Nhà văn Bùi Tự Lực - Người dựng thành công chân dung của Nội

05.08.2013

Nhà văn Bùi Tự Lực (sinh năm Giáp Ngọ – 1954, quê quán Thăng Bình, Quảng Nam), Chi Hội phó Hội Nhà văn VN  tại Đà Nẵng. Hàng ngày bận rộn với chức trách của một PGĐ Kho bạc nhà nước cấp quận. Ấy vậy mà anh vẫn thai nghén và cho khai hoa đều đặn: Tập thơ Mùa hoa bưởi (1990); 3 tập truyện ngắn: Cái ống phóc và trái banh chuối (2005), Ngôi nhà chỉ một lần mở cổng (2005), Chiêm bao (2008); 2 tập truyện vừa: Nội tôi (2001), Trên nẻo đường giao liên (2003); tập thơ Nói chuyện một mình (2009); Sắp in: Tiểu thuyết Kẻ bán mộ... 

Nhà văn Bùi Tự Lực  - Người dựng thành công chân dung của Nội


Giải thưởng: Giải B: Truyện vừa Nội tôi - Vận động sáng tác truyện, tranh truyện thiếu nhi 1999 - 2000 của Nxb Kim Đồng; Giải A: Truyện Vừa Trên nẻo đường giao liên (2003)- Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng và nhiều giải thưởng khác.


1. Thưa nhà văn: “Đứa con đầu lòng” của nhà văn là một tập… thơ. Nguyên nhân nào khiến anh chuyển hướng từ thơ sang văn và nổi tiếng với tác phẩm truyện vừa “Nội Tôi”?

Tôi yêu văn chương từ nhỏ, mới 5, 6 tuổi đã thuộc lòng truyện thơ “Lục Vân Tiên” và “Thoại Khanh Châu Tuấn”, nhờ qua giọng diễn ngâm và hát ru của bà nội. Từ khi học lớp 4 tôi đã tập làm thơ (mới học lớp 4 nhưng tôi đã 15 tuổi, vì con nhà nghèo thất học). Làm thơ đọc cho bạn bè nghe chơi, có hàng trăm bài giữ làm kỷ niệm. Mãi đến năm 45 tuổi, bạn bè hối thúc và động viên, tôi mới dám “liều mình” in tập thơ đầu tay: Mùa hoa bưởi (Nxb Đà Nẵng - 1999), nhà thơ Thanh Quế viết lời giới thiệu.

Sau khi tập thơ ra mắt bạn đọc, tôi có dịp giao lưu rộng rãi với giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Rất vui! Người khen, người cười và cả người… chê nữa. Bỗng một hôm Nhà thơ Thanh Quế mách bảo tôi rằng: Hình như cuộc đời tôi hay hơn thơ tôi, nếu cứ tiếp tục làm thơ thì tôi cũng sẽ bơi trong một biển thơ mênh mông. Hãy chuyển sang viết văn, viết chính cuộc đời mình, có gì khó khăn anh em sẽ giúp.

Vậy là tôi chuyển sang viết truyện ngắn và người đầu tiên tôi nghĩ đến là bà nội, người đã chăm ẵm, cưu mang nuôi tôi từ khi mới lên 4 cho đến năm 12 tuổi, rồi bà cho tôi đi theo các cô chú cách mạng làm giao liên.

Mười lăm truyện ngắn viết về bà nội chỉ trong vòng một tháng, đem gộp lại ngẫu nhiên thành một tập truyện ngắn liên hoàn. Mọi tình tiết phát triển theo lô-gic của nó, gắn kết hữu cơ chung quanh nhân vật là người bà, tạo nên một tập truyện vừa hoàn chỉnh: “Nội tôi”.

Sau khi hoàn thành bản thảo “Nội tôi”, tình cờ tôi được biết đang có cuộc thi viết truyện cho thiếu nhi toàn quốc sắp kết thúc. Nhà thơ Thanh Quế đọc lại bản thảo và khen “Hay! Rất cảm động!” và bảo tôi cứ gửi cho Nhà xuất bản Kim Đồng, hy vọng có được một quyển truyện đầu tay. “Nội tôi” được in ngay sau đó, kịp đưa vào dự thi và vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đánh giá cao tác phẩm Nội tôi, “Một nguồn sống tinh thần vĩnh cửu, một kỷ niệm bất diệt với tuổi thơ” (Ma Văn Kháng). Hạnh phúc lớn bất ngờ đến với tôi là truyện vừa “Nội tôi” đoạt giải nhì “Cuộc vân động viết truyện cho thiếu nhi” của Nhà xuất bản Kim Đồng (1999-2000). Kể từ đó, “Nội tôi” gắn liền với tên tuổi Bùi Tự Lực và tôi gia nhập làng văn cả nước.

2. Xin nhà văn nói rõ hơn một chút về nhân vật “Nội” trong tác phẩm của mình. Đó là một nguyên mẫu hay có một phần hư cấu cho thành chuyện? Và cũng xin được hỏi một cách tế nhị về số lượng bản sách “Nội tôi” đã phát hành.

