Quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

02.05.2018

Quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực phản động với âm mưu “diễn biến hòa bình” đang lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để kích động đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào theo đạo, hỗ trợ các thế lực phản động, cực đoan trong nước gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Mặt khác, việc xử lý một số vấn đề dân tộc - tôn giáo trong thời gian qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế, bị động, thiếu kịp thời; công tác vận động đồng bào theo đạo (gồm cả các vị chức sắc tôn giáo) còn nhiều sơ hở… Trước tình hình tôn giáo đang diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm, chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo để giải quyết có hiệu quả vấn đề dân tộc - tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng

Quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng rất phong phú, đa dạng, độc đáo, sáng tạo, góp phần to lớn vào thắng lợi của công tác tôn giáo nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung. Quan điểm đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, xem xét vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng một cách toàn diện, trên quan điểm lịch sử cụ thể.

Tôn giáo và tín ngưỡng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét dưới góc độ văn hóa, triết học và đạo đức. Đối với tôn giáo, ngay từ năm 1943, trong mục đọc sách của tập Nhật ký trong tù, Người đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”(1). Tuy khẳng định “tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật”(2), nhưng theo Người, trong văn hóa và đạo đức tôn giáo “Cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái gì xấu, thì ta phải bỏ đi”(3), điều này đã thể hiện sâu sắc quan điểm lịch sử cụ thể trong xem xét, đánh giá về tôn giáo của Người.

Đối với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Người dân An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội… Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm”(4). Tuy một số chức sắc, tín đồ tôn giáo có những hành động làm phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng “phần lớn đồng bào tôn giáo… đều yêu nước kháng chiến”(5) và dù là lương hay giáo thì nhân dân ta đều tốt cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề tôn giáo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã tập trung nghiên cứu về Kitô giáo trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra gay gắt ở phương Tây, trong khi Hồ Chí Minh là người đã rất tường tận và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa, tín ngưỡng của phương Đông. Từ nhận thức đó, Người đã tiếp cận và giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến tôn giáo ở Việt Nam để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Hai là, luôn thể hiện sự tôn trọng đối với những người sáng lập ra các tôn giáo, đánh giá cao vai trò và sự hy sinh, đóng góp của các bậc “chí tôn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn trọng, khâm phục tinh thần hy sinh cao cả của những người sáng lập ra Phật giáo, Kitô giáo. Người nói: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời;... Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”(6).

Người luôn ca ngợi tấm lòng bác ái cao cả của Chúa, tinh thần từ bi, hỷ xả, cứu độ chúng sinh của Phật và cho rằng mục đích cao cả của các vị ấy giống nhau ở chỗ họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”(7). Người nhận thức rõ những điểm khác biệt của từng tôn giáo và chấp nhận nó như một phần tất yếu của sự nghiệp cách mạng; đồng thời đã khai thác và phát huy triệt để những điểm tương đồng trong quan điểm tư tưởng của các bậc “chí tôn” để thu hút, động viên, tập hợp quần chúng theo đạo cùng đoàn kết để tiến hành sự nghiệp cách mạng. Người đã gắn nhiệm vụ cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo một cách hài hòa, tự nhiên, thể hiện một phương pháp cách mạng độc đáo mang đậm phong cách Hồ Chí Minh.

Ba là, khẳng định sự tồn tại của tôn giáo là một tất yếu lịch sử, luôn đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Từ sự phân tích, đánh giá chính xác các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến hết sức phức tạp, Người vẫn khẳng định tôn giáo đã và đang tồn tại tất yếu dưới chủ nghĩa xã hội. Trả lời câu hỏi của cử tri Hà Nội: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Người khẳng định rõ: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”(8). Điều đó lý giải quan điểm của Hồ Chí Minh rằng: trên con đường cách mạng của dân tộc ta luôn có sự tham gia, đồng hành của đồng bào các tôn giáo, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh thế giới đang mâu thuẫn gay gắt giữa duy vật và duy tâm, vô thần và hữu thần, tôn giáo và khoa học… ở nửa đầu thế kỷ XX, còn trong nước thì những tư tưởng mặc cảm, định kiến từ hai phía: Chức sắc, tín đồ Thiên Chúa giáo với cán bộ, đảng viên, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách sâu sắc về sự tồn tại và đồng hành của tôn giáo với dân tộc cho thấy Người đã vượt xa tầm nhìn hạn hẹp, định kiến với tôn giáo của không ít người đương thời để đạt đến tầm cao mới nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Bốn là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa vấn đề tôn giáo - dân tộc.

