Tằm còn nhả tơ...

16.01.2025
Phạm Thiều Hạnh
Sáng thu dịu nhẹ, bên tách cà phê đượm dư vị ngọt đắng, tôi được nghe nhạc sĩ Minh Đức kể về kỷ niệm với những đứa con tinh thần mà anh thai nghén, chắt chiu từng giọt cảm xúc đầy tâm huyết. Những mảng ký ức bi thương mà hào hùng qua giọng kể bồi hồi, ánh mắt trầm tư, chất chứa hoài niệm về quê hương, đồng đội như những thước phim tái hiện sống động từng chặng đường cách mạng gian truân với tháng ngày “tiếng hát át tiếng bom” của các chiến sĩ, diễn viên “Đoàn Văn công Giải phóng”.

Tằm còn nhả tơ...

Chân dung nhạc sĩ Minh Đức

Từ trong “đạn xới bom rền”…

Nhạc sĩ Minh Đức kể: “Tôi  tham gia cách mạng từ năm 1964, sau mười năm kể từ ngày ba tôi cùng hai đồng đội hy sinh lúc hoạt động tại quê nhà. Từng đêm những lời mẹ tỉ tê dạy dỗ, ăn sâu vào tâm trí khi tôi mới được 5 tuổi. Từ sâu xa, tôi biết mẹ muốn tôi được tiếp nối con đường của cha và các chú đã chọn”.“Tôi sinh ra từ làng quê nắng gió/ Tuổi thơ chìm trong tiếng đạn bom/ Chiến tranh cướp đi hình bóng cha hiền/ Người mẹ trẻ gánh gồng nuôi dạy… (Ký ức một miền quê - Nhạc Minh Đức - Lời thơ: Nho Trung).

Ngày 6/5/1965, đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời cậu thiếu niên 17 tuổi, từ biệt mẹ lên đường thoát ly tham gia cách mạng. Như mối duyên định sẵn, khi quê hương Thăng Bình vừa được giải phóng, trong lần Đoàn văn công Giải phóng tuyển diễn viên, Minh Đức được “chấm” ngay nhờ năng khiếu ca hát, chơi đàn guitar. Hơn nửa số diễn viên của Đoàn là người cùng quê Bình Triều, Thăng Bình nên Minh Đức nhanh chóng hòa nhập khi được phân công về đội ca, hoạt động cùng các đội múa, nhạc, kịch tại xã Phước Sơn, huyện Tiên Phước. Anh kể: “Hồi đó, diễn viên của Đoàn đòi hỏi phải đa năng. Chúng tôi đượcthamgiabiểudiễnrấtnhiều. Mùa xuân 1968, chiến sự vô cùng ác  liệt. Khi địch phản công, Ban Tuyên huấn Quảng Nam quyết định các tổ phải lên núi cao hơn, ở với đồng bào dân tộc…”.

Chính trong bối cảnh chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, với nguồn cảm hứng tuôn trào, nhạc sĩ Minh Đức đã cho ra đời ca khúc đầu tay “Chiến thắng về em hát tặng anh một bài ca”, được tốp nữ của Đoàn dàn dựng, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Anh nhớ lại, “Từ năm 1968 - 1971, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, Đoàn chia lẻ từng tổ đi phục vụ chiến trường. Tôi dẫn một tổ đi Quế Sơn, là người bị thương đầu tiên, ba người sau đó hy sinh, còn lại mình tôi, chờ khi địch rút, bò về được cơ quan. Trong một lần đi bẻ củi, hái rau cải thiện bữa ăn cho đoàn, một chiếc trực trăng Mỹ đổ quân sà xuống, tôi cầm cây AK bắn một loạt, chiếc máy bay trúng đạn quay đầu về Tam Kỳ. Hai chiếc khác phát hiện ra tôi, vây miết trên chóp núi, tôi bị thương nặng ở chân lần thứ hai, bi mìn giờ vẫn còn trong chân. Cuối năm 1971, tôi được ra Bắc nằm viện, rồi được tổ chức cho học tiếp chương trình phổ thông, sau đó học dự bị một năm để vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Hơn nửa thế kỷ, những đau thương từ cuộc chiến dần được xoa dịu. Với tôi, chưa từng một ngày nếm trải chiến tranh, nghe anh kể, có cảm giác từ xa xăm vọng về tiếng bom rơi đạn nổ, trong khói lửa mịt mờ, hình ảnh những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật đối mặt với hiểm nguy vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan cách mạng. Ở tuổi gần tám mươi, có ai ngờ bên trong thân thể nhạc sĩ còn mang trong mình vết tích chiến tranh dài đăng đẳng, nỗi đau thầm lặng không chỉ nhói lên lúc trái gió trở trời, mà còn là nỗi thao thức hằng đêm khi ký ức về quê hương, đồng đội trỗi dậy, nhức buốt trên từng phím đàn, giai điệu dồn nén bao niềm thương nỗi nhớ. “…Đồng đội tôi từ trăm nẻo chiến trường. Người có tên, người không còn tên nữa. Lại về đây giữa lòng đất mẹ. Đất nước mình đâu cũng quê hương… (Về thăm đồng đội - Nhạc: Minh Đức - Lời: Lê Ngọc Nam).

