Không gian kiến trúc đô thị biển Đà Nẵng trong mối tương quan với nhu cầu phát triển về đô thị

07.05.2021
Nguyễn Cửu Loan
1 – Nằm trong hệ sinh thái biển của khu vực miền Trung, Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng khá độc đáo: Có vịnh, núi, sông, biển liền kề đã được đầu tư xây dựng dài hơn 40 Km kéo dài từ Hải Vân đến giáp Quảng Nam. Đà Nẵng lại là vùng đệm nằm giữa 3 di sản Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Đây là những ưu điểm nổi trội khó có nơi nào có được. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển hình thái đô thị Đà Nẵng là hết sức quan trọng.

Không gian kiến trúc đô thị biển Đà Nẵng trong mối tương quan với nhu cầu phát triển về đô thị

Ở giai đoạn 1975 – 1997, Đà Nẵng được xác định là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, có vị thế đóng vai trò trung tâm vùng các tỉnh Trung Trung bộ. Tuy nhiên trong thời kỳ này về phát triển đô thị, Đà Nẵng không những quay lưng ra biển mà còn lãng quên dòng sông Hàn đầy chất thơ mộng, bỏ qua nhiều cảnh quan thiên nhiên khác như: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Vân… Kiến trúc ở giai đoạn này không phát triển vì hạn chế vật liệu xây dựng, các công trình nhà cửa đại đa số dùng “đá rửa” Non Nước.

Giai đoạn 1997 – 2003, sau khi trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có bước chuyển biến đáng kể, tốc độ đô thị hóa nhanh và tương đối đồng bộ. Từ khi trở thành Đô thị loại I Quốc gia, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng theo hướng văn minh hiện đại, hướng tới mục tiêu và giữ vững vai trò là đô thị trung tâm của khu vực và là cầu nối trong mối quan hệ trong cả nước và quốc tế. Ở giai đoạn này, Đà Nẵng đã xác định vai trò với các tiềm năng của tự nhiên vốn có để có được những định hướng phát triển đô thị, đó là hướng biển và tiếp cận tự nhiên. Phương châm của chính quyền và nhân dân thành phố là “kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông”, khai thác hợp lý các yếu tố tự nhiên khác như sông, núi, đồng bằng, trung du…

Về không gian đô thị, như một cuộc viễn chinh thần tốc, Đà Nẵng đã băng qua sông Hàn với hàng chục cây cầu hiện đại, đồng thời cũng vươn mình ra mặt tiền biển với một không gian dải kiến trúc ven biển được bố cục tùy theo tính chất của từng đoạn, từng khu vực. Bố cục không gian theo dải dọc các trục đường ngang hướng biển, hình thành các trục dẫn trung tâm như trục trung tâm hướng Tây Bắc, trục từ sông Hàn ra biển, trục cầu Tuyên Sơn – đường Hồ Xuân Hương và mới đây cầu Rồng trục Nguyễn Văn Linh thẳng tắp ra biển…nối trung tâm thành phố với đường ven biển tạo hành lang hướng biển kết nối với tự nhiên. Không gian kiến trúc dọc tuyến ven biển được bố cục theo điểm trung tâm, hình thành những khu công trình với những khoảng trống phù hợp, tạo điểm nhấn cho cảnh quan trên tuyến và không gian thông thoáng cho những công trình phía sau. Đà Nẵng đã “Thâu tóm” được một khu vực rộng lớn mà Đà Nẵng đã ngủ quên trong nhiều thập niên trước, đồng thời cũng kéo dài đô thị theo bờ sông Hàn về khu vực phía Nam thành phố. Đà Nẵng đã tạo ra được một chuỗi tuyến hành lang ven biển này có ý nghĩa đặt biệt quan trọng, không những về phát triển kinh tế – xã hội mà còn hướng tới sự phát triển bền vững cho tổng thể cảnh quan thiên nhiên đô thị, không gian kiến trúc và môi trường vi khí hậu biển là tiền đề cho sự hình thành và phát triển các dải đô thị ven biển.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc: Đà Nẵng đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung nhưng cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề tổ chức mặt bằng tổng thể, phân khu chức năng, các hướng phát triển… mà chưa đề xuất được không gian kiến trúc, đặc biệt là trên các mặt tiền tuyến ven biển, các quy định về tầng cao trung bình và các chỉ tiêu chủ yếu của đô thị hướng biển. Các dự báo về quy mô dân số và dự kiến phân bổ dân số cho từng khu vực chưa hợp lý, chưa đủ cơ sở làm tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị liên quan. Quy hoạch chi tiết chạy đua theo phong trào khai thác chia lô, chiếm lĩnh toàn bộ không gian đô thị. Tổ chức môi trường ở còn ỉ lại các khu vực tự nhiên mà quên đi việc cải thiện môi trường, không gian tại các khu đô thị. Những vành đai huyết mạch ven biển chưa có cơ hội kết nối sâu trong đất liền nên chưa phát huy hết các yếu tố gợi mở của biển. Và, thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến nghi ngờ về sự phát triển của đô thị này. Phải chăng quá trình phát triển nóng đã làm cho Đà Nẵng mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Đà Nẵng có mắc phải những tồn tại giống như Nha Trang, Vũng Tàu khi những công trình cao tầng được mọc đầy trên cung đường ven biển sát với mép biển, bờ sông? Diện mạo kiến trúc có nét nào riêng, ấn tượng gây cảm hứng thị giác!

