Người cháu ngoại của đất Quảng

13.05.2021
Lê Nam Thắng
Nguyễn Phước Tương thuộc dòng dõi hoàng tộc, sinh năm 1928, quê gốc ở làng Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông từ Huế vào dạy học và sinh sống nhiều năm ở TP.Hội An, cưới mẹ ông, một người con gái Quảng Nam, thuộc dòng dõi Đoàn Quý Phi, có quê gốc ở làng Phiếm Ái, nay là xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Quảng Nam quê ngoại và TP.Hội An tuổi thơ đã trở thành “chất men” cho những sáng tác và nghiên cứu của Nguyễn Phước Tương.

Người cháu ngoại của đất Quảng

“Đại lão Hoàng Sa”

Trước năm 1945, Nguyễn Phước Tương học trường Tiểu học Hội An rồi Quốc học Huế. Năm 1946, sau khi Nhật đầu hàng, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta, gia đình ông phải di cư ra Thanh Hóa để tránh sự truy lùng  của mật thám Pháp. Điều đặc biệt là mặc dù có khả năng về chữ Hán và chữ Pháp, hai người anh đều theo các ngành về khoa học xã hội, ông lại đảo chiều, đi theo ngành khoa học tự nhiên. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Đại học Nông nghiệp I ở Hà Nội, chuyên ngành thú y. Ra trường về dạy trường Đại học Nông nghiệp II tại Hà Bắc, mãi đến năm 1977 mới về lại Quảng Nam. Từ năm 1977 đến 1988, ông là Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi - thú y Quảng Nam - Đà Nẵng .

Sau khi nghỉ hưu (1988) ông làm  công tác nghiên cứu ở trung tâm thông tin tư liệu Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông là hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội viên lớn tuổi nhất của Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn nghệ dân gian TP.Đà Nẵng; nhà nghiên cứu cao niên, dành nhiều công sức và thời gian nhất cho việc nghiên cứu Hoàng Sa, được các nhà nghiên cứu ở Hội Khoa học lịch sử  Đà Nẵng trìu mến tặng danh hiệu “Đại lão Hoàng Sa”.

“Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng chủ quyền của Việt Nam”  là tập bản thảo được ông hoàn thiện từ năm 2009, nhưng rất tiếc đến nay vẫn chưa được xuất bản.

Đây là quyển sách mà ông ấp ủ suốt 10 năm cuối đời, chấp bút liên tục trong 1 năm, với 17 chương, dày  hơn 500 trang được viết dưới dạng tổng hợp, trích dẫn từ 150 nguồn tài liệu quý hiếm trên khắp thế giới nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có 26 tài liệu viết bằng tiếng Pháp được coi là hiếm.  

Nói về quyển sách, Nguyễn Phước Tương cho biết: “Tôi viết quyển sách này vì trách nhiệm của một nhà nghiên cứu lịch sử, của một công dân và đơn giản nhất vì Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn cho đến sau này đều là lãnh thổ của Quảng Nam. Tôi lại là người của hoàng tộc nhà Nguyễn và cháu ngoại của Quảng Nam”. Chính những đóng góp quý báu của ông cho việc nghiên cứu  Hoàng Sa, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố đã trân trọng gọi ông là “Đại lão Hoàng Sa”.

Khối tình với quê mẹ

Dù làm ở đâu, nghề gì Nguyễn Phước Tương vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học, viết sách. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách về chăn nuôi, thú y, môi trường; nhưng đồng thời cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng về văn học, về văn hóa, lịch sử xứ Quảng. Người cháu ngoại tài danh và nặng lòng với quê mẹ đó đã ra đi vì tuổi già và bạo bệnh ở tuổi 88 vào ngày 23.3.2015 khi còn ngổn ngang biết bao dự tính.

Để phục vụ giảng dạy và sản xuất, Nguyễn Phước Tương đã viết hàng chục cuốn sách về thú y, vật nuôi, môi trường. Nghiên cứu đầu tay của ông là quyển “Đặc điểm sinh học - di truyền và tính năng sản xuất của trâu” (xuất bản năm 1978)  đã nhận được thư  khen của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Công trình nghiên cứu “Ô nhiễm môi trường Trái Đất”, được xuất bản năm 2014,  khi ông bước vào tuổi 87, cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.

