Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió...
Nguyễn Trọng Tạo tự nhận mình là kẻ ham chơi và anh lãng du miên man trên khắp các vùng đất. Nhưng anh cũng là một người làm nghề nghiêm túc.
Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người…
Hay nói như G.Lorca: Thơ gần với máu hơn là mực”. Mấy suy ngẫm này của anh có lẽ đã chạm tới được cái phần cốt lõi tinh thần của thi ca, cái mà thi sĩ bao đời đã phải “lao tâm khổ tứ” tìm cho mình con đường đi qua vô tận mênh mông bể chữ để vượt lên những khổ đau, trăn trở, khao khát của một kiếp người.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, tham gia quân đội năm 1969, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, đã in 9 tập thơ với 6 giải thưởng văn học; có thơ dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan. Những thập niên qua, anh nổi danh với tư cách nhà thơ đồng thời nhạc sĩ. Nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi” của anh từng được Dàn nhạc Giao hưởng Lepzic trình tấu trong tuần văn hóa Việt Đức. Tác phẩm mới nhất của anh là tập thơ song ngữ (Việt - Anh) “Ký ức mắt đen” và trường ca “Biển mặn”.
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôiTôi cảm thấy, hình như trong nhiều bài thơ Nguyễn Trọng Tạo, cái chất đồng dao đã đẩy thơ anh đến gần hơn với âm nhạc và làm bừng dậy một chất nhạc mới trong thơ. Điều này có thể thấy rõ ở bài thơ “Đồng dao cho người lớn” trong tập “Ký ức mắt đen” với những câu thơ sau:
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi
Cái nhịp điệu đồng dao trong bài thơ này tuy có lúc đã bắt nhà thơ phải gieo chữ, nhả vần một cách có khuôn khổ, gò bó nhưng âm điệu phóng túng của đồng dao lại cuốn anh ào ạt đi qua những ngữ cảnh thơ khá sinh động và giàu chất âm nhạc.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện văn học đã rất có lý khi nhận xét về phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Trọng Tạo: “Một ngày kia, cát bụi vùng Hoan Diễn đã sinh tạo một “kẻ ham chơi”. Y cứ lãng đãng trong đời như một khách giang hồ mang trái tim nhạy cảm, một trái tim đầy nhạc với những đốm lửa buồn. Để rồi sau những cuộc say tràn cung mây, khi dòng cảm hứng chợt bùng lên từ những vùng u ẩn nằm sâu trong cõi nhớ, những giai âm ùa về như những luồng điện làm vỡ òa bí mật: có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi.
Đây là những câu thơ khép lại một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo: Đồng dao cho người lớn. Cách nói Đồng dao cho thấy được ý hướng sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Thơ anh là những khúc hát ngân lên từ cõi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc.
Lưu lạc mà vẫn nhớ mình là nhà quê, là phương Đông chính hiệu. Vì thế, nếu có đọc thơ Tây cũng là một cách mở rộng, tham bác để cho cái chất nhà quê vừa gắn với cổ điển, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện đại. Hai câu thơ trên đây khép lại bài thơ mà cũng là để mở ra về phía “ngàn năm” từ cái “chớp mắt” khóc cười nghệ sĩ.
Những câu thơ đẫm niềm riêng nhưng cũng là những trải nghiệm khóc cười nhân thế. Nói thế để thấy rằng Nguyễn Trọng Tạo đã biết lắng lại và tự giác ngộ mình trước cõi tham-sân-si trần tục. Mối tương quan giữa chớp mắt và ngàn năm đẩy cảm xúc lên tầm mỹ học về nhân sinh qua cái nhìn của một người biết mình cũng đầy ưu, nhược như ai.
Nhưng người thơ ấy biết tự dặn mình coi thơ như một tôn giáo, đứng trước thơ phải thanh khiết và để lại sau lưng những phiền lụy không đâu. Là một thi sĩ có ý thức đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo thấu hiểu một cách sâu sắc, rằng, sự sống còn của người viết là phải nương thân vào chữ nghĩa.
Nơi ấy, hồn nằm trong xác và xác ngụ trong hồn. Không còn cách nào khác, tư cách của nhà thơ chỉ có thể đo ướm bằng sự tỏa sáng của chữ. Tại đó, anh ta trình với mọi người cái vân tay vân chữ của mình trên tờ căn cước bằng giấy trắng mực đen. Hay, dở đã thuộc về kẻ khác. Mọi phân trần hay biện hộ của nhà thơ đều trở thành vô nghĩa…”.
Theo tôi, sự ngạo nghễ và phóng túng trong thi ca đôi khi lại là dấu hiệu của một phẩm chất cá biệt của tài năng, bởi thi tài không mấy khi chịu khép bóng mình trong những khuôn thức cũ kỹ. Trước hết, Nguyễn Trọng Tạo không phải là một người ham phá cách trong thơ nhưng anh luôn có ý thức làm mới thơ ngay ở cả trong những khúc thức cổ điển của các thể thơ năm chữ, bảy chữ và lục bát. Và, bài thơ “Chia” sau đây của anh là một dẫn chứng:
Chia cho em một đời tôi
một cay đắng một niềm vui một buồn
tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
chia cho em một đời say
một cây si với một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về héo khô
chia cho em một đời thơ
một lênh đênh một dại khờ một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
Ẩn giấu sau những câu thơ tài hoa nói trên là cả một sự ngạo nghễ đầy thi vị đấy chứ! Nhà thơ đã cố cãi rằng, ngay cả khi anh ta chỉ là một cái xác không hồn (vì đã quá yêu em?) thì anh ta cũng rất còn “hay ho” giống như một cái chai đã hết rượu (vẫn còn vỏ chai) đang chờ đợi được rót đầy bởi một thứ rượu lãng mạn say đắm khác của tình yêu muôn thủa.
