Sự vận động của văn xuôi Việt Nam về đề tài đô thị - Bùi Như Hải

26.11.2019
Hiện nay có một số nhà nghiên cứu văn hóa, văn học ở Việt Nam vẫn đang còn băn khoăn, thậm chí chưa được thừa nhận khi cho rằng nền văn học Việt Nam khó hoặc không tồn tại một dòng văn học viết về đề tài đô thị theo đúng nghĩa của nó. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Giá đã khẳng định rằng: “Bây giờ đặt vấn đề ở ta đã có văn học đô thị hay chưa, tôi xin trả lời rằng vẫn chưa có văn học đô thị của hôm nay, rằng văn học vẫn đang chuyển động cùng sự chuyển động của đô thị (...) Vả lại, đất nước chúng ta có nhiều nghìn năm lịch sử là nông thôn, nông nghiệp, nông dân - cái gen trội trong tâm hồn máu huyết người Việt, nên viết về nông thôn thấy thuận tay hơn. Nó có tâm thức văn hóa xóm làng nâng sức, chắp cánh. Chứ viết về đô thị đâu có được cái đà đi, sức bút như thế. Tập làm người đô thị cho ra người đô thị chân chính đã khó, huống chi là viết cho đô thị và về đô thị”(1).

Sự vận động của văn xuôi Việt Nam về đề tài đô thị - Bùi Như Hải

Nhưng chúng tôi lại thiết nghĩ rằng, văn học viết về đô thị và con người thị dân đã và đang hiện diện cùng dòng chảy của văn học Việt Nam. Tuy nhiên tùy vào mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, mỗi tác giả mà sự hiện diện của đề tài này để lại dấu ấn đậm/nhạt khác nhau.

Văn học đô thị xuất hiện ở nước ta vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, nhưng nó cũng đã có mầm móng từ cuối thế kỷ XVI. Trong bài viết Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long, PGS. TS Trần Nho Thìn cũng đã khẳng định nền văn học Việt Nam có một mảng sáng tác về đề tài đô thị (có thể gọi là văn học thành thị) ra đời vào thế kỷ VII: “Hiện không thật rõ quá trình phát triển dân số cơ học và cấu trúc dân số Thăng Long qua các đời, song nếu nhìn vào văn học thì khoảng thế kỷ XVII, ở đây đã có một thứ văn học có thể gọi là văn học thành thị” (2). Trung tâm văn hóa, chính trị lớn thời bấy giờ, đó là Thăng Long đã được mở rộng, phát triển sầm uất nên đã hình thành thêm những khu vực “thị - chợ”; những thương nhân, thợ thủ công, một số nông dân đã đổ ra Thăng Long để làm ăn, sinh sống, các sĩ tử thụ nghiệp và tham gia các kỳ thi của triều đình mở, những ả đào, kỹ nữ phục vụ cho nhu cầu giải trí của tầng lớp quan lại, quý tộc,... dẫn đến cư dân thành thị tăng lên rất nhiều. Hiện thực này đã được giới sáng tác văn học xây dựng thành một loại nhân vật khá đậm nét trong tác phẩm của họ, nhằm phản ánh gương mặt hai chiều của đời sống văn hóa và con người thị dân. Lực lượng tham gia sáng tác là nhà nho, thương nhân, thương gia, thợ thủ công, ả đào,... nhưng chiếm phần lớn vẫn là các nhà nho. Mảng văn học thành thị - văn học "Kẻ chợ" không được triều đình lúc bấy giờ chấp thuận, xem nó không chính thống - khác với dòng văn học cung đình nên ra lệnh thu hồi, thiêu hủy. Sự kiện này đã được nhà nghiên cứu Ngô Cao Lãng thuật lại trong Lịch triều tạp kỷ như sau: “Phủ liêu vâng mệnh truyền cho quan dân cả nước: “Phàm các sách vở gì có quan hệ đến việc giáo hóa ở đời thì mới nên khắc in và lưu hành. Gần đây, những kẻ hiếu sự lặt lượm càn bậy những truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm, không biết phân biệt nên hay chăng, cứ khắc vào ván gỗ, in ra để buôn bán. Việc đó đáng nên cấm chấp. Từ nay về sau, hễ nhà nào có chứa chấp các ván in sách và các sách in nói trên thì cho phép viên quan đi ốp làm việc ấy được lục soát, tịch thu, rồi tiêu hủy hết cả” [Dẫn theo Trần Nho Thìn](3). Tuy nhiên, văn học thành thị vẫn tồn tại và phát triển, vì đã đem lại một ngọn gió mới, mát lành nên đã được độc giả lúc bấy giờ đón nhận, say mê như Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyện hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn),... và một số tác phẩm của các nhà thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà,... Chính những tác phẩm văn học thành thị kiểu này ra đời nó “không chỉ dấy lên sự quan tâm đến thân phận hay quyền sống của người phụ nữ mà còn tạo nên niềm hứng khởi cho các nhà văn, nhà thơ thể nghiệm tài năng nghệ thuật vào một hình thức thi pháp mới, đầy tính chất thẩm mỹ. Diễn ra quốc âm, xướng họa, nhuận sắc... chính là những hình thức khác nhau của đối thoại liên văn bản, khiến cho văn học thành thị ở Thăng Long ngày càng đậm nét dân chủ, thẩm mỹ, giải trí. Không khí văn học thành thị của Thăng Long ở thời kỳ này quả thực rất sôi động, nhiều vẻ”(4). Những năm đầu của thế kỷ XX, mặc dù đất nước ta đã ngấm sâu khuôn khổ của lễ giáo nhưng ngọn gió phương Tây thổi vào đã làm lung lay, ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống của con người, dẫn đến tạo nên những tư tưởng mới như quyền tự do, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Lúc bấy giờ xuất hiện một tầng lớp trí thức Tây học yêu thích, sáng tác văn học. Chính lớp nhà văn này đã làm thay đổi tư duy, quan niệm sáng tác, vì thế không gian vốn dĩ quen thuộc - nông thôn đã nhường chỗ cho một không gian mới nổi - đô thị. Những tác phẩm ra đời có sức hấp dẫn đối với bạn đọc lúc bấy giờ như Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Cành hoa điểm tuyết, Cuộc tang thương (Đặng Trần Phất), Kim Anh lệ sử (Trọng Khiêm), Phồn hoa mộng tỉnh (Dương Tự Giáp), Cô Ba Trà (Nguyễn Ý Bửu), Mồ cô Phượng (Trứ Giả), Cay đắng mùi đời, Tiền bạc - bạc tiền (Hồ Biểu Chánh),... Tố Tâm được Hoàng Ngọc Phách viết vào năm 1922, in lần đầu tiên năm 1925 - tác phẩm này được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà không được sum họp. Câu chuyện chỉ vậy thôi, tình tiết hết sức đơn giản nhưng tác giả diễn tả được cái khát vọng cháy bỏng của tầng lớp thanh niên về quyền tự do yêu đương, mưu cầu hạnh phúc lứa đôi. Nỗi khát vọng ấy được tác giả thể hiện thành hiện thực qua nhân vật Tố Tâm và Đạm Thủy. Chính sự mơ mộng hão huyền, dễ sầu, dễ cảm của Tố Tâm là căn tính của tuổi trẻ sống vào thời kỳ giao thời đầu thế XX, vì thế họ phải trở về để tìm sự giải thoát trong tâm hồn mình bằng những sầu muộn, khắc khoải. Hồ Biểu Chánh - nhà văn có sở trường viết về văn xuôi tự sự. Ông sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau, để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ (64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn,...) và có những đóng góp to lớn trong quá trình hiện đại hóa văn học trong những năm đầu thế kỷ XX. Đề tài trong tác phẩm của ông chủ yếu là nông thôn và thành thị. Ở mảng văn xuôi viết về đề tài đô thị, Hồ Biểu Chánh có một khối lượng sáng tác cũng không nhỏ, một số tác phẩm nổi tiếng như Cay đắng mùi đời (1923), Tiền bạc - bạc tiền (1925), Thầy thông ngôn (1926), Kẻ làm người chịu (1928),... Bối cảnh trong tác phẩm rộng lớn, từ đồng bằng sông Cửu Long, đến Sài Gòn. Riêng ở đô thị Sài Gòn, Hồ Biểu Chánh từng công tác ở đây (nghị viện của thành phố thời chế độ Việt Nam cộng hòa) nên đã trực tiếp chứng kiến, quan sát những biến động và xáo trộn của một đô thị Sài Gòn sầm uất, rồi ghi nhận và nói lên tác động của chúng đến từng con người, theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Thế giới nhân vật trong các tác phẩm này cũng rất đa dạng và phong phú, với đủ mọi lớp người, hạng người trong xã hội, từ những nghị viện, chủ quận, tri phủ, cai tổng, điền chủ cho đến chủ nhà máy, chủ tàu, chủ hãng xe. thầu khoán, thợ thuyền, tá điền, học sinh, thầy giáo, me Tây, gái đĩ, du đãng,...

