Thông điệp yêu thương từ tranh vẽ

28.08.2021
Hoàng Thuận
Thông qua bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vắc-xin", họa sĩ Xuân Lan góp phần cổ vũ người dân tiêm phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Thông điệp yêu thương từ tranh vẽ

Chỉ sau một thời gian đăng trên mạng xã hội, bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vắc-xin" của họa sĩ trẻ Xuân Lan đã nhận về hơn 15.000 lượt yêu thích và gần hàng ngàn lượt chia sẻ. Bộ tranh đã được chọn đăng tải trên fanpage của UNICEF Việt Nam - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.


Mong muốn đẩy lùi dịch bệnh

Bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vắc- xin", gồm 18 bức của Nguyễn Vũ Xuân Lan (bút danh X.Lan), là câu chuyện kể bằng tranh về hành trình đi tiêm vắc-xin của chính tác giả. Nữ họa sĩ đã vẽ câu chuyện của chính mình, để lại trong lòng người xem ấn tượng sâu đậm bởi tính cách chân thành. Nét vẽ của cô chính là sợi dây liên kết với người xem về hành trình của bộ tranh bắt đầu từ lúc đăng ký tiêm cho đến khi tiêm chính thức. Những bức tranh đều tập trung vào sự ân cần và hết mình của đội ngũ y - bác sĩ, cùng với ý thức của người dân trong trận chiến lớn chống dịch của cả nước. Giới chuyên môn nhận xét tranh của nữ họa sĩ Xuân Lan là nơi hội tụ những tấm lòng người dân trong cơn đại dịch Covid-19.


Họa sĩ Xuân Lan và một bức tranh trong bộ “Nhật ký đi tiêm vắc-xin”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xuân Lan hoàn thành bức tranh đầu tiên sau khi tiêm vắc-xin được 4 ngày. Phải gác bút một ngày do bị sốt cao và mệt mỏi do phản ứng phụ sau khi tiêm, cô tiếp tục lao vào công việc với mong muốn đưa vào tranh nét màu tươi sáng, truyền cảm hứng tích cực đến người xem. Thông qua bộ tranh này, họa sĩ Xuân Lan góp phần cổ vũ người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Điều đầu tiên dễ nhận ra ở họa sĩ Xuân Lan là tình yêu, niềm say mê với công việc. Cô tìm tòi sáng tạo lối đi riêng, luôn năng nổ với nghề và không bằng lòng với những gì đã làm để nỗ lực đi tới. Trước "Nhật ký đi tiêm vắc-xin", album tranh vẽ "Em bé cách ly" của cô nhận được hơn 15.000 lượt thích và 2.600 lượt chia sẻ bởi sự đáng yêu, chân thành mà cô gửi vào tác phẩm.

 
 
Sau nhiều năm dạy học, Xuân Lan quyết định nghỉ việc (giảng viên tiếng Anh của một trường đại học tại TP Hà Nội) để đeo đuổi niềm đam mê vẽ tranh. Ban đầu cô chỉ vẽ tranh kể chuyện hằng ngày nhằm chia sẻ với bạn bè. Đến một ngày cô mạnh dạn gửi tranh đến trang HitRecord của diễn viên Joseph Gordon-Levitt, thần tượng của mình. Chính cô cũng không ngờ diễn viên này đã đưa tranh đó lên fanpage chính thức của anh, Xuân Lan kể.

Sống đẹp hơn sau khi xem tranh

Cảm xúc của mỗi câu chuyện Xuân Lan kể quyện chặt lấy suy nghĩ của người xem khi cô gửi gắm nỗi niềm vào những mẩu hội thoại hài hước nhẹ nhàng. Dù ngôn ngữ tranh dành cho tuổi teen nhưng rất nhiều phản hồi từ cư dân mạng tuổi 40-50 đã làm cô cảm thấy hạnh phúc sau mỗi lần công bố tranh mới. Thông qua vẽ tranh và cổ xúy tình yêu truyện tranh theo lối đi riêng, Xuân Lan muốn vươn tới những giá trị cao quý, đó là cùng người xem thực hiện những hành trình đi tìm cái đẹp theo sự thôi thúc của con tim để bảo vệ cộng đồng.

Xen lẫn là những bộ tranh kể về câu chuyện tâm lý phụ nữ, với góc nhìn ngộ nghĩnh xảy ra mỗi ngày của những bạn gái trẻ cùng thế hệ. Đầu năm 2016, bức vẽ "Công bằng nhưng không bằng" về bình đẳng giới của Xuân Lan đã được Đại sứ quán Bỉ và Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc trao giải nhất cùng chuyến đi khám phá, vẽ truyện tranh tại Bỉ.

Xuân Lan tâm sự truyện tranh cũng là một nghệ thuật và có sức ly kỳ không kém tiểu thuyết. Người xem tranh và đọc truyện tranh cũng có thể tìm thấy những triết lý sâu sắc và ngôn ngữ văn chương riêng biệt khi những vấn đề thời sự được lồng ghép hợp lý, chạm đến sự quan tâm của số đông. Thỉnh thoảng, nữ họa sĩ nhận lời vẽ tranh theo đặt hàng của các cơ quan muốn quảng bá về giáo dục môi trường, giới tính, phong cách sống. Nhiều người trong giới chuyên môn cũng muốn cô viết sách, một số nhà xuất bản cũng đề nghị cộng tác nhưng Xuân Lan từ chối. Cô chỉ chú tâm vẽ tranh và suy nghĩ về cuộc sống với góc nhìn tích cực, trước hết là trong đại dịch này, để mọi người sống đẹp hơn sau khi xem tranh và nghiền ngẫm những mẩu chuyện cô kể. 

Gợi mở sự sáng tạo

Trước khi giãn cách xã hội, họa sĩ Xuân Lan đã nhận lời tham gia dạy một lớp vẽ truyện tranh cho trẻ em. Cô đã chuẩn bị giáo trình riêng để giúp các bạn trẻ chuyển điều muốn nói và hình ảnh đến bạn bè. Ban đầu là những phác thảo, sau đó là nâng cao dần để có những bộ truyện tranh cho chính mình. "Tôi luôn gợi mở sự sáng tạo, trước hết là kể câu chuyện hằng ngày của chính mình, để các bạn trẻ không phải copy của một ai khác, mà phải là suy nghĩ tự thân, để mỗi bức tranh góp phần lan tỏa đến cộng đồng tinh thần công dân, làm đẹp cho cuộc sống" - Xuân Lan nói.

(nld.com.vn)