Xung đột trong kịch nói 1975 - 1985: Quá khứ sống cùng hiện tại

03.01.2024
Đỗ Thị Thanh Nga
Sau 1975, đất nước thống nhất, sự dịch chuyển của đời sống từ bối cảnh chiến tranh sang hòa bình với nhiều sắc thái đã làm thay đổi những thang bậc giá trị, tư duy và đạo đức, tạo nên rất nhiều kiểu xung đột mới trong ý thức con người và xã hội. Đó là tiền đề tạo rất nhiều cảm hứng cho thể loại kịch nói, vốn lấy xung đột làm nền tảng để khai thác.

Xung đột trong kịch nói 1975 - 1985: Quá khứ sống cùng hiện tại

Một cảnh trong vở Hà My của tôi

Là một thể loại có tầm ảnh hưởng rộng đến công chúng, kịch nói đã cho thấy sự linh hoạt qua việc phản ánh những vấn đề rất nóng trong một xã hội đang sục sôi các xung đột cũ - mới. Ở giai đoạn 1975 - 1985, những khát vọng đổi mới được văn học khơi lên và nơi lan tỏa dễ dàng hơn cả là sân khấu kịch nói. Những xung đột xã hội giai đoạn này đã đem đến một loạt thành tựu của thể loại, đưa kịch nói vào thời kì hoàng kim. Trong nhãn quan đương đại, nhìn lại những xung đột trong các vở kịch của giai đoạn này, chúng ta nhận ra những dư vang của các lớp ý nghĩa, có thể xem là kinh nghiệm đối với hiện tại.

Xung đột giữa cá nhân và tập thể

Trong suốt ba mươi năm kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, lịch sử dân tộc đã ghi nhận nhiều kì tích của quân dân cả nước. Đấy là lí do văn học nghệ thuật thời chiến đề cao cái trác tuyệt, cái phi thường, cái lí tưởng. Sự phản ánh này nằm trong hệ hình tư duy nhị nguyên. Xung đột sân khấu cũng được khai thác theo hướng này. Trong bối cảnh mới, xuất hiện những loại hình xung đột mới, tiêu biểu là xung đột giữa ý thức cộng đồng với ý thức cá nhân, giữa chuẩn mực của cái “ta” tập thể và những khát vọng của cái “tôi” nhỏ bé đang bị kìm hãm. Nói chính xác, đó là xung đột của cái “ta” thời chiến và cái “tôi” thời bình, là sự chuyển đổi hệ giá trị để xuất hiện một kiểu con người mới, nhận thức mới. Đây là lúc các tác giả đã có một khoảng lùi về thời gian và tâm lí để nhìn lại và nhận thức lại những gì đã qua dưới đạn bom khốc liệt. Các tác giả kịch buổi đầu của giai đoạn 1975 - 1985 đã cho thấy những chuyển biến từng bước trong cách tiếp cận và khai thác hiện thực bằng cái nhìn toàn diện hơn về số phận cá nhân trong guồng quay lịch sử. Vũ Dũng Minh với các vở Đôi mắt, Nhật kí người mẹ, Đào Hồng Cẩm với các vở Đại đội trưởng của tôi, Tiếng hát tuyệt vời, Tất Đạt với vở Tình yêu của anh... tuy vẫn theo hướng khai thác xung đột để tô đậm bản lĩnh anh hùng trong hình tượng nhân vật nhưng bên cạnh đó đã tập trung đặt ra những xung đột để cân nhắc giá trị của chiến thắng thông qua những hi sinh của con người. Cô Xanh nhân vật chính trong Tiếng hát tuyệt vời khác với những mẫu nhân vật nữ chính cao cả của kịch kháng chiến. Cô là hiện thân của xung đột giữa định kiến đạo đức xã hội và khát vọng đề cao quyền nhân bản của cá nhân. Cô gái ấy đã dâng hiến tình yêu của mình vào thời khắc khốc liệt nhất giữa ranh giới của sống - chết, cho người mình yêu bằng cả tấm lòng của người hậu phương với người ra tiền tuyến, bằng nghĩa tình đồng chí, bằng tình yêu và niềm tin trong sáng. Vì đức tin ấy, cô chấp nhận mọi điều tiếng thiệt thòi của người đàn bà chửa hoang - cái án ô nhục thời ấy. Cô làm nhiệm vụ đưa bộ đội qua sông nơi tuyến lửa, một công việc đầy nguy hiểm và đòi hỏi bản lĩnh của người lính nơi mặt trận. Lòng dũng cảm của cô không chỉ được thử thách qua mưa bom bão đạn của kẻ thù mà còn được tôi luyện qua quyết tâm bảo vệ giọt máu của người yêu để lại trước áp lực của những phán xét, định kiến. Cấp trên muốn tuyên dương cô là anh hùng nhưng việc cô không chồng mà chửa lại trái với đạo đức xã hội. Câu hỏi đặt ra trong vở kịch là người con gái dám dũng cảm bảo vệ sinh mạng của tình yêu, ý thức rõ ràng về lòng chung thủy và sự chờ đợi ấy có đáng nhận danh hiệu anh hùng hay không. Dưới cái nhìn nhân văn, nhân bản, đó là một hình tượng rất đáng trân trọng.