Nhưng để trở thành một nguồn cảm hứng trong sáng tác thì phải đến thời kỳ 1930 - 1945. Bước sang những năm 30 của thế kỷ XX, “với sự phát triển mau lẹ của các khuynh hướng văn chương chịu ảnh hưởng của mấy thế kỉ văn chương Pháp, đến nửa đầu thập niên 40 của thế kỉ XX, văn chương Việt Nam đã quành sang ngả hiện đại, thể hiện ở cả các đề tài được coi là “suy đồi” (trong cách sử dụng đậm đặc chất liệu đô thị) lẫn lên án văn minh kĩ trị (như một biểu hiện của tinh thần phản hiện đại)”(5). Thực tế này đã được các nhà văn Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực thể hiện trong tác phẩm của mình. Các nhà văn Tự lực văn đoàn không chỉ viết về cuộc sống yên ả ở chốn thôn quê, mà còn viết về cuộc sống và con người ở các đô thị lớn như Hoàng Đạo, Nhất Linh, Khái Hưng,... Đọc một số tác phẩm như Con đường sáng (Hoàng Đạo), Đoạn tuyệt, Bướm (Nhất Linh), Thanh Đức, Thoát ly (Khái Hưng),... bạn đọc sẽ thấy được bức tranh đời sống xã hội và con người thị dân lúc bấy giờ. Họ có những đổi thay trong tư tưởng mạnh mẻ, đầy cá tính. Đặc biệt là thế hệ trẻ - những chàng trai, cô gái tân thời, tiến bộ dám đứng lên chống lại, vượt qua những rào cản của lễ giáo để xây dựng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi cho riêng mình. Nhưng đồng thời nơi chốn phồn hoa của đô thị cũng có không ít những người sống đầy trụy lạc, suy đồi, suy thoái về đạo đức, nhân cách. Thạch Lam - nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn cũng viết về đề tài này nhưng lại hướng ngòi bút của mình về với không gian của những phố huyện giáp ranh đô thị nhỏ bé, đầy nghèo nàn, tối tăm, làm cho đời sống của những con người sống nơi đây quanh năm quẩn quanh, tù đọng và bế tắc (Hai đứa trẻ). Cảm thức đô thị trong văn xuôi của các nhà văn hiện thực có sự riêng khác, đô thị trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,... hiện lên như nó vốn có, như nó đã và đang tồn tại. Vũ Trọng Phụng - nhà văn hiện thực trào phúng độc đáo, xuất sắc từng quan niệm tiểu thuyết là sự thực ở đời đã có những tác phẩm hay viết về đề tài này như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ,... Bức tranh đô thị trong các tác phẩm này được Vũ Trọng Phụng miêu tả đầy hỗn tạp, đủ các trò lố bịch, nhố nhăng của những thị dân mới học đòi, giả tạo; với các tệ nạn xã hội diễn ra tràn lan, mọi ngõ ngách, con đường, như mại dâm, cờ bạc, nghiện ngập,... Trong số những tác phẩm viết về đề tài này thì Số đỏ (1936) là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất, nó vừa là về đô thị vừa là của đô thị. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính có tên là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc đỏ, một kẻ bị coi là hạ lưu, dưới đáy của xã hội bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội lúc bấy giờ. Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo và một cái nhìn giễu nhại tất cả, tác giả đã lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị đương thời đang chạy theo lối sống văn minh rởm, lố lăng, đồi bại, với các phong trào Âu hóa, thể thao, “giải phóng nữ quyền”, thời trang, báo chí, chấn hưng Phật giáo, giữ gìn trật tự đô thị, gia đình tân tiến,… nhưng thực chất chỉ là xảo trá, làm tiền, ăn chơi trụy lạc, chà đạp trắng trợn lên mọi nền nếp đạo đức truyền thống. Cùng viết về đời sống và con người đô thị, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao tiếp cận ở một góc nhìn khác. Nam Cao đi sâu khai thác đời sống của người trí thức ở ngoại ô. Đó là một cuộc sống đầy bế tắc, nghèo khổ, cơm áo gạo tiền hằng ngày đã đeo bám dẫn đến họ cảm thấy mình đang sống thừa, sống mòn,... (Sống mòn, Đời thừa, Giăng sáng,...). Nguyễn Công Hoan - ngọn cờ đầu văn học hiện thực, có một số tác phẩm viết về đề tài này gây tiếng vang trong dư luận một thời như Thế là mợ nó đi Tây (1932), Tinh thần thể dục (1939),... Bằng tài năng, sự đức độ, cùng với truyền thống giáo dục gia đình, Nguyễn Công Hoan đã vẽ lên một bức tranh đầy sinh động của đời sống xã hội và tầng lớp thị dân mới. Đọc tác phẩm của Nguyễn Công Hoan độc giả sẽ cười ra nước mắt với những trò nhố nhăng, bỉ ổi, giả dối của bọn quyền cao chức trọng, bọn tư sản đồi bại, lố lăng, ba phèng.

