NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG: Nhìn về văn hóa
Định hướng của Bộ Chính trị về “hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng” nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW cho thấy chiến lược phát triển văn hóa của một địa phương không thể đơn thuần là bản sao của chiến lược phát triển văn hóa chung cả nước, mà còn đòi hỏi phải có sự khác biệt nhất định, thông qua một số điểm nhấn mang tính đặc thù của văn hóa địa phương - hiểu theo nghĩa độc quyền phát triển hoặc tập trung phát triển mạnh hơn so với các địa phương khác.
Những điểm nhấn mang tính đặc thù
Để có thể hoạch định chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần nhìn lại thời gian qua thành phố bên sông Hàn đã độc quyền phát triển hoặc tập trung phát triển mạnh hơn so với các địa phương khác những điểm nhấn nào mang tính đặc thù của văn hóa Đà Nẵng, chẳng hạn như độc quyền trưng bày triển lãm nghệ thuật điêu khắc Chămpa, hay như độc quyền tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, hay như cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế “giải cứu” Hải Vân quan, và nữa và nữa...
Do vậy, chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không thể không tiếp tục nhấn mạnh các điểm nhấn ấy - những điểm nhấn có khả năng khẳng định thương hiệu thành phố bên sông Hàn.
Đà Nẵng không có/ không còn đền tháp Chăm như các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận, bù lại Đà Nẵng có Bảo tàng Điêu khắc Chăm hơn trăm năm tuổi độc nhất vô nhị trên thế giới; nhưng trong tầm nhìn chiến lược về văn hóa, Đà Nẵng có thể gắn kết Bảo tàng Điêu khắc Chăm với quần thể phế tích đền tháp Chămpa ở Phong Lệ.
Hay Lễ hội Pháo hoa quốc tế - thực chất là cuộc thi trình diễn pháo hoa nghệ thuật kết hợp với trình diễn nghệ thuật trên một sân khấu lớn, 10 năm nay đã trở thành thương hiệu văn hóa riêng có của Đà Nẵng; nhưng cần nghiên cứu để nâng cao đẳng cấp văn hóa của lễ hội này, chẳng hạn cần xử lý chuyên nghiệp hơn vấn đề bản quyền và tạo điều kiện thuận lợi hơn để từng quốc gia dự thi có thể thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc/ đất nước mình trong các chương trình trình diễn nghệ thuật hằng đêm.
Hay trong chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Vân quan - được công nhận là di tích cấp quốc gia sau nhiều thập niên hoang phế và là di tích quốc gia duy nhất được giao cho hai địa phương cùng quản lý - có thể trở thành điểm nhấn với mục tiêu phấn đấu mới: được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt như thành Điện Hải và danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Tuy nhiên, muốn hoạch định chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo tôi điều quan trọng hơn là cần nhấn mạnh đến tầm nhìn xa về tương lai của văn hóa, bắt đầu từ cái nhìn đúng về văn hóa.
Nhìn về văn hóa, thường người ta nghĩ ngay đến một trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đến những hoạt động mang tính phong trào quần chúng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ngày 16-7-1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thậm chí, nhìn về văn hóa, không ít người chỉ nghĩ đến các hoạt động liên quan đến văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, mặc dù Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã quan niệm rộng hơn, toàn diện hơn, bao quát hơn về văn hóa. Nhìn chưa đúng/ chưa đầy đủ ở đây là do chưa thấy độ bao phủ của văn hóa đối với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như văn hóa của chính trị hay văn hóa của kinh tế…
Khi đề cập khái niệm văn hóa của kinh tế hoặc văn hóa kinh doanh tức là đã nhìn văn hóa với tư cách một yếu tố tự thân không thể tách rời của kinh tế/ kinh doanh… Quan niệm văn hóa với một độ bao phủ rộng như thế mới có thể hiểu vì sao tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào tháng 11-1946, Bác Hồ đã đưa ra luận điểm rất mực đề cao văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Đào tạo nguồn nhân lực
Quan niệm văn hóa với một độ bao phủ rộng như thế mới có thể thấy chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 rất cần xem việc đào tạo/ đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực văn hóa/ văn học nghệ thuật như một bộ phận trong tổng thể đào tạo/ đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực chung của thành phố. Những người đứng đầu ngành văn hóa và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có chức năng đoàn kết tập hợp văn nghệ sĩ sẽ đơn độc biết bao trong quá trình tạo động lực phát triển văn hóa/ văn học nghệ thuật của địa phương nếu không có sự đồng hành của lãnh đạo cấp ủy/ chính quyền/ mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn.
Sự phát triển văn hóa/ văn học nghệ thuật của một địa phương không chỉ tùy thuộc vào tâm huyết và tài năng của những người đứng đầu ngành văn hóa và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có chức năng đoàn kết tập hợp văn nghệ sĩ mà còn tùy thuộc vào đẳng cấp văn hóa của lãnh đạo cấp ủy/ chính quyền/ mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn.
Việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa/ văn học nghệ thuật vốn có những khó khăn nhất định. Về khách quan, có thể nói có thời điểm chúng ta vẫn còn xem các hoạt động văn hóa/ văn học nghệ thuật nhẹ hơn các hoạt động kinh tế, từ đó dễ cảm thấy không làm hoặc làm không có hiệu quả đối với lĩnh vực này cũng không sao.
Về chủ quan, có thể thấy làm văn hóa/ văn học nghệ thuật không hề dễ dàng, nhất là đối với việc tạo nguồn nhân lực ở cả hai bộ phận quản lý Nhà nước cũng như tác nghiệp chuyên môn về các hoạt động văn hóa và sáng tác/ biểu diễn các bộ môn nghệ thuật.
Làm nghề gì cũng phải qua đào tạo để có một trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu công vụ và đặc biệt là nhằm khẳng định tài năng nghề nghiệp, nhưng đối với những nghề liên quan đến văn hóa/ văn học nghệ thuật còn đòi hỏi người hành nghề phải có một số tố chất cần thiết như là lòng yêu nghề, là thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật và nhất là cách ứng xử thật sự có văn hóa.
Chính cả hai loại khó khăn vừa khách quan vừa chủ quan như vừa nêu tác động cùng lúc đã khiến cho quá trình tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa/ văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng hiện nay chưa được như mong đợi. Đó cũng là trở lực đáng kể trong phát triển văn hóa Đà Nẵng đòi hỏi phải được giải quyết rốt ráo khi xây dựng chiến lược phát triển văn hóa Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với việc đào tạo/đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực văn hóa và nghệ thuật đối với một địa phương đang có hai loại hình nghệ thuật diễn xướng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghệ thuật tuồng và nghệ thuật hô/ hát bài chòi như Đà Nẵng - thì Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng nên được giao nhiệm vụ ưu tiên đào tạo nghệ sĩ tuồng/ nghệ nhân bài chòi cho địa phương mình cũng như cho các địa phương trong khu vực Trung Bộ, xem đấy là điểm nhấn trong đào tạo.
B.V.T