Tính nhạc và văn trong tín ngưỡng hầu đồng

22.05.2024
Thu Huệ
“Đã qua lâu rồi cái thời mà những người có đồng ít khi phô trương và thậm chí chỉ nhận mình theo đạo Phật. Đã qua lâu rồi cái thời mà người ngoại đạo không nể trọng những người có đồng. Đã qua lâu rồi thời mà tín ngưỡng hầu bóng bị coi thường, thậm chí chế giễu, cấm đoán”, bà Lê Y Linh - nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - nhận định.

Tính nhạc và văn trong tín ngưỡng hầu đồng

Hình ảnh trong Tứ Phủ - vở diễn lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng của đạo diễn Việt Tú.

Từ thế kỷ XX, nghi lễ hầu đồng đã xuất hiện và trở thành một nét văn hóa trong đời sống của người dân Việt Nam. Nhưng kỳ thực, phải đến những năm đầu của thế kỷ XXI, nghi lễ này mới thực sự được hồi sinh trong đời sống tâm linh người Việt hiện đại. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016, đưa hầu đồng phát triển lên một bình diện mới.

Trong tất cả tín ngưỡng và phong tục thờ cúng của người Việt, chúng ta không thể không nói đến tín ngưỡng hầu đồng (hay còn gọi là hầu bóng, lên đồng, thờ Tứ phủ, Tam phủ…), mặc dù thực chất chúng ta chưa hề có thống kê cụ thể về số lượng tín đồ. Nhưng dễ dàng quan sát thấy, những người “có đồng” sẽ phải tổ chức vấn hầu hằng năm.

Trải qua trăm năm, ta thấy được xuyên suốt lịch sử là những quan sát khoa học, những tài liệu tìm được hay những kỳ điền dã bền bỉ và những năm dài đi theo đạo, theo lễ và hiểu được ngọn ngành, để biết văn cổ thời xưa hát như thế nào và quan trọng nhất là để hiểu tại sao qua bao năm chiến tranh khó khăn mà nghi lễ này vẫn còn kiên cường tồn tại. Hay nói theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Lê Y Linh, đó là trăm năm để hiểu được sự khác nhau và tương đồng giữa lễ hầu đồng trong bóng tối với “một xâu đồng xu, một mâm bỏng gạo thời chiến tranh và những lễ lẫy lừng với hàng trăm mâm lộc và các Thánh về phát lộc bằng ngoại tệ”.

Xét về bản chất, hầu đồng chính là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, là một nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các vị đồng nam, nữ. Nó là một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh có từ lâu đời nhằm tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng công trạng của các vị dưới hình thức diễn xướng có nghi lễ và hát văn. Có thể nói, hầu đồng là một “phức thể văn hóa”, nó tạo ra một không gian ảo để giao tiếp và là sự tổng hòa của từng làn điệu, lời ca hay động tác và không thể tách rời.

Hay nói cách khác, hầu đồng gồm tính nhạc và tính văn. Ông Ngô Nhật Tăng - nhà sưu tầm văn cổ - cho biết trong tín ngưỡng hầu đồng, nhạc và văn là một thể thống nhất mà ở đó, làn điệu - nhạc lý phải hài hòa với câu từ, cách gieo vần trong lời văn. Và hầu đồng nếu nhìn ở góc độ văn hóa hay phương thức chữa lành thì sẽ rất giống trạng thái tụng kinh - ngồi thiền, chỉ khác ở chỗ: Thiền là tĩnh lặng, tìm về bản nguyên, còn hầu đồng là sự “đẩy cao xung động để xả bỏ, nhưng cuối cùng rồi cũng trở lại trạng thái bản nguyên”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Lê Y Linh cũng cho rằng trong hầu đồng, nếu không có văn sẽ không có tín ngưỡng, và nếu không có nhạc sẽ chẳng còn văn. Đọc văn mà không được nghe nhạc thì cũng không thể thấu, nghe nhạc mà không biết lễ thì cũng chả đến nơi.

“Trăm năm trong cõi hát văn và hầu bóng để trước đèn lần giở ngược cảo thơm một thế kỷ về trước. Và khi tìm được những cuốn văn cổ, phân tích các văn bản văn hầu, nghe văn thờ, so sánh giữa các nguồn, các bài, thì mới thật sự hiểu được những bản văn thầy Phạm Văn Kiêm đã trao gửi cho tôi là một tài sản vô giá của làng đạo, của các nhà nghiên cứu, của tổ tiên, của đất nước”, bà Lê Y Linh cho hay.

