Han Kang - nữ văn sĩ Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel trong lịch sử
Dấu ấn bất ngờ
Được Ủy ban Nobel Văn chương ngợi ca là “nhà cải cách trong văn xuôi đương đại”, Han Kang được vinh danh bởi “những áng văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt khi đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”.
Trước đó những tên tuổi nổi bật như: Tàn Tuyết, nhà văn Trung Quốc được độc giả Việt Nam biết đến qua những tác phẩm như “Những chuyện tình thế kỷ mới”, “Phố ngũ hương”, nhà văn Haruki Murakami của Nhật Bản, tiểu thuyết gia Margaret Atwood của Canada, tác giả Gerald Murnane của Úc, Ngugi Wa Thiong'o của Kenya được truyền thông và giới chuyên môn dự đoán trở thành chủ nhân giải Nobel Văn chương năm nay.
Năm 2023, giải Nobel Văn chương lần thứ 116 được trao cho tác giả Jon Fosse của Na Uy “vì những vở kịch và áng văn xuôi đầy sáng tạo, đã giúp cất lên những lời không thể nói ra”. Năm 2024, ở tuổi 54, Han Kang trở thành người Hàn Quốc đầu tiên và nữ tác gia châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng đặc biệt này. Không phải một lựa chọn nghiễm nhiên, với một thế giới thẩm mỹ tràn đầy độc đáo, chắc chắn Han Kang không thể giống như Jon Fosse. Có lẽ cô thuộc về một con đường khác với những thế giới gần gũi, đồng điệu với các tên tuổi như Kazuo Ishiguro, hay Bob Dylan.
Nobel Văn chương luôn khó đoán đến mức người ta nói rằng nếu có một yếu tố bất biến trong lịch sử trao giải Nobel Văn chương, thì chỉ có thể là sự bất ngờ. Giải Nobel Văn học dành cho Han Kang khiến người dân Hàn Quốc vỡ òa hạnh phúc. Trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chia sẻ đây là một thành tựu to lớn trong lịch sử văn học Hàn Quốc và mang lại niềm vui cho toàn thể nhân dân.
Han Kang qua một cuộc gọi thông báo đầy ngạc nhiên và vinh dự, chọn cách ăn mừng niềm vui bình lặng bên bữa cơm gia đình. Và vì không biết uống rượu, cô chọn uống trà cùng cậu con trai. Tất cả diễn ra yên ả và êm đềm, như cách cô đã lớn lên cùng sách vở, giữa những lạc lối và tỏ tường, buông xuôi và nỗ lực, yếu mềm và mạnh mẽ trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của một cô bé đi qua nhiều cột mốc lịch sử thăng trầm.
Người vẽ cái đẹp và nỗi đau
Vào năm 1993, Han Kang bắt đầu sự nghiệp của mình với việc xuất bản một số bài thơ trên Tạp chí Văn học và xã hội ở Hàn Quốc. Kế đến vào năm 1995, cô ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Love of Yeosu” (tạm dịch “Tình yêu của Yeosu”), liên tiếp sau đó là một số tác phẩm văn xuôi bao gồm truyện ngắn và cả tiểu thuyết.
Khi nghĩ về Han Kang và những năm thiếu thời, tôi liền nghĩ tới cô và những ký ức đầu tiên bên cạnh cha mình, tiểu thuyết gia Han Seung Won, với những chồng sách lũ lượt chất đống, tràn ra khỏi kệ, phủ khắp mặt sàn thành hàng hàng lớp lớp như lạc vào một cửa hiệu sách cũ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Han Kang từng chia sẻ, với cô “sách là những sinh thể nhen nhóm sự sống, không ngừng nhân bản và mở rộng lãnh thổ”, chúng đã bảo vệ cô trong những cuộc chuyển giao, đổi dời. Để khi đau thương hiển hiện, cũng chính trang sách là nơi tạo ra một thế giới khác, cứu cô thoát khỏi nhà tù tâm trí bằng những khắc họa chân thực về tổn thương mà con người phải gánh chịu trong lịch sử và cuộc đời.
Ông Anders Olsson, Chủ tịch của Hội đồng giải Nobel, nhận xét: “Han Kang đối diện với những chấn thương lịch sử và những quy tắc vô hình, trong mỗi tác phẩm cô đều phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người. Cô ấy có khả năng nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, sự sống và cái chết, trong phong cách sáng tác đầy chất thơ và giàu trải nghiệm. Cô đã trở thành một nhà cách tân trong văn chương đương đại”.