Những hạt ngọc cho đời

Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hòa bình lập lại trong niềm hân hoan của cả dân tộc với sự khắc ghi những cống hiến lớn lao của các thế hệ anh  hùng, liệt sĩ. Với nhạc sĩ Minh Đức, đây là cột mốc đánh dấu ngã rẽ mới trong cuộc đời và sự nghiệp. Trở về thăm quê hương, được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, với chủ trương tăng cường  đội  ngũ  nhạc sĩ đang rất hiếm ở địa phương, sẵn niềm đam mê âm nhạc, anh thi đậu vào Trường Quốc gia âm nhạc Huế, bước vào con đường sáng tác âm nhạc sau 9 năm được đào tạo.

Suốt mấy mươi năm công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, được phân công đảm nhiệm nhiều vị trí: Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (1982), Trưởng Đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng(1988-1990), sau đó được điều động về Sở và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thông tin Đà Nẵng (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) cho đến lúc nghỉ hưu, nhạc sĩ Minh Đức luôn khẳng định năng lực, uy tín của người cán bộ, đảng viên hết lòng tận tụy với công việc, được lãnh đạo tín nhiệm tăng cường về các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, dạy âm nhạc cho cán bộ cơ sở, góp phần đáng kể vào sự phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Quảng Nam, Đà Nẵng.

Dẫu gánh vác nhiều trọng trách, nhạc sĩ Minh Đức không quên dành khoảng lặng đau đáu trong tâm hồn cho những ca khúc chứa đựng cảm xúc thiết tha, lắng đọng về quê hương, đồng đội và tình yêu. Đó là ba chủ đề xuyên suốt chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức, ghi dấu ấn đậm nét qua nhiều ca khúc như Thương em chín đợi mười chờ, Thành phố đầu biển cuối sông, Mẹ quê hương, Người chiến sĩ trên bờ biển xanh, Tan vào phố đêm… Với người nhạc sĩ, có lẽ không hạnh phúc nào bằng tác phẩm của mình qua năm tháng vẫn được công chúng yêu thích, chọn hát trong các chương trình biểu diễn ca nhạc, giao lưu gặp mặt. Tựa “men rượu hồng đào chưa nhấm đà say”, giai điệu trữ tình của bài hát Thương em chín đợi mười chờ không chỉ lay động lòng  người xứ Quảng và cả nước mà còn vượt ra biên giới, lan tỏa tình yêu quê hương đến người Việt xa xứ. Với tôi, bài hát là một phần ký ức đẹp thời làm cán bộ Đoàn. Mỗi khi được cất lên khúc hát ngọt ngào“Bao giờ, bao giờ dâu mượt… em cho tằm nhả tơ…”, trái tim tôi cũng xôn xao những nhịp đập thanh xuân đầy khát vọng về câu chuyện tình yêu đẹp như thế!

