Người Đà Nẵng với thi pháp học hiện đại

30.12.2024
Bùi Văn Tiếng
Nhìn từ góc độ Thi pháp học hiện đại với người Đà Nẵng - bao gồm những người Đà Nẵng xa quê - có thể ghi nhận nhiều dấu ấn đáng kể của Thi pháp học hiện đại trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở thành phố bên sông Hàn.

Người Đà Nẵng với thi pháp học hiện đại

Xem thêm Phạm Ngọc Hiền (2016), Thi pháp học, Nhà xuất bản Văn học.

Trong bài Lược sử thi pháp học Việt Nam đăng trên Tạp chí Non Nước số 157 ra tháng 5 năm 2010, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền đã sơ bộ giới thiệu quá trình tiếp cận thi pháp học hiện đại ở nước ta, nhất là trong thập niên 1990(1): “Việc nghiên cứu Thi pháp học đã tạo thành một trào lưu ở Việt Nam những năm 1990. Hàng loạt công trình dịch thuật, giới thiệu các nhà Thi pháp học  Liên Xô được xuất bản và đăng tải trên các báo chí. Bạn đọc Việt Nam đã biết đến tên tuổi của các nhà Thi pháp học nổi tiếng thế giới như: Aristote, Lưu Hiệp, Viên Mai, Bakhtin, Jakobson, Khrapchenco, Todorov, Meletinski, Propp… Thật khó thống kê được có bao nhiêu luận án, luận văn, bài báo về Thi pháp học (…) Địa hạt nghiên cứu Thi pháp học ở Việt Nam không chỉ đông đảo về tác giả, nhiều về số lượng tác phẩm mà còn đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu và trường phái”. Nhìn từ góc độ Thi pháp học hiện đại với người Đà Nẵng - bao gồm những người Đà Nẵng xa quê - có thể ghi nhận nhiều dấu ấn đáng kể của Thi pháp học hiện đại trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở thành phố bên sông Hàn.

Năm 2009, Nhà xuất bản Phụ nữ ở Hà Nội cho ra mắt độc giả cuốn sách Thơ - Thi pháp và Chân dung của một người Đà Nẵng xa quê là anh Đặng Tiến (1940-2023) nguyên quán xã Hòa Tiến huyện Hòa Vang, cựu học sinh Lycée Blaise Pascal Đà Nẵng. Có thể nói Đặng Tiến đã tiếp cận thi pháp học hiện đại từ thập niên 1970 với cuốn  trụ thơ (Nxb Giao điểm, Sài Gòn, 1972). Một nhà thi pháp  học  hiện  đại  nổi  tiếng ở nước ta là Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Sử từng nhận xét về Đặng Tiến: “Điều chúng tôi thích thú với ông, trước hết vì ông cũng là người đam mê thi pháp như chúng tôi và ông có điều kiện đi trước chúng tôi một thời gian khá dài” (Trần Đình Sử, Đặng Tiến - Thi pháp và thơ, 2023) - nói “đi trước một thời gian khá dài” là bởi đến năm 1987, Trần Đình Sử mới công bố tác phẩm Thi pháp thơ Tố Hữu (Nxb Tác phẩm mới).

Năm 1997, khi Đà Nẵng vừa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Nhà xuất bản Văn hóa ở Hà Nội đã ấn hành cuốn sách Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Bùi Văn Tiếng cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh - là luận văn sau đại học do Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn (cuốn sách có in phụ lục Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng - tiểu luận của Bùi Văn Tiếng). Mấy năm sau, thầy Lê Ngọc Trà còn hướng dẫn nghiên cứu sinh Đào Ngọc Chương - cũng là một người Đà Nẵng xa quê, cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh - bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của Ernest  Hemingway (Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2003)(2).

