Nhà văn Thái Bá Lợi – Khám phá sự phức tạp của con người

01.08.2024
Đoàn Tuấn
Quê hương nhà văn Thái Bá Lợi ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sơn Hải là một xã vừa có núi, vừa có biển, vừa có ruộng đồng. Dân cư nơi đây có nhiều nghề. Người đi biển. Người làm nông. Người làm muối. Người buôn bán… Dân trong xã có đủ trăm nghề. Xã có chợ Ngò luôn đông đúc.

Nhà văn Thái Bá Lợi – Khám phá sự phức tạp của con người

Đặc biệt, xã còn có kênh nhà Lê, một con kênh nối từ kinh đô Hoa Lư đến Đèo Ngang chảy qua. Đó là tuyến đường thủy được làm theo ý tưởng của Vua Lê Đại Hành nhằm kết nối đường thủy từ trung tâm nước Đại Việt tới biên giới Chăm Pa. Người dân nơi đây gọi đoạn kênh chảy qua Sơn Hải là sông Hàu. Nơi đây là vùng lập nghiệp của nhiều dòng họ lớn. Nhiều nhân tài văn học, nghệ thuật đã sinh ra ở đây. Đó là những người nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhạc sĩ Ánh Dương, nhà văn Thái Bá Lợi...

 Phong cách sáng tác của mỗi nghệ sỹ thường mang dấu ấn nơi vùng đất mình được sinh ra. Như thi hào Nguyễn Du từng viết: “Nền phú hậu, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Cách viết của mỗi nhà văn thường mang hơi hướng, phong thủy của vùng quê trong lý lịch. Còn tài năng của mỗi người thường là sự kết tinh những yếu tố mang tính nhân quả mà tạo hóa ban tặng. Sơ qua vài nét về quê hương của Thái Bá Lợi để chúng ta có thể hình dung về những chặng đường sáng tạo văn học của nhà văn sau này.

Gặp nhà văn Thái Bá Lợi nhiều lần, nhưng tôi chẳng bao giờ thấy anh và các đồng nghiệp trò chuyện văn chương. Toàn những chuyện bông đùa, trên trời dưới biển. Có một lần, Thái Bá Lợi cùng nhà thơ Thanh Thảo, từ miền Trung ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Vừa xuống tàu ở ga Hàng Cỏ, hai anh bắt xe về nhà dịch giả Trung Đức ở phố Tràng Tiền.

Nhà anh Trung Đức lúc bấy giờ luôn là một địa chỉ văn học ấm áp của Hà Nội. Nhiều người đã tụ tập ở đây để đón hai anh. Tất cả đang hàn huyên tưng bừng, bỗng nhà thơ Hữu Thỉnh xuất hiện. Ngay lập tức, hai anh chuyển đề tài.

Nói chuyện vừa xuống tàu, lớ ngớ tìm ba lô và xác định hướng ra, bỗng bị mất cắp. Những năm tháng khó khăn đó, chuyện mất cắp ở Hà Nội là bình thường. Nhưng trước thái độ sửng sốt của hai nhà văn, nói theo tên một tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, đó là “những người từ trong rừng ra”. Những người có mặt lúc đó như nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha… tất cả đều tưởng thật.

Nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó, đương kim Chủ tịch Hội nhà văn, tin ngay. Anh lập tức gọi điện về Văn phòng Hội, đề nghị cấp kinh phí “đền bù” của Hội cho hai “nạn nhân”. Ngay lập tức, giấy tờ và nguồn tài chính được chuyển đến những địa chỉ cần thiết. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ để các văn nghệ sĩ có trận vui tưng bừng.

Mãi sau này, tôi mới nghe hai anh “bật mí”. Đó là “một chuyện đùa” với Hữu Thỉnh. Chẳng để làm gì. Chỉ để vui thôi. Nhưng bất chợt giữa những chuyện tào lao ấy, nếu biết lắng nghe, thế nào ai đó cũng nhặt được những hạt bụi vàng, những nhận xét về nhân tình thế thái rất chí lý.

Nhà văn Thái Bá Lợi nhập ngũ năm 1965. Sau mấy tháng huấn luyện, anh được chọn đi học lớp y sĩ. Sau khóa đào tạo quân y cấp tốc, anh được điều vào chiến trường. Đơn vị anh hoạt động ở những địa danh khốc liệt như  Đường 9, thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân…

Những công việc của một người lính quân y đã giúp Thái Bá Lợi hình thành tính cách thận trọng, kỹ lưỡng. Với những vết thương, quan trọng là sự băng bó kịp thời. Nhưng một việc quan trọng không kém, là quá trình điều trị, theo dõi sự phát triển của nó.

