Nhà văn trẻ: những giọng nói mới, tư thế mới

11.01.2022
Thiên Điểu
Lâu nay nhiều người đặt vấn đề văn chương đang rời xa đời sống, lo lắng thế hệ nhà văn trẻ có thể không tiếp nối được các thế hệ đi trước.

Nhà văn trẻ: những giọng nói mới, tư thế mới

Các cây bút trẻ nhận giải thưởng Tác giả trẻ - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhưng các nhà văn, nhà thơ gạo cội Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương... đều đặt niềm tin vào một lớp thế hệ sáng tác văn chương mới đầy hứa hẹn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định ông có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay và mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn được trao giải thưởng Nobel văn chương.

Ngày 9-1, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất năm 2021 trao cho tác giả Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng thổ tang, tác giả Lý Hữu Lương với tập thơ Yao và Phương Đặng với tập thơ Con người, Vũ Thị Trang với tác phẩm lý luận phê bình Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật và dịch giả trẻ Nguyễn Bình với bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều.

Nhân giải thưởng này, Tuổi Trẻ hỏi chuyện nhiều nhà văn, nhà thơ gạo cội về lực lượng sáng tác trẻ hôm nay.


Trẻ về tuổi đời nhưng chín về văn chương



Tác giả trẻ Đinh Phương - Ảnh: NVCC

Cả nhà văn Bảo Ninh, Dương Hướng đều bày tỏ ấn tượng với tác giả trẻ Đinh Phương - chủ nhân của giải thưởng Tác giả trẻ ở hạng mục tiểu thuyết.

Nhà văn Bảo Ninh nói ông đã thích văn Đinh Phương ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, khi ông được nhà văn Dương Hướng giới thiệu cho. Nhìn vào Đinh Phương và các tác giả trẻ tài năng khác, Bảo Ninh khẳng định họ được gọi là tác giả trẻ ở tuổi đời chứ không hề trẻ theo nghĩa "còn xanh" về văn chương.

"Nhà văn hay phải lạ trong suy nghĩ và câu chữ. Đinh Phương trẻ về tuổi đời thôi chứ không phải chưa chín về văn chương. Tác phẩm nào của anh cũng lạ. 

Anh viết về những người dân thường của lịch sử xa xưa, viết chuyện xưa của dân tộc này bằng cách viết, bằng chữ nghĩa rất hiện đại và một thứ tiếng Việt rất giỏi", nhà văn Bảo Ninh nhận xét.

Nhà văn "lão thành" tỏ ra thấu hiểu và chia sẻ với con đường khó khăn, đơn độc của các nhà văn, ông mong các cây viết trẻ sẽ tìm được nhiều sự đồng cảm từ bạn đọc, các nhà phê bình để con đường của mình bớt chông gai. "Các nhà văn trẻ tài năng này họ không cần sự nâng đỡ, nhưng rất cần sự đồng cảm", tác giả Nỗi buồn chiến tranh nhắn gửi.


Nhà văn Dương Hướng có nhiều năm làm công tác biên tập văn chương, lại "ngồi" ở Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam 2 khóa thì đã sớm nhìn thấy một lứa sáng tác mới đầy tiềm năng. 

Những Vĩnh Thông, Văn Thành Lê, Kim Hòa, Uông Triều, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Lê Quang Trạng... chính là một thế hệ nhà văn rất mới, có hướng đi rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Dương Hướng cho biết ông rất hy vọng vào lớp trẻ này.

Với trường hợp Đinh Phương, nhà văn Dương Hướng cho biết ông đã nhận ra một giọng văn rất riêng, đặc biệt, sâu sắc. "Sòng phẳng thì những cây bút trẻ họ thực sự gây được ấn tượng", nhà văn Dương Hướng nói.

Họ không nề hà, lảng tránh đề tài nào


Là người tâm huyết cho ra đời giải thưởng Tác giả trẻ với cương vị là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng những lo lắng về thế hệ nhà văn trẻ có thể không tiếp nối được các thế hệ đi trước là không đúng. 

"Đọc họ mang lại cảm xúc đặc biệt, họ mang lại ý tưởng mới, hình thức mới, những sáng tạo mới mẻ. Họ vẫn viết về chủ nghĩa nhân văn của người Việt đó thôi, nhưng tỏ bày theo một cách khác", ông Thiều nhận xét về một thế hệ cầm bút mới.

Ông cho biết khi chấm giải Tác giả trẻ, hội đồng chấm giải rất xúc động khi nhìn thấy ở những người trẻ này "một giọng nói mới, một tư thế mới", những người vẫn yêu dân tộc này, yêu tiếng Việt nhưng bằng cách riêng của họ, đi trên con đường mới đầy khó khăn thách thức.

"Họ mang đến những giọng nói mới nhưng vẫn chứa đựng giá trị nhân văn cao cả của người Việt Nam", ông Thiều bày tỏ niềm tin vào những người trẻ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách sáng tác - cũng khẳng định đang có sự hiển hiện rõ ràng một đội ngũ nhà văn với nền tảng nhận thức và kiến thức căn bản, với sự càn lướt phóng khoáng của tuổi trẻ, nhưng trên hết, họ sở hữu tài năng và đam mê sáng tạo. 

Ông đánh giá cao việc các tác giả trẻ hiện nay không nề hà, lảng tránh bất cứ một đề tài hay một lĩnh vực xã hội nào, rất đa dạng trong quan điểm tiếp cận, mổ xẻ, nhìn nhận đời sống.

Phải trở thành hòn đảo lạc quan để độc giả trú ngụ

Tuy lạc quan và tin tưởng vào lứa sáng tác mới, nhà văn Nguyễn Bình Phương thẳng thắn cho rằng văn học cần giành lại độc giả. Muốn thế, văn học "phải cương quyết gạt bỏ sự dễ dãi, xềnh xoàng để tiến tới độ sang trọng vốn có không chỉ ở chất lượng nội dung mà ngay cả từ chất lượng hình thức, lẫn phương thức quảng bá".

"Văn học cũng cần giành lại vị thế tiếng nói thiên lương của mình bằng sự can trường đối diện thực sự với những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội, và dứt khoát nó phải trở thành hòn đảo lạc quan để độc giả trú ngụ trước những sóng gió cuộc đời họ", nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Ông cho biết Ban chấp hành Hội Nhà văn đang triển khai nhiều phương án để cải thiện tình thế của văn chương và một trong những động thái cụ thể nhất là thành lập giải thưởng Tác giả trẻ.

(tuoitre.vn)