Có lẽ, bởi sức lan tỏa của ca khúc này gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Minh Đức mà nhiều người ít biết, anh có bề dày sáng tác với rất nhiều ca khúc được công chúng yêu thích. Nếu có thể xem ký ức một thời “đạn xới bom rền” là chất liệu của những hợp âm trầm, được nhạc sĩ chắt lọc viết nên những ca khúc về quê hương mang âm hưởng tình cảm, sâu lắng “… Chốn quê nhà nhúm nhau chôn đầu ngõ/ Ơi Thăng Bình muối mặn gừng cay/ Tình yêu tôi lại một lần nhắc nhớ/ Rặng mù u lại nở cánh hoa vàng” (Chốn quê nhà tôi - Phổ thơ: Ngân Vịnh) thì với những ca khúc ngợi ca cuộc sống mới thanh bình, tình yêu đôi lứa, người nghe cảm nhận được chất tươi mới, trẻ trung của những giai điệu ngọt ngào như âm thanh cuộc sống đang reo vui. “Áo em bay như giữa nắng chiều/ qua ngã tư đèn vàng nhấp nháy/ Em nhìn anh khúc khích mỉm cười/ Phố đông vui người đi như hội/ Ta tan vào những mặt trời đêm” (Tan vào phố đêm - Lời thơ: Nguyễn Minh Khôi - Minh Đức). Với tiết tấu nhẹ nhàng, chan chứa niềm tin yêu cuộc sống, ca khúc này càng cuốn hút, xao xuyến lòng người qua giọng ca nồng nàn, quyến rũ của ca sĩ Mỹ Linh. Hay âm hưởng lạc quan khi viết về vẻ đẹp của người chiến sĩ biên phòng “Người chiến sĩ biên phòng bên bờ biển xanh/ Biển hát tên anh dưới trời sao khuya/ Biển có hay chăng người chiến sĩ nhân dân/ canh giữ đất trời cho biển ngủ…” (Người chiến sĩ bên bờ biển xanh). Hầu hết, những sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức có giai điệu mượt mà, uyển chuyển, ca từ được chắt chiu gọt giũa, nghe gần gũi, dung dị mà gói ghém ý tứ sâu xa. Nói như cố nhạc sĩ Thái Nghĩa: “Trong sáng tác âm nhạc, Minh Đức cần mẫn, nghiêm túc đến khắt khe nên không ít người gọi anh là “nhạc sĩ khó tính”. Với mỗi đứa con tinh thần, dù viết về đề tài nào, nhạc sĩ đều dốc trọn tâm huyết, kể cả những  sáng tác mang ý nghĩa tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, nhiệt huyết hăng say trong lao động sản xuất như: Tổ quốc ơi! Có chúng tôi sẵn sàng, Năm mươi năm một chặng đường, Tình ca người công nhân bốc xếp, Em yêu anh thợ điện đường dây…

Điều đáng quý, đi qua chặng đường dài trong nghệ thuật, nếm đủ mọi thăng trầm, nhạc sĩ vẫn giữ trọn niềm tin yêu cuộc sống, tìm thấy niềm vui trong từng nốt nhạc, ca từ. Những giai điệu của anh là sợi dây kết nối giữa ký ức và hiện tại, giữa vẻ đẹp của tình yêu và niềm tự hào quê hương… Trái tim nhạc sĩ lúc rung ngân, xao xuyến trước cái đẹp của tình yêu hiện hữu, hồi ức từ tiềm thức xa xăm vẫn trỗi dậy, giao thoa cùng niềm hân hoan khi nhìn thấy cuộc sống đang chuyển màu xanh tươi. Vì vậy, ở tuổi gần tám mươi, anh vẫn cho ra đời những tác phẩm với giai điệu ngọt ngào, thấm đẫm tình quê: “Con lại về vùng đất nặng tình thâm/ Nơi sông đợi bến chờ/ Con thuyền xuôi ngược/ Nơi nuôi dưỡng hạt mầm mơ ước/ Hạt giống mẹ gieo nay thành hạt ngọc/ Đã bao ngày con vẫn đợi mẹ ơi…” (Sắc xanh vườn mẹ - Lời thơ: Phan Đức Nhạn). Có lúc niềm vui trước sự đổi mới của Đà Nẵng gợi lên bao suy tưởng lắng sâu, tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông. “Mỗi lần lên tầm cao thành phố. Tôi nhìn về thành Điện Hải năm xưa. Ơi cây đa tỏa bóng mát cao vời/ Lại nghĩ về một thời quá khứ…” (Nơi ấy một thời để nhớ).

NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao Đà Nẵng, đã có những chia sẻ tâm đắc: Tôi cảm nhận nhạc sĩ Minh Đức là một con người có cuộc đời rất đẹp. Trong những năm kháng chiến, anh hoạt động cách mạng trên miền rừng núi, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần quan trọng đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gia đình anh  phải  hứng  chịu di chứng của chiến tranh, nhưng anh vẫn vượt qua để sáng tác và cống hiến. Đến với ca khúc của Minh Đức, điều thú vị ở chỗ chất liệu đề tài trong cuộc sống rất gần gũi với quê hương mình. Nghe nhạc của anh, cảm giác như nghe được âm hưởng cuộc sống tràn vào trong tác phẩm, hòa quyện cùng cảm xúc để anh sáng tác nên những ca khúc mà khi nghe, ta thấy được, cảm nhận được những hình ảnh, âm thanh giai điệu của quê hương… Anh là một nhạc sĩ tài năng trong việc sáng tác các ca khúc trữ tình có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính hiện đại và tính dân tộc, tạo nên phong cách âm nhạc riêng, gắn với cái nền của âm nhạc dân tộc. Anh khai thác rất hiệu quả những làn điệu dân ca không chỉ những điệu hò, điệu lý Quảng Nam mà cả dân ca miền núi với bản sắc độc đáo. Chỉ nghe âm thanh, giai điệu, tiết tấu bài hát là đã hình dung ra cuộc sống ở vùng cao, biết được đồng bào sống, sinh hoạt ra sao, hình ảnh trẻ em đến trường, tiếng chim kêu, tiếng suối róc rách, âm thanh của núi rừng bàng bạc trong nhạc của anh.” Phải là người bạn gắn bó nhiều năm, cùng làm việc trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, dõi theo từng chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức mới có thể đưa ra nhận định sâu sắc như thế!

