Họa sĩ, NSND Doãn Châu: Tôi là dân chơi đa phong cách

11.03.2019

Dăm năm nay, họa sĩ Doãn Châu dường như quên mình là một nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu lừng danh, trong gần nửa thế kỷ.
Giờ anh suốt ngày cầm bay vẽ như lên đồng vậy. Lần nào sang chơi bên khu Ecopark, tôi cũng thấy anh đang nhễ nhại, bên những bức tranh khổ lớn. Anh nói sang sảng như nhân vật Háp (vở Đôi mắt) ngày nào, với giọng cười hơ hớ… Được vẽ, sướng lắm!

Họa sĩ, NSND Doãn Châu: Tôi là dân chơi đa phong cách

Một mình một kiểu

Họa sĩ Doãn Châu bộc bạch thẳng thừng, khi có người hỏi anh vẽ  theo phong cách hội họa nào, tranh của anh theo kiểu chơi “đa phong cách”. Anh sôi nổi phân trần, khi cần sẽ chơi kiểu “biểu hiện”, nếu thích thì lại “trừu tượng”, hoặc có lúc lại chuyển sang “hiện thực” hoặc “ấn tượng”…; Nghĩa là tùy đề tài và cảm xúc, thấy cần dùng ngôn ngữ nghệ thuật nào thích hợp mà thôi. Có lần tôi tranh luận, nhưng anh phải có cái chất gì, tạng nào hay giọng điệu riêng biệt, để mới xem đã nhận ngay ra tranh của anh chứ. Anh cười và không cho điều đó là quan trọng, miễn sao người xem thích tranh của mình, dù ở ngôn ngữ trường phái nào.

Anh nhớ thời đi học Trường đại học Sân khấu ở Mai Dịch, có dịp làm việc với NSND, đạo diễn Ngô Y Linh về mỹ thuật sân khấu, mới hay cần có sự đổi mới thiết kế cho mỗi vở, phù hợp với nội dung và tư tưởng vở kịch. Với chèo, tuồng thì cách điệu và ấn tượng; còn với kịch lại cần phải có ngôn ngữ biểu hiện, tượng trưng, tạo nên hình thức cho vở diễn, chứ không chỉ là sự bài trí giản đơn. Anh lại nói, sau này được đi học thiết kế mỹ thuật sân khấu ở nước ngoài, thì càng mới thấu những điều mà thầy Ngô Y Linh (người được đào tạo ở Nga) truyền lại.

Nhìn lại những mẫu thiết kế sân khấu của anh, trong gần 400 vở, mới hay quả là sự biến hóa khôn lường của một họa sĩ trên sàn diễn. Mỗi vở là một tìm tòi cách biểu hiện khác nhau. Mỗi bản thiết kế mỹ thuật cho kịch là một tác phẩm sáng tạo cho hình thức vở diễn. Chúng tổng hợp gồm có cả điêu khắc, hội họa, sắp đặt… với nhiều chất liệu khác nhau. Dường như, mỗi họa sĩ thiết kế cho một vở diễn là một công trình sư, thể hiện đúng tư tưởng của tác phẩm sân khấu và phong cách đạo diễn. Nếu quan sát toàn bộ mỹ thuật sân khấu cho vở kịch Vua Lia của Doãn Châu, từ hơn hai mươi năm trước, mới thấy rất ước lệ, cô đọng và đẫm chất bi kịch. Mỗi sự biến động khi chuyển cảnh là một ý tưởng bừng lên. Không gian sân khấu lúc ấy trở thành “thánh đường” gây cảm hứng cho nghệ sĩ diễn xuất. NSND Doãn Châu được nhận tới 20 HCV và HCB; cùng hai lần được bầu chọn là Họa sĩ xuất sắc vào những kỳ hội diễn (1995 và 2000) là vì thế. Đó là chuỗi thành công trong quá trình thể hiện các phong cách khác nhau. Nên tranh Doãn Châu không theo một model nhất định cho mình, khác hẳn với một số người. Cái khác đó là tự nhiên. Bởi lẽ Doãn Châu đã lăn lộn qua mọi cung bậc cảm xúc của những thân phận nhân vật. Luôn luôn trăn trở cùng những ý tưởng nảy sinh trong những đêm diễn. Doãn Châu mang cái mạch cảm xúc đa chiều, đầy trải nghiệm, mỗi khi nhấc dao bay lên phết màu. Anh tâm sự, sau khi về hưu, mới được vẽ cho riêng mình. Sự bay bổng, thăng hoa sáng tạo là lúc được hưởng thụ tuổi già. Có hôm, anh còn cao hứng hát oang oang bài ca Chúng tôi là nghệ sĩ (sáng tác Hữu Ước) cho tôi nghe, như một hoài niệm sân khấu một thời.