Trên cơ sở nhận thức rõ Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, mỗi tôn giáo tuy có lịch sử hình thành, du nhập, số lượng tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, vị trí vai trò xã hội và đặc điểm khác nhau, nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc và do đó lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc… nên Hồ Chí Minh rất quan tâm đến mối quan hệ đặc biệt này. Người cho rằng: Đối với người Công giáo, không có gì vui mừng hơn khi họ vừa là con chiên ngoan đạo, vừa là người yêu nước theo tinh thần “kính Chúa - yêu nước”, “phụng sự Thiên Chúa - phụng sự Tổ quốc”, “nước có vinh thì đạo mới sáng”, “nước có độc lập thì đạo mới được tự do”, “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm!”(9) … Theo Người, đối với đồng bào theo đạo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước luôn thống nhất với nhau. Một người dân Việt Nam yêu nước đồng thời cũng chính là một tín đồ chân chính và ngoan đạo, ngược lại, một kẻ chống lại dân tộc, Tổ quốc mình thì cũng chính là một kẻ phản Chúa. Trong bài báo Tuyên truyền cộng sản đăng trên Báo Cứu Quốc số 2046 ra ngày 01/4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Những người Công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo gian. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc”(10); đồng thời yêu cầu người Công giáo tốt phải là người công dân tốt, kính Chúa và yêu nước vừa là trách nhiệm công dân, vừa là bổn phận con Chúa.

Ở một quốc gia đa tôn giáo như nước ta, dù là trong cách mạng giải phóng dân tộc hay cách mạng xã hội chủ nghĩa thì vấn đề dân tộc và tôn giáo vẫn luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không có độc lập dân tộc thì sẽ không có giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người và ngay cả tôn giáo cũng không có tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Người nói: “Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang”(11). Trong mối quan hệ đó thì vấn đề dân tộc luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu, tuy nhiên Người không tuyệt đối hóa vấn đề dân tộc, xem nhẹ vấn đề tôn giáo mà thường giải quyết mối quan hệ này một cách thỏa đáng, tạo cơ sở để sau này giáo hội các tôn giáo đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó việc đạo với việc đời, tôn giáo với dân tộc như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Thiên Chúa giáo; “Nước vinh, Đạo sáng” của Cao Đài giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của Tin Lành giáo; “Chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Phật giáo Hòa Hảo…

Năm là, xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của công tác tôn giáo là để đoàn kết đồng bào có đạo, đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những tư tưởng đặc sắc và đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh vào sự phát triển lý luận Mác - Lê-nin về tôn giáo là đã xác định: Mục đích cao nhất, nội dung xuyên suốt của công tác tôn giáo là để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc tôn giáo khác nhau, làm cho “nước vinh, đạo sáng”, “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần ngày càng to lớn vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Cho nên, ngay cả những lúc vận mệnh của cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải thực hiện là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”(12). Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, Người đã chỉ ra sự đồng thuận giữa mục tiêu của cách mạng với mục đích của những người sáng lập tôn giáo. “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”(13) và với trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước, Người khẳng định rõ: “… Những việc chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm”(14). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân làm hết sức mình, kể cả hy sinh xương máu để giữ gìn sự đoàn kết đó, đồng thời phê phán sâu sắc cách nhìn thiển cận trong xây dựng khối đoàn kết lương giáo. Người cho rằng: “Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi. Tư tưởng hẹp hòi thì nhiều thù mà ít bạn (như vấn đề tôn giáo). Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không phát triển”(15).

2. Vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng trong giải quyết vấn đề tôn giáo nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta hiện nay

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đã xác định cần phải gắn việc xem xét, giải quyết vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc và vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc giải quyết vấn đề tôn giáo nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc là chủ trương nhất quán trong quan điểm, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Nhận thức của Đảng ta đối với công tác tôn giáo trong thời kỳ mới cho thấy có nhiều điểm mới, đó là nhấn mạnh hơn việc gắn xem xét, giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo với vấn đề đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa công tác tôn giáo và công tác dân tộc. Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (Khóa IX) của Đảng đã khẳng định: “Các vấn đề dân tộc và tôn giáo được đặt ra và giải quyết trong tổng thể, theo phương hướng và nội dung cơ bản của nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời hết sức chú ý đến tính đặc thù của từng vấn đề ấy”(16). Việc “quán triệt Nghị quyết về công tác tôn giáo đồng thời với Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và Nghị quyết về công tác dân tộc”(17) là một trong những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề dân tộc - tôn giáo. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “… Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”(18).

Quan điểm của Đảng ta đã chỉ rõ, mặc dù công tác tôn giáo có những nét đặc thù nhưng muốn giải quyết tốt vấn đề tôn giáo phải đặt nó trong tổng thể của việc giải quyết vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, trong đó vấn đề củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải là mục tiêu cao nhất trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo. Ngược lại, việc giải quyết vấn đề tôn giáo, dân tộc phải hướng tới tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần tuyệt đối tránh khuynh hướng tách công tác tôn giáo với công tác dân tộc và công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cần khắc phục biểu hiện nhận thức không đầy đủ tính đặc thù của công tác tôn giáo.

Việc gắn công tác tôn giáo với công tác dân tộc phải được thực hiện ở tất cả các khâu, các bước, các cấp, các ngành, các lực lượng; từ Trung ương đến địa phương; từ quán triệt nghị quyết đến tổ chức thực hiện nghị quyết. Trước mắt cần thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa; kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đồng thời, phải bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng thành thạo tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác để có “công cụ”, “phương tiện” thuận lợi khi làm việc, tiếp xúc với đồng bào.

Quan điểm của Đảng ta về giải quyết vấn đề tôn giáo, giải quyết mối quan hệ tôn giáo - dân tộc, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, phát huy sự đồng thuận của đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Để tạo nên sự đồng thuận, sự cố kết xã hội chống lại sự phân biệt giữa đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định cơ sở, nền tảng của sự đồng thuận ấy bao gồm: Chính trị, kinh tế, tinh thần, tư tưởng và văn hóa tâm linh. Về mặt chính trị, là giữ vững độc lập thống nhất của Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Về kinh tế, là không ngừng nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Về tinh thần, tư tưởng, là lòng yêu nước, ý thức bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về văn hóa tâm linh đó là đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… Đây chính là điều kiện, tiền đề nhằm đáp ứng và giải quyết ngày càng tốt hơn hệ thống lợi ích cả trước mắt và lâu dài, cả lợi ích vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo.

Do vậy, muốn phát huy sự đồng thuận xã hội, công tác tôn giáo cần góp phần tổ chức động viên đồng bào theo đạo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy những cơ sở khách quan của sự đồng thuận về kinh tế, chính trị ngày càng trở thành hiện thực. Công tác tôn giáo cần chủ động góp phần đảm bảo lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế, chính trị của đồng bào tôn giáo, giúp đồng bào các tôn giáo phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, thực sự là chủ nhân của đất nước. Cần bảo đảm những lợi ích tinh thần, tư tưởng, văn hóa tâm linh cho đồng bào các tôn giáo, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế, chính trị, tư tưởng với lợi ích văn hóa tâm linh, giữa lợi ích toàn dân tộc với lợi ích đặc thù của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó lợi ích chung của toàn dân tộc phải được đặt lên trên hết và giữ vai trò quyết định, đồng thời biết tôn trọng lợi ích riêng, lợi ích đặc thù, nếu lợi ích đó không trái, không tổn hại tới lợi ích chung.

Ngoài ra, công tác tôn giáo cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục giúp cho đồng bào có đạo nhận thức đúng hơn về nhu cầu lợi ích, phân biệt chính xác lợi ích chính đáng và lợi ích không chính đáng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các lợi ích, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước… nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào có đạo trong việc phát huy sự đồng thuận xã hội trong giai đoạn mới.