Xuất phát từ hiện thực lịch sử của dân tộc, đề tài đô thị trong văn xuôi giai đoạn 1945 - 1975 “mang đậm đặc tính chất của một nền văn học chiến đấu và sản xuất. Những vấn đề của đô thị và hình ảnh nhân vật thị dân trở nên nhạt đi, thậm chí mất hẳn, để văn chương chỉ còn là diễn trường của những vấn đề cách mạng và kháng chiến, của cải cách điền địa, của hợp tác xã hóa, của cải tạo công thương v.v..., nhân vật trung tâm của cả nền văn học thì, như ai nấy quan tâm đến văn chương nước nhà đều biết, không ngoài công - nông - binh”(6). Đề tài đô thị trong tác phẩm của các nhà văn Nam Cao (Đôi mắt), Tô Hoài (Những ngõ phố), Nguyễn Huy Tưởng (Sống mãi với thủ đô), Hà Minh Tuân (Vào đời), Nguyễn Tuân (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi),... chủ yếu tập trung phản ánh chân dung những công dân - chiến sĩ, còn nhân vật thị dân có phần mờ nhạt, ít thiện cảm hơn. Với suy nghĩ, quan niệm sống rồi đã viết và rồi từ thực tiễn cuộc sống Nam Cao đã viết tác phẩm Đôi mắt - một tác phẩm xuất sắc của ông ở giai đoạn này. Tác phẩm có ý nghĩa sâu sắc, nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực lúc bấy giờ, mà còn có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại. đó là vấn đề cách nhìn cuộc sống. Thông qua việc xây dựng hình tượng nhà văn Hoàng và nhà văn Độ với cách sống, quan điểm khác nhau về kháng chiến và người nông dân. Nhân vật trung tâm của tác phẩm được tác giả tập trung khắc họa là văn sĩ Hoàng - một người thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Anh ta là một nhà văn nhưng cũng là một tay chợ đen rất tài tình. Chứng kiến cảnh đói khổ, chết chóc “xác người chết ngập đường phố” nhưng Hoàng không một chút thương xót, sẻ chia, vẫn ăn chơi, phong lưu, ngay chính con chó của anh ta nuôi vẫn không nhịn một bữa nào. Chính lối sống của một tiểu tư sản thị thành đã trở thành thói quen không thể thay đổi được nên khi có lệnh tản cư, Hoàng đã tin vào ông Cụ đưa gia đình về nông thôn sinh sống đã trở nên lạc lõng, không phù hợp với đời sống sinh hoạt của quần chúng lao động nơi đây. Trong đôi mắt, suy nghĩ của Hoàng thì nông dân là những người “vừa ngố vừa nhặng xị”, “toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả”, chỉ biết làm quần quật, còm cọm như một con trâu, ở thì chui rúc, ăn mặc chả dám ăn mặc, viết chữ quốc ngữ sai vần, đánh vần xong một cái giấy mất mười lăm phút,... là những chuyện đáng cười, đáng chê trách. Hà Nội trong những năm 1950 - 1960 được Tô Hoài tái hiện một cách sinh động, với nhiều sắc màu về con người qua Những ngõ phố. Ở ngõ phố ấy có bao nhiêu con người sinh sống thì có bấy nhiêu nỗi niềm, hoàn cảnh, đó là cuộc sống đơn sơ của một đôi vợ chồng sống bằng nghề nhặt rác, đó là cô gái nhảy quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc gánh cát thuê, đó là người vợ đang phải chống chọi lại với những sợ hãi tủi nhục vì chồng mình là lính ngụy,... Những mảnh đời, những con người ấy họ sống trong nghèo khổ, cơ cực, tủi nhục nhưng không bao giờ chấp nhận một cuộc sống nghèo khổ, tù đọng, tối tăm, vì thế mà đã ra sức dựng xây lại cuộc sống mới đầy ấm no, hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, ấm áp tình người, tình đời. Nguyễn Tuân - người được xem là một vốn quý của văn học đất kinh kỳ trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt quyết không đi tản cư, nguyện cùng sống mãi với Thủ Đô, để rồi viết lên tập tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Đọc tập tùy bút này độc giả sẽ thấy được không khí của Hà Nội lúc bấy giờ, sự hào hùng, hiên ngang của con người thủ đô quyết tâm chiến đấu đến cùng để gìn giữ từng tấc đất, ngõ phố. Đề tài đô thị phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn này chủ yếu thuộc về phía Nam. Một số tác phẩm nổi tiếng lúc bấy giờ như Đêm ngủ ở tỉnh (Hoàng Ngọc Biên), Hồi chuông tắt lửa (Thế Nguyên), Gia tài người mẹ (Dương Nghiễm Mậu),... đã được bạn đọc yêu mến bởi có sự đổi mới trong cách viết, cách tiếp cận hiện thực đời sống đô thị,...