Nhưng đây chỉ là những quyển sách được viết từ “sở trường”. Đáng quý hơn là những bộ sách dày cộm của ông được viết bằng “tâm huyết” với tình yêu tha thiết dành cho “quê ngoại”.  “Quê mẹ” luôn tạo ra những cảm xúc đặc biệt để Nguyễn Phước Tương nghiên cứu về xứ Quảng.

Ông là người luôn có mặt và đọc hàng chục tham luận trong các hội thảo quan trọng nghiên cứu về Quảng Nam, tiêu biểu là Hội thảo về Danh xưng Quảng Nam (2001), Vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm (2002), Bà Chúa Tàm Tang xứ Quảng (2003), Tiểu La Nguyễn Thành (2004), 100 năm phủ lỵ Tam Kỳ (2007), Phong trào chống thuế Quảng Nam (2008)…

Ông cũng là một trong những tác giả trụ cột của sách Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng với trên 10 nghiên cứu, nổi bật là về Khu hệ động thực vật của Quảng Nam Đà Nẵng, Sự ra đời và cơ cấu hành chánh qua các thời kỳ của các huyện đồng bằng Quảng Nam - Đà Nẵng, Sự ra đời của chữ Quốc ngữ…

Các tác phẩm viết về Quảng Nam

Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu (NXB Giáo Dục, 1997). Đây là sách song ngữ Việt Pháp. Sách được Đại sứ Pháp tại Việt Nam đánh giá là “Một công trình rất lý thú”. Quyển sách góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh Hội An ra thế giới và thu hút khách du lịch.

Hương sắc vườn quê (NXB Thanh Niên, 2002) là tác phẩm văn học đầu tay của ông tập hợp những truyện vừa, viết về vùng đất của các Di sản thế giới Huế và Mỹ Sơn.

Hội An Di sản thế giới (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2004). Giới thiệu một cách tương đối đầy đủ về Hội An, lịch sử cảng thị sầm uất thời chúa Nguyễn cho đến Di sản thế giới với những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử.

Phố cổ êm đềm (NXB Văn Học, 2010) là cuốn tiểu thuyết “ghi lại những cuộc tình thơ mộng, sự chân chất, mộc mạc của phố cổ Hội An trong biến động của thời chiến tranh, ly loạn, tác động đến từng thân phận con người”.

Xứ Quảng - Vùng đất và Con người (NXB Hồng Đức, 2013) là công trình nghiên cứu gần 800 trang, trình bày khá đầy đủ về nhiều khía cạnh khác nhau của xứ Quảng từ lịch sử, văn hóa, nhân vật cho đến thiên nhiên.  Công trình tập hợp các bài viết đã được đăng trên nhiều tạp chí khoa học và chuyên ngành. Sách giới thiệu 30 nhân vật của xứ Quảng từ những gương mặt danh sĩ đất Quảng vang bóng một thời đến các anh hùng, liệt sĩ thời hiện đại. Ông không tản mạn giới thiệu lại đầy đủ tất cả nhân vật mà chỉ tập trung giới thiệu những gương mặt mà lâu nay ít được nghiên cứu như Phạm Nhữ Tăng, Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai,  Nguyễn Phúc Vinh, Nguyễn Phúc Kỳ, Phan Thị Thục, Đoàn Tá, Lương Trọng Hối, Lê Văn Căn, Thầy Vàng… Ông cũng dành nhiều trang viết  giới thiệu những địa danh đã đi vào lịch sử xứ Quảng  như: Cù Lao Chàm, Hội An, Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân… ; những sự kiện lịch sử đáng nhớ như cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1858-1860, cuộc kháng thuế long trời lở đất năm 1908… Đặc biệt sách đã giới thiệu sự ra đời và cơ cấu tổ chức của các huyện đồng bằng của Quảng Nam qua các thời kỳ.

Cảm nhận Văn học dân gian Đất Quảng (chưa xuất bản). Sách dày hơn 300 trang là một khảo luận lý thú về văn học dân gian Quảng Nam. Nghiên cứu đã nhận được Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.

(baoquangnam.vn)