Độc đáo Hồ Chí Minh

25.11.2015

Độc đáo Hồ Chí Minh

Lịch sử nước ta cho thấy, khi tranh giành quyền lực với nhau thất bại, không ít người chạy sang nước lân bang cầu viện để “phục quốc”. Nhà Lê có Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, thời nhà Nguyễn có Gia Long chạy sang Xiêm đưa quân ngoại bang về nước bị Nguyễn Huệ đánh tơi bời không còn manh giáp tại Rạch Gầm (Mỹ Tho). Không đạt được mong muốn, Gia Long cầu viện người Pháp, tạo điều kiện cho họ xâm lăng nước ta dẫn đến mất nước.

Một dân tộc có truyền thống quật cường đánh tan bao quân ngoại xâm đâu dễ khuất phục, chịu để người đè đầu cỡi cổ. Bao nhiêu người đứng lên chống quân Pháp, nhưng đều thất bại. Các chí sĩ yêu nước nối nhau tìm kiếm con đường cứu dân cứu nước. Hầu như lập lại con đường người xưa đã đi, đến những nước gần để mong thấy con đường cần tìm. Cụ Phan Bội Châu là bậc tiên sinh đi về phương Đông, sang Nhật Bản với ý nghĩ người da vàng sẽ giúp nhau…

Nguyễn Sinh Cung lúc nhỏ thường nghe cha là ông Nguyễn Sinh Sắc đàm đạo với cụ Phan Bội Châu về con đường cứu nước. Nhưng Nguyễn Tất Thành - tên mới của Nguyễn Sinh Cung - lại có suy nghĩ khác với bậc trưởng thượng là cụ Phan. Không đi về phương Đông mà sang Pháp, mục kích tận nơi cái xứ sở của những người xưng là đi gieo văn minh cho dân ta… Đây là độc đáo đầu tiên của Nguyễn Tất Thành.

Ông cha ta có câu “Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con”, không biết câu nói ấy có tác động đến tư duy của Nguyễn Tất Thành hay không? Nhưng câu khẩu hiệu dán ở trường học: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đã tác động trực tiếp khiến cho Nguyễn Tất Thành đặt câu hỏi: “Văn minh” của người Pháp tại nước họ như thế nào? Phải đến tận nơi xem xét cho rõ mới hiểu đúng sự vật, mới có thể tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Quả thật như Người suy nghĩ, đến nước Pháp đã giúp cho Nguyễn Tất Thành sáng ra nhiều điều. Người kết luận: người Pháp ở Việt Nam không giống người Pháp ở chính quốc. Nhưng Người cũng nhận xét về chủ nghĩa đế quốc như con đỉa có hai cái vòi, một đầu hút máu người lao động chính quốc, một đầu hút máu người dân thuộc địa. Cái độc đáo của Nguyễn Tất Thành là chống Pháp ngay trên đất Pháp, chống một cách tích cực nhất. Một trong những việc làm của Nguyễn Tất Thành gây tiếng vang sâu rộng ở Pháp là Bản yêu sách tám điểm của những người yêu nước An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc và từ đó tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Đây là hành động vô cùng dũng cảm, không phải ai cũng làm được. Từ một người chỉ biết đôi chút chữ Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tự học để giao tiếp, viết báo, và xa hơn là tự mình xuất bản một tờ báo lấy tên Người cùng khổ để đấu tranh và hướng dẫn không chỉ người Việt trong nước mà còn bạn bè các nước đấu tranh chống lại áp bức bất công.

Độc đáo con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc được tiếp nối sau khi Người đọc được “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin. Sau này Bác nhớ lại: “Trong luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu, nhưng cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang đứng trước quần chúng đông đảo. “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta”. Từ đó tôi hoàn toàn theo Lênin, tin theo Quốc tế Ba. Trong bài trả lời phỏng vấn Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên báo L’Humanité (Pháp), ngày 15-7-1969, nghĩa là sau lần hoàn thiện bản Di chúc lịch sử và trước khi mất chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam… mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn…”. Nguyễn Ái Quốc cùng góp sức thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tích cực đấu tranh làm chuyển biến tư tưởng nội bộ quan tâm ủng hộ cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa chống thực dân Pháp trong Đảng Cộng sản Pháp. Vì thế, khi Việt Nam làm cuộc kháng chiến chống Pháp đã có sự hậu thuẫn tích cực của Đảng Cộng sản Pháp, một nhân tố quan trọng giúp chúng ta giành chiến thắng không chỉ mặt ngoại giao mà cả về chính trị, quân sự và kinh tế nữa.

Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng dừng lại trên đất Pháp đấu tranh đòi độc lập cho Việt Nam khó thành công. Sau giai đoạn tạo cơ sở tại nước Pháp ủng hộ cuộc chiến đấu giành độc lập của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp đi Liên Xô để tìm hiểu kỹ về chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp tìm hiểu công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô Viết, tiếp tục học hỏi và khẳng định con đường cứu nước. Chính Người đã nói: Ngày nay chủ nghĩa thì nhiều, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường đúng đắn nhất.

Độc đáo Hồ Chí Minh cho ta thấy nhiều người sinh ra ở châu Á cùng thời đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có những người nổi tiếng về lý luận, nhưng chỉ mỗi Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu tiếp thu vận dụng chủ nghĩa này không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác – Lênin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là “cái đơn thuốc vạn năng”, mà như Người nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó là chưa phải là toàn thể nhân loại”.

Độc đáo của Nguyễn Ái Quốc khi đang ở Nga và trên bước đường Người về phương Đông:

Chỉ có Nguyễn Ái Quốc là người nêu ý kiến sự khác nhau của cách mạng vô sản giữa phương Tây và phương Đông. Năm 1924, tại Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đã được mời đến giảng tại một lớp học của người cộng sản Đức, văn bản đã được nhà sử học Pháp Alain Ruscio công bố dưới đề mục “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ”. Người đọc báo cáo này được đánh giá là “một người am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác và thực tế lịch sử Việt Nam trong quá khứ và hiện tại…”. Nguyễn Ái Quốc nói: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ) không diễn ra giống như ở phương Tây”. Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, với một tư duy độc lập, nhằm mục đích cao nhất là tìm ra một phương pháp tối ưu, phù hợp với Việt Nam để giải phóng dân tộc, đã lập luận rằng: “Xã hội Đông Dương về mặt cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó (ở Đông Dương, Việt Nam) không quyết liệt như ở đây (ở châu Âu).” Ta thấy Nguyễn Ái Quốc có tư duy độc đáo kết hợp triết học phương Tây và phương Đông, triết học phương Tây thiên về lý, duy lý, có lúc đơn thuần, duy nhất, cực đoan; triết học phương Đông, ở Việt Nam có một triết lý khác: Có cả lý và tình. Trong cái xấu còn có thể tìm ra cái tốt, ở cái mạnh vẫn bộc lộ điểm yếu, trong âm có dương…

Người rất khéo, không để bị Stalin đưa vào diện đưa đi cưỡng bức lao động cải tạo ở các trại Gu-lắc; dù Người bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ sau khi bị bắt ở Hồng Kông lý do “Yên lành thoát khỏi ngục tù đế quốc”, thậm chí không phải không có khả năng, có ý kiến cho rằng Nguyễn Ái Quốc là nhân viên của Intelligence Service (Cơ quan tình báo Anh), cũng không ít người cho rằng Nguyễn Ái Quốc có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Theo nhận định của một số Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được coi như một người chịu ảnh hưởng “chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi”, chệch hướng đấu tranh, đoàn kết với tư sản, có vấn đề tư tưởng về đấu tranh giai cấp… trái với những luận điểm của Stalin. Vì vậy, Quốc tế Cộng sản đã ra nghị quyết đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, giao trách nhiệm cho Trần Phú, một trong những học trò của Nguyễn Ái Quốc đã theo học tại trường Đại học Phương Đông về Trung Quốc, triệu tập Đại hội Đảng với những tài liệu cơ bản do Quốc tế Cộng sản đã chuẩn bị.
Chỉ thấy ở Nguyễn Ái Quốc mới có hàng trăm tên khác nhau nhằm để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám Pháp và những kẻ phản động để tự bảo vệ mình khi hoạt động cách mạng.

Độc đáo Nguyễn Ái Quốc trong việc không thành lập ngay Đảng Cộng sản mà tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” để rèn luyện, thử thách chọn lựa những người xứng đáng khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam về sau.

Khi bị địch bắt vẫn thể hiện rõ tính cách độc đáo của một người yêu nước, không chỉ lần ở Hồng Kông năm 1931 được luật sư Lôgiơbi cứu mà lần bị quân Tưởng bắt năm 1942 ở Túc Vinh (Trung Quốc) với tên mới là Hồ Chí Minh, tướng Trương Phát Khuê phải trả tự do, trân trọng mời Người hợp tác và cho về nước.