Xin nói thêm, trong bài báo dẫn trên, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền có nhắc tới cuốn sách của Bùi Văn Tiếng: “Tính đến năm 2000, có một số cuốn sách về Thi pháp học như sau: Về văn học viết Việt Nam: Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Bùi Văn Tiếng, 1997), Về một đặc trưng của thi pháp thơ  Việt Nam  (1945-1995)  (Vũ Văn Sĩ, 1999)...” và trong Luận án Tiến sĩ Ngữ văn Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết hiện thực 1930-1945 của Nghiên cứu sinh Phạm Hồng Lan (người hướng dẫn khoa học: Giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Xuyền) bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2009 cũng có đoạn đánh giá: “Về phương diện thời gian nghệ thuật trong Giông tố, Số đỏ, đáng chú ý là ý kiến của Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Đức Hiểu,  Trần Đăng Thao, Bùi Văn Tiếng. Trong  đó  đáng  chú  ý là chuyên luận Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Bùi Văn Tiếng, Nxb. Văn hóa, 1997)”.

Ngoài ra, Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn nhiều lần được trích in trong các cuốn sách nghiên cứu văn học như: Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (nhiều tác giả, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999), Vũ Trọng Phụng - Về tác gia và tác phẩm (nhiều tác giả, Nxb Giáo Dục, 2000), Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX (nhiều tác giả, Nxb Đà Nẵng, 2001), Số Đỏ - Tác phẩm và dư luận (nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2002), Giông tố - Tác phẩm và dư luận (nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2002), Tác giả trong nhà trường - Vũ Trọng Phụng (nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2006), Số Đỏ - Tác phẩm và lời bình (nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2007) và mới đây nhất là Đà Nẵng 20 năm lý luận phê bình văn học nghệ thuật (1997-2017) (nhiều tác giả, Nxb Đà Nẵng, 2019).

Cũng trong năm 1997, Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản cuốn sách Từ ký hiệu học đến thi pháp học của Hoàng Trinh (do Nxb Khoa học xã hội in lần đầu vào năm 1992 và là một trong năm công trình nghiên  cứu  lý  luận và phê bình văn học góp phần để tác giả Hoàng Trinh/Giáo sư Viện sĩ Hồ Tôn Trinh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 1996), góp phần lan tỏa lý thuyết Thi pháp học hiện đại đến những người sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học ở thành phố Đà Nẵng; đồng thời xuất bản  cuốn sách Về thi pháp Thơ Đường của Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử. Và đến năm 2021, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ấn hành cuốn Giáo trình Thi pháp Văn học dân gian của Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Luận - Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng (theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền trong bài báo dẫn trên, năm 1980 các nhà nghiên cứu văn học dân gian như Lê Kinh Khiên, Chu Xuân Diên đã đề cập thuật ngữ “thi pháp văn học dân gian”) nhằm trực tiếp phục vụ cho việc giảng dạy thi pháp văn học dân gian ở trường đại học... Cũng có thể kể thêm công trình nghiên cứu khoa học của Thạc sĩ Phạm Hưng Bình ở Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng vào tháng 12 năm 2001 về đề tài Hướng vận dụng thi pháp vào giảng văn ở trường phổ thông.

Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng cũng là nơi nhiều học viên sau đại học đã lựa chọn và được hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn về thi pháp học hiện đại, chẳng hạn như Luận văn Thạc sĩ Thi pháp truyện ngắn Thạch Lam của học viên Phạm Thị Song Ánh bảo vệ năm 2011 - do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phong Nam hướng dẫn; hoặc như Luận văn Thạc sĩ Hình tượng nhân vật và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái của học viên Lê Thị Kim Dung bảo vệ năm 2013 - do Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền hướng dẫn; hoặc như Luận văn Thạc sĩ Thi pháp tiểu thuyết Tạ Duy Anh của học viên Nguyễn Thị Tuệ Như bảo vệ năm 2014 - do Tiến sĩ Tôn Thất Dụng hướng dẫn; hay như Luận văn Thạc sĩ Đặc điểm thi pháp tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ của học viên Nguyễn Tấn Quân bảo vệ năm 2016 - do Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Thế Hà hướng dẫn...