Chính sự cẩn thận và biết cách lắng nghe nỗi đau của người khác đã góp phần tạo nên cách nhìn nhận vấn đề, cách phân tích tâm lý nhân vật sau này khi Thái Bá Lợi chuyển sang nghiệp cầm bút. Năm 1971, sau hơn 5 năm làm quân y, Thái Bá Lợi được chuyển về Ban Văn học thuộc Cục chính trị Quân khu V. Được làm công việc yêu thích là viết văn, làm báo mặt trận.

Nhà văn Thái Bá Lợi bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn bằng truyện ngắn “Hai người trở lại Trung đoàn”. Anh viết truyện này sau năm 1975, bên bờ sông Thu Bồn. Ngày ấy, trong không khí thống nhất, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng thật đẹp. Mọi bài ca, bức tranh, cuốn sách, vở kịch… đều tô đậm gương mặt người chiến thắng.

Nhưng là một người trải nghiệm, suy tư, Thái Bá Lợi đã nhận ra có điều gì cần phải xem lại trong cách ngợi ca một chiều đó. Bởi trong chiến tranh, anh và các đồng đội từng chứng kiến nhiều người đào ngũ, đập bệnh, nhiều hành vi cơ hội được bọc sau những lớp ngụy trang. Những lớp ngụy trang này, có thể bị “lộ sáng” ở nơi này, nhưng đến nơi khác, nó còn có thể được bồi đắp, trở thành những hình mẫu mà chính các anh phải học tập.

Anh viết “Hai người trở lại Trung đoàn” để cảnh báo sự xuất hiện của những cái xấu, cái cơ hội đang hình thành trong vỏ bọc hào nhoáng. Để tải được ý tưởng này, anh chọn motip cũ là câu chuyện tình tay ba giữa cô trinh sát tên Mây và hai đồng đội Thanh và Trí. Thanh yêu Mây. Nhưng do một sự hiểu lầm, Mây nghĩ sai về Thanh.

Cùng lúc đó, Trí và Mây có dịp gần nhau. Trí cũng thực lòng yêu Mây ở chiến trường. Sau đó, Trí được cử đi học sỹ quan. Về thành phố, Trí quên ngay Mây. Ngôi sao ở mặt trận giờ lu mờ trước bao cô gái thành phố. Thanh gặp lại Mây. Nhưng Mây đang mang giọt máu của Trí. Họ sẽ xử sự thế nào để đường công danh của Trí thuận buồm xuôi gió?

Câu chuyện ra đời, được đón nhận nồng nhiệt. Người đọc tìm được tiếng nói đồng cảm trước thời cuộc. Song cũng có ý kiến đòi hỏi nhà văn phải làm rõ động cơ và số phận từng nhân vật. Điều đó có thể rất đúng. Nhưng nó chỉ có thể được trình bày trong dung lượng của tiểu thuyết. Trong hoàn cảnh và điều kiện lúc đó, Thái Bá Lợi đã chọn hình thức truyện ngắn để truyền tải thông điệp.

Nhà văn đã phác thảo được những đường nét về sự phức tạp trong tính cách con người. Qua câu chuyện, anh muốn đề cập đến vấn đề mấu chốt. Đó là  sự thận trọng trong khoa học nghiên cứu về nhân học. Đó là một hướng viết, một lối đi đã được anh đặt những đường cày đầu tiên. Một hướng đi hình thành con đường sáng tác của anh sau này. Nó lặng lẽ và vô cùng khó nhọc. Một hướng đi độc đáo mà ít người nhận ra.

Những tác phẩm sau này của Thái Bá Lợi như “Vùng chân Hòn Tàu”, “Thung lũng thử thách”, “Họ cùng thời với những ai”, “Đội hành quyết”… đến những tác phầm gần đây như “Minh sư”, “Trùng tu”, “Câu chuyện Đà Nẵng”… đều được viết trên cảm hứng chủ đạo về những góc khuất trong tâm hồn con người. Chính những góc khuất này là những mảnh ghép có giá trị để chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về con người và thời cuộc.

Trong cách sống cũng như cách viết, Thái Bá Lợi tự rèn luyện cho mình một phong cách chậm rãi, kỹ lưỡng. Nhìn dáng anh đi luôn khoan thai, bình thản. Nhưng đôi mắt anh luôn tìm thấy những góc nhìn khác biệt vào mỗi sự vật, mỗi vấn đề của cuộc sống. Vì vậy, mối tác phẩm của anh đều mang đến cho người đọc một sự bất ngờ, một cái nhìn mới về những điều, những người mà ta tưởng như đã biết từ lâu. Chính vì vậy, những tác phẩm của Thái Bá Lợi mang  “những cái tên nghe chẳng thơ đâu”, những cái tên không “bắt mắt”, không “hoành tráng” nhưng luôn chứa đựng những thông điệp cần thiết.

