Thơ, như là ngọn gió
Ngọn gió thơ ấy, khởi nguồn từ nỗi buồn thanh thoát nhưng có sự lan tỏa sâu lắng mênh mang của tiếng dương cầm trong veo, và “đẹp như nước mắt”, như lời một thi nhân từng gọi: "Em ngồi đây bấm phím tơ lòng/ Tiếng dương cầm trong veo hơn dòng nước mắt" (Vết thời gian). Ngọn gió thơ ấy, khi êm ả dịu nhẹ như một làn hương thoảng: "Cơn gió nào nhè nhẹ/ Dìu theo một làn hương..." (Làn hương), khi riết ráo quặn thắt như tiếng sóng lòng, tiếng sóng biển vẫn ầm ĩ dào dạt đổ vào một bến bờ bình yên để ngỏ lời yêu thương thành thực bỏng cháy của người đàn bà làm thơ: "Sóng vẫn hằng khao khát/ Bến bờ yêu ngỏ lời..." (Sóng). Ngọn gió thơ ấy, nhiều khi rất đỗi cô đơn: "Cô đơn này ta biết trải cùng ai/ Chia cho ai trái sầu chưa kịp chín?" (Trái cô đơn), nhiều khi thấm thía nỗi buồn liêu xiêu của sự ly biệt bất chợt mà như một quy luật muôn đời của tâm hồn: "Mới gần đó đã lìa xa/ Liêu xiêu bóng đổ nhạt nhòa cỏ cây (Sầu đông). Nhưng sau cùng và vượt lên trên tất cả mọi tâm trạng mọi nỗi niềm, “Như là ngọn gió” xuyên suốt qua hơn trăm bài thơ chân thật vẫn ấm nồng một đốm lửa của tình yêu, của niềm tin yêu cuộc sống và cả lòng biết ơn sâu nặng cuộc đời con người từ trong ký ức và những kỷ niệm có thể đã lãng quên hay vẫn còn hiện hữu dằn vặt thổn thức tâm hồn người thơ: "Ngọn gió nào thổi lướt qua đây/ Xin cảm ơn những gì người đem tới/ Gợi kỷ niệm êm đềm hay nhức nhối/ Đốm lửa dẫu nhạt nhòa từ bóng tối lãng quên!" (Đốm lửa).
Phan Thu Loan quê quán huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sinh ra ở Thanh Hóa nhưng trải qua những năm học phổ thông tại Hà Nội. Chị ra nước ngoài học đại học rồi lại về Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng theo học nghiệp vụ sân khấu và làm công việc đạo diễn truyền hình của Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng từ những năm 1990. Phan Thu Loan có hơn 40 năm sống, gắn bó với Đà Nẵng - nơi chị nhận là quê hương thứ hai. Với các hoạt động mê say, hết mình của một đạo diễn truyền hình, một nhà báo (Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam), một nhà viết kịch bản sân khấu (Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), nhà báo đạo diễn - người nghệ sĩ sân khấu đa tài và nhiệt tâm Phan Thu Loan có điều kiện để tiếp cận cuộc sống ở mọi góc độ thời sự nóng bỏng nhất của nó, thấu hiểu nhiều vấn đề tế nhị và phức tạp của cuộc sống đang sôi động diễn ra hằng ngày. Và từ đó, chị thấu hiểu con người ở mọi tầng nấc của xã hội, nắm bắt được bản chất cuộc sống và tâm hồn con người ở những hoàn cảnh cao điểm, kịch tính nhất của nó. Có lẽ đó cũng là con đường để chị tiếp cận với văn học, bắt đầu sáng tác văn xuôi là một thế mạnh của chị (kịch bản sân khấu, truyện ngắn, tiểu thuyết…) và sớm trở thành Hội viên Hội Nhà văn thành phố từ năm 2005.
Trên hai mươi năm trước, tôi có dịp làm việc cùng chị Phan Thu Loan qua những bộ phim văn nghệ, có dịp đọc nhiều tập văn xuôi của chị và thật sự ấn tượng với phong cách viết mạnh mẽ, táo bạo nhưng uyển chuyển, tinh tế và cuốn hút. Cách xây dựng hình tượng sân khấu và văn học đa dạng, sinh động, đặt ra nhiều vấn đề nóng của thời cuộc mà chị vẫn hằng quan tâm với tư cách là một nhà văn - đạo diễn truyền hình nhiệt tình, xông xáo và đậm chất nghệ sĩ tài hoa.
Chị, người đàn bà “Trước bão gió cuộc đời vẫn hát lời xanh” (Cỏ hát lời xanh), người đàn bà “Lặng lẽ giấu đi nỗi niềm đau khổ” (Cánh đồng hoa đỏ), âm thầm nhặt nắng để làm thơ, nhặt niềm vui, nhặt hy vọng từ 60 năm cuộc đời chắc là nhiều đa đoan, đa cảm và đã phải trải qua nhiều mất mát “Người đàn bà có khi/ Lại đánh mất chính mình” (Mất)… vẫn gởi gắm chia sẻ một tình yêu cuộc sống nồng thắm, thiết tha qua những trang thơ giàu xúc cảm, chan chứa nỗi lòng: "Nhặt niềm vui từ những cuộc chia xa/ Nhặt hy vọng những chiều tà tuyệt vọng/ Nhặt đóa sen hồng từ ao tù nước đọng/ Nhặt những hạt mầm căng mọng phù sa". Người đàn bà thiết tha sống, thiết tha yêu, dẫu có qua bao năm tháng đợi chờ vẫn một lòng tin và đợi chờ tình yêu, niềm vui, hạnh phúc cuộc đời: "Người đàn bà đi qua năm tháng đợi chờ/ Mải nhặt nắng sưởi ấm ngày đông giá/ Mong ngóng mùa xuân xanh tươi cây lá/ Tia nắng gom về tỏa sáng ngàn hoa" (Người đàn bà nhặt nắng).
Với chị, thơ như là ngọn gió...
Ngay từ khi xuất bản tập truyện ngắn đầu tay - “Giấc mơ xa lạ” (NXB Đà Nẵng, 2004), Phan Thu Loan đã được bạn đọc đón nhận và được trao tặng Giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2005. Đây là động lực để chị tiếp tục trình làng nhiều tập văn xuôi: “Chiếc áo màu thiên thanh” - tập truyện ngắn (NXB Hội Nhà văn 2006) đoạt Giải B Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố năm 2006; “Nốt ruồi son”, tập truyện ngắn (NXB Hội Nhà văn 2007) - Giải B Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố năm 2007.
Nhiều kịch bản sân khấu của Phan Thu Loan đoạt giải như: “Bến mê” - Giải B Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (không có giải A), Giải B Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2004; “Bão rừng” - Giải B Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2006; “Lời nguyền” - Giải B Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2003, Giải C Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2003; “Trên đỉnh Chư Rây” - Giải A Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2004, Giải B Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 2004, Giải C Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2004…
|
(baodanang.vn)