Nhà nghiên cứu, Nhạc sĩ Trần Hồng
Nhạc sĩ Trần Hồng phát biểu tại Đại hội Hội Văn nghệ Dân gian lần thứ IV nhiệm kỳ 2018-2023
Năm 23 tuổi, tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Trần Hồng may mắn khi có cơ hội học hỏi khá nhiều từ các nghệ sĩ, các bậc thầy trong và ngoài nước về văn hóa, nghệ thuật như: Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi, nhạc sĩ Lê Yên, GS Lưu Hữu Phước và đặc biệt là GS,TS Trần Văn Khê. Năm 1953, ông là Phó trưởng đoàn Đoàn Văn công HL.30 chiến trường Tây Nguyên thuộc Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ngãi. Ông đã chỉ huy Dàn nhạc của Đoàn Ca Múa Quân khu 5, Ca Kịch Liên khu V, Đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung Bộ, Đoàn Ca Múa tỉnh Quảng Nam. Trước khi nghỉ hưu, ông làm Trưởng phòng Văn nghệ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông cho biết: “Sau ngày giải phóng, tôi làm việc ở lĩnh vực văn hóa, đảm nhận công tác quản lý: Phó đoàn ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng, chuyên viên âm nhạc phụ trách Phòng Văn nghệ của Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Trải qua nhiều năm trong ngành, tôi càng có cơ hội tích lũy thêm nhiều tư liệu quý giá, bao dự định ấp ủ nhưng không có thời gian thực hiện”,
Năm 1994, nhạc sĩ Trần Hồng nghỉ hưu. Vài năm sau, ông bắt đầu lục lọi lại tài liệu mình từng ghi chép, học hỏi được và tiến hành nghiên cứu văn hóa dân gian. Trải qua mấy chục năm trong nghề, nhạc sĩ Trần Hồng am hiểu tường tận văn hóa của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng biết nhiều, hiểu nhiều để rồi đến cái tuổi gần đất xa trời, ông trăn trở hơn về thực trạng văn hóa, văn nghệ của mảnh đất này. Ông tâm sự: “Cái lo lớn nhất của tôi là đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật, không có những người vững chuyên môn, không có đội ngũ diễn viên, ca sĩ tài năng kế cận. Có thời gian dài người ta mải mê làm kinh tế mà quên đầu tư cho văn hóa. Chỉ những người nghệ sĩ, nghệ nhân già lầm lũi lo vì sợ văn hóa dân gian bị mai một. Song, những tâm huyết đó chưa nhận được sự cổ vũ. Tôi buồn cho văn hóa thành phố mình lắm vì những người tâm huyết không còn nhiều. Nhưng buồn chứ không thất vọng, vì tôi tin rằng mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về đầu tư văn hóa”
Ông là người có công trong việc sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian Liên khu V. Ông đã sáng tác nhiều thể loại, nhất là phần âm nhạc cho tác phẩm sân khấu Tuồng, Cải Lương, Bài Chòi... Ông cũng có viết một số tiểu luận nghiên cứu về dân ca.
Tác phẩm tiêu biểu:
Tác phẩm âm nhạc thể loại múa:
1. Múa trống Tây Nguyên của Lâm Tô Lộc,
2. Múa Xúc tép của Kỳ Thanh,
3. Múa Kén rể của Vĩnh Huế
Công trình sưu tầm, nghiên cứu:
1. Hát bả trạo
2. Âm nhạc ca kịch Bài chòi
3. Nhạc đàn kịch dân ca
4. Nhạc Tuồng
5. Hát Sắc bùa
6. Hò đưa linh
7. Văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên
8. Âm nhạc dân tộc Chăm-Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt
Tác phẩm Hát bả trạo
Tác phẩm Hò đưa linh
Giải thưởng, Tặng thưởng:
- Giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2003 với công trình nghiên cứu Hát bả trạo.
- Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2004 với công trình nghiên cứu Âm nhạc ca kịch Bài chòi.
- Giải B của Hội Sân khấu Việt Nam năm 2003 với công trình nghiên cứu sưu tầm Âm nhạc kịch dân ca.
- Giải Ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012 với công trình nghiên cứu sưu tầm Hò đưa linh.
- Giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2013 với công trình nghiên cứu Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt.
- Tặng thưởng loại C của Hội Âm nhạc Đà Nẵng năm 2008 với ca khúc Đồi Cù chốn xưa.
- Tặng thưởng loại Xuất sắc của Hội Âm nhạc Đà Nẵng năm 2010 với công trình nghiên cứu Hát bả trạo.
- Tặng thưởng loại A của Hội dân gian Đà Nẵng năm 2008 với công trình nghiên cứu Văn hóa dân gian các dân tộc tây Nguyên.
- Tặng thưởng loại B của Hội dân gian Đà Nẵng năm 2011 với công trình nghiên cứu Hát sắc bùa.
- Tặng thưởng loại B của Hội dân gian Đà Nẵng năm 2012 với công trình nghiên cứu Hò đưa linh.-Giải Khuyến Khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ nhất (1997-2005) với công trình nghiên cứu Nhạc Tuồng.
- Giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ hai (2005-2009) với công trình nghiên cứu Nhạc đàn kịch dân ca.
Ông cũng đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Quyết thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và rất nhiều giải thưởng khác. Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.