Sau 1975, đặc biệt sau 1986 làn gió đổi mới đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa nước ta phát triển với tốc độ nhanh chóng, đô thị ngày càng có vai trò đặc biệt trong các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn học. Nông thôn - thành thị có sự dịch chuyển, đảo ngược và cách biệt. Nếu như trước đây nông thôn bao gồm thành thị, dưỡng nuôi thành thị, thì nay thành thị nuôi dưỡng nông thôn, kinh tế thành thị kéo theo sự phát triển cho nông thôn, đem lại văn minh cho nông thôn. Những đổi thay (cả mặt tích cực và mặt trái) này đã được văn học nói chung và văn xuôi đô thị đương đại nói riêng phản ánh một cách sinh động, phong phú và sâu sắc. Bức tranh đô thị và con người thị dân “trở lại” ở chặng đường này mang một hình hài mới hơn, với những cảm quan khá đặc biệt, với một lực lượng tham gia sáng tác khá hùng hậu đến từ ba “làn sóng” thế hệ đã đem lại một khối lượng tác phẩm khá lớn, có những tác phẩm nổi tiếng, được bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học quan tâm như Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, Của rơi (tập truyện ngắn), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người (tiểu thuyết), Con giai phố cổ, Đàn bà uống rượu (tản văn) của Nguyễn Việt Hà, Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường của Nguyễn Huy Thiệp, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Hà Nội trong mắt tôi, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, Khắc dấu mạn thuyền, Hà Nội lúc không giờ của Bảo Ninh, Thời xa vắng của Lê Lựu, Tự sự 265 ngày (tập truyện ngắn), Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường (tiểu thuyết) của Hồ Anh Thái, Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Vết gió, Rong rêu miền ký ức của Đỗ Phấn,... Sắc màu đô thị và con người thị dân trong ba “làn sóng” nhà văn và trong mỗi nhà văn lại có những biểu hiện, phản ánh khác nhau nhưng tựu chung thì họ nhìn vấn đề này từ cái nhìn bên trong, vì thế mà “hình ảnh đô thị và chân dung người thị dân trong những tác phẩm của họ không phải bao giờ cũng đẹp, thường xấu là đằng khác, nhưng không thể phủ nhận rằng bao giờ những cái viết ấy cũng thể hiện một sự thân thuộc đô thị, bao giờ cũng đau đáu một tâm thế thị dân. Và một điểm chung nữa: Nếu họ bộc lộ một sự phản ứng tiêu cực trước đối tượng của mình, thì đó là sự phản ứng của người “thị dân cũ” - con người của nề nếp gia phong, của chế độ giáo dục nghiêm cẩn, của sự ngăn nắp trong lối sống và sự tinh tế nhạy cảm trong tâm hồn - trước những “thị dân mới”, trước đô thị hiện tại, cụ thể là trước tất cả những gì đại diện cho cái tạp nham, bát nháo, xô bồ, hãnh tiến và phản văn hóa mà nó đang bày ra”(7). Mười năm của thời hậu chiến và những năm sau đổi mới, bức tranh đô thị và con người thị dân được các nhà văn miêu tả, phản ánh trong tác phẩm “với nhiều băn khoăn, trong sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, sự đa dạng phức tạp thời bình và tính một chiều thời chiến, cảm hứng thế sự đời tư và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đến các trăn trở trong những khác biệt về giới và tính dục, về không gian sống, vấn đề cá nhân cá tính, tình yêu, hạnh phúc”(1). Ma Văn Kháng - một nhà văn nổi tiếng thành công về đề tài miền núi, nhưng khi viết về đề tài đô thị ông cũng đã làm sống dậy đời sống “thế tục” của đô thị qua một số tác phẩm như Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn, Thượng đế thì cười, Hà Nội trong mắt tôi,... Những vấn đề được Ma Văn Kháng đặt ra trong tác phẩm, đó là sự phân hóa, đổi thay về đời sống kinh tế, văn hóa, về thân phận của con người trước sự xô bồ của văn minh đô thị và những luân lí, đạo đức bị xói mòn. Mùa lá rụng trong vườn - cuốn tiểu thuyết đặc sắc về đô thị, được tác giả viết hoàn thành vào năm 1982, xuất bản năm 1985. Đọc tác phẩm này, độc giả sẽ thấy một hiện thực đầy đau xót, nhức nhối của đời sống xã hội và con người thị dân Hà Nội trong bước chuyển mình đầy mạnh mẽ sau chiến tranh, làm thay đổi mọi phương diện trong đời sống xã hội. Những biến động đó đã làm rạn nứt đi các giá trị truyền thống, trong đó có gia đình - một tế bào của xã hội. Điển hình, đó là gia đình ông Bằng - một gia đình trí thức đầy khả kính ở Hà Nội đã và đang bị xáo trộn trước cơn biến chuyển của thời cuộc. Những nấc thang giá trị truyền thống của gia đình bị xói mòn, thay vào đó là lối sống vụ lợi, đầy ích kỷ, dục vọng của những con người “thượng tôn” vật chất, đồng tiền, danh dự,... Nguyễn Khải - một cây bút tiêu biểu viết về thủ đô Hà Nội. Là người đã từng sống và gắn bó với nhiều kỷ niệm vui buồn nên ông viết để “trả nợ ân tình” và một trong những tác phẩm hay, tiêu biểu viết về đô thị Hà Thành, đó là truyện ngắn Một người Hà Nội. Tác giả viết về gia đình bà Hiền. Gia đình bà Hiền sống ở Hà Nội rất lâu, từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Hà Nội được giải phóng cho đến những năm đầu đổi mới. Hiền vốn xuất thân từ một gia đình rất giàu có ở Hà Thành, là một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, có cách