kể từ hăm ba tháng Chạp lúc đưa Ông Táo về trời. Vậy, Tết phải thế nào?

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nây tràng pháo, bánh chưng xanh

Nghệ sĩ Tam Thái - người Quảng Nam Đà Nẵng, tác giả bộ sách ảnh và triển lãm Ký ức miền quê, Sài Gòn qua miền ký ức, Tết Sài Gòn, Khung trời tuổi nhỏ - vài chục năm trước có chụp tấm ảnh nấu bánh tét bên bờ sông Hoài (Hội An). Bánh tét là “biến thể” của bánh chưng đó thôi. Có thể đó là ảnh chụp cơ sở kinh doanh nào đó chăng? Họ nấu với số lượng lớn mới có thể cung cấp cho nhiều nhà. Sở dĩ như thế, bởi đời sống tất bật nên từng hộ gia đình không nấu riêng lẻ nữa nhưng vẫn có bánh tét ngày Tết. Hình ảnh đó cho thấy phần nào cách thức nấu bánh tét đã khác xưa. Đã khác xa không khí vào ngày cuối năm, cả nhà ngồi quanh bên bếp lửa hồng canh bánh tét, vừa ngong ngóng chờ giây phút giao thừa.

Thật ra, hình ảnh đó vẫn còn. Vài năm trước đậy khi về Đà Nẵng ăn Tết, những ngày cuối năm, tôi đã thấy nhiều nhà ở quận Hải Châu vẫn còn nấu bánh tét như thời tôi thơ bé tại nhà ông bà ngoại tôi đã nấu. Hình ảnh đó, vẫn sống trong tình cảm mà từ thập niên 1940 tận ngoài Bắc, nhà văn Thạch Lam đã từng cảm nhận: “Trời rét mà ngọn lửa ấm như giữ không muốn cho ta đi xa, giữ ta lại để hưởng những cái thú êm ấm trong gia đình, trong khi cả nhà đang ngồi xây quanh nghe tiếng nước nóng reo mà kể chuyện cũ”.

Còn nhớ, Tết năm đó, nhìn lên bàn thờ vào đêm giao thừa, khói nhang thơm quyện, dù có đầy đủ bánh trái, kể cả bánh chưng/bánh tét nhưng gương mặt mẹ tôi vẫn buồn xo, có gì đó chưa ưng ý lắm. Sau khi khấn nguyện, bà quay sang tôi trầm ngâm: “Vẫn còn thiếu bánh tổ, con à!”. Dù phong tục Tết của “Quảng Nam hay cãi” vẫn nằm trong dòng chảy văn hóa Việt thống nhất từ Nam chí Bắc, tuy nhiên vẫn có sự “dị biệt” đôi chút đã hằn vết trong trí nhớ. Khó quên! Ngày Tết thiếu bánh trái gì thì thiếu, nhưng không thể thiếu bánh tổ là vậy! Bánh tổ nổi tiếng nhất ở Hội An qua câu cửa miệng: “Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/Khoai lang Trà Kiệu/Thơm rượu Tam Kỳ”.

Với bánh tổ, người ta chỉ làm trong dịp Tết. Vì lẽ đó, nhìn thấy bánh, là đã thấy nôn nao, diệu vợi môt tình cảm thân mật và gần gũi. Hễ gần đến Tết, mẹ tôi hay nhắc lại, đừng quên: “Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in” đã làm nên hương vị Tết quê nhà. Nhớ lắm! Nhớ ơi là nhớ! Rồi lại nhớ đến bài đồng dao mẹ tôi đã dạy từ thời còn nhỏ xíu:

Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ/ Bánh tổ thiệt ngon.


Hình 1

Hình ảnh bánh tổ do nghệ sĩ Tam Thái chụp (hình 1) có thể minh họa cho cảm giác này. Do đâu chỉ Quảng Nam mới có bánh tổ? Có nhiều cách lý giải, khi đọc tạp chí Khoa học và phát triển số Xuân 1994, tôi tâm đắc với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân khi ông cho rằng, loại bánh này là do người Hoa du nhập vào Hội An từ thế kỷ XVII. Nói như thế vì hiện nay tại Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn có loại bánh tương tự, hình thức bề ngoài có khác chút xíu, đồng bào người Hoa cũng cúng trong dịp Tết, gọi là bánh “nìn cú” phát âm của từ “niên cao”, ngụ ý tăng thọ - như ước vọng ngàn đời của dân tộc Á Đông nói chung:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ/ Đức mãn càn khôn, phúc mãn môn.

Với người quê mình, trên mặt bánh có rải mè, bọc bằng lá chuối, còn người Hoa thì in dòng chữ đỏ, đại khái “Năm mới phát tài”, “Vạn sự như ý” hoặc chữ “Phúc”… Điều thú vị nhất vẫn là cỡ bánh. Bánh tổ Quảng Nam to hơn gần như gấp đôi, phải chăng đã phản ánh tâm lý “ăn đậm, uống đậm” của cư dân Ngũ Hành Sơn? Thế thì, chính Quảng Nam còn giữ được sự giao lưu văn hóa Hoa - Việt qua cách làm bánh tổ từ thuở xa xưa đó, há chẳng đáng hãnh diện lắm sao?


