Đà Nẵng - Qua những trang văn Thái Bá Lợi
Thái Bá Lợi được xem là một trong số ít nhà văn viết về chiến tranh được bạn đọc chú ý và giới nghiên cứu lý luận văn học ở nước ta đánh giá cao. Từ rất sớm, những năm đầu sau 1975 ông đã có nhiều tác phẩm về chiến tranh với một lối viết, một nhãn quan mới mẻ vượt thoát khỏi không khí lãng mạn sử thi nặng về tuyên truyền ca ngợi của dòng văn học chiến tranh thời bấy giờ.
Lần lượt những tác phẩm của Thái Bá Lợi ra mắt bạn đọc như Vùng chân Hòn Tàu (truyện ngắn, 1978), Thung lũng thử thách (tiểu thuyết, 1978), Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết, 1981), Bán đảo (tập truyện 1983) đều gây được tiếng vang, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Riêng sự xuất hiện của truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn in trong Vùng chân Hòn Tàu (1978) đã làm chấn động dư luận của dòng văn học chiến tranh hậu chiến vì tác phẩm đã thể hiện một cảm quan rất nhạy bén, bình tĩnh và bằng linh cảm trực giác của nhà văn để nhìn lại cuộc chiến tranh từ nhiều góc độ: nhìn trước - sau, bên trong và bên ngoài cuộc chiến hết sức chân thực, tỉnh táo hơn, gần gũi sát với hiện thực. Từ những khoảng sáng lộng lẫy, lấp lánh sắc màu của cuộc chiến nặng nghĩa tình người, tình yêu thương đồng đội, quê hương, sự hi sinh cao cả, cuộc chiến đấu khốc liệt... và những tính toán, giả trá, sự phản bội của một số người sau chiến tranh làm cho tác phẩm có tính chân thực cao, thuyết phục được người đọc .
Hai người trở lại trung đoàn là câu chuyện bắt đầu từ một cô gái giao liên tên Mây dẫn dường cho một toán quân của trung đoàn. Cô thông minh nhanh nhẹn, gan dạ, dày dạn kinh nghiệm và tâm hồn trong trẻo, được mọi người yêu mến. Cô gái lại rơi vào mối tình tay ba. Giữa cuộc chiến sinh tử, ai biết được sống chết như thế nào nên cô luôn nghĩ mình thuộc về đồng đội, thuộc về mọi người nhưng rồi oái ăm thay phải rơi vào một cuộc tình tay ba. Cô phải “chọn lựa” một trong hai người. Sự chọn lựa này đã trở thành một bi kịch, một kết thúc khá cay đắng khi người mà cô đã hết lòng yêu thương, gắn bó vì sự thăng tiến của cá nhân đã phản bội.
Trước hiện thực xã hội của một đô thị mấy năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng như một đô thị thu nhỏ của miền Nam hiển lộ những mâu thuẫn với những biến động phức tạp, những thay đổi, trớ trêu trong lòng những người đã từng tham gia cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc đã giúp nhà văn trong quá trình sáng tạo đã thể hiện “một sự nhìn lại” chân thực, mới mẽ hơn.
Ngoài những tác phẩm viết về chiến tranh còn viết về những đề tài khác nhưng chiến tranh, người lính trong văn chương của Thái Bá Lợi luôn nỗi ám ảnh mà để tác giả tâm sự cùng bạn đọc.
