Nhà nghiên cứu, Nhạc sĩ Trương Đình Quang
Nhạc sĩ Trương Đình Quang
Từ những ngày còn trẻ, ông đã tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ quân đội tại vùng kháng chiến khu V, với những bạn cùng thời Vũ Hân, Nguyên Ngọc, Lê Văn Đích, Phan Huỳnh Điểu… Trước đó, những ngày cùng gia đình ở Hội An, Trương Đình Quang đã “chơi” nhạc trong nhóm tài hoa “Minh Hương kiệt hiệt” với những tên tuổi như Vương Gia Khang, Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Tú Mỹ… Rồi lại hoạt động báo chí, khi là Tổ trưởng văn nghệ, Báo chí Trung đoàn 84 Mtrang Long, Nam Tây Nguyên (1949 - 1953). Sau 1953, ở cương vị Thư ký chi đoàn Nhạc sĩ, thuộc Chi hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu V, Trương Đình Quang bắt đầu viết. Lúc này, tài hoa ở lĩnh vực khí nhạc, sáng tác mới phát lộ. Những ca khúc về thanh thiếu niên, bộ đội Cụ Hồ, bà con dân tộc Tây Nguyên…vang vọng trong bom đạn. Những người nhạc sĩ kháng chiến như ông, vẫn thường bảo rằng, những bài hát thời kháng chiến chống Pháp, thời đó còn là những chàng trai, cô gái với tuổi đời đẹp nhất. Họ nói, thời ấy, nhạc ở chiến khu trở thành một góc tâm hồn, “cứ hát đúng như lòng mình muốn, chân thật đến cùng trong mọi cung bậc tình cảm, hào hùng và lãng mạn, lạc quan và bi quan, vui tếu và buồn đau...” (Dương Tường). Đàn chim trắng, Đi gây cơ sở, Tiến lên Lạc… là những sáng tác lưu tên Trương Đình Quang vào những đóng góp cho hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến thời ấy.
Sau này ông nghiêng phần nhiều hơn về mảng nghiên cứu âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ truyền. Từ 1956 - 1959, ông học lớp sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi lại theo dõi mảng dân ca Nam Trung Bộ. Sau đó, nhạc sĩ Trương Đình Quang về công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc, chuyên mảng sách lý luận, sáng tác. Năm 1969, khi là Trưởng ban Nghiên cứu, sáng tác và đào tạo Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V, ông biên soạn tập sách “Thuật ngữ âm nhạc đối chiếu” - là một tài liệu quý cho người sáng tác cũng như sử dụng nhạc cụ, trên nền nghiên cứu các hòa thanh, phức điệu trong ca nhạc, kịch hát bài chòi, hát bội…
Trong cuốn “Hội An - Đất và Người”, nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt và Thy hảo Trương Duy Hy viết về ông “là một trong những nhạc sĩ có công điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép văn hóa văn nghệ dân gian từ Quảng Nam vào đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa”. Trương Đình Quang còn là một người thầy của sinh viên các trường nghệ thuật, khi giúp họ vỡ ra thứ hồn vía “tinh túy, sâu sắc” của hò khoan, vè Quảng, bài chòi, của trống chiến trống chầu… Người nhạc sĩ cả đời mê mẩn âm nhạc dân gian này còn có những đóng góp lớn cho âm nhạc sân khấu bài chòi. Ông là đồng tác giả âm nhạc sân khấu của vở “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Vượt Chư Lây”, “Quê hương dậy sóng”… từng gây tiếng vang trong nền sân khấu Việt Nam. Những năm sau này dù đã lớn tuổi nhưng nhạc sĩ Trương Đình Quang vẫn chăm chỉ viết phê bình âm nhạc đăng tại các báo, tạp chí trung ương và đia phương.
Tác phẩm nghiên cứu đã xuất bản:
1. Thuật ngữ âm nhạc đối chiếu
2. Lịch sử kịch hát bài chòi
3. Men rượu hồng đào (Dân ca Quảng Nam)
4. Tuồng hát bộ Quảng Nam
5. Với bài hát và ca kịch quê hương
6. Hát Bả trạo, hò đưa linh (viết chung với NNC Trương Duy Hy)
7. Tai nghe trống chiến trống chầu
Tác phẩm Hát Bả trạo, hò đưa linh
Tác phẩm Tai nghe trống chiến trống chầu
Giải thưởng, tặng thưởng âm nhạc, văn nghệ dân gian
- Giải A của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2003 với Tập nghiên cứu phê bình Những bài lý luận, phê bình âm nhạc.
- Giải A của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2004 với 30 bài lý luận âm nhạc.
- Giải B (không có giải A) của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2006 với tác phẩm Men rượi hồng đào.
- Giải B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2006 với tác phẩm Các làn điệu hô, hát Bài chòi.
- Giải Nhất của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2009 với tác phẩm Ca nhạc Bài chòi, ca nhạc kịch hát Bài chòi.
- Giải 3 của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam 2010 với Công trình lý luận phê bình âm nhạc đăng trên các tạp chí trung ương và địa phương.
- Giải B của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam 2011 với tác phẩm Với làn điệu quê hương.
- Tặng thưởng loại B của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng năm 2010 với tác phẩm Hát bả trạo, Hò đưa linh (Sưu tầm và biên khảo của Trương Đình Quang, Trương Duy Hy).
- Giải C của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2013 với Các bài viết về âm nhạc trên báo và tạp chí năm 2013”.
- Giải B của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2015 với 11 bài báo viết về âm nhạc (nghiên cứu, lí luận, phê bình).
- Giải B của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2016 với 15 bài báo viết về âm nhạc.
- Giải B của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2017 với tác phẩm Tai nghe trống chiến trống chầu.
- Giải B của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2019 với tác phẩm “Những bài nghiên cứu lý luận năm 2018-2019".
- Giải thưởng Nhà nước năm 2011 Trương Đình Quang (Cụm tác phẩm biên soạn, tư liệu, sưu tầm: Lịch sử kịch hát bài chòi; Men rượu hồng đào (Dân ca Quảng Nam); Tuồng hát bộ Quảng Nam; Với bài hát và ca kịch quê hương).
Nhạc sĩ Trương Đình Quang có đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ và bảo lưu Bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giờ đây, khi đã qua tuổi 90 nhưng nỗi trăn trở của nhạc sĩ Trương Đình Quang là lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến những giá trị văn hóa của dân tộc, lo rằng những môn nghệ thuật truyền thống sẽ thiếu hụt tầng lớp kế cận. Nhưng ông cũng tin rằng, nhà nước sẽ có nhiều chính sách để góp phần gìn giữ những vốn quý mà cha ông để lại.