Tản văn của Lê Hải Kỳ
CỐ ĐÔ THAO THIẾT MẮT NÂU
Cố đô lần đầu bước vào mắt em, dường như lạ dường như quen. Này là mái ngói âm dương ngái ngủ trong chiều thưa nắng. Kia là tường gạch âm ỉ rên rỉ vì gió chướng quất vào vết thương lịch sử. Đây là châu bản di sản tư liệu thế giới của dòng họ quý tộc Nguyễn Phúc để lại cho nhân loại, những bút tích long đong phận số. Đó là nhà hát Duyệt Thị Đường du dương âm điệu văn hóa phi vật thể, ru tỉnh ru mê. Tất cả cứ ngỡ ngàng nhìn em, thẹn thùng bóng dáng đài trang.
Em nắm tay Huế đi vào hoàng cung, biết bao nhịp rung nhỏm dậy bùng lên rực rỡ như duyên như nợ. Em thương cỏ hoang, em mến tường loang, dấu tích nào mỏi mòn theo tiếng thở rong rêu thành quách.
Này con đường thon, ngươi dấu bước chân ai mà mài gạch nhẵn thín hình hài năm tháng. Này phiến đá giả non ngàn vực thẳm, gió nói điều gì mà ghi lòng tạc dạ, sừng sững giữa phong ba. Này vũng nước dối lừa đàn chép vĩnh viễn chẳng thể hóa rồng, sao ngầu đục vẫn ngoan cường không hối lỗi. Này nữa những gốc cây hàng trăm năm tuổi, xù xì kiêu hãnh gom nhặt chứng tích của một thời vang bóng hay chăng?
Xuân hạ thu đông, mùa nào trượt chân rơi xuống hào sâu cạm bẫy đến bây giờ vẫn còn run rẩy tiếng gọi cầu cứu mỗi đêm. Bao nhiêu đời sen ngập ngụa trong bùn, nung nấu gót son chờ thời cơ để bước lên mặt nước, xòe chiếc váy xanh tròn mà ngất ngây nhã nhạc, rồi chúm chím môi hồng quý phái thân thế vương phi.
Nắng rơi Hoàng thành, thoảng hương hoàng mai, vàng phai ký ức một thời nay vẫn âm thầm sinh sôi trong những khu vườn Huế thanh tao, di truyền cái thú tiêu dao điền dã. Xa kia, thấp thoáng dáng ngọc Kim Long, đã bao lần khiến bước rồng chững nhịp, câu chuyện tình nào cũng lung linh như truyền thuyết, vẫn còn huyễn hoặc đậu nơi cửa miệng dân gian.
Này đây mắt ngọc Tịnh Tâm, nàng đã ngủ vùi mấy mươi năm giấc mộng trang đài. Những cơn gió sinh sôi từ các bào thai Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu trườn qua mặt nước đưa hương sen thanh bạch thôi miên lữ khách, chập chờn liễu trúc níu chân, ngất ngây hoa thơm cỏ lạ...
Chiều tà, bước chân em rơi lại dưới kỳ đài, bỏ mặc kinh thành ngẩn ngơ, bỏ lại Huế buồn Huế nhớ. U uẩn dòng Hương bơ vơ, đợi chờ đêm xuống để hát để ca, ngân nga dấu vết vàng son giờ chỉ còn trong sử sách cô tịch.
Huế còn nợ em, về chợ Đông Ba lân la hàng quán, người mua kẻ bán hối hả rộn ràng, và nghe tiếng rao ngạt ngào thương nhớ. Huế còn ngóng em, qua cầu Trường Tiền thướt tha tà áo, ve vãn nắng chiều liêu xiêu bóng núi. Những vài những nhịp e thẹn nhìn nhau, hỏi em mắt nâu thẳm sâu màu khói, cho lòng ai nhói như nước dưới cầu quặn đau sụt sịt.
Đền đài lăng tẩm làm nên hồn cốt Cố đô vẫn đau đáu bước chân em đấy, tấm chân tình này em có thấu có hay, sao không hẹn hò một ngày lai đáo hỏi han. Núi Ngự Bình vẫn còn tròn méo, sông An Cựu vẫn cứ đục trong, mời em đến thăm cho Huế một lòng mộng mơ, cho Huế một dạ dại khờ lưu luyến.
Vẫn còn Gia Hội chưa qua, vẫn còn Đập Đá chưa ghé, bến Vân Lâu vẫn sầu chất ngất, rồi đàn Nam Giao, rồi chùa Thiên Mụ... Em có biết chăng? Huế vẫn “rứa răng” quanh năm suốt tháng chứ chẳng đổi thay. Điệu Nam Ai, Nam Bình phong lưu đài các vẫn theo nhịp chèo nổi nênh sông nước. Thuyền rồng đưa đón bước chân ai mà đêm nay lả lướt áo xiêm, để Hương Giang ngó nghiêng chờ đợi. Trăng hoàng cung vẫn tròn vẫn khuyết, mờ tỏ soi chiếu kinh kỳ nếm trải tháng ngày thịnh suy vết tích.
Ơ kìa Phủ Cam, sao lại cúi mặt thở dốc trong ánh hoàng hôn, sao không gọi mời dìu mắt em ngước nhìn thập tự run rẩy nguyện cầu cho Huế bình an. Ơi ngọn đèn vàng chẳng già chẳng trẻ, sao cứ lầm lũi trút hết tâm can xuống phố phường trầm ngâm thở dài đêm vắng.