Minh sư, cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi đầu câu chuyện vẫn từ hai người đi tìm hài cốt của người thân đã mất trong chiến tranh chống Mỹ để làm người dẫn dắt chuyện được tác giả sử dụng phương pháp nghệ thuật đồng hiện giữa hai tuyến nhân vật song hành tạo nên sự đan xen giao nối giữa quá khứ và hiện tại, lịch sử được nhìn lại dưới góc nhìn của người đời nay. Thông qua cuộc đối thoại của hai nhân vật Thành và chị Tư Trà, đặc biệt là qua nhân vật Thành, người dẫn dắt câu chuyện mở nước về phương Nam của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong chuyến viễn du xuyên qua thời gian 5 thế kỷ. Trên cơ sở những tư liệu ít ỏi, tác giả đã xây dựng nhân vật Nguyễn Hoàng - bậc Minh sư theo quan niệm của Phật Giáo là người thầy có đủ trí huệ để giáo hóa đệ tử một cách rành rẽ, chính xác, không sai lạc. Nhưng Thái Bá Lợi vẫn muốn nhân vật của mình là một người bình thường, có yêu ghét, có tính toán, có thành tựu, và cả những sai sót. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lịch sử, “tinh thần phá chấp” của Phật giáo và quan niệm “vạn vật là minh sư” của tác giả thể hiện rất rõ ràng. Trong một lần trên đỉnh đèo Hải Vân, Nguyễn Hoàng bỗng nghe hai người lính nói chuyện với nhau, một người thì hết lòng ca ngợi, người kia lại cho rằng Nguyễn Hoàng thực chất lo sợ Trịnh Kiểm sát hại nên tìm đường vào Thuận Hóa, đã nói với họ: “Các ngươi có tội là dám nói sau lưng ta, nhưng đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này... Các ngươi đã nhắc ta một sự thật mà ta có thể quên thì đó là Minh sư của ta. Không chỉ có người gần gũi ta, những người nói điều hợp với lòng ta mà ngay cả người nói trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều”... Minh sư khép lại câu chuyện bằng một đêm ngồi trên đèo Hải Vân nhìn về phương Nam, Đà Nẵng bấy giờ là một là một vùng cỏ lau bên vũng Đồng Long dưới chân núi, vị minh chúa đã thường dạy quân dân của mình: “Nếu như có một công tích lớn mà điều ác vẫn cứ tăng lên thì công tích đó chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm nối dài thêm đau khổ cho chính mình và cho người khác”. Đó là một suy niệm như một chân lý muôn đời của lịch sử, của tất cả mọi cuộc cách mạng.
Một lần, Thái Bá Lợi từng nói: “Tôi viết Minh sư bắt đầu từ nỗi vương vấn tại sao phải đổi tên đường Nguyễn Hoàng thành đường Hải Phòng dẫu biết rằng Hải Phòng là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng nhưng có thể chọn lựa nghĩa tình một con đường lớn hơn chứ ai lại giành đường của Đoan Quốc công, vốn là một người trọng nghĩa khí. Trăn trở ấy của tôi được đánh thức bởi khoảng năm 2003, Bí thư Vũ Ngọc Hoàng và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam lãnh đạo chủ trương phát động phong trào sáng tác về đề tài Quảng Nam...” . Rõ ràng, không có nỗi trăn trở đổi tên trên đường Nguyễn Hoàng thì liệu Minh sư có thể đến tay với bạn đọc hay không?.
Với Trùng tu, cứ tưởng đó là câu chuyện của người chiến binh từng tham gia thời Mậu Thân ở Huế trở lại sau chiến tranh để làm công việc “trùng tu, tôn tạo, bảo tồn” Thế miếu, Hoàng thành đã bị bom đạn từ hai phia làm hư hại nhưng chính vẫn là câu chuyện chiến tranh của một trung đoàn mùa xuân ấy đã vào Huế chiến đấu, đến khi rút ra cả trung đoàn chỉ còn lại mấy chục người. Nhiều năm ở Đà Nẵng, từng có mối quan hệ giao du kết thân với kiến trúc sư Kazik người đã từng tham gia trùng tu Thế miếu, Hoàng thành để tác giả thấu hiểu được tầm quan trọng của công việc trung tu thời hậu chiến. Bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ tại Đà Nẵng của tác giả với một người từng là một đồng đội cũ từng tham gia cuộc chiến Mậu Thân ở Huế sau này trở lại cố đô để trùng tu kinh thành. Nhưng trùng tu theo ẩn ý của tác giả không phải tô trét, sắp xếp gạch đá dựng lại nguyên trạng di tích mà sự tìm lại trong đống gạch đá đổ nát kia, số phận của những người đã khuất, của những người lính đã nằm xuống, hàm nghĩa cần trùng tu lại trí nhớ của người đời nay về nhưng hy sinh xương máu đã bị lãng quên.