Thật thú vị khi nghe nhạc sĩ Minh Đức kể câu chuyện sáng tác chùm ca khúc về miền núi, đôi mắt ánh niềm vui “Lần đó, tôi nhận nhiệm vụ từ anh Điều, Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN một “đơn đặt hàng ác chiến” viết một bài hát về đề tài định canh định cư. Tôi cùng nhà thơ Thu Bồn lên đường đi Phước Sơn ở lại 20 ngày, thấy các em từ 11-16 tuổi sau giải phóng đều mù chữ, mới bắt đầu vào học lớp một. Để có cảm hứng sáng tác, tôi xin đi xem đêm văn nghệ của đồng bào. Bên ánh lửa bập bùng, lắng nghe âm thanh của núi rừng, chimmuông, tiếng suối chảyphátratừ các nhạc cụ dân tộc của đồng bào với nhịp điệu đầy bản sắc đi vào giai điệu bài hát một cách tự nhiên. Đến đoạn tâm đắc, anh cao hứng say sưa hát: “… Khi con chim rừng thức dậy/ vui hót trên cành nhảy múa trên nương/ như chúng em vui dưới mái trường/ mừng quê em ngày thêm đổi mới/ Mừng quê em có đồng lúa nước rồi/ Túc túc túc tung tung… túc túc tung…/ Kìa dòng điện Đăk Xa trên quê em tỏa sáng/ Công ơn này của Đảng, công ơn này của buôn làng/ xây cho quê em mười lần hơn xưa…”( Em hát mãi bài ca quê em). Hay như âm hưởng lạc quan dào dạt trong các ca khúc A Vương thắp lửa mặt trời, Về Đông Giang (Thơ: Lê Anh Dũng). “Dòng điện A Vương thắp sáng niềm tin/ phố núi từng ngày từng ngày hồi sinh…”, “Về Đông Giang anh cùng em tung tung Dá Dá/ Tiếng chiêng cồng giục giã trăng lên”.  Chỉ có dành trọn trái tim, hòa nhập vào cuộc sống, hiểu được tình yêu của đồng bào đối với buôn làng, mới có thể viết nên những ca khúc đậm bản sắc dân ca miền núi như vậy. Đây là nét độc đáo làm nên phong cách riêng của nhạc sĩ Minh Đức, được chứng nghiệm qua nhiều ca khúc mà sức sống bắt nguồn từ sự bám rễ sâu vào lòng đất, lòng người, những nơi anh từng gắn bó một thời chiến tranh. Anh chia sẽ: “Nói vận dụng dân ca không phải lấy dân ca đưa vào, mà lấy hơi thở của dân ca. Như bài hát Thương em chín đợi mười chờ nghe là biết có âm hưởng dân ca Quảng Nam nhưng không phải điệu hò, điệu lý nào cụ thể. Như khi phổ thơ Phan Đức Nhạn trong bài Sắc xanh vườn mẹ: Con đã về vùng đất quê hương/ Vùng đất yêu thương chứa chan tình mẹ…” là từ âm hưởng dân ca Quảng Nam. Hay như khi phổ nhạc cho thơ Hồ Sĩ Bình “Anh đưa em về Bình Dương/ một lần thôi âm vọng tiếng sông dài…/ Mẹ cõng con qua những đạn bom khói lửa mịt mù/ Trong đau thương lòng chẳng đổi thay lòng/ ban đầu là giai điệu tha thiết, tự sự, sang hòa bình thì giai điệu được chuyển đổi tươi sáng.“Những dấu tích còn ẩn mình trong cát/ Giữa lòng em xanh mãi bóng hàng dương/ Dẫu mẹ mất trong những ngày lửa đạn/ Nhưng còn đây cát trắng quê hương/ Ai ở ai đi trăng vẫn nguyệt bên trời… ”(Ngày tôi về).

Nhạc và thơ - mối lương duyên đồng điệu

Là nhạc sĩ rong ruổi từ thị thành đến miền quê cát trắng, miền xuôi đến rừng núi xa xôi, hầu như với mỗi địa danh, vùng đất hay hình tượng nào gợi nhớ, gợi thương, khi bắt gặp sự đồng điệu của tâm hồn thi ca, nhạc sĩ Minh Đức như được thăng hoa cảm xúc, chắp cánh cho hồn thơ bay bổng bằng những ca khúc chạm đến trái tim người nghe. Như ca khúc Mẹ quê hương, từ hình tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, bắt gặp tứ thơ mượt mà, chứa chan tình cảm trong bài thơ Từ chiếc tao đời mẹ ru của nhà thơ Đông Trình, nhạc sĩ đã viết nên những giai điệu thiết tha, sâu lắng về Đà Nẵng “Thành phố  như  một  dòng  sông/ Mẹ Thanh Khê giọt nước trong đầu nguồn/… Thành phố như một vành nôi/ Lắng nghe từng tiếng tao đời mẹ ru/ Thành phố như một cánh buồm/ Bàn tay mẹ vẫy về phương mặt trời”. Hay những cung bậc dạt  dào  cảm xúc tin yêu ngợi ca vẻ đẹp thành phố bên bờ sông Hàn “Thành phố đầu của biển/ Thành phố cuối dòng sông/ Sơn Trà nơi gió lộng/ Kiên trung giữ đất trời…” (Thành phố đầu biển cuối sông - Thơ: Nguyễn Văn Soong). Và nhiều ca khúc phổ thơ dù viết về một địa danh, người nghe đều cảm thấy gần gũi, bắt gặp ở đấy hình ảnh quê nhà thân thương như Hòa Vang ngày mới (Thơ: Thúc Dũng), Tiên Phước chiều mưa (Thơ: Ngân Vịnh) hay niềm khao khát trang trải yêu thương từ mái trường được đắp xây bằng tấm lòng nhân hậu dành cho trẻ thơ (Mãi mãi Jun-Kô - Lời thơ: Bùi Công Minh)… Đặc biệt, nhạc sĩ rất có duyên với những bài thơ về tình yêu. Khi hai tâm hồn nghệ sĩ gặp nhau ở trải nghiệm sâu sắc về hạnh phúc, qua bão giông càng thêm trân quý những gì mình đang có, lời thơ ý nhạc quyện vào nhau biến hóa thành những giai điệu sâu lắng, dịu dàng “Trả lại  em  một nửa vầng trăng/ Để nửa bên em không còn hao khuyết/ Anh không còn rong chơi mải miết/ Cho từng đêm vàng vọt ánh trăng gầy…” (Trả lại em - Thơ Nguyễn Văn Long), “Em đẹp quá hiện ra giữa phố. Bàn tay dịu dàng vuốt áo lính sờn vai… Tàu chuyển bánh phố phường dần xa mãi/ cùng một người vợ lính đợi chờ tôi” (Thành phố và em - Thơ Thuận Hữu).

