Nhà văn Bùi Tự Lực - Anh đã về với Nội

13.08.2021
Nguyễn Kim Huy
Nhà văn Bùi Tự Lực say mê văn chương từ lúc còn là một cậu bé giao liên rồi trở thành học sinh Miền Nam trên đất Bắc. Sau giải phóng về lại quê hương Thăng Bình, Quảng Nam làm thầy giáo dạy học rồi trở thành “quan chức” huyện nhà, lại đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc rồi về Đà Nẵng với vợ con và công tác trong ngành tài chính (kho bạc) cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng dù ở lĩnh vực nào anh vẫn luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Đặc biệt với anh, lúc nào anh cũng viết và viết để rồi trở thành nhà văn.

Nhà văn Bùi Tự Lực - Anh đã về với Nội

Nhà văn BÙI TỰ LỰC (1954 - 2020) Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Nguyên Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TP Đà Nẵng

Nhà văn Bùi Tự Lực, từ trong sâu xa, bản chất con người anh vẫn là luôn là một nhà văn đúng nghĩa. Yêu văn thơ đến mức cháy bỏng, ngồi ở đâu cũng chỉ nói chuyện văn thơ sáng tác, kể về những điều mình đang viết, dự định sẽ viết, cuộc đời lại trải qua nhiều gian khổ mất mát trong chiến tranh, nhiều năm công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, anh có một vốn sống phong phú và cả một tâm hồn nhạy cảm, một cảm quan sắc bén nhanh nhạy tinh tế trong mọi vấn đề để sống, đề viết. Bộc trực, có phần nóng tính nhưng luôn hài hước vui nhộn, anh luôn biết cách để những cuộc tụ họp anh em trở thành những buổi tọa đàm văn chương thế sự ngẫu hứng sôi nổi. Một lần, tôi chứng kiến cuộc gọi tranh luận, hay nói chính xác là một cuộc cãi nhau nảy lửa giữa anh và người đứng đầu thành phố Đà Nẵng khi xảy ra một vụ án chấn động dư luận vì tình tiết bị can là một vị tướng công an… ra tòa trên xe cứu thương mà anh là người khẳng khái viết bài “Một lối hành xử của tòa” đăng trên mục “Ý kiến nhà văn” trên báo Văn nghệ ngay khi phiên tòa đang diễn ra. Anh cũng là nguời hết mình và đầy tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động văn học nghệ thuật, khi là Chi hội phó của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng, anh đã cùng chúng tôi nỗ lực biên soạn và xuất bản bộ “Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng” khá bề thế, đầy đủ chân dung và tác phẩm các nhà văn đang sống và viết ở Đà Nẵng; với vai trò là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP, anh luôn có những ý kiến thẳng thắn, rõ ràng sau khi đã đọc rất kỹ các tác phẩm trong các cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xét giải thưởng văn học, và luôn hăng hái nhiệt tình tham gia các buổi giới thiệu sách, tọa đàm văn học , giao lưu tác giả tác phẩm… Và anh viết nhiều, nhiều đề tài, nhiều thể loại: thơ, bút ký, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết: Nội tôi – truyện vừa, NXB Kim Đồng, 2001 ; Trên nẻo đường giao liên - truyện vừa, NXB Kim Đồng, 2003; Cái ống phóc và trái banh chuối - truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2005; Ngôi nhà chỉ một lần mở cổng - NXB Hội Nhà văn, 2005; Chiêm bao - truyện ngắn, NXB Đà Nẵng, 2008; Nói chuyện một mình - thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010; Những phận đời hao khuyết - bút ký, NXB Đà Nẵng, 2017; Chó hoang - tiểu thuyết, NXB Kim Đồng, 2017.

 

Nhà văn Bùi Tự Lực và độc giả trẻ

“Thế giới tuổi thơ bị nhấn chìm trong bom đạn, gia đình sớm rơi vào cảnh phân ly tột cùng, yêu văn chương và hết mực thủy chung với tình yêu văn chương, viết để tri ân những người đã khuất, để tâm tình với người đang sống, viết để kể chuyện cho cháu con...,” khi bộc bạch suy nghĩ về nghề văn Bùi Tự Lực đã chân thành chia sẻ như vậy (Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng, NXB Đà nẵng – 2012), và với suy nghĩ đó,  ngay từ bước đầu đi vào con đường văn chương, sau tập thơ “Mùa hoa bưởi”, anh đã đặc biệt thành công với truyện dài Nội tôi do NXB Kim Đồng ấn hành đầu tiên năm 2001 và đến nay đã tái bản 7 lần với hàng chục ngàn bản in sau khi được NXB Kim Đồng trao tặng Giải B ngay khi vừa xuất bản năm đầu. Câu chuyện cảm động viết về cuộc đời kỳ diệu và cái chết bí ẩn bi hùng của bà nội, một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của Bùi Tự Lực thật ra không phải chỉ là cuốn sách dành cho thiếu nhi, mà nó là một tác phẩm dù không đồ sộ nhưng mang đầy đủ chất sử thi anh hùng lẫn sự mờ ảo huyền thoại quyện chặt vào thực tế cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ qua đã in đậm mấy mươi năm trong ký ức tuổi thơ đứa cháu và được viết ra bởi sự thôi thúc tột bậc của trái tim nhà văn sâu nặng ân nghĩa khôn nguôi thương nhớ hình ảnh nội vô vàn kính yêu, người đã thay cha mẹ nuôi dưỡng anh suốt thời thơ ấu và đã hy sinh cho đất nước như một người chiến sĩ anh hùng! Nó đã định hình để Bùi Tự Lực xứng đáng được vinh danh là Nhà văn thiếu nhi, và được khẳng định thêm với những tác phẩm khác dành cho các em của anh như Trên nẻo đường giao liên (NXB Kim Đồng, 2003), Cái ống phóc và trái banh chuối (NXB Kim Đồng, 2005), và gần đây nhất là truyện vừa Chó hoang viết về loài vật khá độc đáo cuốn hút và có thể nhẹ nhàng rút ra nhiều bài học nhân văn cho con người đã được NXB Kim Đồng tái bản hai lần ngay sau năm xuất bản lần đầu 2017, Giải A của Liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng 2017...

Anh vẫn còn đang say mê viết, say mê, ấp ủ nhiều đề tài trong cuộc sống…nhưng giờ đây anh đã ra đi, ra đi về với Nội…

Thương tiếc, tưởng nhớ Nhà văn Bùi Tự Lực! 

N.K.H