Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang tầm vóc vĩ nhân thời đại

12.05.2015

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang tầm vóc vĩ nhân thời đại

Bên cạnh những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, những tư tưởng về đạo đức và nhân cách của Người là một phần không thể thiếu, làm nên tầm vóc lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Nói như giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo thì: “Hồ Chí Minh là sự tổng hoà thống nhất giữa con người, cuộc đời và sự nghiệp, giữa tư tưởng, phương pháp và phong cách, giữa đạo đức lối sống và nhân cách. Chính sự tổng hoà thống nhất đó đã làm nên hiện tượng văn hóa Hồ Chí Minh - một hiện tượng văn hóa độc đáo, xuất hiện trong xã hội hiện đại. Người là một trong số lãnh tụ hiếm hoi trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống.”

Trong số những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có một tài sản đặc biệt quý giá, đó là đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh của lý luận và thực tiễn, là biểu tượng của sự tích hợp các giá trị văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. 

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một nhà tư tưởng lớn mang tầm vóc vĩ nhân của thời đại, vô cùng lớn lao, cao cả nhưng lại được biểu hiện một cách chân thực, rất mực giản dị, gần gũi. Đạo đức, theo Hồ Chí Minh, luôn gắn liền với cách mạng, với tiến bộ xã hội và hoà quyện vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.” ("Hồ Chí Minh toàn tập", Tập 9, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.1995, trang 290).

Người đã đưa ra năm điều làm nên đạo đức cách mạng đó là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Người quan niệm: “Nhân" là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

"Nghĩa": là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

"Trí": vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

"Dũng": là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

"Liêm": là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” 

Và Người đã tổng kết rất ngắn gọn, súc tích: “Đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Marx Lenin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ...Cho nên đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng...” 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”

Không chỉ xác định, nhận thức rõ về nội dung, vai trò, vị trí của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức mà biểu hiện sống động rõ nét nhất là qua các hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. 

Người đã nêu một tấm gương mẫu mực tận trung với nước, tận hiếu với dân, coi dân là quý nhất, sức mạnh đoàn kết của muôn dân là sức mạnh lớn nhất; Phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất và dốc lòng tận tuỵ vì dân là theo đuổi một lẽ sống cao thượng nhất. 

Có thể dẫn chứng bằng một số ví dụ rất đời thường mà sinh động. Trong mối quan hệ với mọi người, Bác hết mực yêu thương, quan tâm, từ cụ già đến trẻ nhỏ, từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến những người chiến sỹ, những cán bộ dân tộc ít người và cả những cán bộ làm việc xung quanh Bác...Tất cả đều nhận được tình yêu thương bao la, sự quan tâm, chia ngọt sẻ bùi của Bác. Với em bé, Bác để dành quả táo để làm quà. Với cụ già, Bác tặng từng thước vải. Với cán bộ chiến sỹ, Bác tặng rau xanh, hoa quả do mình tăng gia sản xuất và gửi cả tiền tiết kiệm của mình để cải thiện bữa ăn, nước uống cho anh em.

Trong lối sống, Bác là tấm gương sáng về tính tiết kiệm, giản dị. Bộ quần áo kaki, đôi dép cao su của Bác đã nói lên lối sống tham đạm của Người.

Nhưng trong công việc, Bác rất nghiêm túc và nghiêm khắc, ngay cả với bản thân mình. Bác đặc biệt nhấn mạnh việc phải đúng thời gian trong công việc. Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút. Mặc dù có lý do như mưa to, suối lũ, ngựa không qua được, Bác vẫn nhẹ nhàng góp ý: “Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: “Chú đến chậm mấy phút?” “Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ”. “Chú tính thế là không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ Bác để bất cứ ai phải đợi chờ mình.

Người dạy đạo lý làm người chủ yếu bằng nêu gương, dạy chủ yếu bằng hành động, đưa con người vào tình huống để người ta suy ngẫm, thức tỉnh, chứ không bao giờ là lý thuyết suông. Vì thế mà ai ai cũng đều “tâm phục khẩu phục”, ghi nhớ đến suốt đời những bài học dạy làm người của Bác.

Chỉ với một số nét phác thảo như trên về đạo đức Hồ Chí Minh đã cho thấy sự phong phú, đa dạng, toàn diện mà sâu sắc, thiết thực, là sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại từ nội dung đến phương pháp, từ lý luận đạo đức đến thực hành đạo đức của Người. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những học trò xuất sắc và là người cộng sự gần gũi của Bác Hồ, trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của Bác (tháng 5/1970) đã viết: “Hồ Chủ tịch, một vị lãnh tụ cách mạng kiểu Lenin, càng vĩ đại vì giản dị. Người là con chim đại bàng của Trường Sơn với tầm mắt thấu suốt từ lưu vực sông Hồng, quê hương buổi đầu của dân tộc, đến lưu vực sông Cửu Long giàu hoa quả và trí dũng, và từ nước ta nhìn ra khắp bốn biển, năm châu, tầm mắt xuyên qua thời gian đến tương lai tươi sáng của dân tộc và của cả loài người”./.

VH (theo Vietnamplus.vn)