Trong những tác phẩm của Thái Bá Lợi đã xuất bản, Bán đảo, Khê Ma Ma, Câu chuyện Đà Nẵng đều lấy Đà Nẵng làm bối cảnh cho các tiểu thuyết.
Lấy khu thị tứ Sơn Trà làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết Bán đảo, dù viết về chiến tranh nhưng tác giả không đi sâu vào miêu tả những trận đánh, những cuộc tiến công, thắng lợi... mà anh viết về số phận những con người, những người lính, những cuộc đời đầy nghịch cảnh bị cuốn vào những hệ lụy từ chiến tranh. Bắt đầu câu chuyện từ một người phụ nữ ngày trước đã có chồng là bộ đội. Thời thế loạn lạc, ly tán, chị phải bồng con vào miền Nam, sống tại bán đảo, rồi chị lấy chồng, một người lính “bên kia chiến tuyến”. Người chồng cũ là một trung đoàn trưởng, trong lần anh cùng đơn vị vào giải phóng thị trấn bán đảo, vô tình anh gặp lại người vợ cũ của mình và đứa con gái “giống anh như đúc” sau 21 năm xa cách. Người chồng mới dù hết lòng thương yêu vợ, và cả đứa con gái của vợ mình đã ra đi một cách lặng lẽ. Dù phải xa nhau nhưng tình yêu thương và sự quan tâm đến nhau của họ luôn dằng xé trong đau đớn. Đó là một nỗi đau đớn của cả ba người do chiến tranh chia cắt bên này bên kia chiến tuyến. Nội dung câu chuyện gút lại đơn giản như thế nhưng thông qua sự thắc mắc xuyên suốt cuốn tiểu thuyết nhằm trả lời một câu hỏi của ông Hải, người chồng cũ nói với tác giả: “Ông vào trong đó nhớ ghé nhà và hỏi cho ra lẽ hộ tôi, vì sao anh ấy (người chồng mới - NV) lại bỏ nhà ra đi”. Câu hỏi đó cũng là câu hỏi của người vợ và cũng chính là câu hỏi của tác giả, người kể chuyện. Nhưng không có ai trả lời, câu chuyện dừng lại bằng một cái kết mở, bỏ ngỏ...
Tác giả là một người kể chuyện, đã mất nhiều công sức tìm hiểu nghiền ngẫm về các nhân vật nghĩ đến họ, đến những thăng trầm xảy ra trong đời họ, tôi chỉ thấy trong người mình một cảm giác vững vàng không cắt nghĩa nổi... với một lối kể chuyện bằng một kết cấu gút thắt, khép mở đan xen vào những tình huống căng thẳng dồn nén của các nhân vật, tạo nên một sự lấp lánh hấp dẫn của một cuốn tiêu thuyết thấm đẫm tình người. Văn Thái Bá Lợi là văn của một con người trầm tĩnh, không thích ồn ào, thích suy nghiệm về cuộc sống, lọc đãi những chi tiết để làm sáng lên những tình huống, đặc biệt chăm chút trong đối thoại, lời lẽ nhiều khi lửng lơ, bỏ lửng mở ra những day dứt nội tâm của nhân vật. Đặc biệt là không gian thị tứ Sơn Trà vốn là nơi đóng quân của nhiều trại lính Sài Gòn cùng với những trại gia binh trước đây, trong những năm sau ngày giải phóng, diện mạo một “khu phố” nhỏ nằm bên biển lạo xạo, nhốn nháo người đi người ở, cũ và mới cộng với núi và biển mênh mang trời rộng, những ngọn sóng nhấp nhô khi lặng yên khi dâng trào như tình cảm của những người yêu nhau phải chịu cảnh chia lìa. Nhà văn Tô Hoài khi đọc Bán đảo thích đến nỗi khi vào Đà Nẵng, ông đã bắt một nhà thơ trẻ chở ông qua chợ Sơn Trà, ngồi uống cà phê ngay nơi mà Thái Bá Lời ngồi viết Bán đảo.