Tác phẩm Lối xưa (Ô Quan Chưởng) của họa sĩ Doãn Châu.

Những chân dung cuộc đời

Cho dù cuộc tranh luận không đến hồi kết, trên tay anh vẫn là cái bay, cây bút vẽ và khung toan trước mặt. Đúng như anh nói, vẽ cho chính mình, tình yêu của mình. Nệ gì kiểu cách. Cái hồn cốt của bức tranh là tất cả. Đầu tiên là anh quan tâm tới bạn bè, vợ con, gia đình. Chính vì lẽ đó hàng chục bức chân dung của anh về các nghệ sĩ có những phát hiện của riêng mình. Cách đây gần chục năm anh đã mở triển lãm Chân dung và tĩnh vật ở Hà Nội. Ít ai ngờ, triển lãm thu hút hàng trăm người, với nhiều cảm xúc khó tả. Bởi mỗi chân dung là một tình bạn thấm đẫm nước mắt và cả máu trong những đợt đi diễn ở chiến trường hay trên mâm pháo.

Tranh đã được bán hết. Nhưng có vài bức anh giữ lại và nhất định không bán, với bất kể giá nào. Đó là bức chân dung NSƯT Văn Hiệp và Nghệ nhân nhân dân Hà Thị Cầu. Đến nay, bức chân dung Văn Hiệp vẫn được bày ngay tại giữa phòng tranh của anh ở Chợ quê, bên khu đô thị Ecopark. Anh lý giải, dường như chân dung Văn Hiệp trở thành bùa hộ mệnh cho phòng tranh và mỗi khi cầm bút vẽ. Lần nào khách đến chơi cũng dừng chân ngắm chân dung Văn Hiệp đang phì phèo điếu thuốc cùng với con bài trên tay, với nụ cười thân thiện. Nhiều nhà sưu tầm đòi mua với giá cao nhưng anh không bao giờ có ý rời xa hình bóng người bạn quá cố của mình. Nhớ nghệ sĩ Văn Hiệp, anh từng kể về kỷ niệm hai người từ nhỏ đã trốn vé, vào nấp nhà vệ sinh ở nhà hát lớn để chờ đến giờ xem kịch. Nhưng cả hai bị bảo vệ phát hiện, xách tai kéo ra ngoài, đuổi về. Văn Hiệp tức giơ nắm đấm thề rằng: “Cứ đợi đấy! Có ngày “chúng ông” sẽ quay trở lại nhà hát. Thế đó đúng như lời thề, cả hai cùng dự thi tiểu phẩm vào trường sân khấu, cùng tốt nghiệp xuất sắc và trở thành thế hệ vàng của Nhà hát Kịch Việt Nam sau này. Những ký ức nửa thế kỷ bạn diễn, với bao gian truân và cay đắng, sao có thể quên. Cái thần thái, hóm hỉnh tốt bụng và xuề xòa của Văn Hiệp hiện rõ lên khuôn mặt do Doãn Châu vẽ. Bất cần đời. Một nét thiền dung dị nhưng lại rất sinh động của một chân dung độc đáo - Văn Hiệp.