Sẽ có ngày em đi qua những nhịp cầu cong, nhưng Huế luôn một lòng ngay thẳng, xin em nhớ cho, đừng để tháng năm dày vò nón lá. Vì mắt em nâu nên qua cầu xin đừng vội vã, kẻo lỡ gió cuốn mắt sầu thì anh lấy gì đền trả, sợ rồi phải suốt đời suốt kiếp mang tội với Cố đô.
THƯƠNG GÃ THƯƠNG HỒ
“Gã thương hồ khua dầm loang nắng đục”. Tôi nhớ chứ, sao quên được.
Tôi đã nhìn thấy gã, hào hoa lãng tử, môi phì phèo khói thuốc trong chiều nắng loang lấp lóa trên sông Vàm Cỏ. Gã rắn rỏi trong chiếc quần kaki ngả màu nhưng sạch sẽ, nam tính. Chiếc sơ mi trắng cũng ngả vàng nhạt do giặt giũ trên dòng nước đượm phù sa.
Gã có thói quen luôn cởi phăng hai chiếc nút áo trên cùng, lấp ló vòng ngực như đá tảng xù xì rong rêu, kiêu bạc với nắng táp mưa xiên. Bên ngực trái của gã ẩn hiện một hình xăm kéo dài lên bả vai vạm vỡ, trông cũng nghệ sĩ và có một ma lực quyến rũ đàn bà mụ mị hiến dâng. Mái tóc gã vừa đủ dài che khuất gáy, bồng bềnh trong gió mang cốt cách tài tử. Gã thong thả nhả từng đụn khói vào chiều, màu trắng bạc loãng dần trên mặt sông, giữa bao la đất trời miền Tây Nam Bộ phóng khoáng mà gần gũi nghĩa tình.
Mấy đám lục bình mồ côi lững thững nhìn gã, vừa quen vừa lạ, dùng dằng xao xuyến chẳng muốn trôi đi, dù con nước cứ hờn ghen xô đẩy.
Nước vỗ ì oạp vào chiếc ghe bầu khi đôi tay rắn rỏi của gã vục dầm trêu ngươi hà bá. Nước cười nhịp nhàng để lộ lúm đồng tiền sâu hoắm theo từng nhịp chèo khoan thai.
Chiếc ghe bầu đã rong chơi không biết bao nhiêu khu chợ nổi nhưng vẫn còn háo hức với phận số lênh đênh. Cây dầm theo ngày tháng ngụp lặn trong dòng nước đã nhẵn thín và đen bóng kiêu hãnh, sắc lạnh bắt con nước phải phục tùng đẩy chiếc ghe đi. Trên cán dầm, chỗ hai bàn tay chắc nịch của gã cầm chèo hằn dấu những ngón tay lõm nhẹ vào thớ gỗ, đủ biết nó đã thuỷ chung gắn bó với gã bao tháng bao năm với xuân hạ thu đông nối tiếp nhau không đếm xuể.
Chẳng phải chiều nay mà đã biết bao chiều nổi nênh xa xứ, gã thương hồ vẫn giữ thói quen nhàn tản chống dầm đứng nhìn phiên chợ vãn. Phiên chợ cũng giống như cuộc đời con người: nườm nượp, xô bồ, huyên náo gọi mời rồi cũng đến lúc trầm tư quạnh quẽ, ngậm ngùi mong ngóng những bước chân quen.
Mắt gã xa xăm trong chiều dường như nghĩ ngợi, đó là tôi đoán thế chứ gã có nghĩ hay không ai mà biết được. Chuyện của gã, hơi đâu mà bao đồng khi nhìn gã cứ lạnh lùng bí ẩn như lòng sông hun hút thẳm sâu.
Người ta chỉ thấy gã duyên dáng hồ hởi chuyện trò khi bán mua, ấy là lúc buổi chợ vào tầm nhộn nhịp nhất, ấy là lúc một vài ánh mắt lén nhìn gã đắm đuối mặc cho ghe thuyền tự do ngược xuôi theo con nước. Chẳng biết gã có đoái hoài gì đến những ánh mắt kia không mà vẫn thản nhiên trêu đùa với khách quen, dửng dưng mua mua bán bán.
Những tia nắng già nua gắng gượng trườn qua mặt sông, bấu víu con nước đến đục ngầu khóe mắt, trông thật khắc khổ thảm thương. Phận sự của nắng, cứ dốc sức kiệt cùng chiếu sáng và sưởi ấm nhân gian, cần mẫn tận tụy cho đến khi trời cảm động bật khóc thì mới giật mình ngơi nghỉ thoáng chốc. Kiếp nắng cũng lắm đa đoan, hay vì gã thương hồ khua dầm loang nắng đục?
Chiều nay, tôi ngồi bên biển mà nhớ con nước nổi nênh, mà thương vệt nắng loang khiến lòng thắc thỏm. Nhìn cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi xa tự do khám phá những miền đất mới cứ ngỡ mình là gã thương hồ, nao nao rao chữ để tìm tri âm tri kỷ trong dòng đời bể dâu nghiệp dĩ.
Sao mà thèm đến thế! Một câu hát khê nồng trên dòng sông Vàm Cỏ, vang vọng từ chiếc ghe bầu nào đó, cho thỏa cái cảm giác mênh mang đắng đót lãng du...
L.H.K