Doãn Hoàng Giang cũng đem đến những nhận thức mới về định kiến cộng đồng với thân phận cá nhân trong Hà My của tôi. Hà My, cô công nhân trẻ xinh đẹp, đại diện cho cái đẹp tự mãn và cô độc, phá phách và nổi loạn. Đóa hồng đầy gai nhọn ấy vừa hấp dẫn nhưng lại vừa khó chịu với những gã đàn ông hèn mọn theo đuổi cô. Vì những đổ vỡ của tình đầu mà cô gái ấy trả thù đời bằng lối sống ngông nghênh, bất cần, nhưng sâu thẳm trong lòng, cô khao khát được yêu thương, trân trọng, được hòa nhập và đối xử như mọi cô gái khác. Khi máy bay Mĩ bắn phá nhà máy điện, Hà My xung phong vào đội cảm tử để giữ chốt, tập thể ấy đã từ chối vì những quy kết đạo đức họ chụp lên cô. Thậm chí, họ cho là lòng dũng cảm của cô chỉ là trò ve vãn trá hình với Phương - phó giám đốc nhà máy. Thái độ của đám đông bị đập tan dần khi nhân vật dấn thân vào thử thách sinh tử để thể hiện những phẩm chất cao đẹp. Tác giả Doãn Hoàng Giang lần đầu tiên đặt ra vấn đề “Có nên tính toán những hi sinh?” Nhân vật Phương được xây dựng là nhân vật kiểu chính kịch, đại diện cho vẻ đẹp của người đứng đầu đầy tinh thần trách nhiệm, người chiến sĩ trong chiến tranh, dũng cảm, hết lòng vì mọi người. Nhưng khi đứng trước mệnh lệnh cấp trên “Giữ vững dòng điện, chết thì thôi”, huy động toàn bộ lực lượng nhân công trong nhà máy viết đơn tình nguyện tham gia cảm tử, Phương đã phản biện lại: “Nhưng hi sinh không cần thiết thì chúng ta lại có tội với Đảng, với nhân dân hơn nhiều.” Tư tưởng nhân văn ấy buộc chúng ta phải nhìn lại và nhìn sâu hơn vào số phận từng cá nhân để khám phá những khuất khúc, éo le của đời sống.

