Duy Ninh và nghệ thuật Thủ ấn họa

25.03.2015

Họa sĩ Duy Ninh, sinh năm 1952, tại Phú Hòa, TP Huế. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980, 1985, 1990, 1995, 2000 và 2010 tại Hà Nội. Triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng (1989), tại TP Hồ Chí Minh (1991). Triển lãm nhóm họa sĩ Việt Nam tại Đan Mạch năm 1995. Có tranh trong Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng tranh triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1996

Duy Ninh và nghệ thuật Thủ ấn họa

Họa sĩ Duy Ninh là một trong những gương mặt điển hình, thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975. Suốt nhiều năm qua, Duy Ninh đã có những đóng góp sáng tạo không mệt mỏi, qua nhiều thể loại: sơn dầu, lụa, khắc gỗ…Thế nhưng, đến hiện nay, nhắc đến họa sĩ Duy Ninh,  dường như nhiều người nghĩ ngay cái tên anh gắn liền với thể loại thủ ấn họa (monoprint).
 Bởi đây cũng chính là thể loại mà anh tâm đắc nhất, như có lần anh từng bộc bạch: “Với thể loại này, người nghệ sĩ có thể bày tỏ trên tranh những suy nghĩ sâu kín nhất, hoặc cũng có thể là những ý tưởng bất chợt. Cái hay của thể loại này là sự ngẫu nhiên mà người xem cảm nhận được lại chính là điều tác giả đã sắp xếp trước”. Với Duy Ninh, hẳn lĩnh vực này là một trò chơi lý thú của người khéo tay, vừa là tâm huyết của một họa sĩ trên con đường tìm kiếm tiếng nói của riêng mình. Tranh của anh thường thể hiện qua nhiều đề tài dàn trải phong phú, từ cụ thể… đến trừu tượng, bằng các chất liệu màu dầu, sơn ta, phấn tiên, thuốc nước… trên giấy trắng, giấy dó. Có thể nói, mọi ưu thế phóng túng trong việc sử dụng chất liệu cho thủ ấn họa đã được Duy Ninh khai thác một cách triệt để và hiệu quả.

 

 Năm 1991, Duy Ninh có cuộc Triển lãm cá nhân tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên Duy Ninh đã đem đến với công chúng một cái nhìn khá đầy đủ về nghệ thuật Thủ ấn họa của mình. Với 51 tác phẩm mang nặng những nội dung suy niệm sâu lắng về những thân phận, những mảnh đời giữa trần gian đầy bất trắc…đã khiến đông đảo người thưởng ngoạn và giới chuyên môn đánh giá cao. Cũng chính dịp này, chương trình nghệ thuật Đông dương (Indochina Art Project) của Hoa Kỳ, do David Thomas đại diện, đã chọn của Duy Ninh 7 tranh (trong tổng số 45 tranh được chọn tại Việt Nam) để trưng bày tại cuộc triển lãm chủ đề Two peoples – One land (Hai dân tộc – Một miền đất) ở Mỹ vào năm 1992.

 

Đa phần, tranh của Duy Ninh chủ yếu là màu nâu, đen và lục xám. Thỉnh thoảng, đâu đó bất chợt lóe lên những màu đỏ nhỏ nhoi như ngọn lửa không ngừng thắp lên trong trái tim người họa sĩ. Đường nét trong tranh của anh đơn giản mà khắc khổ, trầm tư. Dù là trong tranh khắc kẽm hay tranh sơn dầu, những sắc màu và đường nét bao giờ cũng vang lên những âm thanh như tiếng chuông ngân dài… gợi mở những cảm xúc bồi hồi, chừng ta đang đối mặt trước dòng sông riêng của đời mình. Một chi tiết đáng lưu ý, là trong tranh Duy Ninh hầu như khó tìm thấy hoa. Trong khi đó, những thiếu nữ trong tranh anh lại luôn mang nỗi hoài vọng, hướng về một nơi chốn rất xa xăm… (Tiếng võng khuya, Đêm xuân thiếu nữ, Thiếu phụ).

 