Tuyển tập Thương em chín đợi mười chờ gồm 55 ca khúc của nhạc sĩ Minh Đức do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6/2022, có hơn một nửa số ca khúc được anh sáng tác khi đã nghỉ hưu. Bên cạnh những ca khúc phổ thơ của nhiều nhà thơ tên tuổi như Đông Trình, Bùi Công Minh, Ngân Vịnh, Thuận Hữu…, mối lương duyên đồng điệu giữa nhạc sĩ và những người bạn thâm giao yêu thơ cho thấy sự cộng hưởng của tình yêu rộng mở giữa âm nhạc và thơ ca, tạo nên những hạt ngọc lấp lánh cho đời. “Muốn phổ thơ thì phải đọc bài thơ, hiểu thấu suốt từng tứ thơ, ý thơ nhà thơ muốn nói, rồi suy nghĩ, xây dựng cho được hình tượng bài thơ đó. Hầu hết những ca khúc được nhạc sĩ phổ thơ là do tâm đắc, có cảm xúc, phần là quý mến bạn mình, không có tình quý mến không thể viết hay được”. Ngắm nhìn những đứa con tinh thần của mình được đón nhận với nhiều yêu thương, trân trọng, nhạc sĩ Minh Đức nhớ về những kỷ niệm sâu sắc với niềm biết ơn thế hệ nhạc sĩ đàn anh, đặc biệt với cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu “Tôi trở thành nhạc sĩ phải cảm ơn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người đầu tiên nhắn nhủ tôi khi về Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam. “Đức ơi, em rất có triển vọng về âm nhạc, nếu hòa bình mà còn sống, Đức cố gắng đi học thêm về sáng tác”. Lời dặn dò chí tình ấy theo tôi cả một đời. Tôi đã học được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất nhiều”.

Nhà thơ Hồ Sĩ Bình khi viết  lời tựa cho Tuyển tập, đã gọi tên 55 ca khúc của nhạc sĩ Minh Đức là“Những giai điệu neo đậu hồn quê” với cảm nhận tinh tế “Âm nhạc của Minh Đức là tiếng lòng tha thiết với quê hương, nguồn cội. Hơn 55 năm sáng tác, Minh Đức luôn gửi hết tâm tư, tình cảm, nỗi lòng yêu thương đắm đuối  với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng… Minh Đức luôn dành cho các nhà thơ sự trân trọng, quý mến. Nhiều bài thơ được Minh Đức phổ nhạc đã gây hiệu ứng đặc biệt chắp cánh cho thơ và nhạc hòa điệu như bay lên những cung bậc chất ngất trong vòm trời sáng tạo”. Trong khuôn khổ bài viết, khó có thể nêu trọn vẹn dấu ấn từng ca khúc được in trong Tuyển tập giá trị này. 55 ca khúc chưa phải là tất cả sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức nhưng chắc chắn là những đứa con tinh thần mà anh tâm đắc nhất, mang ý nghĩa ghi lại dấu ấn chặng đường 55 năm sáng tác.