Tết còn là mùa của lễ hội. Có nhiều lễ hội tại quê mình. Ở đây, nghệ sĩ Tam Thái chụp hình lễ hội tháng Giêng tại đình Túy Loan (huyện Hòa Vang). Hình ảnh các cụ già khăn đóng áo dài cứ như thể bước ra từ thơ Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ” từ thế kỷ trước quay về với thời ta đang sống. Tấm ảnh này (hình 2) chụp năm nào, tôi không rõ nhưng chắc chắn phải vào ngày 14 hoặc 15 tháng 2 Âm lịch. Vì đó là ngày Xuân kỵ của một ngôi đình được xây dựng vào năm 1888, thờ Thành hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Mà ngày Tết, ngày nhất đã đến đình Túy Loan, sao ta không ghé qua chợ Túy Loan thưởng thức món mì Quảng gà cực ngon? Ngon bởi vì rằng trong rau xanh mơn mỡn xuân xanh ấy, còn có cả búp chuối nữa, và cái bánh tráng thơm, giòn khiến khi ăn ta lại nhớ đến lời tỏ tình bay bướm vô song:

Tay cầm bánh tráng nương nương/ Miệng kêu tay ngoắt, bớ người thương uống nước nhiều

Tôi đố ai có thể ra câu ca dao nào có thể khái quát được cái sự “ăn chắc mặc bền” mộc mạc đến độ ấy! Đã thế, lại là lời của người thương dành cho người thương, khiến nghe xong, ta thấy thấy thương thương xao xuyến lạ lùng. Cũng tỷ như ngày Tết về chơi nơi ấy, chỉ cách Đà Nẵng chừng 13 cây số, nào có xa xôi gì, lại được nghe:

Bữa ni giọng tắt, tiếng khan/ Không ai đi chợ Túy Loan cho tui gửi đường

Nghe thấy trìu mến ghê gớm! Và, Tết đến trong lòng mỗi người. Người người Tết. Nhà nhà Tết. Thế thì đường phố cũng Tết. Tôi thích nhìn tấm hình chụp lồng đèn ngày Tết trên đường Hoàng Diệu. Tôi nhớ từ con đường này, đi ngang qua một chút gặp đường Ông Ích Khiêm, có chùa Tỉnh Hội, vẫn là nơi nhộn nhịp nhất, đông người nhất vào lúc hái lộc đêm giao thừa, ngày Tết viếng chùa nguyện cầu quốc thái dân an… Nay nhìn lại từ tấm ảnh của nghệ sĩ Tam Thái, thấy dưới gốc cây đa biếc xanh lá, nhìn hình ảnh chiếc xe xích lô, tôi ngỡ là đã cách đây vài chục năm rồi. Thoáng đó, cứ ngỡ như nhìn thấy trong Tết này. Ngày Tết, trang trí lồng đèn đa màu đa sắc cho cây cối trên phố, há chẳng phải là nét đẹp của văn hóa Tết quê mình đấy sao?


Hình 3

Một khi nhớ về Tết, bao giờ trong tâm thức con người ta cũng nhớ về kỷ niệm của thuở ấu thời - ngày xa xưa còn có ba có mẹ, nhớ như in trong óc và nó trở thành một phần khó quên trong ký ức. Đi qua nỗi nhớ lan man ấy, nào riêng gì tôi, hễ dịp Xuân về Tết đến, tâm trí của bất cứ người Việt nào cũng còn lưu giữ hình ảnh con tò he (hình 3). Nó đã đi vào ca dao với những câu cực kỳ dí dỏm như:

Tò he bà bán mấy đồng/ Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi/ Chồng tôi lên chín, lên mười/ Nó chê chút chít, nó đòi tò he

Đó là những con vật xinh xắn như chó, mèo, trâu, rồng... hoặc thằng bé cỡi trâu, ngôi chùa cổ kính… dành cho trẻ con. Tất cả làm bằng đất sét và bên ngoài chỉ cần phết lên một lớp bột màu nâu. Chỉ thế thôi! Nhưng con vật ngộ nghĩnh ấy có sức sống lâu bền trong nhiều thế hệ - nhất là những ai từng sống ở quê mình. Trong những phiên chợ Tết, hoặc các dịp lễ hội, các bà mẹ đi chợ về chỉ cần mua làm quà cho con một vài con tò he là nó sung sướng lắm! Bởi lẽ, ở con tò he bằng đất, các nghệ nhân khéo léo “cấu trúc” một  “cái còi” nhỏ. Đứa trẻ cầm con tò he trên tay và có thể thổi một hơi dài. Từ đó, sẽ phát ra âm thanh rộn rã đáng yêu vô cùng.

Món quà kỷ niệm khó quên trong ngày Tết của thế hệ tôi, Tết này, có còn không, Tết ơi?

(baodanang.vn)