Lưu Quang Vũ với vở Người tốt nhà số 5 (1981) lại nêu lên một định đề về sự lạc lõng của cái tốt cá nhân giữa một cộng đồng nhỏ - nhà tập thể số 5. Ở đó, Hiệp - nhân vật chính - là con người có tâm hồn thánh thiện, khao khát giữ bản chất trung thực, lòng yêu thương vô tư nhất với mọi người. Sự thẳng thắn của Hiệp đôi khi bị đẩy đến cực đoan khiến cho những người xung quanh và chính bản thân anh gặp vô vàn rắc rối. Không chấp nhận thỏa hiệp, “đi đêm” với bên quản lí phường, nên anh không thể sửa chữa căn buồng dột nát của mình. Mùa mưa đến, anh phải tạm ngủ ở hành lang nhà tập thể, gây cản trở sinh hoạt cho bà con láng giềng. Những giọt nước thấm từ mái nhà anh đã phá hỏng máy ép lốp - phương tiện mưu sinh nhà bà Ngoạt tầng dưới. Chính Hiệp không muốn thỏa thuận với đám điện lực nên đẩy những người sống chung trong khu nhà chịu cảnh cắt điện triền miên. Cũng vì sự trung thực trong nghiên cứu, Hiệp hi sinh cả tình bạn lâu năm với Bình - người bạn thân đã cưu mang anh bấy lâu nay. Anh trở thành thứ quái vật gàn dở trong mắt mọi người, và chỗ tồn tại của người tốt như anh đã được hình tượng hóa là hành lang cuộc đời. Để cứu mẹ của người yêu, anh phải lấy tiền mượn của hàng xóm để mua thuốc chợ đen và cay đắng nhận ra rằng liều thuốc duy nhất ấy là thứ bị đánh cắp từ bệnh viện. Người bác sĩ điều trị cho mẹ của Mây đã nói cho anh biết vì mất chỗ thuốc đó mà chính em gái ruột của cô phải chết trong đau đớn. Hiệp nhận ra rằng, hạnh phúc và bất hạnh chỉ cách nhau gang tấc, đó là chiếc chăn hẹp mà người này co thì người kia sẽ hở. Hiệp hoang mang về lẽ sống của mình, về sự thánh thiện mà anh tôn thờ. Hiệp bỏ đi mất tích. Những hàng xóm của anh, mỗi căn buồng lại chứa những bi kịch riêng, họ rơi vào đau khổ bởi chính những thói quen giả dối, viển vông hay thực dụng của chính mình. Lúc ấy, họ nhận ra cần Hiệp biết bao. Hiệp là hiện thân của sự bình yên, của sự thanh thản mà họ đang thiếu. Cái tốt không thể tồn tại đơn lẻ, đối lập với đám đông, cũng như cộng đồng của những cái hỗn tạp kia rất cần một điểm sáng để soi chiếu và thiết lập lại trật tự. Cá nhân và tập thể trong vở diễn có lúc xung đột sâu sắc về quyền lợi nhưng lại gắn kết mật thiết với nhau.

Xung đột trong nội tâm con người mới

Giai đoạn kịch trước 1945 hay ba mươi năm kháng chiến, các vở kịch chủ yếu xây dựng nhân vật hành động và ít có đấu tranh nội tâm. Đặc biệt trong kịch kháng chiến, các nhân vật được xây dựng theo hai tuyến đối lập nên hành động nhất quán, không có những xung đột nội tâm. Sau chiến tranh, con người quay về với đời thường, với ngổn ngang những trăn trở, dằn vặt để đi tìm lẽ sống. Cái đúng - sai, tốt - xấu, lương thiện - tội lỗi rất khó rạch ròi. Từ đó, các nhà viết kịch đã chú tâm khai thác thêm một kiểu xung đột điển hình trong những con người của thời đại mới - con người đa diện.

Một trong những vở khai thác xung đột này có thể kể đến là Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Những đấu tranh, dằn vặt, đối chất giữa hồn và xác, thực chất là chủ đề về xung đột giữa các mảng sáng - tối, cao cả - thấp hèn trong nội tâm con người. Linh hồn Trương Ba hướng tới cái cao cả, thiện lành có lúc thỏa hiệp, có lúc đấu tranh, có lúc suýt bị lôi kéo theo ham muốn của thân xác. Tư tưởng mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong xung đột ấy là câu hỏi làm sao có thể tồn tại là chính mình toàn vẹn, nhất quán. Trong cuộc đối thoại giữa linh hồn và thể xác, có thể thấy linh hồn cao ngạo ngày càng đuối lí trước thân xác khiêm nhường nhưng thực tế. Đó cũng là trăn trở về lẽ tồn tại của con người hôm nay, khi cuộc sống đầy rẫy những ràng buộc và cám dỗ, rất khó để thoát li những thói quen, nhu cầu vật chất tầm thường. Những nhân vật trong Người tốt nhà số 5 cũng có những day dứt, xung đột nội tâm khi đi tìm hạnh phúc và lẽ sống của mình. Hiệp dằn vặt khi lòng tốt của bản thân được mua bằng tiền làm ăn phi pháp của hàng xóm và dẫn đến cái chết oan cho một cô gái trẻ. Bình và Yến là đôi vợ chồng luôn diễn cảnh gia đình trí thức trang nhã, đầm ấm nhưng nội tâm mỗi người là một ốc đảo cô đơn, bị chia cắt bởi sự hoài nghi, lòng khinh bỉ, thói xu nịnh giả dối. Những kiểu xung đột này đã tạo ra những nhân vật có tính cách đa chiều, gần gũi với đời thực và phản ánh đúng những phức tạp đang diễn ra trong lòng một xã hội tích tụ những ion âm và dương, chờ đủ để nổ ra tiếng sét đổi mới.