Với bề dày cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Minh Đức đã đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và UBND TP. Đà Nẵng trong nhiều năm; Giải thưởng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc - 1985. Huy chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng, được Hội đồng Quốc gia xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Minh Đức cho biết: “Trong 55 sáng tác, tôi có rất nhiều điều tâm đắc. Sỡ dĩ tôi thu được nhiều bài hát là do viết cho các cơ quan, ban ngành, thành phố, nên có kinh  phí để phối khí thu âm với giọng ca của nhiều ca sĩ nổi tiếng: NSND Thu Hiền, Ánh Tuyết, Mỹ Linh, Mỹ Tâm… Với âm nhạc, đừng bao giờ thỏa mãn với nó, khi nào nó vắt kiệt mình thì mình chấp nhận, chứ còn sáng tạo được thì cố gắng sáng tạo, mà sáng tạo là rút ruột rút gan cho nó”. Tôi nhớ lại câu chuyện thú vị mà anh kể về  sự  ra đời của ca khúc Thương em chín đợi mời chờ: “Trong  một  chuyến  thực  tế ở Điện Quang, ngang biền dâu xanh mượt, bỗng nghe vẳng lên một điệu hò Quảng Nam của mấy cô gái hái dâu, tự dưng tôi có cảm hứng, vội ghi nhanh những giai điệu đầu tiên: “Hãy hát lên em…hát nữa đi em..., tôi thức đến 4h sáng hoàn thành được phác thảo bài hát, hằng đêm nghe đi nghe lại, suy nghĩ hình tượng bài hát, mượn con tằm để nói về con người, nhưng vẫn thấy chưa được. Tôi lại đi Điện Quang tìm hiểu người dân về cách ươm tằm, rình cho được cách cho tằm ăn, từ canh 1, canh 2… đến canh 5, mỗi canh tằm ăn khác nhau. Trời dông phải thắp đèn dầu phộng, không thắp tằm sẽ giật mình chết, rồi phải bỏ mùng cho tằm, nếu bị muỗi cắn tằm sẽ chết. Chăm sóc tằm kỹ càng, tằm sẽ cho tơ đàng hoàng cách nhả tơ của tằm theo hình chữ chi rất đặc biệt. Từ sự quan sát cặn kẽ, giúp tôi có thêm chất liệu, cảm xúc thăng hoa cùng những giai điệu trầm bổng, nhất là đoạn luyến láy các nốt nhạc ở câu cuối “Em cho tằm nhả…..tơ, riêng chữ “nhả” phải là 6 nốt nhạc… Câu ca dao “một nong tằm là năm nong kén”mang ý nghĩa phải vun đắp, chăm sóc, tưới tắm cho nó, giống như đời sống con người vậy”.

Hình tượng con tằm nhả tơ gợi nhiều điều mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Như đời người nghệ sĩ, nếu được vun bồi, khích lệ và biết yêu thương, chắt chiu cảm xúc, đi đến cùng trong sáng tạo nghệ thuật, sẽ cho đời những hoa thơm trái ngọt. “Điều tôi trăn trở nhất làm thế nào mình có đủ sức khỏe. Tuổi gần tám mươi, ngồi với cây đàn vẫn còn say sưa, muốn được sáng tác nhiều hơn nữa. Cái ấp ủ thì muôn thuở vẫn là quê hương, đồng đội, tình yêu, đi theo mình đến hơi thở cuối cùng”. Như tằm còn nhả tơ, dẫu thế nào, vượt lên tuổi tác, cả những điều chưa trọn vẹn, người nhạc sĩ vẫn miệt mài dệt nên những giai điệu bền bỉ, sống mãi với thời gian, đáp lại lòng tin yêu của người dân xứ Quảng và công chúng yêu nhạc trên cả nước. Đó là giải thưởng quý giá mà cuộc đời ban tặng cho nhạc sĩ Minh Đức.

(Tạp chí Non Nước số 323-324)