Văn phong của Thái Bá Lợi được rất nhiều nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp đánh giá cao. Anh tự rèn luyện cho mình một phong cách viết cẩn trọng, xác đáng đối với từng chữ, từng câu. Đối với anh, dù câu văn miêu tả thiên nhiên hay kể về sự việc, mỗi câu phải có trách nhiệm mang được một ý. Ý trước gọi ý sau. Người đọc câu trước không thể đoán được câu sau. Nhà văn chỉ gợi chuyện bằng cách kể. Còn ý nghĩa của câu chữ sẽ được người đọc tự cảm nhận, tự thưởng thức. Đó là cách viết “ý tại ngôn ngoại”, cách viết để người đọc cùng tham gia sáng tạo.

Chẳng hạn, mở đầu trong tiểu thuyết “Trùng tu”, anh viết: “Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế tình cờ găp nhau”. Ngỡ như một câu bình thường. Nhưng nếu nhìn vào dung lượng con người và sự việc thì chứa đựng một thông điệp khổng lồ. Hai người còn lại.

Họ sống sót. Ký ức chung là trận đánh có 700 người hy sinh. Địa điểm đó là Huế, Họ gặp nhau sau bao năm. Không hẹn. Chỉ là tình cờ. Câu văn mở ý nhỏ “hai trong số vài ba chục người còn sống”. Cả câu mở ý lớn: động cơ và mục đích gặp gỡ của hai người sẽ ra sao? Và cả câu còn xác định số lượng nhân vật của tiểu thuyết rất ít. Chỉ hai người. Và nội dung là sự bí ẩn buộc người đọc theo dõi.

Không những chăm sóc câu văn một cách tận tình, Thái Bá Lợi còn là người chăm chút những tác phẩm tinh thần một cách tận tụy, như cách anh chăm sóc những thương binh, bệnh binh trong chiến tranh. Là người đi qua cuộc chiến ở những chiến trường khốc liệt, Thái Bá Lợi hiểu rằng, mỗi trận đánh không hề đơn giản, mỗi chiến thắng không hề dễ dàng. Khi viết văn cũng vậy, mỗi tác phẩm là sự thai nghén, là sự tổ chức cấu trúc nhiều lần, là những bản thảo gạch xóa, là những sự đọc lại, sửa chữa nhiều đêm… trước khi đến với bạn đọc.

Anh hiểu, muốn được bạn đọc yêu mến tác phẩm của mình, trước tiên, mình phải yêu nó. Yêu nó như cách chăm sóc một hài nhi. Để khi nó chập chững bước vào đời, không bị người ta chê cười về trang phục, về cách đi đứng, ăn nói… Thái Bá Lợi kể, có lần, ở tòa soạn báo Thanh niên, người ta đề nghị anh gửi một truyện ngắn. Bản thảo không mang theo. Anh nói, tôi có thể đọc thuộc lòng truyện ngắn đó. Nhiều người không tin. Ngay lập tức, Thái Bá Lợi đọc truyện ngắn của mình cho nhân viên đánh máy gõ ngay tại tòa soạn!

Có một thời, Thái Bá Lợi vào chùa. Vào một cách nghiêm chỉnh. Anh chọn một ngôi chùa ở Vũng Tàu. Tại đây, anh có cho riêng mình một cái am nhỏ. Tiếp xúc với kinh Phật, lắng nghe lòng mình, lắng đọng việc đời, tìm ý nghĩa chân chính của cuộc sống nhiều góc cạnh, Thái Bá Lợi càng ngộ ra nhiều điều mà anh cảm nhận từ hồi trẻ, từ thời chiến. Những cảm nhận này được anh dần thể hiện trong các tiểu thuyết “Minh sư”, “Trùng tu”, “Câu chuyện Đà Nẵng”… Những tác phẩm của anh ngày càng có chiều sâu. Chiều sâu của sự dàn dựng, của cấu trúc, của sự khám phá nhân vật… Song tất cả vẫn được gói ghém bởi sự giản dị, tính mực thước của hình thức bên ngoài. Chúng như những ngôi chùa. Bề ngoài chân phương, nhưng bên trong tỏa hương.

Gió và thời gian mang hương đi xa…

(cand.com.vn)