Nếu với Văn Hiệp, họa sĩ Doãn Châu có thể vẽ ở nhiều góc độ, thì ở người đàn bà hát xẩm Hà Thị Cầu lại khác. Đó là một kiếp ca nương chân quê, kiếm từng đồng xu cứu đói, giải buồn cho người qua lại. Bà hát não nề cho phận mình. Nhưng phải giấu những giọt nước mắt để cất lên tiếng hát, kể chuyện cuộc đời sao cho ngọt ngào vui vẻ. Bức chân dung tràn đầy xót xa cho phận người nghệ sĩ hát rong với cây nhị hồ cổ lỗ. Nghe như trong tranh Doãn Châu nỗi đời buồn tủi cất lên trong mưa. Những giọt chảy trên tiếng đàn và lời ca ai oán. Họa sĩ Doãn Châu bùi ngùi nói, anh phải vẽ đôi bàn tay của bà Cầu hàng chục lần mới ưng ý. Nó như bay, như múa nhưng lại rụt rè tủi phận gầy guộc, thô ráp. Bức chân dung sơn mài toát lên màu bã trầu mà bà phải bám vào lấy cái hồn lảy lên từ ngọn từ thánh thót. Một vệt đen trên má tạo nên một vệt tối sẫm cho sự đớn đau tựa vết khắc cho thân phận tha hương. Phải nói đây là một chân dung mang phong cách biểu hiện xuất sắc của họa sĩ Doãn Châu.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Có một Hà Nội như thế trong ta

Họa sĩ Doãn Châu dường như rất có duyên khi vẽ về thành phố Hà Nội, qua những góc khuất của con người và ngôi nhà, con đường. Hà Nội trong anh là những người bạn hiền, là đường phố Bà Triệu nơi ở đầu tiên, là ngôi Nhà hát Lớn nơi anh diễn đêm đêm… Đó cũng là những bức chân dung Thủ đô mang đậm dấu ấn, cảm xúc của anh. Ta có thể thấy đó là những Mảnh trời còn lại, Ký ức Hà Nội, Cây cơm nguội vàng, Đất và lửa, Cầu Long Biên hay Phố ven sông, Lối mới ta về…Đặc biệt, khi ngắm bức Ô Quan Chưởng của anh, ai nấy đều cảm nhận không gian thấm đẫm chất sương khói của đất kinh kỳ ngàn năm. Một ánh sáng Lối xưa ám ảnh lòng người.

Chợt có lần mới đây anh kể, khi đi từ trung tâm thành phố về khu Ecopark bị tắc đường ở cầu Chương Dương, dòng xe cộ, cùng mọi người lê từng mét. Bụi. Nắng. Inh ỏi tiếng còi xe. Hỗn loạn gây sự bức xúc trong lòng. Khi về tới nơi, Doãn Châu sục ngay vào phòng vẽ, căng toan với khổ lớn (180cmx120cm), cứ thế anh vung bút vẽ. Một khối lớn xe cộ dày đặc hiện lên trong nỗi bức xúc và náo loạn tâm trạng. Nào dây đèn cột điện. Nào bụi khói ô nhiễm bùng lên ô uế không gian. Trắng xóa. Mù mịt. Anh muốn ghi dấu ấn mạnh mẽ cho một Hà Nội của những năm đầu thế kỷ 21. Những mối lo toan dâng đầy. Đúng như anh nói, chỉ khi nào cảm xúc dâng trào là cầm bút vẽ, giải thoát những ẩn ức trong lòng. Anh còn dí dỏm kể, tâm trạng bức xúc vậy mà khi lên tranh đã gây ra sự ngạc nhiên, thích thú. Có người chợt nhìn thấy bức tranh và đòi mua cho bằng được. Họ nói, muốn truyền lại một hình ảnh hôm nay cho con cháu mai sau rằng, có một Hà Nội như thế trong ta.

Vương Tâm
(suckhoedoisong.vn)