 Nhận xét về tranh thủ ấn họa Duy Ninh, họa sĩ Rừng cho rằng: “Kỹ thuật thủ ấn họa của Duy Ninh khai thác những bất ngờ trong đường nét, bố cục màu. Có thể nói với sự thả rông tư duy trong hình tượng, anh đã  tạo được một thế giới có chiều sâu tư tưởng. Những bức tranh đẹp thường thấy trong kỹ thuật và cách thể hiện này: “Về nhánh sông xưa – Sau cuộc đấu – Thần làng – Đối bóng – Khoảng cách – Đồ chơi trẻ con – Bay theo cánh diều – Chinh phụ - Trái tim rực rỡ - Hạnh phúc – Mẹ” là những tranh có tư tưởng sáng tạo, có nét riêng và theo chiều hướng này, người thưởng ngoạn thấy đã hình thành cái thế giới hội họa của Duy Ninh”. Còn nhà phê bình Lưu Hồng Cúc nhận định: “ Thủ ấn họa như một lối thoát của những họa sĩ nghèo, do những chất liệu làm nên tranh dễ tìm kiếm, rẻ tiền so với “ông vua” sơn dầu. Dù được liệt vào dạng đồ họa, nhưng với người tìm tòi sáng tạo, cái khung đồ họa có lẽ từng bước bị phá vỡ bởi họ có toàn quyền thêm, bớt màu sắc, đường nét trên ấn bản duy nhất đã hình thành để hoàn tất vẻ đẹp của tác phẩm. Tài năng, tấm lòng, sự đam mê, có lẽ là điều kiện cần và đủ để thực hiện “phá vỡ” quy tắc ước định để đến với cái đẹp không cùng. Và tranh của Duy Ninh cho phép chúng ta tin vào điều đó”. Họa sĩ Phan Ngọc Minh, một người bạn đồng nghiệp thân thiết của Duy Ninh cũng chia sẻ đồng cảm: “Từ sắc màu của cánh diều chập chờn bay lơ lửng giữ khung trời về đêm, đến gương mặt cụ già, chàng thanh niên hay em bé đang ngủ yên giấc mộng thả hồn theo chú diều mà một thời họ đã và đang sống với nó (Cánh diều xanh). Sắc màu của bức chân dung vẽ một con mắt trầm buồn, con mắt kia hiện lên cổng thành Huế. Vẻ thầm lặng, nỗi cô liêu khắc khoải trên gương mặt ấy như luôn ước vọng hướng về nơi mảnh đất yêu thương của mình (Mắt người viễn xứ). Sắc màu của người con gái khẩy đàn, gợi ta liên tưởng đến bi kịch tình yêu của nàng Kiều mà trong lần tái ngộ với Kim Trọng, nàng đã đánh lại khúc đàn xưa (Cung cầm xưa). Sắc màu của cánh cửa cuối cùng chợt mở, như một nốt nhạc buông lơi giữa không gian để ngợi ca thiên nhiên và cuộc sống (Hoa xương rồng)…Có thể nói rằng, mỗi sắc màu trên tranh của Duy Ninh hôm nay, là mỗi góc của cuộc đời. Ở đó đều cất giấu nhiều tâm tư sâu lắng đầy khát vọng. Mỗi sắc màu trên tranh của anh đều mang niềm tâm sự trước cuộc sống, không chỉ với riêng anh mà nó là niềm tâm sự chung của mọi người”.

 

Trong tập sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy có đoạn viết: “Những thủ ấn họa đầy chất siêu thực của Nguyễn Duy Ninh tươi sáng hơn, nhưng rõ ràng là cũng hàm chứa những ray rứt của một tâm hồn đầy chiều sâu, giữa một thế giới tịch mịch và trầm lắng. Thông điệp của người nghệ sĩ trẻ Việt Nam gởi đến cho cuộc đời và thế giới, chính là những kêu đòi đổi mới và tái xây dựng trong yêu thương, hòa hợp và hy vọng”.

 

 Những năm gần đây, Duy Ninh sống và làm việc khá lặng lẽ. Dù vậy, hầu như ở các cuộc triển lãm toàn quốc hoặc các khu vực, địa phương, anh đều có tranh tham gia.

 

Là một trong những họa sĩ nhiều năm giữ vai trò trọng trách điều hành của phong trào mỹ thuật Đà Nẵng, Duy Ninh cũng thường có nhiều trăn trở về những hạn chế trong hoạt động này của thành phố. Anh nói: “Ngày nay trên thế giới, các viện bảo tàng, các nơi trưng bày triển lãm tác phẩm mỹ thuật, và hệ thống các gallery nghệ thuật là bộ mặt văn hóa, là niềm hãnh diện của các thành phố và đất nước họ. Tôi có thể khẳng định rằng, phòng triển lãm, viện bảo tàng mỹ thuật và hệ thống các gallery đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển sự nghiệp mỹ thuật tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, nhiều năm qua, Đà Nẵng chưa có một điểm giới thiệu tác phẩm mỹ thuật của hội viên phù hợp, như một điểm giao lưu nghệ thuật nắm vai trò chủ chốt trong việc định hướng sáng tác mỹ thuật. Nay được biết, thời gian đến thành phố sẽ dành đầu tư nhiều hơn về lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là Bảo tàng mỹ thuật. Tôi rất vui trước thông tin này. Tôi vẫn thường mong muốn, nếu có thể, thành phố nên phát triển du lịch theo hướng: Đà Nẵng là điểm đến của các Bảo tàng. Cụ thể, bên cạnh Bảo tàng Chăm, Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng chứng tích chiến tranh…, chúng ta cần có thêm Bảo tàng nghệ thuật Tuồng, Bảo tàng văn hóa biển, Bảo tàng đồ chơi trẻ em…”

 

 Trần Trung Sáng