sống rất tư sản nhưng lại là một người rất lương thiện, có nhân có nghĩa, tôn trọng và yêu thương mọi người. Thông qua nhân vật bà Hiền - một người phụ nữ tiêu biểu cho nét đẹp, sức sống bất diệt của Hà Thành sống suốt đời gìn giữ gia phong, văn hóa thủ đô ngàn năm văn hiến, tác giả đã thể hiện một niềm tin vào những giá trị truyền thống văn hóa mang nét đẹp Hà Nội đã được hình thành và xây đắp từ bao đời sẽ có một sức sống bền bỉ, dài lâu và được bồi đắp, gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau. Nguyễn Việt Hà - một “gã giai phố cổ” nặng lòng với Hà Nội có một cái nhìn rất tinh nhạy, sắc sảo và đa diện nên đã dựng lên được một bức tranh Hà Nội đương thời với đủ các mảng màu sáng - tối. Đọc những tác phẩm như Của rơi (tập truyện ngắn), Con giai phố cổ (tạp văn), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (tiểu thuyết), Biểu chiều ngồi hát (tập truyện ngắn),... của Nguyễn Việt Hà viết về Hà Hội độc giả sẽ có nhiều xúc cảm đan xen lẫn nhau, ở đó có cả tình yêu, tâm huyết và cả những xa xót, đau đớn. Mỗi tác phẩm viết về Hà thành, Nguyễn Việt Hà lại có một góc nhìn, một sự miêu tả, một sự phản ánh rất riêng, không trộn lẫn. Hà Nội hiện lên trong trang văn của Nguyễn Việt Hà là một Hà Nội nghìn năm văn hiến, là một vùng trũng - nơi tiếp nhận, giao thoa văn hóa từ mọi miền của đất nước vốn rất giàu truyền thống văn hóa, vừa nhộn nhịp, đông vui vừa trong trẻo, tinh hoa. Nhưng đó là Hà Nội của một thời, còn giờ đây Hà Nội đã bị cơn bão của cơ chế thị trường, của văn minh đô thị áp đảo nên không gian bị tù túng, ô hợp, đầy những nhộm nhoạm, cạm bẫy, nhố nhăng ba động của những kẻ lưu manh, vô đạo đức. Chính Nguyễn Việt Hà cũng đã băn khoăn, đau xót khi thốt lên những dòng tâm sự của mình: “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”. Đồng thời qua tác phẩm, tác giả đã thể hiện một niềm tin yêu, một tấm lòng quý mến, đồng cảm cùng với những người biết gìn giữ, bồi đắp văn hóa, thiên nhiên cho mảnh đất nghìn năm văn hiến Hà thành. Đỗ Phấn - một nhà văn yêu Hà Nội trong từng cách ăn, cách nói đã dùng con mắt hội họa để vẽ Hà Nội qua con chữ đầy ắp nhớ thương, như Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Con mắt rỗng, Ruồi là Ruồi, Gần như là sống, Rụng xuống ngày hư ảo, Rong chơi miền ký ức,... Tác phẩm viết về Hà Nội của Đỗ Phấn được bạn đọc yêu mến, trân trọng bởi giá trị của nó mang lại. Đó là những mẫu chuyện vụn vặt, cũ kỹ về văn hóa Hà Nội, về cảnh vật, về con người,... từ quá khứ cho đến hiện tại, với đủ hỉ, nộ, ái ố. Nhưng những lát “cắt của ký ức” đó lại khiến cho chúng ta chất chứa nỗi niềm đăm đắm tình yêu xưa nhưng chưa hề xa của Hà Nội với vẻ đẹp điềm đạm và kín đáo. Chảy qua bóng tối là một cuốn tiểu thuyết gây được ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả khi chứng kiến cảnh đổi thay, biến động của văn minh đô thị ở xóm Bến - một làng ven đô thành. Xóm Bến được kiến tạo để trở thành đô thị, xóm Bến giàu có lên nhưng đi cùng với quá trình kiến tạo ấy đã để lại không ít hệ lụy, thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, con người tha hóa về lối sống, đạo đức. Hồ Anh Thái - một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến sau 1975 nổi lên như một hiện tượng. Tác phẩm Hồ Anh Thái đề cập đến những vấn đề khác nhau của đời sống xã hội và con người, trong đó vấn đề đô thị cũng được ông quan tâm, phản ánh sâu sắc. Hiện thực đô thị được Hồ Anh Thái miêu tả rất sinh động trong Tự sự 265 ngày. Tác phẩm kể về một anh công chức nhà nước về thời gian 265 ngày làm việc trong năm ở cơ quan theo chế độ một tuần nghỉ hai ngày. Anh công chức này đã bị ảnh hưởng cả thói tủn mủn của thời bao cấp và thói học đòi thời mở cửa đã háo hanh, tham vọng quyền lực cố trườn mình để ngoi lên từng nấc thang, đó là danh vọng được công nhận và danh trí thức tự cho. Sự nhố nhăng, xàm xí đú của văn minh đô thị cũng được Hồ Anh Thái mổ xẻ, phơi bày trong SBC là săn bắt chuột. Những tấn bi hài kịch đầy hĩnh hợm, lố bịch trong những chiêu trò buôn đất, làm sân golf, phá biệt thự cổ, ma túy đến chuyện xã hội đại gia và chân dài, nữ doanh nhân ham việc quên lấy chồng, trong đó có chiến dịch đang nhộn lên khắp thành phố: chiến dịch tiêu diệt chuột. Nhưng càng chua cay và đau đớn hơn nữa khi chúng ta chứng kiến một câu chuyện li kỳ, ma quái, hồi hộp về cuộc chiến khốc liệt giữa Chuột và Người - ở đó đã hiện hữu những xấu xa, thô lậu, hỗn tạp, bát nháo nhất của đời sống xã hội và con người thị dân. Bức tranh xám xịt của đô thị thời hiện đại cũng được Hồ Anh Thái vẽ nên trong tác phẩm Cõi người rung chuông tận thế. Trong tác phẩm này, tác giả đề cập đến một vấn đề có tình thời sự, đó là cuộc sống của lớp trẻ ở đô thị, với những câu chuyện đời sống buông thả của những sinh viên tại một trường đại học, những “cậu ấm, cô chiêu” chỉ thích đua xe, thích giải quyết các vấn đề đời tư bằng hành động “giết người” để trả thù,... Những câu chuyện Hồ Anh Thái đề cập đến như một hồi chuông cảnh báo trước sự lên ngôi của các giá trị vật chất thời kinh tế thị trường.