Hai là, tôn trọng và hạn chế sự khác biệt giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật nên quan điểm về lợi ích, về vị trí, vai trò và cách thức giải quyết các loại lợi ích, giữa những người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo không tránh khỏi khác nhau. Song Đảng ta khẳng định, nếu sự khác biệt đó không trái với lợi ích chung, không làm tổn hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc, thì sự khác biệt ấy cần được tôn trọng, thậm chí trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định phải biết “chấp nhận” để củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Quan điểm của Đảng thể hiện bản chất cách mạng, khoa học, sự nhất quán trong việc giải quyết hài hòa các lợi ích, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích bộ phận; là sự kế thừa, phát triển lên trình độ mới truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc nhằm xóa bỏ những định kiến, mặc cảm, hận thù trong quá khứ, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy, đoàn kết gắn bó, hướng tới tương lai tươi sáng của dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào theo đạo. Quan điểm đó còn là cơ sở lý luận khoa học trong đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng chiêu bài tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng trong tình hình hiện nay.

Tôn trọng và hạn chế những điểm khác biệt, không tổn hại và trái với lợi ích chung nhằm gắn bó chặt chẽ hơn đồng bào các tôn giáo với khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nét mới trong nhận thức của Đảng ta về công tác tôn giáo trong thời kỳ mới cần được phát huy và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ba là, xây dựng văn hóa tâm linh lành mạnh, phát huy tính tích cực của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội.

Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX, Đảng ta khẳng định: “Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo”(19). Quan điểm này đã tạo điều kiện, cơ sở cho văn hóa tâm linh phát triển nhằm tăng cường sự đồng thuận giữa người có đạo với người không đạo và giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trong xã hội. Việc bổ sung yếu tố văn hóa tâm linh đã phản ánh nhu cầu tín ngưỡng tồn tại khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào theo đạo và đồng bào không theo đạo ở nước ta. Thông qua các hoạt động thờ cúng và tưởng niệm đối với tổ tiên, với những người có công với dân, với nước, các hoạt động tín ngưỡng góp phần to lớn gìn giữ truyền thống, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là nét văn hóa tốt đẹp đã được hình thành và gìn giữ qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vì vậy, khi tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các anh hùng dân tộc, mọi người có thể quên đi những khác biệt về lợi ích, quan niệm và thậm chí là sự thù hận trong đời sống thường nhật để “thoát tục” và trở nên lương thiện, tốt đẹp, nhân đạo, khoan dung hơn, từ đó góp phần gắn kết tình cảm, cùng cảm thông, sẻ chia giữa người với người, nâng cao ý thức cố kết cộng đồng một cách chặt chẽ hơn.

Việc Đảng, Nhà nước ta coi trọng việc giữ gìn, phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên; tôn vinh và biết ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; tôn trọng tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào có đạo… như một phương tiện văn hóa tâm linh góp phần gắn kết, tạo sự đồng thuận, giảm thiểu những sự khác biệt giữa đồng bào không theo đạo với đồng bào theo đạo và giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau đã tạo cơ sở lý luận vững chắc trong đấu tranh chống các biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phương hại đến lợi ích chung của dân tộc Việt Nam. Quan điểm này thể hiện tư duy mới đúng đắn, sâu sắc hơn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo công tác tôn giáo ở giai đoạn hiện nay; đồng thời góp phần tạo ra những tiền đề thuận lợi để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tôn giáo, là một đóng góp quan trọng của Đảng ta vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước có xuất phát điểm thấp, với nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa như Việt Nam.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, hơn lúc nào hết Đảng và Nhà nước ta cần quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo để tuyên truyền, vận động cách mạng đối với đồng bào các tôn giáo một cách phù hợp; tìm tòi, phát huy và đề cao cái đẹp, cái thống nhất của tôn giáo đối với cách mạng, qua đó thực hiện gắn chặt hơn nữa việc giải quyết vấn đề dân tộc với tôn giáo nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới./.

ThS. Vũ Tuấn - Học viện Kỹ thuật quân sự
(tcnn.vn)

 

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.2011, tr.458.

(2),(14) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 8, tr.200, tr.374.

(3),(8) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.557, tr.405.

(4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 1, tr.463.

(5),(10) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr.394, tr.375.

(6),(9),(12) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr.169, tr.544, tr.8.

(7) Dẫn theo Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, 6/1949.

(11),(13),(15) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.228, tr.228, tr.93.

(16),(17),(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H.2003, tr.83, tr.55, tr.52.

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.165.