2 – Du lịch Đà Nẵng trong 10 năm trở lại đây đã lên ngôi, tạo điều kiện cho các dịch vụ – thương mại phát triển. Đặc biệt là tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Các công trình cao tầng mọc lên như nấm quay mặt về hướng biển như: Khách sạn, nhà hàng, chung cư, Condotel với một tốc độ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Và ngay tại khu vực này đang tạo ra sự hỗn loạn bởi khối nhà cao tầng đang chen chít nhau và dần biến chuỗi đô thị ven biển này thành những cái chợ lớn trong tương lai không xa, ví dụ như: Dự án khu khách sạn căn hộ Mường Thanh, Dự án tổ hợp căn hộ, Khách sạn cao cấp Alphanam Luxury Đà Nẵng, Dự án khu tổ hợp căn hộ cao cấp, Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn VNECO… tất cả cũng chỉ cách nhau vài bước chân, một khi các dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng nó sẽ cho ra đời cả hơn ngàn căn hộ, xấp xỉ cả vạn dân trong khi đó đường sá, cống rãnh ở khu vực này trước đây chỉ được thiết kế đủ cho một khu dân cư bình thường. Trước tình trạng đó, ngày 28/1/2019 thành phố đã có chủ trương chỉ cho phép xây dựng tối đa 9 tầng trên lô đất ở liền kề đối với khu vực trên tuyến đường ven biển chưa có thiết kế đô thị, quy định này kể cả ghép lô, ghép thửa. Ngoài ra còn tháo dỡ các công trình, nhà hàng xây dựng không phép hoặc hết thời hạn để thông thoáng cảnh quan bờ biển. Xem ra, việc này trước mắt chỉ để khắc phục những hạn chế, về lâu về dài cần phải có thiết kế cụm tổng quan đô thị ven tuyến biển mới mong tạo được cảnh quan, điểm nhấn cao trình kiến trúc.

3 – Mặc dù đã có định hướng qui định ban đầu về mật độ xây dựng đối với đô thị biển đã được đề xuất như: Đối với khu vực: Mật độ xây dựng 25%; mật độ cây xanh 45%; mật độ giao thông 30%. Đối với từng khu công trình: Mật độ xây dựng 40%; mật độ cây xanh, sân đường nội bộ 60%. Về kiến trúc công trình cũng được nghiên cứu thiết kế nghiêm túc trên cơ sơ điều kiện đặc trưng về khí hậu, địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tùy theo khu vực cần thống chiều cao, hình dáng kiến trúc và màu sắc công trình… để hướng tới hình thành và xác lập diện mạo kiến trúc địa phương. Vậy, tại sao bây giờ chúng ta phải đánh giá lại thực trạng của nó, có thể nhận định một cách khách quan như sau:

  • Sự ít quan tâm quản lý về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất của các cấp quản lý đô thị, phương thức tạo quỹ đất đô thị qua việc cho tư nhân đầu tư hạ tầng nhằm bán đất nền để thu lãi đã góp phần làm cho các khu quy hoạch thiếu những mảng xanh, thiếu thân thiện với môi trường, thiếu bãi đậu xe…
  • Tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, của các nhà chuyên môn còn nhiều hạn chế, vốn đầu tư luôn thiếu hụt, cũng đã ảnh hưởng nhiều trong việc quy hoạch phát triển có khi chưa xây dựng, chưa triển khai xong thì đã lạc hậu: Đường sá chật hẹp, không có diện tích giao thông tĩnh, hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế… Đơn cử khu đô thị từ ngã ba đường Phạm Văn Đồng kéo dài đến Nguyễn Văn Thoại.
  • Có khi quá xem trọng việc thu hút vốn đầu tư các cấp lãnh đạo đã bỏ qua một số nguyên tắc cần phải giữ như cho phép xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên bờ biển, nhà hàng làm chắn đi tầm nhìn ra hướng biển. Thiếu vai trò kiểm soát các công trình mới mọc, ít được quan tâm giới hạn bởi mật độ và tầng cao ít nhiều thu hẹp không gian sống và chắn hướng biển của đô thị. Cuối cùng căn nguyên của mọi căn nguyên là do chậm về thiết kế đô thị để định hướng, dù rằng những vấn đề đã được quy định được đặt ra trước đó cả chục năm.