Quả thực, nhắc đến nghệ thuật chầu văn hầu bóng, không thể không nhắc tới thầy Phạm Văn Kiêm. Toàn bộ cộng đồng tín đồ theo thờ Tứ phủ ở Hà Nội, Nam Định và sau này ở TP.HCM đều công nhận thầy Phạm Văn Kiêm là người cung văn giỏi nhất lúc bấy giờ và cho đến cả ngày nay. Thầy được gọi với cái tên thân thiện là “ông Kiêm chùa Vua”. Để nghiên cứu sâu hơn về tín ngưỡng này, tác giả Lê Y Linh với sự trợ giúp phần di cảo của nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng đã thực hiện cuốn sách đồ sộ Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn (Tri thức Trẻ Books liên kết Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Đây là một tác phẩm viết về vai trò của nhạc - văn trong tín ngưỡng hầu đồng qua đúc kết hơn 40 năm gặp gỡ, đàm đạo, trao đổi với các đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn của tác giả Lê Y Linh, và là kết quả của 4 năm điền dã bền bỉ của tác giả vào cuối những năm 1980 tại Hà Nội và Nam Định.

Nghi lễ hầu đồng không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn lan rộng ra cả nước ngoài. Nhưng khi nghe hầu ở “xứ người”, nếu thiếu cung văn, các “con nhang đệ tử” thay vì chỉ hát vài câu và gõ trống phách, thì lại thích hầu với âm nhạc phát ra từ băng cassette hơn. Vậy đâu là vai trò đích thực của cung văn và cung nhạc trong nghi thức hầu đồng? Phần âm nhạc, gọi là nhạc chầu văn, được các cung văn cổ coi là một lễ vật dâng Tứ phủ. Trong một buổi lễ (thường kéo dài từ 4 đến 6 tiếng), cung văn hát và đàn không nghỉ để mời thánh giáng, ca ngợi công đức, kể chuyện tích của từng vị, dâng văn, kêu cầu phúc đức cho người hầu và công chúng dự lễ.

Trong nghi lễ này, các thể lệ, lời ca và điệu hát được sáng tạo rồi truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng phải thừa nhận rằng cung văn luôn đứng trước một nhiệm vụ rất nan giải, đó là phải ứng hát tại chỗ trên hệ thống với rất nhiều lề lối, cùng luật phổ thơ và thanh điệu của tiếng Việt, rồi phải tuân theo lề lối làn điệu tùy theo vị thánh đang giáng trong điện thần. Nhạc chầu văn, với tính chất và giai điệu chứ không nhịp điệu, nhưng lại có điểm hấp dẫn ở chỗ là có thể kéo người ngồi nghe hầu vào trạng thái thăng hoa rồi lên đồng.

Và phải khẳng định rằng trong hầu đồng, yếu tố tín ngưỡng và văn hóa đan quyện vào nhau, làm cho người ngồi nghe hầu cùng lúc đáp ứng được nhu cầu tâm linh và cả nhu cầu mỹ cảm thông qua hưởng thụ những giá trị văn hóa - nghệ thuật của diễn xướng dân gian. Đó cũng là lý giải cho việc nghi lễ này dù trải qua hàng trăm năm, vẫn là nét sinh hoạt không thể bị loại bỏ khỏi đời sống của người dân hiện đại.

“Từ trong giai đoạn cách mạng, chúng ta có chương trình 15 phút dân ca và nhạc cổ truyền, và trong đó, hát văn đóng vai trò khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Ở góc độ văn hóa dân gian, nó là sự gắn kết giữa nhân dân với đấng siêu nhiên, giữa người lao động với những chiến sĩ ở chiến tuyến. Nó hàm chứa rất nhiều giá trị và ý nghĩa trong đời sống”, nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng cho biết.

Là một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống nhân dân, dù có phải là “con nhang đệ tử” hay không thì nghi lễ này vẫn hiện diện rõ nét trong cuộc sống. Có thể thấy rõ nhất là ở những thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán kéo dài cho đến hết tháng ba, tháng tư âm lịch. Trải theo sự biến thiên của lịch sử, của thời gian, tín ngưỡng này đã chứng tỏ được đây là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam, và tính nhạc - văn của nó đã trở thành thành tố không thể tách rời.

(Văn nghệ số 20/2024)