Người trong bóng tối của Doãn Hoàng Giang đem đến xung đột nội tâm của nhân vật chính là anh thương binh mù trở về từ chiến trường và phải sống trong sự chăm sóc, chào đón giả tạo của người thân. Trong thế giới bóng tối, Sơn dần dần tìm thấy ánh sáng của sự thật. Anh đau đớn nhận ra mẹ nói dối vì thương mình, anh trai lừa mình vì muốn lợi dụng mình “đổ vỏ” cho cái thai trong bụng bạn gái mình - kết quả ngoại tình của anh ta. Những đổ vỡ trong nội tâm của Sơn gợi cho người xem liên tưởng đến bi kịch tinh thần của anh thương binh mù Lê Chí trong vở Nguồn sáng trong đời của Lưu Quang Vũ. Người nghệ sĩ ấy được báo chí tán tụng tài năng vì những bức tượng được anh nặn ra khi đôi mắt anh mất đi ánh sáng. Trải qua một hành trình gian nan tìm người hiến giác mạc, cuối cùng anh đã tìm thấy hi vọng ở Toàn - một bệnh nhân ung thư đầy lạc quan. Khi phẫu thuật thành công, anh có thể tự mình nhìn được thì nhận ra những lời ca tụng trước kia chỉ để an ủi một người khuyết tật. Đau khổ và tuyệt vọng, anh tự tay đập nát đống tượng đã nặn và hiểu rằng thử thách của đời mình sẽ bắt đầu từ đây. Sơn hay Lê Chí đều là những người lính trải qua mất mát ở chiến trường, về với đời thường phải làm quen với những trắc trở. Họ được xây dựng với những phẩm chất cao thượng, trung thực của người lính, những xung đột trong nội tâm của họ rõ nét hơn các nhân vật khác bởi chính hoàn cảnh bệnh tật đã giới hạn họ trong khuôn khổ của suy nghĩ, dằn vặt, giảm thiểu xung đột hành động.

Vở Hoa cúc xanh trong đầm lầy là một thế giới giả tưởng mà Lưu Quang Vũ tạo nên để phản ánh những xung đột trong nội tâm của con người. Người máy Liên B và Vân B được tạo ra từ nguyên mẫu ưu việt hơn con người thật, là giấc mơ của con người về mẫu hình hạnh phúc hoàn hảo. Những người máy ấy đã tự tìm tự do và tình yêu cho mình; trên hành trình về với đầm lầy cổ tích, họ đã gặp một thế giới con người đầy bi hài, thật giả lẫn lộn, thậm chí cả nguyên mẫu của họ cũng đang sống trong những dằn vặt, khổ đau của đời thường. Xung đột giữa ước mơ và thực tại trong tâm hồn của Hoàng, họa sĩ Vân và Liên của đời thực được đặt bên cạnh những suy nghĩ, cảm nhận của cặp đôi người máy để khán giả tự rút ra triết lí về cuộc đời. Sự hoàn hảo chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi, còn thực tế, trong mỗi người luôn tồn tại những xung đột giữa những mảng sáng tối.

Từ những xung đột nội tâm trên sân khấu kịch nói, có thể thấy văn học nghệ thuật giai đoạn 1975 - 1985 đã chuyển hướng khám phá chiều sâu tâm hồn con người, soi chiếu từ nhiều chiều để lí giải tâm lí con người trong hoàn cảnh sống mới. Những biến động tinh tế ấy đã tạo thành cơn sóng của những khao khát đổi thay, hướng cuộc sống đến những giá trị nhân văn cao cả hơn.

Khoảng thời gian mười năm sau thống nhất đất nước là một bước đệm quan trọng cho sự chuyển đổi một cơ chế xã hội, thay đổi tâm thức của cả cộng đồng. Những nhà viết kịch đã tận dụng và khai thác những mầm mống xung đột trong đời sống xã hội để khơi mở những hướng đổi mới toàn diện cho giai đoạn lịch sử sau đó. Những vấn đề mà kịch nói đặt ra trong giai đoạn này không phải chỉ có tính nhất thời mà còn nguyên giá trị đến hôm nay. Những vở diễn ấy vẫn đang được tái dựng trên sân khấu và được công chúng yêu nghệ thuật đón nhận bằng tâm thức của con người đương đại, chứng tỏ sức sống của những tác phẩm nghệ thuật chân chính.

(VNQĐ)