Nỗi ám ảnh về chiến tranh đã theo suốt những trang viết của Thái Bá Lợi. Ông luôn bị ám ảnh về những số phận của con người sau chiến tranh, những tháng ngày tươi đẹp trong sáng, những giá trị đạo đức cao quý được thử thách trong chiến tranh, những niềm tin được nuôi dưỡng... trước hiện thực thời hậu chiến với những mất mát, xót xa nghiệt ngã đến nặng lòng. Có thể nói, viết về chiến tranh, lịch sử trong sâu thẳm văn chương của Thái Bá Lợi luôn thao thức bằng ý thức của “phản tự”, một thuật ngữ triết học hiện đại hàm nghĩa là suy nghĩ hồi cố, phản tỉnh, phản khảo để nhìn lại, lục vấn quá khứ vốn đã bị nhìn nhận một cách hấp dẫn trong hư ảo..
Khê Ma Ma là một tiểu thuyết nhưng nó được tổ chức theo lối không có cốt truyện, đó là một cuốn nhật ký được nhặt lại bên suối, được ghi lại những cuộc đối thoại của một thi sĩ với một cô gái tên Khê. Không gian của cuốn sách được định danh cụ thể là vùng núi non của dải đất dưới chân Bà Nà - Núi Chúa - Suối Mơ, một cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ góp phần tạo nên một không gian trữ tình vào chủ đề của tác phẩm, nhưng thời gian thì như xen kẽ giữa hiện đại và mơ hồ như xa hơn cái thời mà người Pháp mới bắt đầu bước chân lên Núi Chúa. Còn nhân vật nữ chính, đôi khi ta không biết nó đến từ đâu, từ một vùng đất khói sương ma ma phật phật nào, mơ hồ không một chút rõ ràng. Cô gái ấy xuất hiện trong Khê Ma Ma “rõ ràng, dứt khoát, mạnh mẽ, thậm chí quyết liệt, khẳng định...” là một mẫu “con người mới mà ta chờ đợi” (NN), hay là mẫu người mà tác giả muốn ta hướng đến?
Khi viết Khê Ma Ma, nhà văn Thái Bá Lợi sống Thiền trong một thảo am dưới chân núi Bà Na trong một thời gian dài. Anh cũng từng có thời gian vào “tu” hẳn trong chùa. Tinh thần của Phật học luôn đậm nét trong những tác phẩm của anh, đặc biệt trong Khê Ma Ma dù rằng rất ít khi tác giả sử dụng những chữ của nhà Phật. Cô gái Hạnh, thông qua những đối thoại có cảm tưởng như từ trong kinh sách nhà Phật bước ra, nhẹ nhàng như tơ trời không hề bận tâm với những tuế toái ràng buộc của cuộc sống trong một tâm thế mọi chuyện đối với cô đều giải quyết một cách nhanh gọn, biến những phức tạp trở thành đơn giản, không sở cầu tham sân mà buông bỏ, khoan dung khoan hòa, nhân ái... như khai tâm cho chàng thi sĩ.
Đọc lại Thái Bá Lợi, dễ bắt gặp một thủ pháp dồn nén hiện thực được miêu tả, thường bỏ ngỏ lơ lửng nửa chừng những khoảng trống chữ nghĩa giữa các “chương khúc”. Tác giả không hề áp đặt, khẳng định và luôn để người đọc tiếp tục chia sẻ nghĩ ngợi cùng anh. Rất nhiều bạn đọc “chịu” văn anh có lẽ cũng nhờ thế.