Một số tác phẩm nổi bật của Han Kang
Trong các tác phẩm của mình, Han Kang luôn phủ bóng nỗi đau, những dằn vặt giữa tinh thần và thể xác lên con chữ. Đó là một “Your Cold Hands” (tạm dịch: Đôi tay lạnh giá của anh) huyền ảo và ám ảnh về cuộc đời của nhà điêu khắc mất tích; một “The Vegetarian” (Người ăn chay) vụn vỡ và bện đan nhiều lớp ý nghĩa về bản thể, nhân sinh của cô gái Yeong-hye; một “Human Acts” (Bản chất của người) tàn khốc và đớn đau với hiện thực tàn nhẫn trong những vết thương lịch sử khó lành; là “The White Book” (Trắng) đượm buồn và giàu chất thơ tựa một khúc sầu ca hiển hiện giữa màu trắng và nỗi buồn; là “Greek Lessons” (tạm dịch: Những bài học tiếng Hy Lạp) đẹp đẽ và mỏng manh giữa hai con người bị tổn thương và mất mát,…
Bao quanh trang sách là bầu sinh quyển đứt gãy, vỡ nát trong giao kết giữa các cá nhân giữa những giấc mơ hư thực. Tất nhiên như mọi áng văn khác, Han Kang luôn là một nữ sĩ lãng mạn, với thứ văn chương giàu chất thơ, tính nhạc với những câu chuyện trần trụi, tàn bạo về sự mỏng manh bé nhỏ của kiếp người.
Với Han Kang, “Cuộc sống như một tấm vải che phủ vực thẳm, và chúng ta sống trên đó như những diễn viên nhào lộn đeo mặt nạ” (Your Cold Hands). Trôi dạt giữa những lục địa hàm nghĩa, từ tự do nhân vị đến bản thể sinh thái, từ bạo lực gia đình đến hệ lụy chiến tranh, từ tình yêu đến tình dục, từ hỗn loạn điên cuồng đến ngẫm suy nghĩ ngợi, từ khung ảnh in ra từ giấc mơ con người đến lời hát tiếc thương cho một thân cây của đứa bé, văn chương Han Kang luôn là hai thái cực giằng xé giữa cái đẹp và nỗi đau.
Những áng văn đầy bản sắc
Là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc đầy ý nghĩa. Như đường hầm thời gian nối liền quá khứ và hiện tại, những tác phẩm mạnh mẽ mà trữ tình của Han Kang tựa một lời ủi an độc giả trước những hiện thực bạo tàn, khốc liệt.
Bên cạnh khả năng nắm bắt cảm xúc chính xác, nghệ thuật sử dụng ngôn từ tối giản nhưng đầy ấn tượng cũng là điểm nhấn trong các tác phẩm của nhà văn Han Kang. Đơn cử như trong “Người ăn chay”, hàng loạt câu nói như: “Cô ấy là một người phụ nữ tốt, anh nghĩ. Kiểu phụ nữ mà lòng tốt của họ thật áp bức”, “Tại sao chết lại là điều tồi tệ đến vậy?”, “Lương tâm là thứ đáng sợ nhất trên thế gian này” lần lượt hiện lên, dấy lên nhiều vấn đề triết lý.
Đồng thời, nghệ thuật kể chuyện sử dụng những câu chuyện phân mảnh rời rạc và phi tuyến tính, không theo trình tự thời gian kết hợp cùng nhiều ẩn dụ buộc người đọc tập trung, nghiền ngẫm và suy nghĩ sâu sắc. Chính chủ đề phổ quát về nỗi đau, bóc tách tâm lý, khát vọng tồn tại của con người, cùng những sáng tạo về hình thức biểu hiện, khiến cho Han Kang trở thành một gương mặt nổi bật của văn học châu Á nhiều năm nay.
Tuy nhiên, chiến thắng của Han Kang không chỉ đơn thuần là một sự công nhận tài năng cá nhân, mà còn góp phần thể hiện sức ảnh hưởng của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ và quảng bá văn hóa quốc gia tới công chúng toàn cầu. Bởi lẽ một yếu tố quan trọng trong hành trình đến với Nobel Văn chương của Han Kang chính là sự hỗ trợ từ dịch giả Deborah Smith - người đóng vai trò then chốt trong việc đưa tác phẩm “Người ăn chay” đến với độc giả phương Tây. Đây là minh chứng rõ ràng về vai trò của dịch thuật trong việc kết nối các nền văn hóa khác nhau. Từ một tác giả ít người biết đến, Han Kang đã nhanh chóng trở thành biểu tượng văn học toàn cầu chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên.
Sự thành công của Han Kang là tín hiệu đáng mừng cho văn học châu Á, mở ra những hy vọng về ngày giấc mơ Nobel nở rộ trên chính quê nhà của các cây bút nữ châu Á. Chiến tranh đã qua, ký ức đau buồn đã qua, duy cảm xúc trọn vẹn với đủ đầy cung bậc trong từng trang văn là còn mãi. Để giờ đây, mỗi khi lần giở những trang viết ấm nóng đầy hiện thực và chất thơ, chúng ta lại thêm yêu quý và tự hào về dấu ấn mới của văn học châu Á với những trải nghiệm thẩm mỹ phong phú trong đời sống tinh thần của con người.