– Để định hình không gian kiến trúc đô thị ven biển Đà Nẵng hướng tới phát triển bền vững. Trước hết, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để điều hòa và phát triển cân bằng lợi ích giữa 2 thành phần dân cư cơ bản hoàn toàn khác nhau trong cùng một không gian đô thị: Thứ nhất là của dân cư đô thị sống tại chỗ và ổn định thuần nhất và thứ hai là của lượng khách du lịch đa dạng hay biến động. Trên thực tế, đây là một mâu thuẫn. Đối với thị dân đô thị có nhu cầu làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, trong khi khách du lịch lại cần sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Người dân đô thị có nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời có trách nhiệm tham gia tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sống. Ở chiều ngược lại, khách du lịch rất đa dạng, luôn thay đổi, đến đô thị theo chu kỳ, chủ yếu thưởng ngoạn các giá trị tài nguyên, môi trường nhưng họ được xem là động lực chính cho sự phát triển kinh tế đô thị. Do đó, mối quan hệ tương tác để phát triển giữa 2 thành phần này là tất yếu. Và để phát triển hợp lý, bền vững, nhất thiết phải có sự cân bằng hài hòa trong giới hạn khả năng cho phép của sức chứa trong một môi trường sinh thái.

Vấn đề thứ hai, cần phải cấu trúc 3 không gian chính để cấu tạo nên hình thái kiến trúc, quy hoạch của đô thị  ven biển. Đó là khu dân cư, khu du lịch tập trung và khu hoạt động văn hóa – xã hội. Điểm nhấn  không gian đô thị ven biển thường là các công trình trung tâm, dịch vụ du lịch, khách sạn. Số lượng các điểm nhấn là tùy thuộc vào ý tưởng quy hoạch được thể hiện trong bố cục không gian tổng thể đô thị. Vì vậy, về phương diện hình thái, việc xác định các không gian chính rất có ý nghĩa quyết định, cho phép vừa nhấn mạnh không gian đô thị, vừa tổ chức hài hòa các hệ thống các công trình kiến trúc khác đối với từng khu vực chức năng và toàn khu vực đô thị ven biển. Khó khăn và mâu thuẫn lớn nhất đặt ra trong bố cục không gian kiến trúc đô thị ven biển cần phải giải quyết là mối quan hệ giữa các công trình, nhất là công trình cao tầng phục vụ du lịch sát biển, bởi càng gần biển, càng hấp dẫn nên công trình có xu hướng chiếm nhiều không gian bờ biển và phát triển cao tầng để thu nhiều nhất lợi nhuận. Nhưng như thế, công trình trước che chắn tầm nhìn ra biển của các công trình ở phía sau. Vì vậy, mật độ đất xây dựng ven biển và cách bố cục, khai thác không gian bờ biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đơn thuần về mặt sử dụng, về tạo hình công trình mà còn về thông thoáng đô thị.

Cuối cùng, việc rà soát các công trình cao tầng khu vực tuyến ven biển Đà Nẵng và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đô thị ven biển do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và tạp chí Kiến trúc tổ chức là việc làm cấp thiết trong quá trình phát triển hiện nay. Do đó, xin được một vài kiến nghị sau:

Cần có sự đánh giá lại hiện trạng và xem xét lại các mục tiêu phát triển, phù hợp với những định hướng chiến lược rõ rệt hơn về quy hoạch các kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng như: Phát triển mặt tiền biển phải mở ra cơ hội phát triển của khu vực phía sau, không án ngữ xuyên suốt như bức tường thành kiên cố; Quy hoạch nhà cao tầng phải phát triển trong mối liên kết chặt chẽ giữa độ lùi, khoảng cách điểm nhấn, giữa giao thông công cộng kết nối ra biển và đến các khu vực cộng đồng; Quy hoạch kiến trúc cao tầng cần phải tạo khoảng không gian trống để đưa gió vào sâu trong đất liền, nhằm cải thiện môi trường khí hậu đô thị; Xây dựng kiến trúc cao tầng ven biển Đà Nẵng cần xác định tầng cao tối đa và tối thiểu của từng đoạn trục phố để bảo đảm sự đồng bộ và đồng nhất trong kiến trúc, cần phải phù hợp với việc bảo tồn và nâng cao bản sắc đặc trưng của các đô thị biển duyên hải miền Trung, để đa dạng hóa đô thị biển quốc gia.

(Theo https://www.tapchikientruc.com.vn)