Những nhà văn trẻ thuộc thế hệ  7x, 8x, 9x như Dương Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Đỗ Tiến Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đỗ Bích Thúy, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Trương Quý. Hà Thủy Nguyên, Nhật Phi, Đinh Phương, Hạnh Nguyên, Thuận,... đã kế thừa, tiếp nối thế hệ trước tham gia viết về đề tài đô thị. Những nhà văn trẻ có thể sinh ra ở thành phố hoặc thôn quê nhưng hầu như họ đều trưởng thành hoàn toàn trong bầu khí quyển của văn minh đô thị. Đô thị vì thế đã trở thành một nguồn cảm hứng chủ đạo và họ đã kiến tạo nên một vùng thẩm mỹ mới, mang những đặc trưng riêng khác. Đúng như nhà văn Hà Thủy Nguyên từng chia sẻ: “Thế hệ những người được sinh ra ở đô thị (8x, 9x) thì sự ám ảnh về đô thị hóa như là sự thoái hóa về nhân cách con người không phải vấn đề lớn. Đề tài mà họ quan tâm là viết về bản thân mình, những chiêm nghiệm, suy nghĩ, suy tưởng bản thân. Họ chui vào đó (bản thân) và câu chuyện văn chương của họ, viết về chính thế giới ấy”. Chị tin tưởng: “khi chúng ta hoàn toàn ở trong đô thị rồi, chúng ta thấm nhuần tính đô thị, họ sẽ viết về những điều khác”. Đọc các tác phẩm Bồ câu chung mái vòm, Con gái Sài Gòn, Oxford thương yêu (Dương Thụy), Lạc chốn thị thành, Blogger, Nhật kí nhân viên văn phòng (Phong Điệp), Giữa dòng chảy lạc, Mưa tháng mười một (Nguyễn Danh Lam), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Động vật trong thành phố, Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Cửa hiệu giặt là (Đỗ Bích Thúy), Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở

rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Còn ai hát về Hà Nội (Nguyễn Trương Quý), Bên kia cánh cửa (Hà Thủy Nguyên), Người ngủ thuê (Nhật Phi), Nhụy khúc, Đợi đến lượt (Đinh Phương), Những thiếu thời lơ lửng (Hạnh Nguyên),... độc giả sẽ thấy các tác giả đã kiến tạo một không gian đô thị mới mẻ, khá lạ, đa diện và phong phú. Ngoài những đô thị quen thuộc như Hà Hội, Sài Gòn, Hải Phòng,... còn có những đô thị mới ở khắp các địa phương và các đô thị ở nước ngoài cũng được các tác giả quan tâm, phản ánh. Mỗi không gian đô thị đã “trở trành trú xứ an toàn hơn cho cá nhân cô đơn và cô độc, bởi sự vây bọc của văn hóa đại chúng, vốn rất dễ ăn mòn ý thức tập thể và nhu cầu khẳng định bản sắc cái tôi cá nhân trong phổ biến thị dân. Chính điều này, ngược lại, che chở cho nỗ lực khẳng định bản lĩnh và cá tính nhà văn, các ý thức nghệ thuật tiền phong, bạo động, như một bộ phận thiểu số của đô thị hiện đại”(8). Người đọc sẽ bị ám ảnh, nhói đau khi chứng kiến những làng quê đã có những đổi thay nhanh chóng trước làn sóng đô thị hóa trong tác phẩm Ga kí ức. Xóm Chùa Cuối, làng Bình Yên vốn dĩ là những ngôi làng thanh bình, yên ả với những cánh đồng ruộng gió mát bời bời, những luống rau xanh tươi tốt, những vườn cây ăn quả mùa nào thức ấy xum xuê, những đàn gà, ao cá tíu ta tíu tít,... nhưng giờ đây mọi thứ đã bị san phẳng, đổi thay khi cơn bão của đô thị hóa ồn ạt đổ về. Làng đã lên phố nên cảnh vật đều bị biến đổi, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, vườn tược bị đốn phẳng, nghĩa địa giữa cánh đồng bị dời đi để dựng những công trình đô thị mới, chung cư san sát hiện đại, dân tứ phương đổ về mua đất, làm ăn, môi trường thì bị ô nhiễm trầm trọng, nạn trộm cắp, hút chích diễn ra như cơm bữa,... đã làm đảo lộn nếp sống, văn hóa có từ ngàn đời nơi chốn quê này. Những biến đổi nhanh chóng nơi mảnh đất này đã khiến nhiều người trở nên hoang mang, lạc lỏng, bơ vơ, chệch nhịp và cảm thấy cô đơn đến tận cùng nên họ hoài tiếc về quá khứ. Nguyễn Trương Quý cũng là một nhà văn trẻ chuyên viết về đề tài đô thị. Tính đến thời điểm này anh có tới 8 tập sách viết về đề tài này như Tự nhiên như người Hà Nội (2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (2008), Hà Nội là Hà Nội (2010), Xe máy tiếu ngạo (2012), Còn ai hát về Hà Nội (2013), Dưới cột đèn rót một ấm trà (2014), Một thời Hà Nội hát (2019),... Những tác phẩm của anh chủ yếu viết về Hà Nội. Dẫu viết về văn hóa ẩm thực, những phố, những người Hà Nội đã có một số nhà văn, nghệ sĩ sáng tác rất nổi tiếng như Thạch Lam, Tô Hoài, Phan Vũ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Chu Lai, Bùi Xuân Phái, Băng Sơn, Phú Quang,... nhưng khi đọc tác phẩm của Nguyễn Trương Quý viết về Hà Nội thì vẫn cứ thấy nét riêng mang phong cách của anh, vẫn hấp dẫn người đọc khi anh biết khảo sâu vào mặt đương thời của những chuyện muôn năm cũ ấy và những lưu luyến với một Hà Nội xưa cũ. Với cái nhìn đầy yêu thương, tự hào tác giả đã vẻ nên một bức tranh Hà Nội đầy lãng mạn, đầy ắp những thông tin, như những khảo cứu nhỏ về những phở, những phố về những con người bình dị, lịch sự trong lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp hằng ngày. Đó là hình ảnh một Hà Nội của dân công sở (Ăn phở rất khó thấy ngon), một không gian mang đặc trưng của phố thị Hà Nội hiện nay như phố cổ, hồ Gươm, văn hóa công viên, chợ (Tự nhiên như người Hà Nội), chân dung của những con người Hà Nội (Mỗi góc phố một người đang sống),... Nguyễn Vĩnh Nguyên - một nhà văn trẻ lại “ngoại tình” với Đà Lạt đã dốc hết tâm huyết, trí lực của mình để viết về đô thị vùng cao nguyên lộng gió và thơ mộng này. Vẫn có nhiều người yêu mến và viết về Đà Lạt nhưng cũng ít ai có nỗi niềm quá sâu nặng, điên cuồng miên man như Nguyễn Vĩnh Nguyên. Đà Lạt ai cũng là lữ khách (tản văn), Đà Lạt một thời hương xa (du khảo), Đà Lạt bên dưới sương mù (biên khảo),... là những cuốn sách in đậm dấu ấn của một đô thị từ sơ khai cho đến hôm nay. Đà Lạt một thời hương xa là một tác phẩm viết về đô thị Đà Lạt xưa. Tác giả đã tái tạo lại được nguyên vẹn bầu không khí, linh hồn, tinh thần cũng như cốt cách của một đô thị Đà Lạt thủa ấy - thủa hương xưa xa, Đó là một Đà Lạt thơ mộng, huyền ảo, với những đồi thông xanh ngát, những biệt thự đẹp trải rác khắp thung lũng, sườn đồi,... và những con người thị dân một thời thanh lịch, tinh tế, cởi mở, hiền hòa và tự do. Nhưng Đà Lạt giờ đây đã dần mất đi những gì nó từng có, vẻ rực rỡ nó từng mang trong sự đổi thay, ngổn ngang, bề bộn của một đô thị đang trong quá trình phát triển. Góp phần tạo nên sự khác lạ, phong phú cho văn xuôi sau đổi mới viết về đô thị và con người thị dân phải kể đến những tác giả là người Việt đang định cư ở nước ngoài. Bức tranh đô thị đã được mở rộng vượt ra ngoài biên giới theo gót chân của người Việt xa xứ đến những nơi được ví như là “thiên đường của những thiên đường” trên thế giới. Thuận - một nhà văn trẻ hiện đang sinh sống ở Paris, Pháp chuyên viết về vấn đề cuộc sống của người Việt di dân, tị nạn ở những trung tâm, thành phố lớn của các nước phương Tây. Với một lối viết trực diện, phóng khoáng Thuận đã mang đến cho độc giả từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác.  Chinatown, T. mất tích, Paris 11 tháng 8, Thư gửi Mina,... là những tác phẩm mang không gian đô thị hải ngoại. Đó là không gian của những kinh đô ánh sáng hoa lệ như Paris, Berlin, Moscow,... Những miền đất này đối với người Việt xa xứ là miền đất hứa, đầy tráng lệ và lung linh, vì thế mà họ luôn khát khao, ước mơ được sống, làm việc với một tương lai tươi đẹp. Nhưng ước mơ, khao khát cháy bỏng đó đã bị vỡ òa sau khi họ đặt chân đến những đô thị tráng lệ này. Chính cuộc sống đời thường hằng ngày đã quật ngã họ ra bên lề thành phố không chốn dung thân. Những tiện nghi của vật chất đối với họ quá xa vời, thay vào đó là ngôi nhà tồi tàn, những căn phòng nhỏ bé, tối om không có thang máy, lò sưởi, máy quạt điện,... Những ngày tháng sống ở nước Nga của nhân vật “tôi” (Chinatown) thật là buồn thảm, thê lương và cô đơn. Xa xứ những tưởng sống nơi đất khách quê người sẽ được sung sướng, tự do nhưng không phải như ước mơ, như tưởng tượng, không như là thiên đường. Nhân vật “tôi” nhìn lại những ngày tháng nơi đô thị phồn hoa của nước Nga mới thấm thía hết nỗi thảm kịch, đơn côi và cảm thấy lạc loài, vỡ mộng. Tấn bi kịch của những thị dân xa xứ được Thuận miêu tả trong Thư gửi Mina - cuối tiểu thuyết mới nhất thứ 8 của Thuận là một tác phẩm xuất sắc, rất hay, có ý nghĩa thời sự trong việc đề cập đến vấn đề di dân, nhập cư. Bối cảnh của truyện lấy không gian Paris là trung tâm. Những nhân vật - con người di dân đến thủ đô tráng lệ này từ những đất nước khác nhau, có lối sống văn hóa khác nhau đã bị những vết thương đầy nhức nhối trước cảnh nghịch cảnh xã hội Pháp càng ngày bị chia rẽ bởi cũ và mới, giàu và nghèo, rộng lượng và hẹp hòi, chân thành và giả dối,... Đô thị vì thế không hẳn là nơi con người có thể tìm thấy cuộc sống tương lai tươi đẹp, hạnh phúc, mà đôi khi nó là cạm bẫy, là tấn bi kịch cho những kiếp người tha hương.