Nhưng, không chỉ có tình yêu, bài thơ trên còn chia sẻ một nỗi niềm cay đắng, xa xót của người thơ khi đã vắt kiệt mình cho thi ca và tình yêu, khi cuộc đời khép lại trong hình ảnh một bông hoa nhỏ nhoi vừa rơi đâu đó trong những nẻo mưa đêm mờ mịt. “Chia” là một bài thơ lục bát tinh tế và hàm súc bởi cái chất “thi tại ngôn ngoại”.
Nói về tửu lượng thì Nguyễn Trọng Tạo là một thi sĩ vô địch về khoản này. Anh có thể ngồi uống suốt ngày, thậm chí uống cả đêm. Và, khi rượu say, anh nói chuyện càng trở nên có duyên hơn cả khi tỉnh táo. Lúc ấy, với phẩm chất tài hoa của một thi sĩ “coi đời không là cái đinh gì”, anh thường đọc thơ với giọng cao ngạo lạ thường mà người nghe vẫn thấy thú vị.
Một người bạn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là nhà văn Trung Trung Đỉnh có nhận xét khá hay: “Tạo uống rượu giỏi, trên cả giỏi mà phải nói là thành thần. Rượu gì cũng chơi được. Bạn thì lắm loại, loại nào cũng rôm rả, không hề phân biệt.
Ngày ấy mà Tạo đã thân với Hoàng Cầm, Văn Cao làm tôi choáng, tôi bái phục. Đi chơi với Tạo, tức là đi uống với Tạo, thấy Tạo vào cuộc, ra cuộc đều thông thoáng. Ở chốn cao sang, đến chỗ bình dân với Tạo một mực như nhau. Chén thù chén tạc, thơ phú nhạc nhẽo ngang nhau, ồn ào, nhão nhoét, thanh cảnh, điệu đà, bèo dạt mây trôi hay chầu văn, hò Huế, đến dân ca xứ Nghệ hay lý ngựa ô Trung Nam, vô mãi tận Nam Bộ sáu câu, lên Tây Nguyên cồng chiêng, món gì, kiểu gì Tạo cũng ngang bằng sổ thẳng.
Bàn chuyện văn chương đông tây kim cổ cũng hay mà nói đến lối sống đương thời, lối nào cũng tỏ. Đường ngang lối tắt, đi mây về gió chơi bời xả láng thâu đêm suốt sáng, thức khuya hì hụp bận rộn tối ngày chỉ vì bận nhậu mà lúc nào mặt mũi cũng tỉnh queo, đôi lần có nhịu giọng, nhưng không thể gọi là bét nhè”.
Bảo thơ Nguyễn Trọng Tạo cũ ư ? Có lẽ, anh sẽ cười ý nhị mà nói rằng: “Cứ hãy cũ đến mức trở thành cổ điển đi để được thấy mỗi ngày đang sống cũng chẳng có gì mới hơn những ngày đã sống qua đâu?”. Bảo thơ Nguyễn Trọng Tạo đang bừng dậy một chất nhạc mới trong thơ ư? Có lẽ, anh cũng sẽ cười ý nhị mà cho rằng: “Cái mới tự thân đã xuất hiện một cách thầm lặng trong mỗi câu thơ hay - theo cách nói của nhà thơ Trần Dần: Người trồng hoa không vẩy nước hoa cho hoa”.
Trong số những nhà thơ đi qua chiến tranh, đến hôm nay, Nguyễn Trọng Tạo vẫn viết đều đặn và vẫn đang tự làm mới thơ mình theo cái cách của anh, vẫn trữ tình, tài hoa đến ngạo nghễ, vẫn mướt mải vắt kiệt mình cho yêu thương và không ít khi, anh bỗng trầm hẳn xuống với những tâm sự khá day dứt như trong bài thơ “Nhà văn”:
Thật may, anh là người chưa nhũn não
ngày lại ngày tự múc óc nuôi mình
ộc ra con chữ
ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành
Người đời gọi anh là nhà văn
anh vẫn gọi anh là bác thợ cày
cày trên giấy trắng
những luống chữ đen đen
Anh là chiếc hộp đen tích đầy sự sống
lại ghép những mảnh đời thành nhân vật bước ra
chân thiện mỹ thấp hèn hay độc ác
chẳng là ta mà sao vẫn là ta?
Một thế giới riêng nhà văn mang tới
cho ta yêu cho ta giận cho ta thương
cho ta thấy nhân gian buồn vô tận
những nỗi buồn chấu cắn chẳng buồn hơn
Anh báo động mỗi ngày tình tan rữa
sói thay người thống soái cả trần gian
trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ
sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh
Bởi anh là nhà văn
anh là người chưa nhũn não…
Ta gặp khá nhiều những bài như thế trong tập thơ “Ký ức mắt đen” của Nguyễn Trọng Tạo, một sự lắng lại sau bao nhiêu trăn trở, vật vã với thi ca để tự làm mới mình sau mỗi chặng đường thơ.
Nguyễn Việt Chiến(vnca.cand.com.vn)