Người Đà Nẵng không chỉ nghiên cứu thi pháp học mà không ít trường hợp sáng tác văn chương của một số nhà văn Đà Nẵng cũng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của thi pháp học. Chẳng hạn có thể kể đến sáng tác của nhà văn Đà Nẵng Thái Bá Lợi từng được trao Giải thưởng Văn học ASEAN/SEA Writers Awards năm 2013 với tác phẩm Minh sư - chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi (Nxb Hội Nhà văn, 2012) qua tiểu luận Kết cấu mở và  vấn  đề liên văn bản: Nhìn từ trường hợp tiểu thuyết Thái Bá Lợi của học viên cao học Lê Minh Sơn Trường Đại học Sư phạm Đại học Đà Nẵng và Tiến sĩ Lê Thị Hường Trường Đại học Sư phạm Đại học Huế đăng trên Tạp chí Khoa học và Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Đại học Huế số 02 (34)-2015... Hay chẳng hạn có thể kể  đến  sáng tác của nhà văn Đà Nẵng Vĩnh Quyền từng được trao Giải thưởng Văn học ASEAN/SEA Writers Awards năm 2021 với tác phẩm Trong vô tận (Nxb Trẻ, 2019) qua tiểu luận Nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Mảnh vỡ  của  mảnh vỡ (Vĩnh Quyền) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy Trường Đại học Sư phạm Đại học Huế đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Đại học Huế số 01 (61)-2022… Cũng có thể kể đến sáng tác của nhà văn Đà Nẵng xa quê Nguyễn Nhật Ánh - cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh từng được trao Giải thưởng Văn học ASEAN/SEA Writers Awards năm 2010 với tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nxb Trẻ, 2008) qua Luận văn Thạc sĩ Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn  Nhật  Ánh  của học viên Nguyễn Thị Thu Trang - do Phó Giáo sư Tiến sĩ Lý Hoài Thu hướng dẫn - đã bảo vệ thành công tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2016; hay qua Luận văn Thạc sĩ Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh của học viên Đoàn Quốc Phương - do Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thái Học hướng dẫn - đã bảo vệ thành công tại Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế vào năm 2017...

Là tạp chí chuyên ngành về văn học nghệ thuật của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng/thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Tạp chí Đất Quảng/ Tạp chí Non Nước không chỉ đăng tải những bài nghiên cứu về  lý  thuyết thi pháp học như bài Lược sử thi pháp học Việt Nam của Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền dẫn trên mà còn đăng tải nhiều bài nghiên cứu theo hướng thi pháp học/thi pháp văn học dân gian, chẳng hạn Tạp chí Non Nước số 15 tháng 6 năm 1998 đăng bài Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích Việt Nam của Bùi Văn Tiếng, Tạp chí Non Nước số 301 tháng 3 năm 2023 và số 305 tháng 7 năm 2023 đăng bài Màu đỏ trong thơ Chế Lan Viên và bài Màu trắng trong thơ Chế Lan Viên đều của Huỳnh Văn Hoa - cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh và từng thụ giáo về thi pháp học hiện đại với Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Sử…

*

Khi nghiên cứu thi pháp học hiện đại, tôi ấn tượng nhất là câu nói của một nhà lý luận văn học Liên Xô  - Viện sĩ Hàn lâm Dmitry Sergeyevich Likhachev (1906-1999): “Nhiệm vụ của văn học là khám phá con người trong con người, trùng hợp với nhiệm vụ của nghiên cứu văn học là khám phá chất văn học ngay trong văn học”, và theo tôi thi pháp học hiện đại có nhiều ưu thế trong việc giúp các nhà nghiên cứu văn học “khám phá chất văn học ngay trong văn học”.

B.V.T

(1)Xem thêm Phạm Ngọc Hiền (2016), Thi pháp học, Nhà xuất bản Văn học.

(2) Xem thêm Bùi Văn Tiếng (2012, Hoài niệm trường xưa, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 15 tháng 9 năm 2012.