Giai đoạn Người về nước trực tiếp xây dựng lực lượng, lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng có nhiều độc đáo liên tiếp:

Độc đáo Hồ Chí Minh ở chỗ thành lập Mặt trận Việt Minh tập hợp lực lượng cứu nước, trung thành với đường lối Người đưa ra tại Hội nghị hợp nhất ba Đảng Cộng sản tháng 2-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc.

Độc đáo còn thể hiện Người nắm bắt kịp tình hình, bắt tay với Đồng Minh, trực tiếp sang Trung Quốc gặp phái đoàn OSS của Mỹ, tạo mối quan hệ, tranh thủ họ ủng hộ Việt Minh.

Độc đáo Hồ Chí Minh về đối ngoại, tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc từ chỗ không đồng tình đến tích cực ủng hộ ta trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ Quốc.

Độc đáo Hồ Chí Minh từ tư tưởng, phong cách, phẩm hạnh đến sinh hoạt đều thể hiện ở tầm cao, nhưng Người luôn hạ mình xuống gần gũi với mọi người: ra đồng tát nước với nông dân, vào nhà máy, nông trường với công nhân, mình trần ngồi tâm tình cùng ngư dân (ở bãi biển Sầm Sơn), cùng ra trận với chiến sĩ… Lịch sử dân tộc Việt Nam trước đó chưa hề có một nguyên thủ quốc gia nào như Hồ Chí Minh. Người là cái bóng che mát, là người dẫn đường dìu dắt từng người đi về hướng thiện. Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại không bị trừng trị mà được Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ, Bác cư xử thấu tình với cựu hoàng dù biết ông này chẳng đóng góp bao nhiêu cho cách mạng. Trong thư Bảo Đại gửi cho mẹ ở Huế nói Bác Hồ đối xử tốt với con, như người cha thân thiết.

Độc đáo Hồ Chí Minh thể hiện ở Cần-kiệm-liêm-chính, Chí công vô tư. Người dạy tiết kiệm là không chi tiêu lãng phí, chi cái không cần thiết chứ không phải keo kiệt, hà tiện. Người không chấp nhận vì tình riêng làm điều không có lợi cho đất nước, chống mọi biểu hiện lợi dụng chức quyền làm điều không đúng với dân, càng chống cán bộ tham lam, hủ hóa, là ông/bà “quan cách mạng”. Suốt đời Người hy sinh quên mình lo cho sự nghiệp cách mạng, tương lai đất nước dân tộc.

Độc đáo về sự hiếu học của Hồ Chí Minh, chính nhờ điều này, Người không chỉ biết nhiều thứ tiếng mà hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nâng Người lên ngang tầm một vĩ nhân của thời đại. Người quan tâm sâu sắc lịch sử dân tộc ta, ngay khi bệnh nặng đầu giường của Người đang đọc dở một quyển sách về lịch sử.

Độc đáo Hồ Chí Minh trong nghệ thuật lãnh đạo, tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp từ hai bàn tay trắng:Châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng. Nghệ thuật kháng chiến chống Mỹ giành chiến thắng thống nhất nước nhà. Cuộc kháng chiến này rất khó, ngay cả Liên Xô, Trung Quốc đều ngán ngại lực lượng quân sự, tiềm lực kinh tế vô cùng mạnh của Mỹ. Vậy mà Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng.

Cả cuộc đời Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh có những độc đáo nối tiếp nhau cho tới ngày Người đi xa, từ việc lớn tới việc nhỏ, thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại, dám làm những việc người khác không dám làm, xử trí sự việc không phải ai cũng hiểu, nhất là thời kỳ đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng rồi người ta hiểu Hồ Chí Minh là người “cao tay” đáng nể phục nhất. Dám đánh và biết tổ chức lực lượng để chiến đấu và chiến thắng. Thành công trong công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập tự do là công lao trời biển của Hồ Chí Minh đối với dân tộc. Chính vì vậy nhân dân ta đã tôn vinh Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại nhất trong thời đại ngày nay. Điếu văn của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 tại thủ đô Hà Nội: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHÍ MINH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta”. Cũng vì vậy Hồ Chí Minh được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các dân tộc bị áp bức, tổ chức UNESCO ca ngợi, tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa.
Độc đáo Hồ Chí Minh đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam học tập noi theo, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cho hôm nay và mai sau.

Bài viết có tham khảo sách, bài của nhiều tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các Nxb Chính trị Quốc gia, Thanh niên, Trẻ…

Nguyễn Xuân Ba
(tuanbaovannghetphcm.vn)