Vị Chủ tịch nước kiểu mẫu

07.12.2015

Vị Chủ tịch nước kiểu mẫu

Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước ta, Tố Hữu là Phó bí thư Xứ ủy Trung bộ, mới 25 tuổi (Bác thì đã 55), lần đầu tiên trong đời được gặp Bác, ông hơi “choáng ngợp” như đụng phải quả núi. Cảm giác ban đầu của Tố Hữu là thấy Bác “nghiêm nghiêm”. Ông tự nhủ: Cũng phải, lãnh tụ phải nghiêm thế! Nhưng rồi, liền sau cái cảm giác nghiêm nghiêm ấy là tất cả những gì thân tình, chân thật như người nhà của Bác. Bác hỏi:

- Chú ra bằng gì?

- Thưa Bác, cháu ra bằng xe ô tô.

- Xe của ai? – Bác lại hỏi.

- Thưa, xe của mình – Ý Tố Hữu là nói “xe của đằng mình” thôi.

Không ngờ, Bác gặng lại:

- Xe chú đấy à?

Hoảng quá, Tố Hữu phải vội vàng thưa:

- Dạ không, thưa Bác, xe của Việt Minh.

Bác không nói gì. Bởi vì Bác rất sợ cán bộ trở thành những ông “quan cách mạng”. Hồi đó, Bác đi cái xe rất cũ. Rồi Bác hỏi:

- Bây giờ mấy chú làm gì?

- Thưa Bác, dân đói, chúng cháu lo cái ăn cho dân.

Nhân đó, Tố Hữu tranh thủ hỏi Bác:

- Bọn cháu ở bí mật ra, không hiểu chính quyền, xin Bác cho kinh nghiệm để về làm.

Bác nói: “Bác cũng mới làm. Bác có làm Chủ tịch bao giờ!”.

- Dạ, nhưng xin Bác chỉ vẽ cho!

- Ờ, cứ hỏi dân! Dân ưng cái gì, không ưng cái gì. Người ta ưng cái gì thì làm, không ưng cái gì thì đừng có làm. Làm thế nào, cũng hỏi dân.

Ngày nay, ta nói: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng Bác nói dễ hiểu hơn.

 

Một nhà nho nổi tiếng, một trí thức lớn là Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, lớn hơn Bác 14 tuổi, không đảng phái, đã hưởng ứng lời mời của Bác, đem tài đức ra phục vụ đất nước cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy Bác đã cảm hóa Cụ Huỳnh bằng cách nào? Chẳng có cách nào hơn thái độ gương mẫu, nhận hết khó khăn về mình, không bao giờ toan tính, vụ lợi. Có thể nói, Bác là vị Chủ tịch nước nghèo nhất trên đời. Chính cái nghèo ấy đã thu phục được cả lương tâm và trí tuệ Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Một vị nguyên thủ quốc gia mà nghèo như thế, Cụ Huỳnh chưa từng thấy bao giờ. Vì vậy trong một lần đi kiểm tra tình hình các tỉnh Trung bộ, Cụ Huỳnh đã nói với các nhà giàu có làm ăn với Chính phủ như sau:

- Các ông tưởng Cụ Hồ giàu lắm đó hả? Một cắc dính túi còn không có. Nhưng việc gì Cụ Hồ cũng biết hết. Cho nên làm ăn với tôi, các ông phải cẩn thận. Phải hiểu đất nước cần cái gì.

Năm 1946, trước khi sang thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Bác đã giao quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh – một người ngoài Đảng. Điều đó chứng tỏ Bác không định kiến, hẹp hòi với ai cả, miễn là người đó hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó lại cũng là một kiểu mẫu của nhà lãnh đạo đầy bản lĩnh.

Cụ Huỳnh mất năm 1947 trong một chuyến đi công tác xa. Trước lúc qua đời, Cụ có gởi cho Bác một bức điện, nói rõ tình trạng sức khỏe của mình và bảo rằng “chắc không qua khỏi”. Nhưng bức điện không hề có dấu hiệu bi quan mà chỉ có tiếc một điều là “không được gặp Chủ tịch (tức Bác) trước khi nhắm mắt”. Thế mới biết Hồ Chí Minh vĩ đại và thân thiết như thế nào. Cái nghèo của Bác theo Bác suốt cả cuộc đời. Cho đến cuối đời, Bác vẫn “không có một xu dính túi” như lời Cụ Huỳnh nói. Bằng chứng là quyển sổ tiết kiệm của Bác không còn tiền, bị ngân hàng giữ lại, vì Bác đã rút hết tiền để cho bộ đội mua nước giải khát khi trực chiến nắng nôi. Tương phản với cái nghèo cao quý ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một cách nói rất hay: “Tuy không có cái gì riêng, Người giàu lắm. Vì tất cả những gì của dân, của nước là của Người”.

Giai đoạn cuối 1945 qua năm 1946, dân ta đói lắm. Đất nước lại gặp muôn vàn khó khăn, nguy khốn. Cùng một lúc, Bác phải lãnh đạo Chính phủ tiến hành song song ba trận chiến: trừ giặc đói, trừ giặc dốt, trừ giặc ngoại xâm bằng khả năng tự có rất eo hẹp của đất nước mình. Vậy mà, từng nước cờ một rất thần kỳ, Bác đã hóa giải được tất cả. Dân được ấm no trở lại, số người biết chữ tăng nhanh, giặc ngoại xâm bị đánh bại từng bước cho đến trận Điện Biên Phủ vang lừng thế giới, đánh bại một nước đế quốc lớn, chuẩn bị lực lượng để đánh bại một nước đế quốc khác còn lớn hơn nhiều, hoàn thành kỳ diệu sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Trong mỗi bài toán nan giải nhất, Bác luôn luôn là người đi đầu, mở đường cho dân tộc đi theo. Và cả dân tộc vững tin bước theo Người – vị Chủ tịch nước kiểu mẫu của mình không bao giờ do dự hay nao núng.

Khi Bác mất, các bạn ở Trung cận Đông có một bức điện chia buồn sâu sắc, cảm động và tinh tế như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh có biệt tài giải quyết những công việc rất lớn bằng những biện pháp rất gần gũi. Để chiến thắng giặc đói, Người kêu gọi sản xuất và lập hũ gạo cứu đói, để chiến thắng giặc dốt, Người kêu gọi người biết chữ dạy người chưa biết chữ, để chiến thắng giặc ngoại xâm, Người kêu gọi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Năm tháng rồi sẽ đi qua, nhưng hình bóng Bác vẫn còn in mãi trong lòng người, sống mãi với thời gian như một pho tượng vĩnh hằng của một vị Chủ tịch nước kiểu mẫu mà nhân dân hằng mong có được.

Hoàng Xuân Huy
(Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 381)