Cho đi
Sau khi mua sắm xong xuôi những thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho gia đình, tôi ghé lại hàng nước trong chợ. Chị chủ quầy người dong dỏng, gương mặt tròn, tay thoăn thoắt hết pha nước, đánh đường lại quay sang đập đá bỏ vào ly cho khách.
Có một chị mặc chiếc quần đen và áo ca rô xanh đỏ cầm bịch tăm và hộp khăn vải lướt ngang. Chị chủ quán gọi lại mua vài hộp tăm. Khi người phụ nữ bán tăm đi rồi, tôi hỏi: “Em thấy chị bán nước chứ đâu bán hàng ăn mà phải mua tăm. Chị kia cũng không hề mời mọc gì mà”.
Chị giải thích: “Cô đó bị câm thì sao mà mời được. Đi bán rong nhưng biết điều lắm, chẳng bao giờ phiền phức ai bao giờ. Ai mua cô cười mà không mua cô cũng cười. Vì cái nết đó nên tui thương lắm, lâu lâu lại mua giúp chứ tăm vẫn chất đống kia kìa”.
Bấy lâu nay, tôi cứ nghĩ chợ đò là nơi hết sức rạch ròi, sòng phẳng về tiền bạc, phải “thuận mua, vừa bán”, so đo, tính toán “mua thì thêm, nêm thì chặt”. Làm gì có chuyện không cần dùng mà vẫn mua!
Tôi đảo mắt nhìn xung quanh một lượt, không chỉ chị chủ hàng nước mà những người bán gia vị, rau củ, đồ khô gần đó cũng đối đãi rất cởi mở, hào phóng với chị bán tăm. Không nhiều thì ít, ai cũng mua giúp.
Tôi nhớ đến ông chú bị khuyết tật làm nghề thu mua ve chai của xóm mình. Vợ chú là người miền Tây, sau vài năm chung sống, họ sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Năm con trai lên 4 tuổi, vợ ông bồng con bỏ đi không một lời từ biệt. Người trong xóm ai cũng lo người đàn ông sẽ buồn bã, suy sụp rồi đổ bệnh. Thế nhưng không, sau vài ngày vắng bóng, lại nghe tiếng xe cà rẹc vang khắp xóm.
Không còn con, ông dành sự quan tâm cho tụi trẻ con trong xóm. Mỗi chiều về, chú gọi bọn nhỏ lại rồi phân phát cho từng đứa những thứ đồ chơi trong mớ hàng phế liệu ông nhặt được. Chiều nào cũng vậy. Đến nỗi, sau này chỉ cần nghe tiếng xe chú từ xa, cả bọn trẻ con đã chạy ra đầu ngõ chào đón.
Hóa ra, trên đời, có những sự vui vẻ phải trui rèn, khổ luyện mới có được. Nhưng cũng có những người, sự dịu dàng ở họ như là món quà, kho báu trời ban. Với chị bán tăm, chú ve chai hay mấy chị bán hàng ở chợ, họ không chỉ “biết đủ” mà còn rất giàu có, tràn đầy.
Vì giàu có mới có thể mải miết cho đi!
(baoquangnam.vn)