Trong tiến trình vận động của văn xuôi Việt Nam, đề tài đô thị và con người thị dân đã được các nhà văn quan tâm thể hiện sâu sắc. Nhưng mỗi thời kỳ, giai đoạn có những biểu hiện, tính chất khác nhau. Nhất là từ sau đổi mới, sự vận động hợp quy luật của văn xuôi đã mở ra một chân trời mới để các nhà văn viết về đề tài này đi sâu vào mọi ngỏ ngách nhằm ngợi ca, phản ánh những gam màu sáng - tối của đời sống xã hội đô thị một cách đa chiều, chân thực, góp phần mang lại một sức sống mới, một chiều sâu mới cho đề tài này nói riêng và văn xuôi nói chung. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể thì thành tựu của tác phẩm viết về đô thị vẫn chưa tương xứng với một nguồn hiện thực đô thị đa dạng và phong phú, nhất là hiện nay những vấn đề đô thị và con người thị dân đang được mọi giới, mọi ngành quan tâm sâu sắc và vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ, đầy hứa hẹn đang vẫy gọi các nhà văn tiếp tục cày xới, gieo hạt, đem lại những vụ mùa bội thu cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Đoàn Ánh Dương (2016), Vấn đề đô thị trong văn chương Việt Nam hiện đại, Nguồn: Vannghequandoi.vn, (31/12).

2.  Đoàn Ánh Dương (2016), Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam: Ba làn sóng, Nguồn: nguoidothi.net.vn, (11/11). 1. Hoài Nam (2019), Sống ở phố, viết về phố, vài nét về văn chương

đô thị, nguồn: Vanvn.net.

3.  Phan Nhân (2014), Nữ nhà văn miền núi với tình yêu Hà Nội rất riêng, Nguồn: Vannghetre.con.vn, (30/5).

4. Trần Nho Thìn (2010), Văn học cung đình và văn học thành thị ở Thăng Long, Nguồn: khoavanhoc.edu.vn,  (22/10).

5. Nguyễn Thị Phương Thúy (2016), Văn học đô thị: Khái niệm và đặc điểm, Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn, (20/03).

6. Nguyễn Hoài Nam (2019), Sống ở phố, viết về phố, vài nét về văn chương đô thị, Nguồn: vanchuongphuongnam.vn, (23/03).

B.N.H