Nhân vật người bà trong “Nội tôi” chính là nguyên mẫu bà nội của tác giả. Hôm ra Hà Nội nhận giải thưởng, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Ma Văn Kháng -Chủ khảo cuộc thi, ông ấy nói với tôi rằng, chỉ có viết về bà nội của mình thì Bùi Tự Lực mới có được giọng văn chân thành và cảm động rưng rưng như thế, nếu hư cấu theo kiểu tiểu thuyết thì làm hỏng câu chuyện về bà rồi. Sau này nhiều người đọc sách nhận xét: Hình như viết “Nội tôi” Bùi Tự Lực không phải làm gì cả, mọi chuyện đã có sẵn trong tâm khảm rồi, cứ thế tự nó tuôn trào ra và anh ta chỉ chép lại và xếp thành truyện mà thôi! Đúng như thế thật. Tôi đã day dứt khôn nguôi, hàm ơn công lao cao như núi, nghĩa nặng dài như sông suốt mấy mươi về bà nội, khi biết bà bị mất tích từ năm 1972. Tôi âm thầm nuôi hoài bảo muốn viết một cái gì đó về bà nội; không nuôi mộng văn chương mà để kể lại chuyện đời cho con cháu mai sau. Và vào thời khắc tôi cầm bút viết về “Nội tôi” là khai dòng cho ký ức được dồn nén suốt 30 năm tuôn chảy.

Nội tôi” in lần đầu vào tháng 2/2001 và ngay trong năm ấy tái bản tiếp 3 lần (Tủ sách vàng, Tủ sách Nhà nước tài trợ để TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh in cho trường THCS vùng sâu, vùng xa và Tủ sách giải thưởng). Đến nay gần 10 năm, “Nội tôi” đã tái bản 6 lần (mỗi lần in là một mẫu bìa khác nhau), với số lượng gần 5 vạn bảng sách.

3. Tác phẩm “Nội Tôi” được một số trường THCS ở Đà Nẵng và Quảng Nam đưa vào giới thiệu trong phần văn học của các tác giả địa phương. Nhà văn có kỷ niệm nào đáng nhớ trong các lần giao lưu giữa tác giả và bạn đọc?

Thực hiện “Chương trình thắp sáng ước mơ cho em” của thành Đoàn Đà Nẵng, Trường THCS Phan Đình Phùng mời tôi đến giao lưu cùng học sinh toàn trường, với tư cách là một nhà văn và là tác giả của “Nội tôi”. Tôi quá bất ngờ khi 6 bìa sách của sáu lần in được nhà trường cho in màu phóng to treo trang trọng ở phòng đọc thư viện. Tôi được thầy cô và học sinh tặng rất nhiều hoa, trong đó có bó hoa của thầy giáo Tổ trưởng bộ môn văn kèm theo một cái phong bì to và nặng, nói: “Đây là món quá rất đặc biệt dành cho tác giả Nội tôi”. Về nhà tôi mở phong bì ra, trong ấy là một tập giấy A4 phô-tô quyển “Nội tôi”, bản in lần thứ nhất cũ mèm có đóng dấu của thư viện. Kèm theo một mẩu giấy giải thích “Học sinh tìm đọc nhiều quá, thư viện phải phô-tô phát cho các em!”. Còn có hạnh phúc nào lớn hơn của người cầm bút? Lòng tôi rưng rưng...

4. Nếu không tính các “tài tử” chơi blogs thì anh là nhà văn ở Đà Nẵng đầu tiên có trang web riêng, vậy đâu là cái lợi và không lợi của một nhà văn khi thực hiện một trang web?

Đầu tiên tôi cũng chơi blogs trên các trang mạng xã hội, không những 1 mà đến những 3, 4 trang; thậm chí được bà con tôn lên “chủ soái” sân chơi vnweblogs ở Đà Nẵng. Rất vui! Mặc dù tôi là một người có thể nói là dốt tin học, nhưng tôi muốn có một “ngôi nhà” riêng của mình nên liều mình mở trang website http://buituluc.com.

Có trang web là rất lợi thế: Tính độc lập, tự chủ và chính danh, có đăng ký bản quyền, trách nhiệm cao trong cập nhật thông tin bài vở… Và tự học về nghiệp vụ báo chí, tin học.

Cái không lợi của một nhà văn ư? Trước tiên là ý thức trách nhiệm với chính mình trước công chúng, sau đó là… tốn tiền. Bạn đang ngồi trên một cổ xe ngựa chạy trên đường đông đúc đấy nhé; ổ gà, ổ voi, tệ nạn giao thông… lơ đễnh là gặp tai hoạ như chơi.

5. Nhà văn có trao đổi, khuyên nhủ hoặc tâm sự gì với các bạn trẻ bốn phương đang tập tành cầm bút dấn thân với tư cách của một người đi trước?

Có yêu và thủy chung với văn chương thì mới dấn thân cầm bút. Dấn thân cầm bút không phải là một cuộc rong chơi, mà đó là một cái nghiệp đa mang và khổ lụy. Thơ văn nó có ma lực đấy, nó có thể “ám” người ta đến mê muội suốt một đời. Nghiệp văn chương cũng có mối lương duyên, có duyên là gặp gỡ mà không duyên thì đi hoài cũng chẳng đến nơi.  

 

             MAI HỮU PHƯỚC  

(thực hiện)
                                                                                                   Tạp chí Non Nước số 166