Độc đáo mặt nạ gỗ của người Cơ tu

27.02.2023
Tấn Vịnh
Các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Cơ tu gắn liền với đời sống tâm linh và tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, nghệ thuật điêu khắc mặt nạ mang đậm dấu ấn nguyên thủy. Ở miền núi, nơi tập trung đông đồng bào Cơ tu như Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), những bức tượng, phù điêu, những chiếc mặt nạ cổ xưa đang mất dần. Nhưng điều thú vị là đồng bào Cơ tu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) vẫn còn lưu giữ bộ sưu tập mặt nạ do chính các nghệ nhân trong làng tạo tác.

Độc đáo mặt nạ gỗ của người Cơ tu

Những mặt nạ có dung mạo hung dữ. Ảnh: T.V

Những mặt nạ gỗ nơi đây có kích thước lớn, rộng khoảng 25cm, dài khoảng 35cm. Về phong cách, vẫn giữ được cái hồn, cái chất của mặt nạ Cơ tu. Từ những bộ phận chính trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng đến những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với đường nét tạo hình hoang sơ. Đây là những chiếc mặt nạ tương đối hoàn hảo, có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật gọt đẽo và sử dụng sắc màu.

Bên cạnh sắc màu truyền thống đặc trưng như trắng, đỏ, đen còn có thêm nhiều màu khác như xanh, vàng… Một số chi tiết đặc sắc nữa là mặt nạ có phần cổ làm chân đế. Trên cổ có vẽ vòng trang sức mã não, cườm đá... như phục sức truyền thống của người Cơ tu. Nghệ nhân điêu khắc của làng đã đẽo gọt, phối màu, tô vẽ cho từng chiếc mặt nạ, tạo nên nét biểu cảm như vậy.

Có thể thấy hai loại dung mạo khác nhau ở các mặt nạ gỗ: loại dữ ác và loại hiền lành. Mặt nạ thể hiện tính cách hung dữ được thể hiện với hình dạng dị tướng như có hai chiếc sừng nhọn trên đầu, lưỡi thè ra đỏ chóe, nhe ra những chiếc răng nanh nhọn hoắt, mắt trợn trừng... Loại này trước đây được các chiến binh dùng trong các cuộc chiến đấu với kẻ thù. Đối lập với mặt nạ dữ là dạng mặt nạ hiền.

Loại mặt nạ này khi nhìn vào thấy hiện rõ nét thân thiện, gần gũi, như chính những người thân, ruột thịt xung quanh. Để tạo ra khuôn mặt hiền, người ta không tô vẽ nhiều màu sắc mà đục đẽo một cách chân phương, mềm mại. Loại mặt nạ này mang dấu ấn của những gương mặt hiền, ánh lên nét nhân từ, tươi vui, gần gũi, là hiện thân của những gương mặt tích cực, mang lại niềm thương yêu, tin cậy cho dân làng, có uy tín trong cộng đồng như già làng nhân từ, tốt bụng; thanh niên đứng đắn, giỏi giang.

Cũng như người đồng bào dân tộc ở vùng cao, người Cơ tu ở xã Hòa Bắc xem những chiếc mặt nạ như là một vật phẩm liên quan đến thần linh. Nó được cất giữ ở nơi trang trọng trong nhà Gươl và chỉ được sử dụng trong các lễ hội có liên quan đến thần linh. Những lễ vật cúng bái như gạo, muối, bánh trái, trầu, cau, vôi... đặt trước những chiếc mặt nạ rời, bố trí trên giàn để đồ vật, đồng thời là giàn cúng, đối diện cửa ra vào. Điều này cho thấy, mặt nạ gỗ không chỉ để trưng bày mà còn liên quan đến nghi lễ cúng bái linh thiêng, trang trọng và tín ngưỡng của bà con Cơ tu nơi đây. Qua nhiều chuyến điền dã ở vùng cao, người viết bài này thấy rằng, hiện còn rất ít nghệ nhân Cơ tu biết làm mặt nạ gỗ.

Hiếm thấy chiếc mặt nạ gỗ nào trưng bày, lưu giữ ở các nhà làng truyền thống, ngoại trừ những mặt nạ gỗ được tạo tác ngay trên các cấu kiện, chi tiết kiến trúc, chứ không có loại mặt nạ rời như ở thôn Tà Lang. Trong khi đó, chỉ còn nghệ nhân người Cơ tu Trương Thành Mỹ (sinh năm 1957) còn biết làm mặt nạ gỗ. Có thể đây là một trong những nghệ dân cuối cùng của đồng bào Cơ tu còn biết đến nghề này. Nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia... họ rất trân quý, giữ gìn loại hình nghệ thuật nguyên thủy.

Như trường hợp nghệ nhân trẻ Samry, thuộc bộ tộc Mah Mery (thuộc nhóm thiểu số Orang Asli) chuyên làm mặt nạ gỗ, đã được nhân dân và chính quyền phong là “Nghệ nhân bậc thầy” (Mastercratfman). Anh được cử đi châu Âu, Trung Quốc, tới thủ đô Kuala Lumper... tham gia các sự kiện mang tầm quốc tế, quốc gia, khu vực để trình diễn thực hành chạm khắc mặt nạ gỗ. Làng Carey Island của bộ tộc Mah Mery, nơi nghệ nhân này sinh sống được chính phủ ưu đãi theo diện chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Mặt nạ gỗ là một “thương hiệu” của làng, được giới thiệu, quảng bá như một sản phẩm để phát triển du lịch, nhất là đối với du khách nước ngoài.

Mặt nạ gỗ của người Cơ tu là hiện vật dân tộc học quý hiếm, chỉ còn thấy ở một số thôn bản vùng cao thuộc huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và thôn Tà Lang (Đà Nẵng). Một số mặt nạ cổ đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam sưu tầm, lưu giữ và trưng bày. Với những giá trị về nghệ thuật, mặt nạ gỗ còn lưu giữ nơi đây như hòn ngọc quý còn ẩn khuất, tiềm tàng. Người làm nên các tác phẩm này và cộng đồng sở hữu nó cần có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các ngành chức năng để lưu giữ, truyền dạy và phục hồi, bảo tồn và phát huy nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Cơ tu.

(baodanang.vn)