Câu chuyện Đà Nẵng được viết liên quan đến một chủ đề thời sự của thành phố Đà Nẵng, những nhân vật dù đã được đổi tên nhưng bạn đọc nghĩ ngay đến những nguyên mẫu trong thực tế. Vì vậy, về thể loại từng có người cho đây là truyện ký. Nhưng theo tác giả, thì
“đó là tiểu thuyết có xu hướng theo kiểu tiểu thuyết hiện đại bởi các thể loại như xích đến gần nhau hơn. Ngay nhân vật Ba Danh so với Nguyễn Bá Thanh vẫn có “khoảng cách” mà phần hư cấu của người viết đã lao động thêm vào. Có những cộng sự thân tín, sau khi đọc đã cho rằng ông Ba Danh gần gũi hơn ông Nguyễn Bá Thanh. Với lại, trong tiểu thuyết có những nhân vật tôi hư cấu hoàn toàn”. Từ nhiều năm trước, Thái Bá Lợi đã nung nấu để viết một quyển sách về Đà Nẵng. Với một nhà văn đã gắn bó với Đà Nẵng, làm sao không cảm thấy xúc động về thành tựu mà thành phố bên sông Hàn đã đạt được, từ một thành phố mà “ngân sách hàng năm không bằng công ty vệ sinh ở Hải Phòng” theo như một bài báo đăng trên báo Lao Động, đã khôi phục vị trí của một đô thị quan trọng của miền Trung, xây dựng và phát triển để trở thành “một thành phố đáng sống” như ngày nay. Thành công nào cũng trải qua những mất mát đau thương, con người nào cũng vậy để đi đến bến bờ vinh quang cũng đều phạm những sai lầm, thiếu sót. Nhân vật chủ yếu thứ nhất Ba Danh (Nguyễn Bá Thanh), được xây dựng như con người biết đổi mới, phá bỏ những tư tưởng trì trệ, bảo thủ và quyết đoán, quyết tâm xây dựng cho một đô thị Đà Nẵng vươn lên ở một vị thế mới. Và thực sự ông ấy đã làm được nhiều việc. Con người ấy cũng có cái phần “tối”, là một mẫu người độc đoán, độc tài, tuy vậy “Ngày xưa khi xây dựng thành phố Saint Peterburg thì ông Piotr Đại đế phải độc tài chứ! Xây dựng một Paris hoa lệ như hôm nay cũng phải thê”. Ở VN không làm như thế nhưng phải cần có một con người quyết đoán một cách dứt khoát. Ngoài Ba Danh là một số nhận vật khác gồm nhiều lĩnh vực: Kỹ sư xây dựng, cán bộ hoạt động trong lòng địch, trí thức, các văn nghệ sĩ, người dân... xuất hiện trong tiểu thuyết làm đa dạng hơn bộ mặt hiện thực sinh động của một đô thị trong một tâm thế chuyển mình, mặt khác họ vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc đã tạo nên sự nhìn nhận khách quan đối với hiện thực.
Câu chuyện Đà Nẵng được viết với một cấu trúc trình tự theo những chương tiếp diễn theo thời gian, mỗi chương như một mảng chuyện từ nhiều phía, nhiều tuyến tập trung vào nhân vật Ba Danh nối kết xoay quanh câu chuyện Đà Nẵng trong từng bước chuyển mình để đi lên. Khác với giọng văn viết về chiến tranh của Thái Bá Lợi, “nỗi day dứt nhìn lại quá khứ”, ở cuốn tiểu thuyết này đã được tiết chế nhường lại cho cung bậc cảm xúc có phần khoáng đãng hơn.
Trong văn chương của Thái Bá Lợi, những nhân vật được xây dựng tính cách theo kiểu người Đà Nẵng. Ngay cả cảnh quan thiên nhiên, diện mạo đô thị Đà Nẵng được miêu tả không chỉ làm bối cảnh mà xuất hiện trong mối tương thích hữu cơ làm sáng hơn chủ đề của tiểu thuyết. Ngoài những cuốn tiểu thuyết đã nhắc đến, Đà Nẵng vẫn là “hình ảnh” luôn bàng bạc trong những trang văn Thái Bá Lợi.
(Tạp chí Non Nước số 286)